Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

CỐ ĐÔ NGÀN HỐNG MỞ ĐẦU THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC

 
NHÂN NHÀ SỬ HỌC BÙI THIẾT CÓ TẶNG TÔI CUỐN "VIỆT THƯỜNG THỊ" (Phát hiện về nhà nước cổ đại sớm nhất trong lịch sử Việt Nam), Phan Duy Kha xin giới thiệu một bài viết cách đây trên 20 năm, sau đó đã in lại trong cuốn NHÌN VỀ THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG (2009) như một tiếng nói đồng tình với quan điểm của Nhà sử học Bùi Thiết. 
Cho đến nay, thời kỳ Hùng Vương được các nhà sử học khẳng định là thời kỳ có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, không có một tư liệu thành văn nào ghi chép về thời kỳ này cho nên chúng ta tạm bằng lòng với việc “dựng” lại lịch sử bằng các truyền thuyết dân gian , dân tộc học, ngôn ngữ học, địa phương học, . . kết hợp với kết quả của ngành Khảo cổ học. Vì vậy, nếu đề cập tới thời kỳ Tiền Hùng Vương thì còn khó khăn gấp bội phần. Tuy nhiên, chúng ta cắt nghĩa thế nào về những ghi chép của các sử gia Trung Hoa về một đất nước Việt Thường xuất hiện rất lâu trước thời kỳ Hùng Vương ? Chúng ta cắt nghĩa thế nào về một cố đô Ngàn Hống xuất hiện trước khi có Kinh đô Văn Lang, nhất là khi những ghi chép đó lại xuất hiện trong Ngọc phả Hùng Vương, như một sự truy niệm về kinh đô cũ ? Xin cung cấp cho các nhà nghiên cứu và  bạn đọc hai tư liệu trên.

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

GIẢ THUYẾT VỀ SỰ TỒN TẠI CỦA QUỐC GIA VIỆT THƯỜNG TRONG BUỔI ĐẦU DỰNG NƯỚC


KS. PHAN DUY KHA

“Đời Đào Đường, Nam di có Việt Thường thị (VTT) qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thẩn. Rùa được nghìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa” (Sách Thông Chí -Trịnh Tiêu đời Tống).
Bùi Dương Lịch (1757 – 1828) – một nhà thơ, đồng thời là nhà biên khảo lịch sử. Ông đỗ Hoàng giáp khoa thi cuối cùng của triều Lê (1787). Tác phẩm của ông để lại cho đời rất nhiều, trong đó có cuốn Nghệ An ký. Đây là một cuốn địa chí viết về địa phương tương đối kỹ. Trong tác phẩm này Bùi Dương Lịch cố gắng chứng minh rằng đã từng tồn tại một “quốc gia” Việt Thường trong lịch sử. Ông cũng đã có công xác định giới hạn địa lý của quốc gia nói trên. Chúng tôi không có tham vọng chứng minh tiếp nối những luận điểm về “quốc gia” Việt Thường của ông. Ở đây, chỉ xin được nêu một số nét về vùng đất mà trên đó tộc người Việt Thường xưa đã từng sinh sống.