Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

VỚI MAI HỒNG NIÊN VÀ "QUÊ MÌNH XỨ NGHỆ"

 P1070607 

Tôi biết Mai Hồng Niên (MHN) đã lâu, đọc thơ anh cũng đã nhiều. Tôi cũng đã từng chọn đăng thơ anh trên trang mạng của mình từ mấy năm  trước . Ấy thế nhưng, thực sự làm quen với anh thì chỉ mới gần đây thôi. Đấy là vào hôm cả hai cùng đến dự buổi Tọa đàm giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa” của Hồ Sỹ Hậu tại trụ sở Nhà xuất bản Hội nhà văn. Chuyện đó tôi đã kể lại trong bài “Đọc Nhân thế tình tang của Mai Hồng Niên”, ở đây không nhắc lại nữa.
Ngay lần gặp nhau ấy, tôi cũng không ghi lại số điện thoại của anh (một việc rất đơn giản), để liên lạc về sau. Anh cũng vậy. Bỗng gần đây, anh bất ngờ gọi điện cho tôi: “Tôi phải hỏi Hồ Sỹ Hậu mới có số điện thoại của anh. Xin báo để anh biết, tôi vừa in một cuốn sách tập hợp những bài viết phê bình , giới thiệu thơ tôi, trong đó có chọn bài của anh. Hôm nào sách in xong, tôi sẽ mang đến tặng anh”. 
P1070606 

Cú điện thoại của MHN làm tôi bất ngờ và thú vị. Số là, bài giới thiệu của tôi về tập thơ “Nhân thế tình tang” của anh, tôi viết chỉ để đăng lên trang mạng của mình, không gửi cho báo nào, cũng không đăng ở trang mạng nào khác cả. Mà bài này tôi cũng viết sơ lược, mang tính chất như một lời dẫn, lời mở đầu, cốt để đăng mấy bài thơ của anh mà tôi tâm đắc (tôi đã chọn đăng đến 9 bài trong tập thơ này). Tôi không ngờ anh đã vào trang mạng của tôi, đọc và sau đó lại chọn in vào sách của anh. Không bất ngờ và thú vị sao được!
Chừng nửa tháng sau, MHN lại điện thoại cho tôi, báo tin anh đã in xong sách. Anh muốn mang đến tặng tôi nhưng lại đang ốm, không đi được. Tôi bảo, để tôi đến anh, nhân tiện thăm “cơ ngơi” của anh ở Hàng Buồm, nơi anh đã “thai nghén” ra những bài thơ hay mà anh thường đề dưới bài thơ, kèm theo năm tháng.
Đến 53 Hàng Buồm, tôi rất bất ngờ vì đây là một ngôi nhà mặt phố, chứ không phải ngõ ngách gì cả. Chợt nghĩ: MHN có nhà ở mặt phố, một con phố cổ sầm uất nhất nhì Hà Nội, mà mỗi mét vuông có giá đến tiền tỷ (1), sao anh tài quá vậy? Đứng trước nhà, gọi điện cho anh ra đón. Phải mất một lúc lâu lâu mới thấy anh xuất hiện ở cửa. Anh bảo gửi xe ở bà hàng nước vỉa hè phía đối diện rồi dẫn tôi vào. Và đây lại là điều bất ngờ thứ 2 của tôi. Để tới nhà anh, phải đi qua một cái ngõ dài  hàng trăm mét, sâu hun hút. Ngõ ở trong nhà, tức đi qua nhà để vào ngõ. Đây lại là điều mà tôi không ngờ tới. Phải tới mấy chục hộ cùng chung một số nhà này. Đến cuối ngõ thì có cầu thang dẫn lên tầng 2. Thì ra đây lại là một chung cư 2 tầng, với mấy chục hộ sinh sống. Nhà của MHN là một căn phòng ở tầng 2. Nhà báo Vũ Lương, người bạn lâu năm của MHN đã tả về ngôi nhà này: “Đã 40 năm có lẻ, anh “bám trụ kiên cường”, như một chứng nhân cho sự tồn tại đến thê lương của những người dân được sống trong Phố Cổ. Hàng Buồm… như bao con phố nhỏ khác, sầm uất bề ngoài nhưng mấy ai biết đằng sau nó bao trăm, bao ngàn cư dân đã từng sống và đang sống chen chúc nhau hít thở loại khí trời đặc quánh hơi người và mùi của trăm thứ bà rằn, còn trong các phòng tối om người ta chỉ còn cách nhờ cậy vào mấy chiếc bóng điện thay cho ánh mặt trời…Vậy mà anh đã ở đây, chấp nhận tất thảy để sống, để làm việc, để viết nên nhiều dòng thơ , nhiều bài thơ thấm đẫm hơi thở cuộc sống, mênh mang tình đất tình người…”  Nhà ở phố cổ của MHN là như vậy .
MHN lấy ra cỡ một chục cuốn “Trên chiếu văn , anh Văn Cao nói về thơ MHN” để tặng tôi. Đây là tập sách anh vừa mới in, tập hợp những bài phê bình, giới thiệu thơ của anh, trong đó có bài của tôi . Hình như anh có ý giả “nhuận bút” (bằng sách) cho tôi hay sao ấy. Tôi bảo: “Tôi không cần nhiều đến thế đâu, chỉ cần 2 cuốn, một cho tôi, một cho cô bạn, thế là đủ. Nếu anh còn cuốn “Quê mình xứ Nghệ” thì cho tôi một cuốn, nếu không còn thì thôi”. Anh lấy ra một cuốn rồi đề tặng tôi. Một tập thơ dày, đóng bìa cứng rất trang trọng. Có một điều đặc biệt mà khi anh ghi xong lời đề tặng, tôi mới để ý tới. Đó là, lần trước anh tặng thơ tôi là ngày 29-3, còn lần này lại đúng vào ngày 29-9. Trong vũ trụ bao la, trái đất vừa bay đúng một nửa vòng quay, quanh mặt trời! Lại một điều lý thú, mà trước khi đến nhà anh, tôi đâu có để ý gì đến ngày với tháng…
*
Tôi cầm tập thơ Quê mình xứ nghệ (QMXN) mà cảm thấy nằng nặng trên tay. Nặng về trọng lượng, tập thơ dày dặn đến 300 trang in. Nhưng còn nặng hơn nữa, sức nặng của suy tư, tình cảm mà anh dồn nén trong thơ. Như tên của nó, tập thơ viết về xứ Nghệ, dành cho người Nghệ, dành cho những người yêu xứ Nghệ trên đất nước này mà anh góp nhặt trên 30 năm làm thơ (tính theo năm tháng anh ghi dưới mỗi bài thơ)
MHN có một bài thơ viết cho bạn nhưng tôi nghĩ cũng là viết cho anh, viết về tuổi thơ của anh:
Tuổi thơ lớn lên giữa núi biếc, non xanh
Cây đa đầu làng, mái đình cuối xóm
Cánh vạc, con cò chập chờn trong tưởng tượng
Mùa lúa, vụ khoai rơm rạ mái tranh nghèo.
Đó là một miền quê nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt. Ai đã từng ở xứ Nghệ, không thể không ám ảnh về những trận gió Lào. MHN viết nhiều về gió Lào, gió Lào như một nỗi ám ảnh trong thơ anh: “ Năm tháng tuổi thơ là gió Lào bụi đỏ” , rồi thì: “Cây lưa thưa lá, cháy cong gió Lào” , và “Gió Lào nhuộm chín màu da”. Từ miền quê này anh lớn lên , trưởng thành cầm súng đánh giặc rồi về công tác ở Hà Nội . Sống phần lớn thời gian ở Hà Nội nhưng anh không nguôi nhớ về miền quê nghèo.
Cái nghèo do thiên nhiên khắc nghiệt, đã đành. Lại còn cái nghèo do chủ trương đường lối của một thời. Đã có một thời người ta quá nóng vội, chủ quan duy ý chí, cứ tưởng rằng, chỉ cần có tinh thần cao là có thể nhảy vọt một cái lên thiên đường chủ nghĩa cộng sản, là thế giới đại đồng, không biên giới quốc gia, không quân đội, không nhà tù, là “làm theo sức lực, hưởng theo nhu cầu”… Nghĩa là chỉ cần có tinh thần phấn đấu quyết tâm thôi là đủ. Quê hương Bác, quê xứ Nghệ thì tinh thần cách mạng lại càng triệt để. Có thể đoan chắc rằng, những câu khẩu hiệu này chỉ xuất hiện/hay chỉ có ở xứ Nghệ: “ Thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” và “Mo cơm quả cà với tấm lòng cộng sản, chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội”… Chính những câu khẩu hiệu đó đã làm khổ người dân cả một thời. Đang yên đang lành, người ta bắt bỏ cả nhà cửa, vườn tược đã có từ đời ông, đời cha, để rồi lên núi khai hoang, lập làng mới, còn làng cũ thì biến thành đồng ruộng (!) Để “sắp xếp  lại giang sơn” mà lại. Thế mới có cảnh trái khoáy đối với nhà nông: “Đưa dân lên núi thâm canh mùa vàng”. Có “Phải đâu dân Nghệ ưa nghèo” nhưng mà   “Mấy mươi năm vẫn dăn deo quả cà” là vì những lý do trời ơi như thế. Quan càng hăng hái, mạnh dạn, triệt để thì quan càng leo cao, vào Trung ương, chỉ khổ dân đen phải chịu biết bao nhiêu hậu quả. “Mo cơm nếp” ngày xưa, trong kháng chiến chống Pháp (hình ảnh quen thuộc trong thơ Trần Hữu Thung), bây giờ bỗng trở thành “cổ tích” vì chỉ còn trong hoài niệm, cơm nếp trở thành món xa xỉ, làm gì có  mà ăn. Người nghèo đi tha phương cầu thực. Sang trọng như nhà giáo thì phải một buổi đứng lớp, một buổi về chạy xe ôm. Nhưng không có xe máy để làm phương tiện xe ôm mà phải dùng xe đạp, xe đạp ôm, tức là phải bán sức lao động, thời ấy gọi là xe đạp lai: “Sáng giảng bài, chiều đi xe đạp lai”, chở thuê lấy tiền  mà MHN mỉa mai chua chát gọi là “nhuận sức” : “Không có tài viết văn làm thơ/ Đạp xe lai nửa ngày, cứ gọi là nhuận sức”. Càng xây dựng, càng tiến lên chủ nghĩa xã hội thì cuộc sống càng đói khổ, đói khổ đến bệ rạc. Nền kinh tế sa sút đến mức, người ta đặt mục tiêu phấn đấu sao cho “năm nay cố gắng bằng năm ngoái, năm sau cố gắng bằng năm nay” :
Hòa bình rồi đâu còn nữa chiến tranh
Những năm tháng trước đây làm gì đến thế
Hạt gạo thành hạt vàng để con người nhỏ bé
Sống với nhau như chim sẻ lạc đàn.
Rồi thì chuyện nhập tỉnh chia tỉnh. Sau ngày thống nhất nước nhà, để tiến lên làm ăn lớn Xã hội chủ nghĩa, người ta đem sáp nhập 2, 3 tỉnh làm một tỉnh lớn, để có tiềm năng  phát triển độc lập về kinh tế. Những Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn…ở miền Bắc, miền Trung thì Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải…, trong Nam thì Đồng Nai, Sông Bé, Hậu Giang, Cửu Long, Minh Hải… ra đời trong thời gian này. Đó là một sự “góp gạo thổi cơm chung” mà  ngay từ đầu đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Bình Trị Thiên thì vì Thừa Thiên đông người, nhiều cán bộ hơn, lấn át cả Bình và Trị, nên người ta nói Thiên Trị Bình, chứ đâu phải Bình Trị Thiên. Nghệ Tĩnh thì vì Nghệ An lớn hơn Hà Tĩnh nên “Vinh dự” cả. Đấy là dân gian người ta chơi chữ. Tiếng Nghệ Tĩnh nói dấu ngã và dấu nặng không phân biệt, Vinh dự có nghĩa là Vinh (tức Nghệ An) giữ hết cả. Suốt 15 năm “góp gạo thổi cơm chung” cả thị xã Hà Tĩnh không xây dựng được một công trình nào. Tất cả đều tập trung vào Vinh hết. Mâu thuẫn giữa các địa phương ngày càng gay gắt. Cho đến cuối thập niên 80 đầu 90 thì tất cả các tỉnh bị “ép duyên” đều đồng loạt xin được “ly hôn”. Chuyện kể rằng, năm đó có một đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình (do Quảng Ngãi và Bình Định sáp nhập lại) kéo ra Trung ương xin tách tỉnh, vì rất nhiều tỉnh đã tách rồi. Ông Phạm Văn Đồng khi ấy không còn ở cương vị Thủ tướng nữa, nhưng ông vẫn là Cố vấn tối cao của Trung ương.  Ông Đồng đã trả lời: “Thì các anh cứ thư thư chờ khi nào tôi chết đã, rồi hãy tách tỉnh. Các anh làm thế ngay bây giờ, đau lòng lắm”. Sở dĩ ông đau lòng vì ông là một trong những nhân vật chủ chốt trong việc quyết định nhập tỉnh trước đây, mà ông lại là người Quảng Ngãi, người ta “nhổ toẹt” vào cái quyết định trước đây, ngay trên quê hương ông, hỏi không đau lòng sao được. Nhưng đau đẻ làm sao chờ được sáng giăng, người ta làm sao chờ được đến lúc ông Đồng chết. Năm 1989 thì Nghĩa Bình tách tỉnh thành hai. Nghệ Tĩnh quê Bác thì có kiên trì hơn, nhưng cũng chỉ chịu đựng được đến năm 1991 thì tách tỉnh. Ngày nhập tỉnh thì vui vẻ, cờ mở trống giong, tưởng như mọi tương lai huy hoàng xán lạn đang chờ phía trước. Nhưng ngày tách tỉnh thì hết sức bẽ bàng:
Có quê hương bỏ quê hương
Mười lăm năm cảnh đoạn trường là đây
Khi đi trống giục cờ bay
Ngày về phố vắng đường lầy cỏ hoang
Mười lăm năm đoạn trường mà MHN nhắc đến đó, không phải là 15 năm lưu lạc đời Kiều mà chính là 15 năm nhập tỉnh (1976- 1991). Đó là cảnh “Tự gây nên thác, nên ghềnh cho nhau” của một thời lạc quan tếu, duy ý chí. Người ta nói, “nhiệt tình cộng với sự ngu dốt thì thành phá hoại”. Không ai phá ta cả mà tự ta phá ta. Đất nước cứ quanh quẩn trong cái xiềng như thế cho mãi đến những năm 1990 mới bắt đầu đổi mới, mở cửa. Một luồng gió lạ ùa vào, mang theo cả những cái tốt lẫn cái xấu, cả hoa thơm nhưng lại cả rác rưởi. Khi đóng thì đóng quá chặt, nhưng khi mở thì lại mở bung ra, như nhà không cửa. Vì thế mới có những cảnh:
Bệnh viện có quầy bán bia,
Khu triển lãm có hàng thịt chó
Rồi lại cảnh:
Vừa nghe tiếng ru của bà
Lại xập xình nhạc ABBA giải buồn.
Không thiếu những cảnh nhố nhăng:
Những cuộc diễu hành đám cưới ở Vinh
Xe máy dàn ngang xoáy cơn lốc mặt phố.
Mở cửa thì đời sống kinh tế có nâng lên, nhưng khoảng cách giàu nghèo lại càng doãng rộng ra. Bắt đầu xuất hiện một tầng lớp “trọc phú học làm sang”, sống vì tiền, sống trên tiền, với những Thị Hến “Làm cơn địa chấn, cưới con bằng vàng”. Rồi thì một tầng lớp quan lại mới giàu lên nhanh chóng một cách bất minh. Đã làm quan thì thời nào cũng có tham nhũng. Nhưng thời bao cấp, tham nhũng ít và nhỏ, có lẽ vì ngày ấy quan lại trong sạch hơn, mà cũng có thể, thời bao cấp cả xã hội nghèo khổ, quốc khố rỗng không, hằng năm lại phải vác  rá đi ăn xin các nước anh em trong phe XHCN (thu nhập bình quân đầu người trong những năm bao cấp khoảng 100 đô la/năm, bây giờ đạt khoảng 1.600 đô la, tức gấp 16 lần!), chẳng có gì để mà tham nhũng. Còn bây giờ thì tham nhũng đã thành quốc nạn. Mà dễ tham nhũng nhất chính là đất đai. Không phải một con sâu nữa mà là một bầy sâu: “Quan là tham, gian giảo với lọc lừa”. Dự án đẻ ra dự án, mà thực chất là:
Bán đất, bán biển, bán làng
Dồn dân vô rú, khai hoang kiếm lời.
Nhà giáo ngày xưa nghèo nhưng thanh cao. Nhà giáo ngày nay thì:
Cổng trường thành chợ bán mua
Điểm cao thấp phải đếm đưa chữ tiền…
MHN sống ở Hà Nội nhưng tấm lòng luôn đau đáu với quê hương. Cái anten đặc biệt của anh luôn hướng tới những sự kiện vui buồn ở quê và  luôn phản ánh kịp thời với những gai góc, góc cạnh của nó. Người ta gọi anh là thư ký của thời đại, đúng thế. Những câu chuyện về một miền quê nhưng cũng là chuyện chung đất nước cả  một thời kỳ lịch sử không hiếm chuyện xót xa, cười ra nước mắt !

*
Trong câu chuyện thân tình, MHN “khoe” với tôi, có bài thơ của anh được giả nhuận bút đến 100 triệu đồng kia đấy . Tôi nói đùa: Thế thì bằng kỷ lục Màu tím hoa sim của Hữu Loan rồi (bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan được một doanh nhân mua bản quyền với giá 100 triệu đồng). Tôi mừng cho anh. Anh là người sống được bằng thơ. Làm thơ, viết văn chẳng ai giàu. Cơm áo không đùa với khách thơ. Sống được bằng nghề là quý lắm rồi. Sống được bằng nghề để không phụ thuộc vào ai, không phải vì cơm áo gạo tiền, không phải uốn ngòi bút vì một lý do nào đó, để làm nhà thơ “Trọng nghĩa khinh tài cốt cách văn chương”, như Nguyễn Công Trứ ngày xưa, “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, không sợ quyền uy, không ngại phơi bày sự thật, dù sự thật có thể đụng chạm đến ai đó và gây rắc rối cho bản thân mình. Viết ra những điều tâm huyết, viết cho mình, viết cho đời, chứ không phải uốn ngòi bút phục vụ một thế lực nào cả. MHN đã làm được điều đó.  “Anh cậy nhờ thơ để nói điều nhân thế”. Và tôi thích thơ anh, tôi quý tác phẩm của anh cũng chính ở điều đó. Bạn đọc chuyền tay nhau đọc thơ anh, phô tô nhân bản thơ anh cũng chính vì điều đó (2).
PDK
Chú thích: (1). Đất phố cổ Hà Nội vùng xung quanh Hồ Gươm có giá 800 – 900 triệu đồng/m2 (thời giá cuối năm 2013)
(2): Bài này sau đó Nhà thơ Mai Hồng Niên đã chọn đăng vào tập thơ “Quê mình xứ Nghệ” (Nxb Hội Nhà văn, in lần thứ 2, Hà Nội , 2014)
Ảnh:
- Nhà thơ Mai Hồng Niên và tác giả Phan Duy Kha













































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét