Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

SỰ TÍCH VỀ CHIẾC XE ĐẠP CỦA NHÀ VĂN PHÙNG QUÁN

images

Mấy hôm nay đọc một số tác phẩm có nhắc đến nguồn gốc chiếc xe đạp của nhà văn Phùng Quán. Đó là các tác phẩm Ký ức vụnChuyên đời vớ vẩn của Nhà văn Nguyễn Quang Lập và Chuyện Phùng Quán đăng tải trên trang mạng của nhà thơ Ngô Minh.
Đây là một đoạn trong bài Sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán : “Đến chơi nhà Trần Dần, anh thấy có tờ họa báo Phụ nữ Liên Xô, vừa lật được vài trang thấy thông báo về thể lệ cuộc thi viết về Lê Nin. Ngó xuống phần giải thưởng , giải khuyến khích là đồng hồ báo thức, bút máy và một vài thứ khác. Lập tức anh về nhà viết ngay, quyết giành cho được cái giải khuyến khích. Chừng hai ngày anh viết xong cái truyện Như con cò vàng trong cổ tích. Tất nhiên anh không lấy tên thật.
Anh thư vào Nghệ An cho chú em họ đang làm công nhân lâm trường gì đấy, xin phép được lấy tên anh ấy. Sở dĩ anh lấy tên chú em họ , vì chuyện thi cử anh không dám mượn tên mấy ông bạn nhà văn anh vẫn mượn tên, hơn nữa, lấy tên một người thuộc giai cấp công nhân  chắc người ta sẽ ưu tiên hơn” (Trích Chuyện đời vớ vẩn, Tạp văn của Nguyễn Quang Lập). Còn theo nhà thơ Ngô Minh thì người mà Phùng Quán mượn tên không phải em họ mà là em vợ Phùng Quán, có tên là Vũ Quang Khải, công tác tại  một Lâm trường ở Nghệ An.
Phùng Quán đã gửi một truyện ngắn dự thi, chỉ mong được cái giải khuyến khích,  được cái đồng đồng hồ báo thức cho con ngủ dậy đúng giờ để đi học. Không ngờ, ông đã được giải Nhất, giải thưởng là chiếc “xe trâu”  – xe đạp thồ Liên Xô.
Là người có tham gia dự thi năm ấy và có được giải, được mời vào Đại sứ quán Liên Xô nhận giải , tôi xin được bổ sung thêm một số chi tiết.
Cuộc thi này do Hãng thông tấn Liên Xô Nô vôt xti tổ chức cho bạn đọc, bạn viết trong tất cả 12 nước Xã hội chủ nghĩa anh em lúc bấy giờ. Cuộc thi mang tên Sáng tác về đề tài Lê Nin và đất nước Liên bang Xô viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh V. Lê nin (1870- 1970) . Thông báo về cuộc thi được đăng tải trên Họa báo Liên Xô và báo Phụ nữ Liên Xô (cũng là báo ảnh, mà trước đây ta thường gọi là họa báo).Đây là 2 ấn phẩm của Liên Xô được lưu hành ở Việt Nam, nhưng cũng không phổ biến lắm (cán bộ cỡ như thế nào đó mới được đặt mua dài hạn, chứ không có bán ở thị trường) . Gửi bài dự thi cũng gửi về Ban Biên tập của Họa báo Liên Xô hoặc báo Phụ nữ Liên Xô.
Thể tài dự thi gồm Văn (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu), thơ (kể cả trường ca), nhạc (kể cả ca khúc và nhạc không lời), tranh và tượng, chủ yếu là ca ngợi Lê nin và cuộc sống tươi đẹp ở đất nước Liên Xô. Cuộc thi được phát động vào đầu năm 1969 và kết thúc vào đầu năm 1970. Tổ chức tổng kết và trao giải vào ngày 17.4.1970.
Giấy báo trúng giải và giấy mời nhận giải được gửi đến trước một tuần lễ.
Nhận được giấy mời vào Đại sứ quán Liên Xô nhận giải thưởng, hồi hộp và lo lắng suốt cả tuần liền. Lo nhất là kiếm đâu được bộ com lê . Vào Đai sứ quán của người ta cũng như sang đất nước của người ta rồi, ăn mặc lùi xùi sao được. Hồi ấy cả cơ quan hầu như chẳng ai có com lê (mỗi người một năm được phát 4 mét phiếu vải, đủ may một bộ quần áo mặc thường ngày, lấy đâu mà may com lê). Những người có được đi nước ngoài thì được đến kho của Bộ Tài chính mượn một bộ, khi về lại mang giả. Mượn mãi không được. Cũng may, hôm trao giải thời tiết mát mẻ, chỉ mặc áo sơ mi bỏ trong quần, chân diện đôi giày da, thế là lịch sự lắm rồi. Đến nơi, mới thấy mọi người cũng như mình, nhiều người còn đi dép cao su nữa chứ. Thế là an tâm.
Lễ trao giải diễn ra vào 19 h ngày 17.4.1970 tại Hội trường Câu lạc bộ của Đại sứ quán, có khỏang vài trăm người tới dự.  Có đại diện Bộ Văn hóa, một số nghệ sĩ (nghệ sĩ ngâm thơ, ca sĩ, nhạc công để trình bày tác phẩm được giải), các tác giả được giải, cùng cán bộ và nhân viên Đại sứ  quán, có cả ông Đại sứ  Sec ba cốp, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam.
Hồi ấy không kể văn thơ hay nhạc họa, tất cả các tác giả trúng giải được xếp vào 3 loại:
Loại A, có 3,4 người gì đó, (vì mỗi thể loại được một giải), giải thưởng là một chiêc xe đạp thồ Liên Xô. Chiếc xe đạp này khung bằng sắt, gióng to, rất thô và nặng, vì vậy mới gọi là “xe trâu”. Cỡ vành 680 hay 700 gì đấy nên rất cao (xe đạp Thống nhất của ta cỡ vành là 650), giá khoảng 300 đ, (giá vàng khoảng 70, 80 đ/chỉ, nhớ không chính xác lắm).  Đối với thời điểm đó thì đây cũng là một tài sản có giá trị.
Tôi được giải loại B (có 4,5 người đồng hạng), giải  thưởng là một chiếc đồng hồ đeo tay  Ra ket ta giá trị khoảng 50 – 60 đ gì đó (lương kỹ sư khởi điểm của tôi là 63 đ). Tác phẩm dự thi của tôi là một bài thơ có tên là Tôi đã gặp Lê nin, ca ngợi sự  nghiệp của Lê nin. Bài thơ này được nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết (Đài Tiếng nói Việt Nam) trình bày, sau đó có một phiên dịch người Nga dịch ra tiếng Nga. Còn sau này có được người Nga in lại trên các sách báo của họ hay không thì tôi không được biết.
Loại C, rất đông, giải thưởng là một bộ đĩa hát , cũng có thể là đồng hồ để bàn hay bút máy, tùy theo tác phẩm dự thi (đại khái giá trị vật chất chỉ khoảng 15 – 20đ). Ví dụ như Nhạc sĩ Hoàng Đạm, dự thi một ca khúc về Lê nin và được giải thưởng là một bộ đĩa hát. Sở dĩ nhớ trường hợp của Nhạc sĩ Hoàng Đạm vì hồi ấy ông đã nổi tiếng với ca khúc Thanh Hóa anh hùng, được phát trên đài luôn. Nhạc sĩ Hoàng Đạm lại là người duy nhất trong số những người được giải diện đủ bộ com lê ca vát đến nhận giải.
Tất cả các giải thưởng loại  B và C đều không thấy có giấy chứng nhận được giải . Riêng loại A cần phải có vì chiếc xe đạp phải đến cơ quan công an đăng ký xin biển số mới sử dụng được (như đăng ký xe máy bây giờ). Mà muốn đăng ký được ở cơ quan công an thì phải có giấy tờ, hồ sơ gốc.
Bây giờ nghĩ lại thấy giải thưởng thật buồn cười.  Nhưng hồi ấy những người được tặng cũng lấy làm hãnh diện  lắm, đi đâu cũng được bạn bè, người quen bắt tay chúc mừng và đòi “khao”.
Các tác phẩm thơ và ca khúc đoạt giải được chọn để trình bày tại chỗ. Các tác phẩm tranh tượng thì trưng bày xung quanh tường và trên lối đi. Truyện ngắn và kịch bản thì chỉ được đọc tên, chứ không có thời gian trình bày. Lễ phát thưởng và trình bày tác phẩm diễn ra khoảng 3 giờ từ 19h đến hơn 22h. Tất nhiên, nhà văn Phùng Quán phải chở người em vợ đến nhận giải hộ, còn bản thân mình thì phải đứng ngoài vỉa hè chờ suốt hơn ba giờ đồng hồ, chả trách ông sốt ruột là phải
.P1040299
Chuyện xẩy ra đến nay đã ngoài 40 năm, còn nhớ được gì thì ghi lại đây làm tư liệu. Chỉ tiếc rằng ngày ấy không biết có Nhà văn Phùng Quán cũng dự thi. Càng thương  cuộc đời Phùng Quán, viết văn mà không được lấy tên mình, lại phải nhờ người này người khác đứng tên. Thật đáng buồn cho một thời !
PDK
Ảnh trên :Một số giấy tờ còn giữ được của cuộc thi viết về Lê nin
(Xin mời đọc thêm bài :  Tôi đã từng nuôi mộng văn chương, trong mục VIẾT VỀ TÔI trong Blog này !)
*
Sau đây là hai bài thơ gây “tai nạn văn chương” cho Nhà văn Phùng Quán.
.
CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ
Những tên quan liêu Đảng đã phê bình trên báo
Và bao tên chưa ai biết, ai hay ?
Lớn bé nhỏ to, cao thấp béo gầy…
Chúng nảy nòi sinh sôi như giòi bọ
Khắp đất nước đâu đâu chẳng có
Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả
E phải nghìn số báo nhân dân.
.
Tôi đã dự những phiên tòa xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, chị gái
Còng lưng rỏ máu lấn vành đai !
.
Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết
Đảng cần lập những đội quân trừ diệt
- Có tôi ! Đi trong hàng ngũ tiền phong.
1956.
*
LỜI MẸ DẶN
Người làm xiếc đi trên dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật đến trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
1957












































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét