Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

GIỚI THIỆU CUỐN "LỊCH SỬ VÀ SỰ NGỘ NHẬN" CỦA PHAN DUY KHA


      

Lịch sử và sự ngộ nhận là cuốn sách tâm huyết nhất của tôi. Đây là tập hợp những bài báo đã được đăng trên các báo, tạp chí như: Thế giới mới, Thế giới trong ta, Khoa học & Đời sống, An ninh thế giới, Xưa & Nay. . . trong khoảng thời gian 10 năm từ 1997- 2007, được Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa và Trung tâm văn hóa Tràng An xuất bản năm 2008. Sách được chia làm ba phần:
Phần thứ nhất: Văn hóa cội nguồn
Phần thứ hai: Lịch sử và sự ngộ nhận
Phần thứ ba : Thăng Long, Kinh đô ngàn năm tuổi
Sách có mặt trong hầu hết các thư viện lớn trong nước và một số thư viện nước ngoài như Thư viện Quốc gia Australia, thư viện Open Library, Thư viện Quốc hội Mỹ .
Nhận xét về cuốn sách này, Thư viện Open Library viết: “Nhắc đến Phan Duy Kha, người ta thường nhắc đến tác phẩm “Lịch sử và sự ngộ nhận”. Bằng ngòi bút phản biện sắc sảo, Phan Duy Kha đã vạch rõ và phê phán mạnh mẽ  những hiện tượng ngộ nhận và cả mạo nhận của một số người làm công tác nghiên cứu và viết sách với ý đồ xuyên tạc lịch sử nhằm vinh danh tổ tiên dòng họ mình thành những danh nhân” . Đây là một hiện tượng cần phê phán trong nền học thuật ở nước ta trong thời gian qua. Phải nói rằng, từ sau những bài báo của tôi và nhất là sau khi cuốn sách này ra đời, hiện tượng mạo nhận và xuyên tạc lịch sử như trên không còn xẩy ra nữa.
Còn nhớ, vào năm 2002, khi cuốn sách “ Huyền thoại hay sự thật cội nguồn cha Rồng mẹ Tiên” ( Nxb Văn hoá Dân tộc 5- 2002 ) , một cuốn sách xuyên tạc cội nguồn dân tộc, được phát hành, và được một số người tung hô lên tận mây xanh. Dư luận rất bức xúc, lòng tin đối với cội nguồn bị lung lay, báo KH& ĐS đặt bài một vị Giáo sư sử học có tiếng tăm, nhằm có tiếng nói phản biện đối với cuốn sách này. Vị giáo sư đã nhún vai trả lời: “Viết gì thì viết chứ đụng đến vấn đề này thì tôi không dám. Xin Toà soạn hãy đặt bài người khác”  (Chi tiết này,người phụ trách biên tập đã kể lại cho tôi trong một cuộc gặp gỡ cộng tác viên cuối năm, chứ nếu không thì tôi cũng không thể biết được” ) . Giữa lúc ấy thì bài viết của tôi “Cổ Lôi ngọc phả truyền thư, cổ thư hay nguỵ thư” được gửi đến Toà soạn. Bài báo đã kịp thời vạch ra những bịa đặt vô lý của tài liệu gốc  mà cuốn sách “Huyền thoại hay sự thật. . .” dựa vào đó để tung ra những luận điệu xằng bậy . Sau đó còn có một số bài của các tác giả khác (đăng trên các báo, tạp chí khác) do đó mà cuốn sách đã bị thu hồi.Lại một trường hợp khác. Vào tháng 12- 2002, báo Sài Gòn giải phóng có đăng một bài viết  cho rằng  ngôi mộ Lạc Long Quân hiện còn ở làng Bình Đà. Tôi đã viết bài phản bác lại, nêu lên rằng giả thuyết đó là không có căn cứ. Khi bài viết của tôi : “ Mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà?” được đăng lên báo, một đoàn các vị bô lão làng Bình Đà đã kéo đến Toà soạn để phản đối, yêu cầu tác giả phải đính chính và xin lỗi. Toà soạn gọi điện cho tôi hỏi ý kiến. Tôi trả lời: “Có gì phức tạp đâu. Xin hãy đăng ý kiến phản biện của các cụ đối với bài viết của tôi. Sau đó tôi sẽ trả lời. Ban biên tập đã làm đúng như thế. Hai bài viết (của các cụ làng Bình Đà và của tôi) đã được đăng trên cùng một số báo. Bài viết của tôi đã phân tích những cái sai, vô căn cứ trong việc khẳng định mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà. Sau đó không thấy các cụ ở làng Bình Đà phản hồi gì thêm nữa.
Phải nói rằng , vào khoảng những năm đầu thế kỷ 21,các báo chí của ta đã đưa ra những thông tin hết sức giật gân. Ví dụ như cho rằng Triệu Đà là cháu gọi Vua Hùng bằng bác ruột, rồi thì Lý Ông Trọng lại là Triệu Đà v.v…làm cho bạn đọc không con biết đâu là thật, đâu là giả nữa.Mà những người tung ra những thông tin này lại là những giáo sư, tiến sĩ, và những thông tin đó được coi như những “phát hiện lớn” của lịch sử ! Trong lúc đó thì các nhà sử học có uy tín lại im hơi lặng tiếng. Thậm chí người ta đặt bài trực tiếp cũng không dám viết. Những bài viết của tôi trong phần ” Lịch sử và sự ngộ nhận”  đã được viết ra trong bối cảnh như thế, và đã góp phần làm cho bạn đọc hiểu rõ hơn đâu là giả, đâu là thật . Mặt khác, một số người núp dưới vỏ nghiên cứu, phát hiện, đã tìm cách luồn lách hòng vinh danh tổ tiên mình mong được tôn vinh là Danh nhân đất nước. Nhiều nhà nghiên cứu im hơi lặng tiếng, nể nang, né tránh, để hiện tượng đó xuất hiện như một trào lưu. Với những bài viết tâm huyết của mình, tôi đã góp phần ngăn chặn trào lưu đó lại.  Có lẽ  giá trị của Lịch sử và sự ngộ nhận là ở khía cạnh này chăng ?
Sau đây là nội dung cụ thể của sách, gồm các phần: 
Phần thứ I : Văn hóa cội nguồn
-         Các lễ nghi tập tục nông nghiệp xưa
-         Hội làng, một nét sinh hoạt tinh thần độc đáo
-         Những lễ hội phồn thực ngày Xuân
-         Mùa Xuân và những tập tục kỳ lạ.
-         Nghĩ về hương ước xưa
-         Dòng họ trong cộng đồng và trong tâm linh người Việt.
-         Ngày xuân, thăm đền Lăng Sương nơi sinh Đức thánh Tản.
-         Vẻ đẹp, cái nết, cái duyên con gái trong quan niệm truyền thống.
-         Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
-         Tình nghĩa vợ chồng trong đạo lý truyền thống của dân tộc.
-         Cơm và bữa cơm gia đình.
-         Nghĩ về đạo lý và truyền thống của dân tộc ta. 
Phần thứ II: Lịch sử và sự ngộ nhận
-         Chim Lạc và người Lạc Việt.
-         Vì sao Tự Đức lại gạt cha ông của vua Hùng ra ngoài chính sử?
-         Hậu quả của việc đội “ mũ Tàu” lên đầu các vị thủy tổ dân tộc ta.
-         Sơn Tinh- Tản Viên một hay là hai?
-         “ Cổ Lôi ngọc phả truyền thư” : Cổ thư hay ngụy thư?
-         Vài nhận định bước đầu về “ Cổ Lôi ngọc phả truyền thư”
-         Đức thánh Chèm là Triệu Đà?
-         Xung quanh việc thu hồi cuốn sách “ Huyền thoại hay sự thật cội nguồn cha Rồng – mẹ Tiên”
-         Về cái gọi là “ tự thuật” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.
-         Qua những điều “ mới phát hiện” về La Sơn Phu Tử.
-         Lại nói về ngụy thư.
-         Mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà?
-         Lại nói về mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà.
-         Xung quanh việc thu hồi quyết định công nhận di tích lịch sử Phan Vân.
-         Lại một vụ công nhận di tích kỳ lạ ở Nghệ An.
-         Có hay không Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu? Hay giả định về chiếc ấn Đại đô đốc thời Tây Sơn.
-         Phan Văn Lân có phải là cháu nội Phan Kính?
-         Sai lầm cần đính chính trong “ An Tĩnh cổ lục”.
Phần thứ III: Thăng Long, Kinh đô ngàn năm tuổi
-         Thăng Long , kinh đô ngàn năm tuổi.
-         Hoàng thành Thăng Long ở đâu?
-         Tìm hiểu Kinh đô Thăng Long qua Hồng Đức bản đồ.
-         Nhân đào được rùa đá, lại nói về Hoàng thành Thăng Long.
-         Không nên lấp đầu mối địa đạo ở đình Quán La.
-         Về bùa trấn yểm ở sông Tô Lịch ( Hà Nội).
-         Những bí ẩn về rùa Hồ Gươm.
-         Lại nói về “ Rùa thần xuất hiện”.
-         Thăm Văn Miếu , trước hàng bia tiến sỹ.
-         Nhà thái học và sự nghiệp giáo dục xưa.
-         Thăm chùa Huy Văn nghĩ về Lê Thánh Tông.
-         Thử giải nghĩa đôi vế đối ở chùa Bộc.
-         Đạo kỳ binh của Đô đốc Long.
-         Bí ẩn về ngôi mộ giả của vua Quang Trung ở Linh Đường
-         Thành Hà Nội thời Nguyễn và sự kiện Hà thành thất thủ lần thứ hai
-         Cột cờ- Cửa Bắc: trục chính của thành cổ Hà Nội
-         Hậu Lâu : Cung tần mỹ nữ sống nơi chốt gác?
-         Giải pháp nào cho lăng Hoàng Cao Khải?
-         Hà Nội- những ngày tháng Tám hào hùng
-         Lời thề độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử
-         Từ điện Kính Thiên đến Tổng hành dinh
-         Phát lộ đàn Xã Tắc, bài toán về bảo tồn di tích trong sự phát triển của đô thị.
Tác giả xin được trân trọng giới thiệu “ Lịch sử và sự ngộ nhận” đứa con tinh thần rất yêu quý của mình, cùng bạn đọc .
                                                                                   P D K

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét