Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

SỰ KIỆN ĐẠO PHẬT TRUYỀN SANG NƯỚC TA ĐƯỢC GHI CHÉP TRONG NGỌC PHẢ HÙNG VƯƠNG

SỰ KIỆN ĐẠO PHẬT TRUYỀN SANG NƯỚC TA ĐƯỢC GHI CHÉP TRONG NGỌC PHẢ HÙNG VƯƠNG.
Phan Duy Kha
Ngọc phả Hùng Vương hiện lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ.
Tên đầy đủ là: Cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyện ( Ngọc phả cổ truyền về 18 đời vua Thánh triều Hùng nước Việt cổ). Gồm 21 tờ, 42 trang chữ Hán tổng cộng gần 10.000 chữ.
Do Nguyễn Cố, Hàn lâm viện trực học sĩ phụng soạn năm Hồng Đức nguyên niên (1470), Hàn lâm thị độc Nguyễn Trọng trùng đính vào ngày tốt tháng 10 mùa đông năm Canh Tý, Hoằng Định nguyên niên (1600). Lễ phiên Lê Đình Hoan thừa sao (không ghi năm thừa sao). Bản sao lưu tại nhà quan lang phụ đạo con cháu Hùng Vương cha truyền con nối là dân tạo lệ xã Nghĩa Cương và là Giám thôn Trung Nghĩa.
Ngọc phả Hùng Vương từ xưa đến nay chưa ai dịch toàn bộ, mà chỉ dịch từng đoạn để sử dụng trong các bài viết. Gần đây, GS Ngô Đức Thọ, chuyên gia Hán Nôm mới dịch trọn vẹn . Văn bản GS Ngô Đức Thọ dùng để dịch là một bản của Viện nghiên cứu Hán Nôm, được sao chụp lại từ cuốn Ngọc phả trên.

*
Trong kho tàng truyền thuyết của ta về thời Hùng Vương, ta thấy có truyền thuyết Chử Đồng Tử -Tiên Dung, trong đó có chi tiết Chử Đồng Tử đi tu đạo Phật rồi về truyền lại cho vợ. Trong các thư tịch cổ Trung Hoa, chúng ta cũng thấy các ghi chép về các tháp A dục do các cao tăng Ấn Độ trong đoàn truyền giáo “Như Lai sứ giả” để lại trên đất nước ta, vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, tương ứng với thời Hùng Vương. Trong Ngọc phả Hùng Vương, chúng ta cũng thấy ghi chép về sự kiện này. Đó là vào thời vua Hùng thứ 7, Hùng Chiêu Vương. Câu chuyện được Ngọc phả ghi lại như sau:
“Thái tử là Hùng Chiêu Vương nối ngôi kế thừa đại thống. Vua cố gắng chuyên tinh chính trị, sau khi được kế thừa thanh thế đánh giặc vang lừng của vua cha (tức sự kiện Thánh Gióng đánh giặc Ân thời Hùng Vương thứ 6) bèn cho cất cung khóa giáp, tỏ ý không dùng binh nữa, chỉ lo an dưỡng muôn dân, sửa sang giáo hóa… Từ đó vua kính sùng thiên đạo, kính thờ quỷ thần, phàm các nơi trên núi, dưới biển ở đâu có hiển ứng linh thiêng đều sai trăm quan văn võ đến xây cất miếu điện, họa vẽ thánh tượng thành tâm phụng thờ. Vua bèn ngự điện Kính Thiên (tức nay là đền Thượng- PDK chú), cho xây cất Dao Đài ngọc khuyết, tô vẽ cung tường, trang hoàng miếu vũ, bố trí nghi vệ nhất nhất trang nghiêm. Các đồ tế khí cũng cho vẽ rồng mây, ngày đêm đèn hương không ngớt. Hàng tháng cứ ngày sóc (mồng một) vọng (rằm) vua đều trai giới lên ngự điện coi chầu”
Với một ông vua sùng đạo, chuộng sự thờ phụng như vậy, thì việc đạo Phật được truyền vào nước ta dưới thời vua trị vì là điều dễ hiểu. Ngọc phả ghi tiếp: “Bên cạnh điện từ xưa có một ngôi chùa, nguyên là nơi khi xưa Thánh Thượng thường đến tu luyện thân tâm, chế thuốc linh đan hiệu dụng nhiệm màu, nhờ đó đắc pháp thành Tiên, hóa sinh bất diệt, giữa thanh thiên bạch nhật bay lên trời, về sau phát tích tại chùa này”. Đây là đoạn văn mô tả về chùa Thiên Quang thiền tự, nay ở cạnh đền Hạ trong quần thể di tích Đền Hùng. Rõ ràng thuở ban đầu đây là nơi tu đạo thần tiên của các triều trước., chứ chưa phải đạo Phật . Đến đời vua Hùng Chiêu Vương mới trở thành chùa thờ Phật. Ngọc phả viết tiếp: “Nay Hùng Chiêu Vương cũng đến ngự ở chùa ấy, truyền cho bách quan tả hữu tu sửa trong chùa, cả bốn vách chùa đều cho vẽ các ảnh tượng màu sắc huy hoàng, xung quanh chùa trồng cây, trồng hoa làm phong cảnh. Nền móng đã thành, bèn truyền hịch cho các châu huyện nơi nào có tăng ni, đạo sĩ đến hội đồng làm lễ thì được cấp phát áo mũ, tụ hội đạo chúng để thuyết pháp, giảng giải chân kinh, khai mở nguồn đạo. Đạo chúng dâng cúng hương hoa, bốn mùa thơm phức. Hùng Chiêu Vương lại sai quần thần mồng một và ngày rằm dâng lễ chay (trai lễ), hai ban văn võ đứng chầu nghiêm trang, vua kính cẩn đọc sớ dâng quả”. Chính ở chùa này, vua Hùng đã được gặp Phật, trong lốt một lão ông. “Ta là thần miền Tây Vực, cư trú ở Biển Giác, chu du trên thuyền Bát nhã (Trí tuệ), không nhiễm lòng trần. Nay ta đang đi phơi thuốc ở đường đến Niết Bàn, thấy nơi đây dân chúng lòng thành cảm cách, râm ran tiếng cầu kinh xướng kệ, cho nên ta cảm ứng mà đến đây. Vua mừng thầm: “Nhân tâm thành ý, thiên ý tất thông”.
Qua đoạn văn mô tả trên ta thấy Lão ông chính là một nhà sư, còn nhà vua chính là một Phật tử đã giác ngộ theo con đường tu hành của đạo Phật.Cuộc gặp gỡ giữa nhà sư và nhà vua xẩy ra tại Thiên Quang thiền tự, ngôi chùa ấy nằm cạnh đền Hạ trong quần thể di tích đền Hùng ngày nay. Qua sự kiện trên, ta cũng thấy, trước thời vua Hùng Chiêu Vương, ngôi chùa Thiên Quang này đã có, tuy nhiên lúc ấy chưa thờ Phật. Phải đến thời Hùng Vương thứ 7, Hùng Chiêu Vương, đây mới trở thành ngôi chùa thờ Phật. Đấy chính là lúc đạo Phật được truyền vào nước ta mà truyền thuyết cũng như sử sách đã xác nhận như đã được nêu ở đầu bài.. Và, chúng tôi đồng tình với quan điểm của GS Ngô Đức Thọ, người đầu tiên dịch toàn văn Ngọc phả Hùng Vương: “ Trong cuộc đi như hành trình của chàng Ô đi xê đi tìm dân tộc mình, rải rác ta có thể nhận ra những điều tưởng như hoang đường lại được xác nhận ở một nguồn tin độc lập nào đó” (Lời người dịch). Sự kiện đạo Phật được truyền sang nước ta từ thời Hùng Vương được ghi trong Ngọc phả Hùng Vương đã được xác nhận bởi những nguồn tin độc lập như vậy . / .
PDK.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét