Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

KỶ NIỆM NƯỚC LÀO

        

 Anh bạn Lào đầu tiên mà tôi làm quen là một cán bộ kỹ thuật trung cấp xây dựng. Dạo đó là những năm 1975- 1976, Việt Nam và Lào đều đã giành được độc lập, thống nhất, đang trong thời kỳ khôi phục kinh tế sau một thời gian dài chiến tranh tàn phá nặng nề. Anh bạn Lào được Sở Công nghiệp phân công cộng tác cùng chúng tôi trong việc xây dựng kho vật tư và xăng dầu, phục vụ cho khu vực Bắc Lào. Anh nói tiếng Việt khá sõi. Một lần, nhân cùng ngồi trên ô tô đi nghiên cứu thực địa , tôi hỏi anh:
    – Này bạn, bạn tên gì nhỉ?
    Anh trả lời:
    –  Mình tên là Minh, Nguyễn Văn Minh.
    Hết sức ngạc mhiên , tôi lại hỏi tiếp:
     – Thế bạn thuộc dân tộc gì?
     – Mình là người Kinh.

    Tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa. Hay anh là một người Lào gốc Việt? Tôi hỏi tiếp:
    – Thế bạn là người Lào gốc Việt?
    – Ô không- anh cười hiền lành: Mình tên Lào là Thít Pha nu vông, còn tên Minh là mình dùng trong ba năm theo học trường Trung cấp Xây dựng tại Việt Nam. Cái tên này mình rất quý vì nó gợi cho mình nhiều kỷ niệm đẹp. Bây giờ, mỗi khi có đoàn Việt Nam sang đây công tác, mình lại dùng tên này để giao dịch.
    À, ra thế! Anh bạn Minh( tôi gọi anh theo cái tên anh tự nhận) là người vui tính, cởi mở, hay chuyện. Anh thuộc dân tộc Lào Lùm, Lùm tiếng Lào là vùng thấp, là đồng bằng. Ở Lào có nhiều dân tộc, nhưng thuộc ba nhóm dân tộc chính: Lào Lùm là người Lào đồng bằng; Lào Cang hay Lào Thâng là người Lào ở vùng giữa, Lào Xủng là người Lào ở vùng cao. Lào Lùm chiếm đa số dân cư Lào, tương tự như người Kinh của Việt Nam, anh bạn Minh nhận anh là người Kinh là vì vậy.
    Cũng nhờ anh cởi mở, vui tính, mà thông qua anh, tôi biết được rất nhiều về đất nước Lào, phong tục tập quán Lào. Ví dụ như cái tên “ Thít” của anh cũng có ý nghĩa lắm. Ở Lào, trẻ em con trai từ 13-14 tuổi trở lên được cha mẹ gửi vào chùa. Chùa Lào là nơi dạy chữ, dạy kinh Phật và còn dạy các tri thức cơ bản. Ta có thể coi đó như một kiểu trường nội trú của Lào. Sau 3- 4 năm tu tại chùa, đứa trẻ lớn lên thành một thanh niên, được trang bị một số kiến thức cơ bản, trở thành “ khôn xúc”( người chín), ta có thể coi như anh thanh niên đã tốt nghiệp. Anh được ra chùa, trở về quê, xây dựng gia đình. Tên của người đó bây giờ được thêm vào từ “Chăn” hoặc “ Thít”. Cái tên “ Thít” của Minh xuất xứ là như thế.
    Đặc biệt, trong dịp công tác ấy chúng tôi còn được ăn một cái tết Lào. Tết Lào được gọi là Bun Pi May( tết năm mới) hay Bun Hốt Nậm ( tết té nước). Tết được tổ chức trong ba ngày là 13, 14, 15 tháng 4 hàng  năm. Trong ngày tết Lào , nam nữ thường kéo nhau ra bờ suối vui chơi, ca hat, rồi té nước cho nhau. Ai được té nhiều nước thì năm đó càng được nhiều may mắn. “ Người ta có quý mình, người ta mới té nước cho mình chứ”. Anh Minh bảo tôi thế. Còn chúng tôi, những người khách Việt Nam thì được đón tết ở Hội trường tỉnh. Sau khi vị đại diện đọc diễn văn nêu lên ý nghĩa của ngày tết Lào, người ta đưa vào hội trường một chậu thau lớn đựng nước thơm và nhiều cành lá xanh tươi. Những người chủ mến khách, thấm đẫm nước vào cành lá rồi vẩy cho chúng tôi, miệng nói những lời chúc tốt lành. Đến lượt chúng tôi vẩy nước cho họ, vẩy nước cho nhau và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Sau đó đến lễ buộc chỉ cổ tay. Những sợi chỉ đỏ xanh vàng trắng được buộc vào cổ tay nhau. Lại những lời chúc tốt đẹp. Buổi chiều bạn mở tiệc chiêu đãi.
    Tối hôm đó, Minh và các bạn Lâo dẫn chúng tôi đi múa Lăm Vông… ở một sân chùa ngoại ô thành phố. Trên  sân rộng, người ta đốt một đống lửa lớn. Xung quanh, nam nữ, già trẻ Lào- Việt cùng nắm tay nhau múa Lăm vông. Tiếng trống Koong rộn ràng vang lên, giục giã những ai còn rụt rè hãy bước vào vòng múa. Những người múa, chân bức theo nhịp, tay múa tự do, đây là một điẹu múa tập thể, đơn giản, ai cũng có thể múa được. Chúng tôi, qua những phút đầu ngỡ ngàng, sau đó ai cũng bước vào vòng múa, chung vui với bạn.. Dù tay chúng tôi không dẻo, múa không đẹp như các bạn nhưng rất được các bạn hoan nghênh, cổ vũ. Các bạn còn đật cho đêm múa hôm ấy là đêm “Việt- Lào  xa ma khi”( Việt- Lào đoàn kết).
    Tiếng Lào gần với tiếng Tay- Nùng của ta. Trước đấy 10 năm, vào năm 1965- 1966 là thời điểm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, lúc đang theo học trường Đại học Bách Khoa, tôi đã có dịp theo trường sơ tán lên Lạng Sơn, sống giữa đồng bào Tày- Nùng, nên có thể hiểu được một ít ngôn ngữ dân tộc . Bây giờ sang Lào, tôi cứ thấy ngờ ngợ như mình lại được lên công tác ở Việt Bắc thân yêu. Cũng như ngôi nhà sàn lấp ló bên chân núi, cũng những bà mẹ địu con lên nương rẫy trỉa lúa, trồng ngô. Những vốn từ như Kin khẩu( ăn cơm) , Kin nậm ( uống nước), ai là anh ,noọng là em… lại có dịp được dùng đến. Còn các bạn Lào đã từng được du học ở Việt Nam thì tíu tít hỏi chúng tôi về Hà Nội, về chợ Đồng Xuân, hồ Hoàn Kiếm, về cái Bách hoá Tổng hợp to to ở Bờ Hồ… Những địa điểm mà các bạn đã có nhiều kỷ niệm trong những năm xa nhà du học.
    Ở Bắc Lào, tôi đã qua Nọong Hét, Bản Ban, đến Phun Xa Vẳn, Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng. Ở Nam Lào , tôi đã qua Bản Đông, Sê Pôn, Mường Phìn, Động Hến, Xa va na khét, ở đâu tôi cũng gặp phong cảnh Lào tươi đẹp, dân tộc Lào hồn hậu.Những ngôi chùa Lào với hoa Chăm pa tuyệt vời tinh khiết.
    “ Hoa Chăm pa ơi, dân Lào yêu hoa, đã bao năm rồi…”Hoa Chăm pa ( ta gọi là hoa đại, hoa sứ) có thể được coi là quốc hoa của người Lào, của xứ sở chùa tháp…
    Từ ấy đến nay, một phần tư thế kỷ đã trôi qua, tôi chưa có dịp nào được trở lại những vùng đất đầy kỷ niệm ấy nữa. Nhớ như in những gương mặt Lào vui vẻ, trẻ trung, yêu đời và đặc biệt là chan hoà , hiếu khách. Càng thấy tình hữu nghị Việt – Lào thật thắm thiết sâu nặng như câu thơ của Bác Hồ :
            Việt Lào hai nước chúng ta
     Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long
                                                                                    Phan Duy Kha
  ( Trích từ cuốn “Trải nghiệm đời người” Nxb Lao động, Hà Nội 2009 )
    Ảnh đầu bài: Kỷ niệm chương của chính phủ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tặng tác giả Phan Duy Kha vào năm 1981

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét