Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

TIẾN SĨ ĐINH CÔNG VĨ BẠN TÔI


TIN SĨ ĐINH CÔNG VĨ BN TÔI  
                                                                    Phan Duy Kha
Tiến sĩ Đinh Công Vĩ (phải) và Phan Duy Kha

Một ngày cuối năm 2019, TS. Đinh Công Vĩ bỗng nhiên gọi điện thoại cho tôi: “Tôi đang tập hợp các bài viết của bạn bè viết về mình để in một cuốn sách,coi như là một dịp để tổng kết cuộc đời. Ông viết cho tôi mấy dòng nhé. Dài ngắn gì cũng được. Tuổi của chúng mình bây giờ cũng đã 75 rồi, chảng biết các cụ gọi về lúc nào, cũng phải tổng kết dần đi là vừa...”
Lời của Đinh Công Vĩ nghe cứ gai gai cả người. Nhưng đó là sự thật.
Ngay từ đầu năm 2019 này, một số tên tuổi mà tôi từng quen biết và quý trọng như GS. Ngô Đức Thọ, Nhà thơ Mai Hồng Niên, Nhà sử học Bùi Thiết đã đột ngột ra đi. Trong số đó chỉ có GS. Ngô Đức Thọ là ngoài 80 tuổi, còn hai anh chỉ mới ngoài 75 thôi. “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” . Có gì thì phải làm dần đi là vừa. Ai mà biết trước được ngày mai ngày kia sẽ thế nào !
Đinh Công Vĩ  với tôi là bạn đồng tuế. (Hai người cùng sinh năm 1945, trong  hồ sơ giấy tờ ghi tôi sinh năm 1946 là đã khai rút đi một tuổi, sau này đành cứ phải theo thế, chẳng đính chính làm gì cho phiền phức). Cùng học hành, cùng lớn lên trong lòng chế độ, những cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu đều được hưởng đủ. Nhưng anh khác tôi. Trong khi tôi học xong cấp 3 là được vào đại học ngay. Học một mạch cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Còn anh thì chầy chật mãi. Một cậu học sinh có năng khiếu, đam mê văn chương, yêu sử sách mà sau khi tốt nghiệp phổ thông lại phải đi lao động chân tay đến 10 năm trời rồi mới được vào đại học chỉ vì những lý do không đâu.Chả là, trong lớp học, anh là người khỏe mạnh nhất. Một lần cả lớp đi lao động ngoài trời, mọi người xếp gạch vào một gánh nặng đến 70 cân để thách đố nhau. Không ai gánh nổi. Mọi người mới cá nhau: Ai gánh nổi thì được tôn làm vua, có quyền sai khiến mọi người. Đinh Công Vĩ gánh được. Anh vốn khỏe mạnh và lại quen lao động. Anh được cả lớp tôn làm “vua” , từ đó  anh thường xưng là Hoàng đế để sai khiến các “thần dân” là  bạn bè cùng lớp. Một câu chuyện ngày nay nghe đúng là trẻ con, nhưng ngày ấy lại bị quy là có tư tưởng phong kiến ăn trên ngồi trốc, áp bức quần chúng nhân dân (!) Nên nhớ là vào năm 1965, các học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3 thì được gọi đi bộ đội hoặc gọi thẳng vào đại học mà chẳng phải thi cử gì. Vậy mà Đinh Công Vĩ không được gọi đi bộ đội, cũng chẳng được gọi vào đại học. Hè năm ấy anh khăn gói lên nông trường  xin việc làm. Anh đã trải qua những công việc đồng áng như chăn bò, trồng khoai, trồng sắn. Rồi sau đó lại chuyển sang công trường xây dựng, làm đủ các công việc như  đội đất, gánh gạch, phu hồ... Ròng rã 10 năm như thế.
Mười năm chua ngọt sự đời
Mười năm tự nén, không rời văn chương
Văn phòng, nhà máy, công trường
Vữa vôi, mạt sắt, gió sương... tắm mình
                                 (Giấy báo đại học – Thơ Đinh Công Vĩ)
Nhưng ngọn lửa đam mê phấn đấu, học tập trong anh không bao giờ tắt. Ngày ngày lao động nặng nhọc để nuôi thân, đêm đêm bên ngọn đèn dầu lại giở từng trang sách, ấp ủ ước mơ vào đại học. Và cuối cùng, sau 10 năm, bằng cả quãng thời gian học hết chương trình phổ thông, anh đã thi đỗ vào khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn). Anh vào học cùng với lứa đàn em mà khi anh học lớp 10 thì họ mới vào lớp 1 !Học xong đại học anh được về Viện nghiên cứu Hán- Nôm.  Rồi anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Sử học. Đúng ngành nghề, đúng với sở thích nguyện vọng,  năng khiếu của anh càng được dịp tỏa sáng.
Tôi quen biết Đinh Công Vĩ khi anh đã là tác giả của một số đầu sách. Dạo ấy tôi cộng tác với nhiều tờ báo lắm. Nào Thế giới mới, Thế giới trong ta, Anh ninh thế giới, Khoa học và Đời sống, Xưa và Nay... Nhưng dù báo nào thì đề tài của tôi vẫn thường là lịch sử, mà lại là Nhìn lại lịch sử, tức là lấy tư duy trí tuệ của chúng ta ngày nay mà soi lại lịch sử, tìm ra những điểm mờ, những góc khuất, những điều chưa hợp lý trong sử sách xưa. Cách viết đó rất hợp với tư duy của TS. Đinh Công Vĩ,  và TS. Lã Duy Lan. Thế là các anh mời tôi tham gia in chung một cuốn sách nhan đề là Nhìn lại lịch sử (sách dày 1.130 trang in, Nxb Văn hóa- Thông tin, 2003). Chúng tôi quen nhau từ đó. Dù muộn mằn nhưng tình bạn đó đến nay cũng đã 20 năm rồi. Và tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi làm quen với Đinh Công Vĩ.
Dạo anh còn ở Ngõ chợ Khâm Thiên trong một con hẻm nhỏ, chúng tôi đến với nhau luôn. Nhưng sau này anh mua đất xây nhà rồi chuyển cả gia đình lên ngoại vi Thị xã Sơn Tây thì chúng tôi ít gặp nhau hơn.  Tuy ít gặp nhau nhưng chúng tôi luôn quan tâm đến nhau, hỏi han nhau công việc viết lách, hoàn cảnh gia đình.
Đinh Công vĩ là tác giả của những tác phẩm được nhiều người biết đến, được dư luận báo chí nhắc đến nhiều. Như : Thảm án các công thần khai qốc thời Lê, Các chuyện tình của vua chúa Hoàng tộc Việt Nam, Bên lề chính sử, Nguyễn Du đời và tình, Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn. Và gần đây là 2 cuốn sách dầy dặn, có thể xếp vào hàng “sách khủng”: Đó là các cuốn : Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam, sách dày 628 trang in (Nxb Phụ nữ , 2016) và cuốn Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt, sách dày ngót 1.000 trang in (Nxb Thanh niên, 2019). Thật là một bút lực dồi dào, sung mãn.
In được cuốn sách nào anh lại mang đên tặng tôi với lời đề tặng rất trân trọng, rất chí thiết.
Bên cạnh nghiên cứu lịch sử, Đinh Công Vĩ còn một mảng quan trọng nữa. Đó là sáng tác văn chương. Anh làm thơ từ thời còn đi học phổ thông. Thơ anh đa phần là thơ truyền thống: Lục bát, song thất lục bát, thơ Đường. Trường ca Nguyễn Du đời và tình được anh thai nghén từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, mãi 30 năm sau mới sửa chữa và xuất bản.
Anh sáng tác thơ tình, thơ vịnh sử, thơ xướng họa với các thi hữu trong nam ngoài bắc. Có thể nói, cả trên hai lĩnh vực văn và sử (Hay sáng tác và nghiên cứu) anh không coi trọng bên nào hơn bên nào, xứng đáng được bạn bè khen tặng:
Trí tuệ xứng danh nhà sử học
Tài hoa đáng mặt khách văn chương.
                                                            (Thơ Hoài Yên )
Hiện nay Đinh Công Vĩ đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản thơ văn Truyền thống và Hán Nôm. Một Câu lạc bộ có hàng ngàn Hội viên với nhiều chi hội  khắp trong nam ngoài bắc. Những lúc gặp gỡ bạn bè, trước đám đông lúc nào cũng thấy anh tất bật. Thế nhưng anh luôn là một người vui vẻ, hòa đồng, giản dị, chân thành, cởi mở... Anh là linh hồn của Câu lạc bộ.
Với tôi, anh là một người bạn chí tình, vô tư và trong sáng. Một tình bạn như thuở còn là học sinh.
                                                      Hà Nội tháng 12/2019
                                                                     PDK


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét