Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

ĐỌC "CẢM NHẬN VÀ LẮNG ĐỌNG"

ĐỌC CẢM NHẬN VÀ LẮNG ĐỌNG
Ho Sy Hau va Phan Duy Kha
          Phan Duy Kha đưa tôi tập bản thảo cuốn sách mang tựa đề Cảm nhận và lắng đọng. Đây là cuốn thứ sáu của anh. Sau những cuốn dày dặn, trong đó có những cuốn có thể coi là để đời như: Lịch sử và Ngộ nhận (NXB Từ điển Bách khoa-2008), Nhìn về thời đại Hùng Vương (NXB Lao động- 2009), Từ Điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng hành dinh thời đại Hồ Chí Minh (NXB Dân trí-2010), thì đây là cuốn sách nhỏ xinh. Anh gom vào đây những bài anh viết về “Những người mà tôi từng biết và quý trọng”- như anh nói, và cả vài bài người ta viết về anh hoặc về tác phẩm của anh. Từ cái gom góp giản dị này, có thể thấy một con người PHAN DUY KHA
          Tôi may mắn học cùng lớp Trắc địa K9 với Phan Duy Kha ở Khoa Mỏ, trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1964 (Đến năm 1966 thì tách ra thành trường Đại học Mỏ – Địa chất). Hồi trường sơ tán lên Lạng Sơn, lớp phân công từng nhóm ở chung một lán. Lán chúng tôi có bốn người: Hùng, Thắng, Kha, Hậu. Giờ Hùng đã thành người thiên cổ, còn lại ba anh em: Thắng, Kha ,Hậu. Rất tình cờ, sau khi nghỉ hưu, cả ba đều chuyển sang viết lách: Thắng là một cây bút thơ của tỉnh Nam Định, Kha nghiên cứu lịch sử, còn tôi thì tìm đam mê trong viết văn.
          So với tôi và Thắng, Kha có những thành công dày dặn hơn. Một số cuốn sách của anh đã có mặt ở một số thư viện lớn của nước ngoài. Thời sinh viên, tôi nghĩ sau này Kha sẽ trở thành nhà thơ, vì ngay từ năm thứ hai, anh đã có thơ đăng trên báo Quân đội Nhân dân, đăng trên trang nhất hẳn hoi. Trong những sự kiện của lớp, anh thường đọc thơ của mình cho các bạn nghe. Đó là những bài thơ có chiều sâu, nên tôi rất nhớ. Ví như trong buổi chia tay tiễn chúng tôi vào bộ đội, anh đã đọc những vần thơ rất cảm động:
Mấy năm qua, từng tên đất tên người
Bỗng trở thành nhà ga ký ức
Tiếp tiếp nối nhau bằng đường tàu rạo rực
Trên đó đi về những kỷ niệm riêng chung…
Đời sinh viên chúng tôi hồi ấy mấy lần phải thay đổi nơi sơ tán. Ngay cả thực tập ở mỏ than Động Đỏ, Hương Khê, Hà Tĩnh, cũng là một chuyến đi và làm việc dưới tầm đánh phá gắt gao của máy bay địch, nên mỗi tên đất tên người đều trở thành “nhà ga ký ức”. Mấy câu thơ của Kha cứ theo tôi suốt những dặm đường khói lửa khi làm tuyến đường ống vượt Trường Sơn, để rồi nó bước vào cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi rất tự nhiên. Kha cảm động về cái “trí nhớ” đó khi anh viết bài giới thiệu tác phẩm Dòng sông mang lửa của tôi.
Nhưng rồi Kha đã không theo đuổi thơ phú, mặc dù anh đã từng được giải cùng nhà văn Phùng Quán trong cuộc thi viết về Lê Nin do Đại sứ quán Liên xô tổ chức nhân  kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lê Nin (1870-1970), để rồi anh viết nên câu chuyện “Sự tích chiếc xe đạp của nhà văn Phùng Quán”. Sau này, khi biết Kha gặt hái nhiều thành công về lịch sử, lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên, nhưng sau đó tự lý giải được ngay: Phan Duy Kha có năng khiếu làm thơ, nhưng cảm hứng thơ của anh lại không bay bổng theo cách mà hồi xưa chúng tôi hay gọi là “tình tứ ngũ lục”, mà là sự chiêm nghiệm trầm lắng của một ông Đồ Nghệ. Lịch sử là một ngành khoa học màu mỡ để những chiêm nghiệm như vậy đâm hoa kết trái. Sẽ càng dễ giải thích hơn khi biết từ xưa anh đã đam mê lịch sử, và hơn thế, anh sinh ra từ đất Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, nơi có ngọn núi Cài. Nếu lấy núi Cài làm tâm thì trong vòng 3 km bán kính, vùng đất này đậm đặc danh nho khoa bảng, đến nỗi người xưa từng nói: “Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc” (Bút tốt thì ở ngõ Cấm Chỉ kinh thành Thăng Long, còn kẻ sĩ đỗ đạt nhiều thì ở Thiên Lộc. Thiên Lộc là tên của huyện Can Lộc thời Lê).
Lịch sử là một lãnh địa không phải ai bước vào cũng thành công, và ở thời nay càng khó lập danh trên lãnh địa này. Rất dễ hiểu: Các bạn trẻ ít quan tâm đến lịch sử. Người quan tâm thì thường quan sát theo thiên kiến của mình vì quan điểm riêng, vì chính trị, vì sự hiểu biết và vì nhiều lý do khác nữa. Vậy mà Phan Duy Kha vẫn dấn thân và có một số thành công có thể gọi là đáng nể. Cái đáng nể nhất là sự độc lập trong suy nghĩ. Độc lập theo những lập luận khoa học chứ không phải cực đoan theo những quan điểm định sẵn của cá nhân. Một cuốn sách, một bài viết, “Trong hàng ngàn người đọc, chỉ cần đôi ba người hiểu được điều mình muốn gửi gắm, tâm huyết với điều tác giả từng tâm huyết, như thế cũng đã là hạnh phúc lắm rồi” (Những cuốn sách của tôi). Sự độc lập đó có lẽ bắt nguồn từ “tay ngang”. Anh tâm sự: “Giờ nghĩ lại, thấy thế cũng có cái hay vì nếu học trong môi trường sử học chính quy, chắc tôi sẽ bị ảnh hưởng  của người này, người khác chứ không có sự độc lập như bây giờ”. Tự tin về những nghiên cứu của mình, nhưng cũng rất thận trọng và khiêm nhường. Trong lời tựa cuốn sách “Nhìn về thời đại Hùng Vương”, anh bộc bạch: “Cách hiểu của tôi có thể đúng, có thể chưa đúng, cần phải trao đổi thêm. Nhưng đây là tấm lòng của một con dân đất Việt trước ân đức khai sông mở núi của các bậc tiền nhân”. Tôi thực sự hứng thú trước lý giải của Phan Duy Kha về kinh đô xưa nhất của thời đại Hùng Vương là Ngàn Hống (Hà Tĩnh), hay vì sao Bãi Tự nhiên, nơi phát tích câu chuyện Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung trước đây liền với đất Khoái Châu, nay lại liền với đất Thường Tín, được dẫn giải trong bài viết về cuộc gặp mặt nhân dịp 25 năm nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu phả họ của Nguyễn Văn Thành.
Cuốn sách này Phan Duy Kha “viết về những người mà tôi từng biết và quý trọng”. Nhưng rất tự nhiên, đọc Phan Duy Kha là nghĩ ngay đến việc nghiên cứu lịch sử. Dù viết về các nhân vật, nhưng quá nửa số bài viết liên quan đến lịch sử, lãnh địa mà anh đam mê. Văn là người. Trong cuốn sách nhỏ này, những điều viết về mình thì như những lời thủ thỉ tự sự. Còn những bài viết về người khác thì bộc lộ nhân sinh quan của mình. Cả hai cái đó đều làm cho người đọc hiểu về chữ “Nhân” trong con người Phan Duy Kha.
Những người Phan Duy Kha đề cập đến trong cuốn sách này dù dưới hình thức giới thiệu tác phẩm của họ, viết về họ, hay dẫn lại bài viết của họ (Lời bạt của TS Đinh Công Vĩ viết cho cuốn “Từ điện Kính thiên triều Lê đến Tổng hành dinh thời đại Hồ chí minh”…), đều được thể hiện dưới bút pháp trân trọng. Trân trọng trí tuệ, nhân cách, lòng yêu nghề của họ. Trân trọng những gì họ đã viết ra. Trân trọng giới thiệu để độc giả hiểu rõ về họ. Họa sĩ Nam Sơn, người đặt nền móng đầu tiên cho nền mỹ thuật đương đại Việt nam, người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người thầy của các bậc danh họa Việt Nam; GS Ngô Đức Thọ, nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia Hán Nôm, một người lao động nghiêm túc, tận tụy, một trong số rất ít các giáo sư thời xưa sử dụng thành thạo công nghệ thông tin; Nhà thơ Mai Hồng Niên, một người đồng hương với anh với thơ xu hướng thiên về lục bát, nhưng những vần thơ lại sắc lẹm, ngang tàng và giám đương đầu với những điều bất công chướng tai gai mắt trong xã hội; Nhà văn Lê Bầu, một dịch giả, một nhà văn với bao bạn bè “cùng một kiếp bên trời lận đận” như Bùi Ngọc Tấn,  Dương Tường, Mạc Lân, Vũ Bão, Nguyên Bình… sống với nghề, vật lộn với cuộc mưu sinh nhưng vẫn luôn giữ mình trong sạch; Tổng biên tập tạp chí Thế giới trong ta suốt đời tâm huyết với nghề, có nhiều sáng kiến “độc” để làm cho ấn phẩm của mình có thể sống vững vàng với 13 vạn bản mỗi kỳ, và đến những phút cuối đời vẫn còn nói những lời tâm huyết: “TGTT tồn tại và phát triển được là nhờ sự ủng hộ của các bạn (Bạn đọc và công tác viên-HSH)…Mong rằng bạn đọc và cộng tác viên tiếp tục ủng hộ TGTT như trước đây”…Có thể thấy trong các bài viết của Phan Duy Kha những chi tiết thú vị, những cách viết “tưng tửng”, mà nếu áp vào những quan điểm xưa cũ thì khó tránh khỏi bị “sờ gáy”. Ví như “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa” đưa ta về những năm 30 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ bãi Phúc Xá còn là một mảnh đất hoang vu không người sinh sống. Bọn “đế quốc phong kiến độc ác” đã đem đất ấy phân lô rồi biếu không cho những bố cu, mẹ đĩ, những người dân phiêu bạt tứ tán từ các miền quê đói khát về Hà Nội lang thang tá túc trên vỉa hè ngõ hẻm, mỗi người được một suất đất như thế mà không hề phải nộp một đồng một cắc nào” (Đọc Tuổi thơ Hà nội ngày xưa tưởng nhớ nhà văn Lê Bầu).
Bên cạnh những bài viết liên quan đến lịch sử, cuốn sách này có những bài kể về cuộc đời tác giả: kể về thời học sinh và đời sinh viên vào những ngày gian khó nhất của đất nước, kể về quê hương, về dòng họ, về  người cha của mình. . . Đọc những bài ấy mới thấy Phan Duy Kha nặng tình  với quê hương, gia đình, họ mạc như thế nào.
Xin giới thiệu đến bạn đọc, những người quan tâm đến Phan Duy Kha và cuốn sách nhỏ này. Đọc để hiểu thêm về anh và có thể chiêm nghiệm thêm về những điều khác
                                                                Hà Nội, 26/5/2019
                                                        Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét