Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

NGƯỜI VIỆT KHÔNG CÓ QUAN HỆ ĐỒNG TỘC, ĐỒNG CHỦNG GÌ VỚI NGƯỜI HÁN

NGƯỜI VIỆT KHÔNG CÓ QUAN HỆ ĐỒNG TỘC, ĐỒNG CHỦNG GÌ VỚI NGƯỜI HÁN
"Ông Nguyễn Thanh Liêm, viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về hệ gen người Việt Nam, cho hay điều mà ông thấy bất ngờ ở kết quả nghiên cứu là về nhân chủng học, bộ gen người Việt có nhiều điểm tương đồng với bộ gen của người Thái Lan và là bộ gen ít bị pha trộn.
"Cùng sống trong một khu vực rộng lớn mà người Việt có tiếng nói riêng, nhưng bộ gen của quần thể người Kinh Việt Nam tương đồng với quần thể người Thái Lan, chứng tỏ có những quan hệ về di truyền. Phân tích sự khác biệt trong hệ gen cho thấy người Việt "nằm cạnh" một cách độc lập với người Hán ở phía Nam và cách xa người Hán ở phía Bắc Trung Quốc."

Quan điểm này đã được Phan Duy Kha nêu ra từ cách đây trên 10 năm trong cuốn NHÌN VỀ THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG (Nxb Lao đông, 2009). Tất nhiên, tôi không biết gì về hệ gen của người Việt cả. Tôi chỉ căn cứ vào sự phân tích khoa học về Lịch sử mà thôi. Mời các bạn xem trên các trang mạng của tôi sẽ thấy rõ.
*
SAU ĐÂY LÀ MỘT TRONG NHỮNG BÀI VIẾT CỦA TÔI CÁCH ĐÂY TRÊN 10 NĂM :
TỔ TIÊN NGƯỜI VIỆT KHÔNG PHẢI LÀ MỘT "NHÁNH" CỦA NGƯỜI TRUNG HOA
Trong lịch sử Việt Nam, vua Kinh Dương Vương được coi như là ông vua mở đầu triều đại Hùng Vương.Về nhân vật này, Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Xưa cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam , đến núi Ngũ Lĩnh , lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua ( Kinh Dương Vương). Vua là bậc thánh trí, thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường anh, không dám vâng lời. Đế Minh mới lập Đế Nghi làm con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương làm vua phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân”.
Theo ghi chép trên đây thì Kinh Dương Vương là Cha Đẻ của Lạc Long Quân, và là Ông Nội của Hùng Vương thứ nhất. Mà Kinh Dương Vương lại là em (cùng cha khác mẹ ) với Đế Nghi, một vị vua phương Bắc, vậy thì dòng dõi của ta là “đàn em” của người Trung Quốc ở phương Bắc. Trên đây là ghi chép trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử chính thống của ta, được hoàn thành vào đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 10 (1479). Cứ như bộ sử này thì dân tộc Việt Nam là “đàn em” của dân Trung Quốc ?
Thế nhưng, tôi đã tìm hiểu rất nhiều bộ sử của Trung Quốc, nhưng tuyệt nhiên không có bộ sử nào của người Tàu ghi chép điều tương tự như thế cả. Có lẽ nào anh em cùng một bố (tức Đế Nghi và Kinh Dương Vương đều là con Đế Minh) mà họ lại không ghi chép một câu nào về cụ Tổ của dân tộc ta?
Xét sử sách Trung Quốc ghi chép của họ về đất nước và con người Việt Nam là rất xa lạ với họ, xa lạ đến mức phải đến 9 lần dịch (một số tài liệu gọi là trùng dịch, tức là người này dịch cho người nọ, người nọ dịch cho người kia, dịch dây chuyền, thì mới hiểu được nhau).
Sách Thông Chí của Trịnh Tiều đời Tống chép: “Đời Đào Đường Nam di có Việt Thường Thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được ngàn tuổi, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy Lịch”.
Xa lạ đến mức, vào đời nhà Tấn, Đào Hoàng, một viên thứ sử người Tàu sang cai trị nước ta, còn gửi thư về cho Tấn Vũ Đế: “Giao Châu là dải đất chưa mở mang, ở một phương trời xa cách , phải hai, ba lớp thông ngôn mới hiểu, liên tiếp với mấy hòn đảo giữa biển, bề ngoài cách nước Lâm Ấp chỉ vài ngàn dặm…”
Ở đây, Đào Hoàng cũng phải dùng đến 2, 3 lớp thông ngôn, tức là “trùng dịch” , hay là “nhiều lần thông dịch” như ghi chép của người xưa. Vậy thì làm sao có chuyện anh em cùng một gốc được?
Đó là sử sách Trung Quốc. Còn sử sách của ta, trước thế kỷ 15 cũng chưa thấy dòng nào ghi chép rằng tổ tiên ta có dòng dõi từ phương Bắc, là anh em với tổ tiên người Trung Hoa. Đại Việt sử lược, cuốn sử xuất hiện vào thế kỷ 14, đời Trần, trong phần Diên cách thời quốc sơ, có ghi:’Xưa, Hoàng Đế đã dựng xong vạn nước, thấy Giao Chỉ ở xa ngoài Bách Việt không thể chế ngự được, bèn vạch địa giới cho ở góc Tây Nam, gồm 15 bộ lạc… Đến đời Chu Thành Vương, Việt Thường Thị mới dâng chim trĩ trắng, sách Xuân Thu gọi Việt Thường Thị là Khuyết Địa, sách Đái Kỷ gọi là Điêu Đề. Đến đời Trang Vương , ở bộ Gia Ninh có một người dị kỳ biết dùng ảo thuật khuất phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, gọi nước là Văn Lang, , lấy sự thuần chất làm phong tục, buộc dây làm chính sự, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”
Trước đó, vào đầu thế kỷ 14, An Nam Chí Lược của Lê Tắc trong phần Tổng Tự cũng ghi chép như sau: “Từ xưa, nước An Nam thông giao với Trung Quốc, thời vua Chuyên Húc phía Bắc đi tới U Lăng, phía Nam đi tới Giao Chỉ. …Qua đời Chu Thành Vương (1115 – 1079 Trước Công nguyên), họ Việt Thường qua 9 lần thông ngôn, tới cống hiến mà nói rằng: “Trời không có gió bão, không mưa dầm, ngoài biển không nổi sóng dữ đã ba năm nay, có lẽ ở Trung Quốc có đấng thánh nhân trị vì, sao chẳng tới chầu?”
Vậy thì, không nghi ngờ gì nữa, chuyện Tổ tiên ta là “em” của Tổ tiên người Tàu, chỉ là chuyên tưởng tượng của mấy nhà viết sử thế kỷ 15, tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư mà thôi..
Vậy các nhà sử học thời kỳ này sáng tác ra câu chuyện “anh em” đó nhằm mục đích gì ?
Vào đầu thế kỷ 15, sau khi đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi, nhà nước Đại Việt ta đang ở vào thời kỳ phát triển thịnh vượng. Qua các đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, chế độ phong kiến phát triển cực thịnh. Với ý thức độc lập, tự chủ, tự cường,các sử thần nhà Lê, tự thấy rằng, nước ta không thua kém gì bậc “đàn anh” Trung Hoa. Để cho Đại Việt “sánh ngang” với Trung Hoa, các sử thần của ta đã cóp nhặt, đào bới trong sử sách, tạo ra một lịch sử tổ tiên mình với mong muốn là không thua kém gì Trung Hoa, có thua chăng chỉ tý chút. Sự sáng tác đó chứa đựng nhiều điều phi lý, mâu thuẫn, trái ngược với logic của Lịch sử.
Một là, trái với truyền thuyết. Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân vốn là giống Rồng, Âu Cơ là giống Tiên, chứ đâu phải là gốc Trung Hoa như trong “phả hệ” sáng tác của các nhà viết sử thế kỷ 15
Hai là , trái với thư tịch. Việt Thường Thị , nếu người đứng đầu là Kinh Dương Vương , đã là anh em cùng một gốc Trung Hoa thì tại sao khi đoàn sứ giả của ta sang sứ lại phải qua nhiều lần dịch mới hiểu được nhau ?.
Ba là, trái với logic lịch sử.Lạc Long Quân – Âu Cơ phản ánh thời kỳ chế độ thị tộc Mẫu quyền, còn Việt Thường Thị thì đã phát triển thành quốc gia, đã từng cử sứ sang thông hiếu với nước ngoài. Có lẽ nào lịch sử Việt Nam đang là nhà nước lại quay về chế độ thị tộc Mẫu quyền , một bước thụt lùi xa đến hàng ngàn năm lịch sử ?
Tóm lại, việc đội chiếc “mũ Tàu” lên đầu các vị thủy tổ Lạc Long Quân – Âu Cơ của các sử gia thế kỷ XV phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp trí thức, sĩ phu, mong muốn rằng dân tộc ta không thua kém Trung Hoa. Tuy nhiên, hiệu quả của nó không như ý muốn mà lại gây ra những quan niệm hết sức sai lầm, lệch lạc về nguồn gốc dân tộc, dai dẳng mấy trăm năm nay mà không phải một sớm một chiều có thể rũ bỏ được.small_14600
Truyện Lạc Long Quân- Âu Cơ là truyền thuyết về thủy tổ của dân tộc ta. Chuyện Viêm Đế Thần Nông là truyện thần thoại về thủy tổ của người Trung Hoa. Nhân vật Kinh Dương Vương là một nhân vật trong một câu truyện truyền kỳ đời Đường, do Lý Triều Uy sáng tác, Truyện Liễu Nghị . Truyện truyền kỳ là một loại hình tác phẩm văn học, nói về truyện thần tiên ma quỷ, là tác phẩm sáng tác của một người, chứ không phải truyền thuyết. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân, nhưng rồi bạc đãi người vợ nên bị em trai của Động Đình Quân là Tiền Đường Quân giết chết. Không hiểu sao các cụ ta xưa lại “mượn” nhân vật này (không được tốt đẹp cho lắm) làm “cầu nối” để nối thần thoại Trung Quốc với truyền thuyết Việt Nam, để cho rằng Lạc Long Quân – Âu Cơ là con cháu của Viêm Đế Thần Nông bên Trung Quốc. Đây là điều hổ thẹn mà người ta vô tình hay cố ý gán cho các vị thủy tổ của dân tộc Việt Nam ta mà tôi đã nhiều lần phản đối.P1080738
Về vấn đề này, vua Tự Đức tỏ ra rất sáng suốt. Khi các sử quan nhà Nguyễn soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, có làm tờ tâu hỏi vua cách xử lý phần cổ sử Việt Nam, vua quyết định bỏ phần Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, chỉ chép sử bắt đầu từ Hùng Vương. “Chuẩn y cho phép bắt đầu từ thời Hùng Vương để nêu rõ quốc thống nước Việt ta bắt đầu từ đấy. Còn hai kỷ Kinh Dương và Lạc Long thì chuẩn cho chua phụ vào sau đời Hùng Vương để cho hợp với nghĩa “dĩ nghi truyền nghi” (Trích Cương mục – chỉ dụ số 2 ).
Tóm lại, việc tự đội cái “mũ Tàu” này đã gây cho chúng ta nhiều hệ lụy, mà hệ lụy nhất là tư tưởng tự ti dân tộc, sợ Tàu, coi ta là “đàn em”, là cái bóng của người Tàu. (Xin xem thêm ở đây, bài:
( – Hậu quả của việc đội mũ Tàu lên đầu các vị thủy tổ dân tộc ta)
Bạn thử nhìn ra quanh ta mà xem, các nước Lào, Thái Lan, Miên Ma, Ấn Độ, rồi các nước Trung Á (cùng có chung đường biên giới với Trung Quốc), có dân tộc nào nhận tổ tiên mình là họ hàng, huyết thống với người Tàu đâu ! Tại sao lại phải cứ là “anh em” với người Tàu mới vinh dự ? Đã đến lúc chúng ta nên “lột bỏ” cái “mũ Tàu” này ra khỏi đầu các vị tổ tiên của dân tộc ta. Dân tộc chúng ta bình đẳng cùng tất cả các dân tộc khác trên địa cầu này, ai thân thiện với chúng ta thì chúng ta thân thiện lại, ai định giở trò chơi đểu với ta thì ta ngoảnh mặt đi, đó là lẽ ứng xử ở đời , chứ không lệ thuộc vào bất kỳ một ai cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét