Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

HỒ SỸ HẬU VÀ TIỂU THUYẾT "DÒNG SÔNG MANG LỬA"

Hồ Sỹ Hậu và tiểu thuyết Dòng sông mang lửa


P1060611

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, bộ đội xăng dầu đã lập công xuất sắc, từ tháng 8.1968 đến tháng 12.1974 các đồng chí đã xây dựng, bảo vệ, vận hành thông suốt tuyến đường ống xăng dầu dài 5.000 km và hệ thống kho xăng dầu gần 3 vạn tấn được lắp đặt từ biên giới phía bắc Tổ quốc, xuyên dọc Trường Sơn vào đến Bù Gia Mập tỉnh Phước Long, miền Đông Nam Bộ.
Trích lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hà Nội, ngày 20.12.2001

*
Ngày 15.11.2012, ông bạn học của tôi hồi đại học là Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, gọi điện cho tôi.
- Chào Kha, mình vừa in một cuốn tiểu thuyết tên là Dòng sông mang lửa (1) trong đó mình có đưa mấy câu thơ của Kha vào sách.
Tôi cảm thấy rất bất ngờ, vội hỏi:
- Câu thơ nào?
- Câu thơ Kha làm hồi chúng mình chia tay nhau trước lúc ra trường nhận công tác ấy mà.
- Thú thật là mình không còn nhớ nữa. Hậu thử đọc xem nào.
Hậu đọc ngay, chứng tỏ anh đã thuộc lòng:
Mấy năm qua từng tên đất tên người,
Bỗng trở thành những nhà ga ký ức,
Tiếp tiếp nối nhau bằng đường tàu rạo rực,
Trên đó đi về những kỷ niệm riêng chung.
                (Đời sinh viên – Thơ Phan Duy Kha)
Cú điện thoại của Hồ Sĩ Hậu mang lại hai bất ngờ thú vị đối với tôi. Bất ngờ thứ nhất là mấy câu thơ của tôi, tôi vốn quên từ lâu ( không còn tý dấu vết gì trong bộ nhớ), nay lại được bạn mình nhớ hộ, có lẽ nó đã theo anh trong suốt chặng đường dài chiến tranh ác liệt. Nhưng bất ngờ thứ hai mới là bất ngờ lớn: Không ngờ ông bạn tôi lại viết được một cuốn tiểu thuyết dày dặn như thế, đến 630 trang in. Hồi còn học đại học , ở cùng phòng với nhau, có thấy anh viết văn, làm thơ bao giờ đâu.
Mấy hôm sau, nhân có cuộc gặp mặt, anh đem Dòng sông mang lửa (DSML) tặng tôi. Tôi đã phải bỏ những thói quen hàng ngày như xem báo, đọc sách,  xem tivi, lướt nét, chỉ để chú tâm vào Dòng sông mang lửa của anh, với tấm lòng trân trọng, coi thành tựu của bạn cũng như thành tựu của bản thân mình.
Câu chuyện đưa ta về những năm tháng xa xôi của cuộc đời sinh viên gian khổ và thiếu thốn. Tháng 8.1964, chúng tôi vào học  trường Đại học Bách khoa thì xẩy ra chiến tranh phá hoại, năm 1965, chúng tôi theo trường sơ tán lên Lạng Sơn, năm 1966 lại trở về Hà Bắc (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh). Ở đây , đến năm thứ 4 thì có sự kiện lớn: Lớp Trắc địa của chúng tôi gồm 30 sinh viên thì có 4 người , trong đó có Hồ Sĩ Hậu được chọn vào bộ đội. Lúc đó là tháng 5.1968. Sang tháng 6, 10 anh em chúng tôi lại được chọn về Bộ Vật tư. Thế là một nửa lớp được ra trường trước mà không phải làm đồ án tốt nghiệp, (năm sau, chúng tôi về trường nộp báo cáo thực tế công tác và nhận bằng). Cả hai nhóm người, về Bộ Quốc phòng và Bộ Vật tư đều nhận một nhiệm vụ đặc biệt là làm đường ống xăng dầu. Tất nhiên, mãi sau này chúng tôi mới biết công việc của nhau, còn lúc ấy thì phải giữ bí mật, người nào biết việc của người ấy.
Chúng tôi về Bộ Vật tư, tham gia khảo sát thiết kế lắp đặt đường ống vĩnh cửu, nối cảng đầu mối Bãi Cháy (nơi nhập đầu) tới Nhân Vực (Thường Tín, nay thuộc Hà Nội)  gọi là đường ống B12, rồi đi các tỉnh khác trên miền Bắc. Gọi là vĩnh cửu vì đường ống “phi 150mm”, được hàn liền với nhau, rồi chôn sâu xuống đất hơn 1 mét. Độ bền đường ống trên 50 năm. Còn các bạn về Bộ Quốc phòng thì lắp đặt đường ống dã chiến “phi 100mm” nối khớp, vượt Trường Sơn, cung cấp xăng dầu cho chiến trường . Gọi là đường ống dã chiến vì đường ống này gồm những đoạn ống 6 mét, có ngoàm bắt ốc nối với nhau, có thể tháo lắp dễ dàng. Hai bên cùng làm xăng dầu cả nhưng trên hai địa bàn khác nhau, mức độ khó khăn ác liệt khác nhau.P1040228P1060619
Cần biết rằng, từ năm 1968 trở về trước, phương tiện vận chuyển xăng dầu trên miền Bắc nước ta là ô tô stec, hoặc đóng vào thùng phuy rồi chở bằng ô tô vận tải. Việc chuyên chở bằng xe stec hoặc chở bằng thùng phuy khối lượng được ít, hao hụt nhiều. Nhất là những năm chiến tranh phá hoại, xe ô tô là mục tiêu đánh phá số 1 của máy bay Mỹ. Vì vậy, việc dùng đường ống dẫn xăng dầu là yêu cầu bức thiết. Trên chiến trường, việc chuyên chở xăng dầu qua các trọng điểm đánh phá càng đòi hỏi bức thiết hơn. Đã có rất nhiều cách chở xăng dầu cung cấp cho chiến trường: Dùng mảnh ni lông lót trong ba lô, buộc túm lại để đựng xăng, rồi cõng trên lưng ; lại có khi dùng bốn người khiêng một thùng phuy 100 lít gọi là “kiệu xăng”, lại có nơi sáng kiến dùng đường ống tự tạo: “Mọi thứ ống: ống cao su, ống nhựa, ống tôn, chân nhà bạt, ống phóng rốc két Mỹ, . . .tóm lại, mọi thứ được gọi là ống. Chỗ nối giữa chúng nếu không phải là khớp nối kỹ thuật thì được quấn bằng săm ô tô. . . Đoạn dốc 50 mét cuối cùng thì không còn kiếm đâu ra mét ống nào nữa, nên ống được nối tiếp bằng những cây lồ ô đục thủng các mắt.” (trích DSML).Tất cả những cách chuyển tải đó đều không đảm bảo an toàn, hao hụt nhiều, dễ cháy nổ mà khối lượng lại không được bao nhiêu. Vì vậy, việc dùng đường ống dã chiến là một yêu cầu bức thiết. Các bạn lớp tôi, các kỹ sư  của các ngành Mỏ -Địa chất,  Thủy lợi, Bách khoa, Cơ khí mới ra trường hoặc được ra trường sớm để phục vụ cho nhu cầu công tác này.
Hồ Sỹ Hậu là kỹ sư  Trắc địa, trường Đại học Mỏ Địa chất, được ra trường trong dịp ấy. Anh đã tham gia khảo sát, thiết kế, lắp đặt và vận hành tuyến đường ống xăng dầu từ năm 1968 cho đến khi hết chiến tranh. Trong quá trình lao đông và chiến đấu, anh đã cố gắng ghi chép lại, để đến khi trở thành “tướng về hưu” (Hồ Sỹ Hậu về hưu với hàm Thiếu tướng), anh mới có thời gian hoàn thành “Dòng sông mang lửa” (DSML, Nxb Hội Nhà văn, 2012). “Đó là một Dòng sông mang lửa, vì nó sẽ bất chợt bùng cháy khi gặp một tia lửa nhỏ. Vậy mà nó đã vượt qua đỉnh Trường Sơn, qua núi cao, sông sâu, vượt qua mưa bom bão đạn đánh phá hủy diệt của không lực Hoa Kỳ. Dẫu bao người đã ngã xuống, nhưng tuyến đường ống vẫn kiên cường đứng vững , đảm bảo xăng cho vận tải cơ giới và các hoạt động chiến đấu trên đường Hồ Chí Minh, không ngừng vươn sâu vào các chiến trường, đến tận Nam Bộ. Câu chuyện đó khó tin như một huyền thoại” (trích DSML, tr.6)
Đoạn đường ống đầu tiên được lắp đặt là đoạn X42, dài 42 km, vượt “tam giác lửa “Nam Đàn  – Linh Cảm – Vinh, trong đó đoạn vượt sông Lam là khó khăn, ác liệt nhất.  “Tiếng dô ta dô huầy của đoàn người át cả tiếng máy ô tô đang ì ạch nhích từng chút, từng chút. Đoàn người gò lưng kéo theo nhịp. Chẳng mấy chốc đoạn ống như con rắn bò dần ra giữa sông. Bờ nam cứ kéo, bờ bắc cứ đẩy, còn dòng nước càng ra giữa sông càng xiết nên “con rắn” cứ  oằn mình về phía hạ lưu” (trích DSML). Một không khí lao động khẩn trương, cướp thời gian, bởi “hàng trăm người làm việc ngay sát trọng điểm đánh phá của địch thế này, không thể nói trước được điều gì” (trích DSML). Thế rồi, đường ống cũng vượt được qua sông. Không thể tả được niềm vui khi dòng xăng đầu tiên, vượt qua 42 km trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, từ kho N1 (Nam Thanh, Nam Đàn) chảy đến kho N2 (Nga Lộc, Can Lộc) ! Từ đây, một phương tiện chuyên chở xăng dầu mới hình thành. Mặc cho trên đầu máy bay giặc quần đảo, thì bên dưới mặt đất, dòng xăng dầu vẫn lặng lẽ, âm thầm chảy, cung cấp cho nhu cầu của chiến trường.
Sau thành công của X42, hệ thống đường ống xăng dầu bắt đầu tiến dần về phía nam, và tiến sang phía Tây Trường Sơn (sang đất bạn Lào). Càng vào sâu, càng gian khổ ác liệt. Những người làm công tác khảo sát xây dựng đường ống trong điều kiện hòa bình đã vất vả, thì trong điều kiện thời chiến càng khó khăn, gian khổ gấp bội. Trèo đèo, lội suối, băng rừng mà đi “theo phương vị” (tức cắt rừng theo hướng địa bàn), trên đầu thì máy bay địch nhòm ngó, trong rừng thì thám báo, biệt kích, mỗi bước đi của các anh đầy rẫy bất trắc: bom từ trường, mìn cài lại chưa nổ. . . Rồi thì những vụ nổ xăng, cháy xăng, nhiều khi chỉ vì một sự  sơ suất nhỏ mà phải đổi mấy mạng người. Rồi thì những trọng điểm ác liệt mà đường ống bắt buộc phải vượt qua : “Mặc dù ở tuyến cũ, khi thi công, đường được sửa sang để người vác ống có thể đi được nhưng sau hàng chục trận B52, bổ nhào, không còn có thể nhận ra lối đi nữa. Đá bị cày xới, đập vỡ , tả tơi thành lớp bụi dày. Cây bị băm, bị chặt ngổn ngang khiến người đi không đã khó, huống chi vác chiếc ống dài sáu mét để chuyển lên tuyến tránh” (trích DSML). Trước sự  ác liệt của chiến tranh, không phải không có những kẻ sợ hãi, dao động, “ – Nơi khác tao không biết, chứ ở đây ngày nào cũng có người chết: lính công binh, lái xe, thanh niên xung phong, cao xạ và cả đường ống nữa. Có những ngày bom bứng đi cả tiểu đội thanh niên xung phong. Ghê quá” (trích DSML). Cũng có những vị chỉ huy như Lê Khôi, khi bị máy bay B52 ném bom vào đơn vị thì trốn biệt tăm, khi mọi việc xong xuôi mới xuất hiện. Tuy nhiên, những kẻ khiếp nhược như  thế  chỉ là thiểu số.P1060611
Giữa chiến trường ác liệt càng sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp. Đó là những vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, hết mực thương yêu, đồng cảm với lính như Lê Trọng, Đặng Văn Thế, Trung đoàn trưởng Đông, . . .đến những kỹ sư mới ra trường, đã sớm trưởng thành để đảm nhận những công việc quan trọng như Ngọc, Quang,  Danh, Thục. . . họ là những đại diện xứng đáng cho một thế hệ thanh niên trí thức, mới  được đào tạo từ nhà trường và đã trưởng thành nhanh chóng trong chiến tranh.
Ở chiến trường máu lửa, mới thấm thía nghĩa tình đồng đội. Có chia sẻ nào cao cả hơn là chia sẻ cái chết. Biết bạn là con một, sẵn sàng xông ra nơi nguy hiểm thay cho bạn, vì “mày là con một, chết là hết, chúng tao còn có anh, có em, có chết cũng còn người nối dõi tông đường”. Đó là tình cảm sẻ chia của người chỉ huy với người lính, như Trung đoàn trưởng Lê Trọng, sẵn sàng đem mấy lọ sâm, suất bồi dưỡng riêng của mình ( cán bộ từ Trung đoàn trưởng trở lên mới có tiêu chuẩn) đem cho mấy anh em đi khảo sát tuyến, vì “mấy cậu làm việc vất vả”. Hay như Trung đoàn trưởng Đông, có cái kèn Ac mô ni ca  là niềm vui duy nhất cũng đem cho lính vì thấy các cậu cứ lủi thủi trong rừng cả ngày mà chẳng có gì giải trí.
DSML phê phán sự nhìn nhận đánh giá con người chỉ thông qua lý lịch. Đó là sự đánh giá phiến diện, cứng nhắc, đem lại không ít đau xót phiền lụy cho người trong cuộc. Như trường hợp của trung úy Tường. Anh là một chỉ huy kiên cường, gan dạ. Chỉ vì một chi tiết không đâu trong lý lịch, đã phải xóa đảng tịch. Ở trên chiến trường, đó là một điều đau khổ còn hơn bị kỷ luật, bởi vì đó là sinh mạng chính trị. Cho đến khi hi sinh, anh vẫn còn day dứt : “Tại sao người ta không đánh giá tôi qua sự chiến đấu dũng cảm quên mình ở Cồn Cỏ ? Tại sao người ta lại loại bỏ ra khỏi đội ngũ một người sẵn sàng hi sinh tính mạng vì Tổ quốc , chỉ vì trong lý lịch của tôi có những người mà tôi chưa bao giờ biết họ” (trích DSML).
DSML cũng cho ta cái nhìn chân thực hơn, khách quan hơn về chiến tranh. Hãy nghe Hồ Sỹ Hậu luận về chiến tranh và thân phận con người: “Nhưng bất luận thế nào, những chàng trai trẻ ngã xuống giữa trận tiền vẫn là sự ra đi kiêu hùng. Hàng ngàn hàng vạn cái chết của họ là một phần viết nên lịch sử của cuộc chiến tranh. Còn ở hậu phương, sau cái chết ấy là tiếng gào khóc của người vợ mất chồng, con mất cha. Là nỗi đau tận cùng của người cha, người mẹ mất con. Là bắt đầu một cuộc vật lộn với đời vì gia đình mất đi một trụ cột, hay một nhánh tương lai của gia đình, của dòng họ bị cắt đứt” (trích DSML). Anh đã nhiều lần chứng kiến sự ra đi của đồng đội. Không lần nào anh không rơi nước mắt. Chính vì vậy mà anh thật sự bất ngờ khi một vị lãnh đạo cao cấp khuyên giải người mẹ của liệt sĩ như thế này: “ Tôi nói với bà ấy : Sao bà lại khóc. Bà phải vui lên chứ, phải phấn khởi vì gia đình mình đã đóng góp một người con cho cách mạng” (trích DSML). Có con hi sinh mà phải “phấn khởi” phải “vui” thì chỉ có ông cán bộ này mà thôi! Có lẽ ông ta chưa có đứa con nào hi sinh ngoài mặt trận để thấm được nỗi đau tận cùng của người làm cha, làm mẹ.
DSML cũng giành rất nhiều trang nói về tình yêu. Giữa gian khổ, ác liệt, giữa mất mát đau thương, tình yêu càng hiện lên chói ngời, rực rỡ. Đó là tình yêu của cặp Thục – Khanh. Một mối tình làm cho ta xúc động đến trào nước mắt: “Từ lâu lắm rồi, trong mắt anh, em là một bông hoa tinh khiết, tinh khiết đến mức không ai có thể nỡ làm tổn thương.  . . Vậy mà hôm nay anh đã làm em khó xử từ tận đáy lòng. Anh có lỗi với em quá” (trích DSML). Cái “lỗi” đó, cái “làm cho người yêu khó xử” đó, chỉ là lời thổ lộ tình yêu. Anh sợ sự thổ lộ tình yêu của anh cũng làm tổn thương em ! Đó là nỗi nhớ đến cháy lòng: “Nỗi nhớ người yêu trong chiến tranh nó kỳ lạ lắm. Nỗi nhớ theo anh vào tận đáy con tim, nó không chỉ cho anh cảm thấy bồn chồn, mà nhiều khi anh cảm thấy như có gì đau thắt”. Hay như tình yêu của cặp Đỉnh – Lan: “Anh ở đâu, dù cùng trời cuối đất, em cũng tìm được. Không có bất kỳ ai, bất kỳ cái gì có thể ngăn được em đi tìm anh”. Có thể nói không ngoa rằng, chỉ có chiến tranh, chỉ trong xa cách, tình yêu mới mang vẻ đẹp trong sáng, cao thượng, thánh thiện như thế.
Trước khi đọc DSML, tôi đã đọc qua mấy cuốn sách viết về bộ đội đường ống xăng dầu. Đó là các cuốn : Xăng dầu một thời đáng nhớ (Nhiều tác giả, Nxb Lao động, 2001); Phan Tử Quang với huyền thoại đường ống (Diệu Ân, Nxb Lao động, 2003); Một thời là lính xăng dầu (Hồi ký của Trần Xanh, Nxb Quân đội nhân dân, 2008). Đối chiếu với các sự kiện mà các cuốn sách trên đề cập, ta có thể thấy rằng, hầu hết các câu chuyện các sự kiện trong DSML là có thật. Có lẽ đến 90% là những câu chuyện có thật, được tác giả xâu chuỗi lại, điển hình hóa, nâng cao lên để thành hình tượng văn học. Tất nhiên, những tên đất, tên người, tên đơn vị có thay đổi đi. Tóm lại, DSML là câu chuyện có thật, phản ánh không khí hào hùng của một thời đạn lửa, là câu chuyện của những người làm công tác khoa học kỹ thuật trên chiến trường để tạo nên huyền thoại trong huyền thoại, như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 từng phát biểu: “Nếu gọi đường Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.
DSML là bản anh hùng ca của bộ đội đường ống xăng dầu trong những năm chiến tranh ác liệt !
Xin chúc mừng thành công của Hồ Sỹ Hậu và xin giới thiệu Dòng sông mang lửa với bạn đọc. / .
(1) : Dòng sông mang lửa, Tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2012.
*
Ảnh giữa bài:
Trên:  Ảnh chụp tại nơi sơ tán, Thuận Thành, Bắc Ninh, năm 1967. Từ trái sang, hàng đứng: Cương, Hùng, Liêm, Chí Hùng, Hậu, Chương, Vượng. Hàng ngồi: Kha, San, Hợi, Đông.
Dưới:  Gặp mặt bạn cùng lớp tại trường Đại học Mỏ – Địa chất nhân 40 năm nhập trường (1964 – 2004). Từ trái sang: Kha, San, Chương, Hậu, Phú, Diệu.
*

Mời xem thêm: Phim tài liệu: Đường Trường Sơn, tuyến hậu cần huyền thoại, Tập 7. Tập này nói về Bộ đội Thông tin và Đường ống Xăng dầu. Bấm theo đường link dưới:
https://www.youtube.com/watch?v=hGVP-TuWYw8













































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét