Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

LỜI BẠT CỦA TS ĐINH CÔNG VĨ VIẾT CHO CUỐN "TỪ ĐIỆN KÍNH THIÊN TRIỀU LÊ..."

 

 Nhà nghiên cứu lịch sử Phan Duy Kha nguyên là một kỹ sư đo vẽ bản đồ. Nhưng như  ông đã tâm sự với nhà báo Nhật Minh: “Từ nhỏ tôi đã yêu thích lịch sử. Cứ một vài tuần tôi lại vào thư viện mượn sách, mà toàn là sách lịch sử. Sau này, là dân trắc địa công trình, đi đâu tôi cũng mang sách theo: Sử của ta, sử của các tác giả nước ngoài viết về ta. . .”. Đến khi về hưu, Phan Duy Kha chỉ còn một việc duy nhất là nghiên cứu lịch sử: Chính sử và dã sử. Điều đó khiến ta không thể phân biệt được, lịch sử là nghề tay trái hay tay phải của ông? Và từ tất cả các nguồn tài liệu lịch sử phong phú, ông tự rút ra kết luận cho mình.

Độc lập suy nghĩ là một bản tính đáng quý. Phan Duy Kha đã nói: “ Ngày ấy tôi nộp đơn thi vào Đại học Bách khoa. Giờ nghĩ lại cũng có cái hay, vì nếu học và nghiên cứu trong môi trường sử học chính quy, chắc chắn tôi sẽ bị ảnh hưởng của người này, người khác chứ không có được chính kiến độc lập như hiện nay”. Mà có lẽ chúng ta đều biết rằng, viết theo khuôn sáo, lối mòn thậm chí theo sự phân công hẳn sẽ khó hay. Phan Duy Kha được độc giả đón nhận bởi những nhan đề và nội dung sách khá mới mẻ, gợi mở, hấp dẫn, đặc sắc mà người khác khó có thể có: “Nhìn lại lịch sử” ( Viết chung, Nxb Từ điển Bách khoa, 2008 ), “ Nhìn về thời đaị Hùng Vương” ( Nxb Lao Động, 2009 ) và “ Từ Điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng Hành Dinh thời đại Hồ Chí Minh” (Nxb Dân Trí, 2010 ). Điều đó thể hiện bản lĩnh độc lập mà không cô lập của ông. Và từ nội hàm đến ngoại diên ấy đều một chất: “ Lòng đỏ môi ai cũng rượu hồng”.
P1040895

Với bản chất ấy , với “ Trải nghiệm đời người” (1) bằng trí thông minh trời phú, lại đươc sinh ra ở vùng quê Song Lộc, Can Lộc,( Hà Tĩnh )- vùng đất địa linh nhân kiệt, Phan Duy Kha trở nên một cây bút sử học sắc sảo. Bút lực của ông rất sung mãn : Ngoài những cuốn sách nêu trên, Phan Duy Kha còn có hàng trăm bài viết trên các báo, tạp chí: Thế Giới Mới, Thế Giới Trong Ta, An Ninh Thế Giới, Khoa Học và Đời Sống, Xưa và Nay…
Về tác phẩm mới này- “ Từ Điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng Hành Dinh thời đại Hồ Chí Minh” là tổng hợp nhiều bài viết của ông trên các báo chí, sách vở từ nhiều năm qua. Đây là một đề tài độc đáo trải dài hàng ngàn năm lịch sử. Người xưa có câu: “ Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi”. Vùng đế đô nương tựa vào vùng đất cao ráo và núi non hùng vĩ phía tây, chân đạp sóng sông Nhị Hà là nơi tụ thuỷ mà núi Nùng là tâm điểm, trên đó dựng lên điện Kính Thiên thời Lê sơ và có thể cả điện Càn Nguyên thời Lý… Công trình kiến trúc nổi tiếng ấy nằm trên cái Rốn Rồng ( Long  Đỗ). Vậy phát ra khí thiêng sông núi nơi trái tim đất nước phải là từ Thần Long Đỗ. Người xưa ( và cả các triều đại xưa ) đã có lý khi tôn Thần Long Đỗ là “ Thăng Long đặc Thành Hoàng” để bảo vệ che chở Thủ đô , đã từng một thời đánh tan bùa phép của Cao Biền khiến ông ta phải kinh hồn. Cho nên các điện “ Kính trời” ấy  phải là trung điểm nằm trên cột mốc số không của nước nhà chứ không phải là hồ Hoàn Kiếm như người ta vẫn nghĩ. Sang thời Nguyễn, thành Hà Nội được xây dựng lại năm 1805. Theo Phan Duy Kha: “ Trục trung tâm Đoan Môn- Kính Thiên- thời Lê vẫn không đổi”. Nằm trên trục này có thêm Cột Cờ, Cửa Bắc. Trục Thần đạo của Cấm thành là trục Cột Cờ -Đoan Môn- điện Kính Thiên- Hậu Lâu- Cửa Bắc. Rõ ràng , cái nhan đề tác phẩm mới này của Phan Duy Kha xuất phát từ tâm điểm trái tim đất nước là có lý, có duyên. Để từ đó qua nhiều giai đoạn mà đi tới cái  “Tổng Hành Dinh hiện đại, vẫn trên cái nền của Cấm Thành, Phượng Thành hay Tử Cấm Thành cũ”.Ngay ở thời hiện đại, Tử Cấm Thành hay Tổng Hành dinh của cơ quan tối quan trọng vẫn được bảo vệ rất cẩn mật. Từ cái cốt lõi ấy, hậu thế sau này nếu không bị chi phối này khác, sẽ có nhiều khai mở phát hiện rất lý thú, thậm chí sẽ còn hơn cả những phát lộ về Hoàng thành Thăng Long ngày nay. Tác phẩm “Từ điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng Hành dinh thời đại Hồ Chí Minh” của Phan Duy Kha không nói hết nhưng đã cho ta những suy ngẫm , hình dung về một “hậu Tổng Hành dinh”


Người xưa từng nói tới 3 vòng thành: Ngoài cùng là La thành, giữa là Hoàng thành, trong cùng là Phượng thành, Cung thành, hay Tử Cấm thành. Tôi đã đọc nhiều bài viết về các vòng thành Thăng Long, kể cả bài viết trong Hà Nội ngàn năm với đầu đề: “Ngàn năm còn đó Hoàng thành”. . . Cả những công trình nghiên cứu công phu gần đây. Nhưng viết cho đầy đủ, rõ ràng diên cách, nơi tiếp giáp, dấu tích, số liệu cụ thể các vòng thành đó như trong sách của Phan Duy Kha quả là hiếm thấy. Ông đã cẩn trọng nghiên cứu kỹ bản đồ thành Thăng Long trong bộ Hồng Đức bản đồ và bằng việc phân tích  vẽ bản đồ thành thạo vốn có được áp dụng vào sử học, gắn với những thời sự nóng hổi của khảo cổ học về thành Thăng Long mà có được những cống hiến đáng biểu dương ấy.
Vấn đề “Thập Tam trại” gắn với người dân vào làm ăn khai hoang ở tây Hoàng thành cũng được Phan Duy Kha nghiên cứu kỹ đưa ra các ý kiến (kể cả những phản bác) có lý có tình.
Phần lớn các bài viết trong tác phẩm “Từ điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng Hành dinh thời đại Hồ Chí Minh” đều gắn bó chặt chẽ  với Thăng Long. Kể cả các bài viết Lý Thánh Tông yêu dân như con, Thiền sư Nguyễn Minh Không chữa bệnh cho vua, Cuộc đời éo le của Lý Chiêu Hoàng, Người giỏi ngoại ngữ hiếm có trong lịch sử, Trần Thủ Độ ở đỉnh cao quyền lực, . . .dù tiêu đề không nhắc tới Thăng Long, nhiều phần trong bài có vẻ không gắn với Thăng Long, vậy mà lại rất Thăng Long. Nhân vật, sự kiện . . .diễn ra không cứ phải nhắc tới Thăng Long thì ta mới hiểu là ở Thăng Long, của Thăng Long.
Theo Phan Duy Kha và tự mình kiểm nghiệm lại kỹ ,tôi thấy riêng trong năm 2009, báo Khoa học & Đời sống đã in 41 bài của ông, trong đó có 20 bài về Thăng Long. . .Ông còn viết về Số phận đặc biệt của Lê Ngọc Hân-nàng công chúa cao quý tuyệt vời của đất Long Thành gắn với bậc hùng tài minh quân Nguyễn Huệ. . .Cũng như người viết  lời bạt này, tác giả Phan Duy Kha thường đi vào những mặt éo le,  mặt trái, những phần tối khuất trong lịch sử. Đó là những đề tài mà nhiều nhà sử học hay ngần ngại. Nhưng cách phân tích, lý giải của Phan Duy Kha lại khó có thể bác bỏ.
Riêng với tác phẩm “ Từ điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng Hành dinh thời đại Hồ Chí Minh” này phần lớn có nội dung mới mẻ, hấp dẫn và gắn liền với Thăng Long –Hà Nội. Trong lúc cả nước đang chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long –Hà Nội,việc ra đời một tác phẩm như thế là cần thiết, có nhiều ý nghĩa. Hậu vận của nó chắc là tốt đẹp.Từ cái tâm Kính Thiên đó, hẳn nhiều điều mới mẻ, lạ lùng to lớn sẽ được mở ra. . .
Ngày cuối tháng Ba năm Canh Dần 2010
                                                                  Tiến sỹ Đinh Công Vĩ
(Trích trong cuốn “ Từ điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng Hành dinh thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Dân Trí, Hà Nội 2010, tr. 272- 276)
Ảnh trong bài :
- TS Đinh Công Vĩ (phải) và Phan Duy Kha tại Hội thảo về họ Phùng, diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
- Cửa Đoan Môn mở vào điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long)
*
Video Clip Đài Truyền hình Hà Nội giới thiệu cuốn “Từ điện Kính Thiên Triều Lê đến Tổng Hành dinh thời đại Hồ Chí Minh:  http://www.youtube.com/watch?v=IkgF_eTAuPA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét