Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

BÍ ẨN CUỘC ĐỜI DANH TƯỚNG TÂY SƠN VŨ VĂN DUNG

Chiêu Viễn Đại tướng quân Vũ Văn Dũng là danh tướng của triều Tây Sơn, cũng như nhiều danh tướng Tây Sơn khác, hiện nay quê hương gốc tích của ông ở đâu còn là vấn đề tranh cãi. Người thì cho rằng quê ông ở Bình Định, người lại nói quê ông ở Hải Dương. Vậy rốt cuộc quê ông ở đâu? Bài viết này chỉ mong đóng góp một phần nhỏ trong việc tìm hiểu quê hương gốc tích của Vũ Văn Dũng.
1. Vũ Văn Dũng quê ở Hải Dương.
Tài liệu quan trọng cho biết rõ quê Vũ Văn Dũng ở Hải Dương, đó là gia phả họ Vũ do Vũ Vĩnh Thứ, cháu ba đời của Vũ Văn Dũng soạn vào năm Tự Đức thứ 22 (1870), trong đó đoạn chép: “Vào ngày Rằm tháng 4 năm Quang Trung thứ 4 (1791) , nhà vua có phái người đi từ Phượng Hoàng trung đô ở Nghệ An đem sắc lệnh sau đây ra cho Đại Đô đốc Vũ Quốc công đang nghỉ giả hạn ở nhà: “

Sắc sai Chiêu Viễn Đại Đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần Vũ quốc công Vũ Văn Dũng được tiến phong làm chức Chánh sứ đi qua Tàu, kiêm toàn quyền trong việc tâu thưa xin lại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây để dò ý và cầu hôn một vị công chúa để chọc giận. Cẩn thận đấy! Hình thể dụng binh đều do nơi chuyến đi này cả.. Một ngày kia người đi tiên phong chính là khanh đó. Kính thay lời sắc sai này.
Ngày Rằm tháng 4, năm Quang Trung thứ 4 (1791)
Tài liệu này được Hoa Bằng dẫn lại trong cuốn sách nghiên cứu về Quang Trung của ông, cuốn Quang Trung anh hung dân tộc (Hoa Tiên tái bản, Sài Gòn 1974). Sau này nhiều người cũng trích dẫn tài liệu này và cho rằng, đây là căn cứ duy nhất nói rằng Vũ Văn Dũng quê ở Hải Dương. Trong cuốn sách Nguyễn Huệ- Phú Xuân (Nhiều tác giả, Nxb Thuận Hóa, 1986) tác giả Phan Thuận An, sau khi trích dẫn tài liệu này cũng cho rằng “Trên đây là nguồn tài liệu thứ nhất và cũng là tư liệu duy nhất cho rằng, Vũ Văn Dũng là người tỉnh Hải Dương” (Sdd, tr.153)
Trước hết, theo chúng tôi, đây là một tài liệu rất quý (nhưng không phải là duy nhất) cho ta biết gốc tích của Vũ Văn Dũng. Điều đặc biệt là, tư liệu này rất phù hợp với những nội dung ghi chép của Hoàng Lê nhất thống chí (HLNTC), về sự kiện VVD được cử làm chánh sứ qua Tàu: “Lại nói, vua Quang Trung sau khi quyết định việc đánh Trung Quốc, bèn sai bề tôi là Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh, dâng biểu cầu hôn và đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Điều đó không phải là bản tâm của vua Quang Trung , chẳng qua muốn thử xem ý nhà Thanh ra sao mà thôi. Nhưng vừa lúc ấy thì vua Quang Trung mất, việc cầu hôn và việc đòi đất không thấu đến triều đình Trung Quốc, nên vua Thanh cũng không biết” (HLNTC)
Việc ghi chép thống nhất giữa hai nguồn tư liệu như thế, cho phép chúng ta tin rằng, gia phả họ Vũ ở Hải Dương do Vũ Vinh Thứ chép là đáng tin cậy. Tuy nhiên, đây không phải là “căn cứ duy nhất” như một số nhà nghiên cứu nhận định. Còn một số sử sách đương thời ghi chép về gốc tích VVD , và đều cho rằng ông quê ở Hải Dương. Trong tác phẩm Lê Triều dã sử (Khuyết danh, do Nguyễn Huy Thức và Lê Văn Bảy dịch, Nxb Văn hóa- Thông tin, 2006) cũng có một đoạn ghi về sự kiện đi sứ này , và cũng nói rõ, VVD quê ở Thanh Miện, Hải Dương. Sách viết: “Trước đó, Quang Trung sai Dũng Phái Chiêu Viễn Đại Tướng quân người làng Thanh Miện sang sứ Càn Long , trong đó trình bày ba việc: Một là cầu hôn công chúa, hai là đòi trả lại đất Lưỡng Quang, ba là xin thả Chiêu Thống về nước. (Sdd, tr.121)
Trong tác phẩm Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng (tập 3, Nxb Khoa học Xã hội, 1995) có ghi: “Bọn lưu giữ Thăng Long là Phan Văn Lân và Nguyễn Văn Danh vâng lệnh chọn cử bọn võ quan trong thành là Chiêu Viễn Đại tướng quân Vũ Hữu Dũng, người Hải Dương, văn quan là Ngự sử Phan Huy Ích lên cửa quan Lạng Sơn chờ nghênh tiếp các Đại viên công quán của Thiên triều” (sdd, tr.628). Ở đây sách ghi là Vũ Hữu Dũng chứ không phải Vũ Văn Dũng , nhưng với tước danh và chức vụ Chiêu Viễn Đại tướng quân, thì người được nhắc đến ở đây là Vũ Văn Dũng chứ không phải ai khác.
Nhưng có lẽ tư liệu sau đây mới là đáng tin cậy nhất. Đó là tác phẩm Lê quý kỷ sự của Nguyễn Thu (do Hoa Bằng dịch, Nxb Khoa học Xã hội, 1974). Sách viết: “Nguyễn Huệ sai Chiêu Viễn Đại tướng quân tên là Dũng ở lại đóng quân ở Bố Chính ngoại châu, còn Huệ kéo quân qua sông về Nam. Dũng người Hải Dương, ngày trước theo Đại tướng quân Quận Tạo (tức Phạm Ngô Cầu) vào lưu thủ ở Thuận Hóa. Quận Tạo sai Dũng đi Quy Nhơn để dụ Nguyễn Hữu Chỉnh quay về với cố quốc nhưng Dũng lại tiết lộ tình hình quân sự với giặc. Việc bị phát giác, Dũng bị quận Tạo bỏ tù. Khi thành Phú Xuân bị phá, Huệ thả Dũng ra khỏi nhà lao, dung làm Chiêu Viễn Đại tướng quân. Đến đây, Huệ sai Dũng ở lại Bố Chính ngoại châu, trưng mộ quân lính trong châu, đóng đồn ở Phổ Ngõa, còn Huệ, kéo hết quân qua La Hà về Nam” (Sdd, tr.53). Đây là tài liệu rõ rang nhất, cụ thể nhất cho ta biết gốc tích của Vũ Văn Dũng cũng như giải thích lý do vì sao ông là tướng nhà Lê Trịnh mà lại theo nhà Tây Sơn. Tài liệu này cũng giải thích cho ta biết vì sao ông lại có tước danh Chiêu Viễn (Mời gọi từ xa) mà Nguyễn Huệ phong tặng cho ông. Tài liệu này cũng cho ta biết cụ thể thời điểm mà VVD theo nhà Tây Sơn, đó là khi Nguyễn Huệ giải phóng thành Phú Xuân (5.1786) .
Điều chắc chắn là cả 4 tài liệu trên đây đều ghi rất chính xác cả chức vụ và tước danh của ông : Chiêu Viễn Đại tướng quân. Đó là chức vụ và tước danh của Vũ Văn Dũng chứ không phải của ai khác.. Tác giả Tạ Chí Đại Trường trong tác phẩm Việt Nam thời Tây Sơn, lịch sử cuộc nội chiến (Nxb Công an Nhân dân, 2007) có đưa ra nhận định tương đối chính xác : “Lại cũng là chuyện bình thường của thời thế, nhóm quan quân đầu hang, tù binh kia của Trịnh đi qua phía Nguyễn Ánh , vẫn còn một bộ phận ở lại phía Tây Sơn, trong đó hẳn có Vũ Văn Dũng” (sdd, tr.474). Gần đúng như thế. Chỉ có điều Vũ Văn Dũng không phải là tù binh mà ông đã tự nguyện cộng tác với nhà Tây Sơn từ những ngày Tây Sơn còn giữ quan hệ “ngoại giao” với triều đình Lê- Trịnh.(Chính Nguyễn Nhạc đã từng nhận chức tước của triều đình Lê- Trịnh làm Tráng Tiết tướng quân Tây Sơn trưởng hiệu và đã nhiều lần cử sứ giả đến Phú Xuân giao thiệp với Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Ngô Cầu (Theo Đại Việt sử ký tục biên)
2.Võ Văn Dũng quê ở Bình Định
Có một điều cần nhấn mạnh trước là, những tài liệu nói Võ Văn Dũng quê ở Bình Định đều ghi ông họ Võ (Võ, chứ không phải Vũ, mặc dù Võ hay Vũ cách viết chữ Hán cũng như nhau)
Có một số nguồn tài liệu nói rằng, Võ Văn Dũng quê ở Bình Định, cụ thể là ở thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Bình Khê. Trong Tây Sơn – Nguyễn Huệ, kỷ yếu Hội nghị nghiên cứu phong trào Tây Sơn và anh hùng Nguyễn Huệ (Ty VHTT Nghĩa Bình, 1978) cho biết: Dòng họ Võ còn nhà thờ ở thôn Phú Mỹ với bức biển “Võ từ đường” khảm trai và bài vị Võ Văn Dũng. Gia phả họ Võ mới biên soạn gần đây trên cơ sở giấy tờ cũ, ghi rõ các thế hệ, trong đó Võ Văn Dũng đời thứ 4 (sdd, tr.53)
Trong tác phẩm Nhà Tây Sơn (Quách Tấn, Quách Giao, Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988) cũng cho biết Võ Văn Dũng quê ở Bình Định. Là người cùng quê với anh em Tây Sơn, nên ông tham gia phong trào ngay từ đầu, là một trong “Tây Sơn thất hổ tướng (Bảy hổ tướng nhà Tây Sơn: Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc).Đặc biệt, tác phẩm này còn cho ta biết, Võ Văn Dũng không chết dưới lưỡi gươm trả thù của vua Gia Long mà sau khi bị bắt, ông đã trốn được về quê nhà, rồi lên Núi Xanh ở ẩn, đổi tên là Võ Văn Độ. Ông sống trên 90 tuổi và mất dưới đời vua Thiệu Trị. Mãi đến năm Đồng Khánh, Thành Thái (1885- 1907), con cháu mới đem hài cốt của ông về quê nhà!
Về các tài liệu nói Võ Văn Dũng quê ở Bình Định, chúng tôi nhận thấy:
Một là, đây là những tài liệu mới được ghi chép gần đây. Gia phả họ Võ cũng mới được biên soạn trên cơ sở “giấy tờ cũ”. Giấy tờ cũ ở đây là giấy tờ gì, tài liệu không cho biết. Như vậy, mức độ tin cậy của cuốn gia phả đó là rất thấp.
Hai là, trong gia phả họ Võ cũng như trong tác phẩm Nhà Tây Sơn của Quách Tấn, Quách Giao các tác giả không hề ghi được tước danh của Võ Văn Dũng là Chiêu Viễn, một điều rất quan trọng để chứng tỏ ông là Vũ Văn Dũng chứ không phải là một người nào khác trùng tên.
Ba là, Vũ Văn Dũng là một nhân vật quan trọng số hai sau Trần Quang Diệu. Hẳn là việc giam giữ và dẫn giải đối với người tù này sẽ được áp dụng với một chế độ đặc biệt. Trong hoàn cảnh đó, làm sao VVD có thể vượt ngục và trốn thoát được? Và nếu ông trốn thoát được thì sẽ bị truy nã đến cùng (để đề phòng hậu họa). Vì vậy nói rằng ông trốn thoát được rồi lên núi sống đến 90 tuổi là không thể tin được.
Mặt khác, việc VVD bị bắt ở Thanh Hóa và bị nhà Nguyễn “xử trị hết phép” trong lễ “Hiến phù” diễn ra vào thang11 (1802) đã được sử nhà Nguyễn ghi chép lại đầy đủ: “Còn bọn đồ đảng là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đều bị xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người đều biết” . Trong chiếu Bố cáo thiên hạ về việc này cũng nói rất cụ thể: “Ngày mồng 6 tháng này (tức tháng 11) tế cáo trời đất. Ngày mồng 7 yết tế Thái miếu, làm lễ Hiến phù, bọn Nguyễn Quang Toản và ngụy Thái tể Quang Duy, Nguyên súy Quang Thiệu, Đốc trấn Quang Bàn, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Vũ Văn Dũng , Tư mã Nguyễn Văn Tứ, Đổng lý Nguyễn Văn Thận, Đô ngu Nguyễn Văn Giáp, Thống tướng Lê Văn Hưng cùng với bè lũ đầu sỏ đều đã bắt giam, đều đem giết cả, bêu đầu bảo cho dân chúng” (Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, tập 1, tr.532, 533)
Xem thế thì thấy rằng, chuyện VVD bị bắt rồi vượt ngục, trốn lên núi Xanh, sống đến ngoài 90 tuổi chỉ là chuyện hoang đường.Nhưng sự kiện có một tướng Tây Sơn tên là Võ Văn Dũng (Độ), trốn thoát rồi lên núi Xanh sống ẩn dật lại có thể là có thật. (vì có chuyện con cháu chuyển hài cốt). Chúng tôi cho rằng có một ông Võ Văn Dũng trùng tên quê ở Bình Định. Vì cùng quê với anh em Tây Sơn nên ông tham gia phong trào từ rất sớm. Tuy nhiên, vai trò của ông đối với nhà Tây Sơn không lớn lắm. Sau khi nhà Tây Sơn mất, vì là tướng nhỏ, không có vai trò gì đặc biệt vua quan nhà Nguyễn không chú tâm lắm nên ông đã trốn thoát được và sống cho đến già trên núi Xanh, như tài liệu của các ông Quách Tấn, Quách Giao đã cho biết. Còn danh tướng Tây Sơn Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng thì đã bị bắt, bị hành hình vào tháng11 năm 1802. Ông quê ở Thanh Miện, Hải Dương như nhiều tài liệu, sử sách cùng thời, đáng tin cậy đã cho biết.
Có một điều đáng lưu ý là : Trong tác phẩm Nhà Tây Sơn, hai ông Quách Tấn, Quách Giao đã đề cập đến rất nhiều vị tướng lĩnh tài ba, nổi tiếng, có vai trò rất quan trọng đối với nhà Tây Sơn như Võ Đình Tú, Đặng Xuân Phong, Lê Sỹ Hoàng, Đặng Cần Chánh, Nguyễn Quang Huy… chúng tôi đã tìm nhiều tài liệu ghi chép cùng thời nhưng không tìm thấy tên tuổi của những vị tướng này. Có lẽ đây là những nhân vật sưu tầm được trong dân gian ở một địa phương, được dân gian vùng Bình Định đồn thổi lên , có thể không có thật hoặc có một phần nhỏ sự thật. Trường hợp tướng Võ Văn Dũng (Độ) đề cập trong cuốn sách này cũng nằm trong số đó.
Có một điều thú vị là, ngày trước mỗi một vị tướng đều sở trường về một loại vũ khí. Theo các tác giả Nhà Tây Sơn cho biết thì tướng Võ Văn Dũng (Độ) sở trường về trường kiếm và đoản đao.. Tuy nhiên theo tập Hồi ký Biên niên sự vụ do Nguyễn Đức Xuyên, tướng nhà Nguyễn, đã từng gặp gỡ và đấu võ với tướng Vũ Văn Dũng cho biết thì ông lại sở trường về CÔN. (Theo Nghiên cứu Huế, tập 1-5, Trung tâm nghiên cứu Huế 1998 – 2003, do Trần Đại Vinh dịch và chú giải). Điều đó cho ta củng cố them nhận định, đây là hai nhân vật khác nhau.
Phan Duy Kha
(Bài đã đăng trên Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 84/2007)
Nguyễn Văn Anh và vợ
VŨ VĂN DŨNG 1788-1801 là ông con rể làng tui,làng LA CHỮ,Hương Trà ,Thừa Thiên. Ngài từng đóng đại bản doanh nơi đất”công dinh”của làng,phía sau lưng chùa La Chữ.Chỗ đất này,gần hai trăm năm sau, vào thời cụ Diệm người ta xây trường tiểu học Hương Chữ nơi thời thơ dại tôi đã học. Vc ngài từng phụng cúng cho chùa cái chuông vào năm Tân Hợi 1791.Khi Gia Long lên ngôi,cái chuông được dân làng đem giấu xuống giếng,nhờ vậy nay vẫn còn.Có điều năm Mậu Thân 1968 có bị mẻ và lủng mấy lỗ do bom đạn.Vợ ngài là cô gái đẹp trong làng ,tên LÊ THỊ VI,con của ông LÊ CÔNG HỌC. Cách một con hói nhỏ thì bên kia là làng Phụ Ổ,quê ngoại tui,lên chút nữa là làng Hạ Lang,tại đây có bãi đất rộng,từng là trường luyện voi chiến của nữ tướng Bùi Thị Xuân…Hồi nhỏ tui có nghe ba tui dạy rứa đó. Hiện nay trong chùa làng vẫn còn bài vị thờ Vc ngài Vũ văn Dũng và thờ nữ tưỡng Bùi Thị Xuân .
Năm rồi,nghe nói huyện Hương Trà đã thành thị xã,Hương chữ thì thành phường và làng La Chữ đã mất tên,chỉ còn là cụm,là tổ chi đó.Đất lên giá và mãnh vườn hương hỏa của nhà tui ở xóm Rột cũng mất luôn…
Không bui mà cũng nỏ buồn
Dòm qua thế sự một tuồng cẩu vân
Mơ xa rồi lại nghĩ gần
Chỉ cầu quốc thái để dân được nhờ…

 Tui thiển nghĩ,chắc ngài cũngbị xử cùng các tướng Tây Sơn cùng lúc tại CỐNG CHÉM ,nơi gần Triều Tây và phía bắc An Hòa. Lạy ơn trên,khi mô rẻng,có thì giờ thì tui sẽ “tán tụng” thêm về :
-Câu phương ngôn : Chình ình như cái cột đình LA CHỮ
– Chuyện ngài Hà công,người làng tui đã từng tuyển binh và vận chuyển lương thực từ làng tui ra Lam sơn giúp LÊ LỢI đánh giặc Minh .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét