Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

THƠ VỀ XỨ NGHỆ


P1040211

Nói đến xứ Nghệ là nói đến hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Suốt chiều dài lịch sử, hai tỉnh vẫn là một, gọi là trấn Nghệ An. Mãi đến năm 1831 Hoàng đế Minh Mạng mới tách vùng đất phía nam xứ này thành lập một đơn vị hành chính riêng, gọi là đạo Hà Tĩnh (đạo nhỏ hơn trấn và vẫn trực thuộc trấn Nghệ An)
Xứ Nghệ nằm trong dải đất hẹp miền Trung, sách vở thường gọi vùng này là “ chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Cách ví von đã gợi lên sự mệt nhọc rồi. Nhưng đây lại chính là nơi địa linh nhân kiệt. Vùng đất này đặc biệt lắm. Mời bạn đọc những trải lòng của những nhà thơ xứ Nghệ, bạn sẽ hiểu hơn và yêu hơn mảnh đất và con người nơi đây.

*
GỬI BẠN NGƯỜI NGHỆ TĨNH
Ai ơi cà xứ Nghệ
Càng mặn lại càng giòn
Nước chè xanh xứ Nghệ
Càng chát lại càng ngon
Khoai lang vàng xứ Nghệ
Càng nhai kỹ càng bùi
Cam Xã Đoài xứ Nghệ
Càng chín lại càng tươi.
Ông đồ xưa xứ Nghệ
Càng dạy, chữ càng nhiều
Tính tình người xứ Nghệ
Càng biết lại càng yêu.
Ai đi vô nơi đây
Xin dừng chân xứ Nghệ
Ai đi ra nơi này
Xin chân dừng xứ Nghệ.
Nghe câu vè ví dặm
Càng lắng lại càng sâu
Như sông La chảy chậm
Đọng bao thuở vui sầu.
Ăn, xứ Nghệ ăn đặm
Đã nói, nói hết lòng
Đất này bền nghĩa bạn
Đất này tình thủy chung.
Đất này mẹ dạy con
Yêu anh hùng nghĩa khí
Giữ lòng đỏ như son
Nuôi thù sâu tựa bể .
Đất này đất Xô viết,
Đảng mở hội cờ hồng
Tự tuổi vàng đá biết
Mặn mãi tình công nông .
Tình xứ Nghệ không mau
Nhưng bén rồi sâu lắng
Quen xứ Nghệ quen lâu
Càng tình sâu nghĩa nặng .
Ôi xứ Nghệ, xứ Nghệ
Đất cổ nước non nhà
Đã trăm nghìn thế hệ
Vẫn ưa nhút, ưa cà .
Dân thời đại Bác Hồ
Sống xã hội chủ nghĩa
Vẫn dáng dấp ông đồ
Hay chữ lại hay nghĩa .
Ôi tâm hồn xứ Nghệ
Trong hồn Việt Nam ta
Có gì tự ông cha
Rất xưa mà rất trẻ
Giống như Bác của ta
Một người con xứ Nghệ
Một con người xứ Nghệ .
Nghệ Tĩnh, 10- 1967
Huy Cận
*
TIẾNG NGHỆ
Cái gầu thì bảo cái đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy, đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì đem bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo trốc là bảo gội đầu đó em
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Răng chưa sang nhởi nhà choa
Bà o đã nhốt con ga trong truồng
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê
Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em .
Nguyễn Bùi Vợi
*
AI VÔ XỨ NGHỆ
Ai vô xứ Nghệ thì vô
Quê hương của các cụ đồ còn đây
Gió lào thổi suốt đêm ngày
Khô cả ngọn cỏ, cành cây bên đường
Không khô chữ nghĩa, văn chương
Trái tim người Nghệ yêu thương dạt dào
Lắm cổ tích, nhiều ca dao,
Tuổi thơ còn đó ngọt ngào lời ru
Người đi viếng mộ Nguyễn Du
Người lên quê Bác đông như hội làng
Và bao điểm đến rộn ràng
Cả vùng văn hóa sông Lam, núi Hồng
Ai vô xứ Nghệ đang mong
Tiếng đồn cá gỗ chỉ trong chuyện cười
Bây giờ cá bạc, tôm tươi
Bãi tắm , khách sạn nghỉ ngơi đàng hoàng
Hoàng Mai cho tới Đèo Ngang
Vinh, gương mặt mới Phượng Hoàng Trung Đô
Ai vô xứ Nghệ thì vô. . .
Xuân Hoài
*
XỨ NGHỆ
Chập chờn ngủ vẫn nhận ra xứ Nghệ
Tiếng xe lăn khó nhọc triền đồi
Trong hơi gió nghe mặn mòi muối biển
Bụi con đường đất đỏ lấm mồ hôi.
*
Nơi đây cỏ cũng cỗi cằn, khắc khổ
Tựa vai vào vách núi đỡ thiên tai
Mặt gió nóng, lưng đã là bão lụt
Cơm độn khoai, đắp đổi tháng năm dài.
*
Tiếng mộc mạc, nhận ra người xứ Nghệ
Đi muôn nơi, vẫn nói giọng quê nhà
Bền chí lớn, chịu nhọc nhằn, lam lũ
Trên đất nghèo, mơ sải cánh bay xa.
*
Sống tằn tiện, chắt chiu từng hạt muối
Cần hi sinh, hiến hết cả gia tài
Người xứ Nghệ rạch ròi yêu với ghét
Đã hứa rồi, chẳng một chút đơn sai.
*
Đi tìm nhận đồng hương nơi đất khách
Cứ ngỡ như gặp bạn cũ lâu ngày
Một bát gạo cũng sẵn lòng chia sẻ
Chim theo đàn, tay nối những bàn tay.
*
Thật kỳ lạ, mảnh đất cằn xứ Nghệ
Mỗi cổng làng thành trang sử biên niên
Nơi đòn gánh gồng hai đầu đất nước
Nơi sinh ra những hào kiệt, thánh hiền .
Nguyễn Huy Hoàng
*
LẤY CHỒNG XỨ NGHỆ
Loanh quanh đường của cha ông
Lấy chồng xứ Nghệ thật không muốn về
Cảnh chen tàu và xuống xe
Tưởng như mất hết những gì về yêu
Phải đâu dân Nghệ ưa nghèo
Mấy mươi năm cứ dăn deo quả cà
*
Về quê cho biết mẹ cha
Nhận làng xóm bởi mình là nàng dâu
Sang sông qua mấy nhịp cầu
Khi yêu chưa nghĩ nông sâu đường dài
Theo câu Nghệ Tĩnh mình ơi
Đến đây mới nhận đủ lời giận thương
Bao chàng trai Nghệ tha phương
Yêu quê lại khó tìm đường về quê
Lấy người Nghệ để sẻ chia
Chẳng yếu mềm trước những gì bão giông.
*
Biết là trái nẻo đường vòng
Tình yêu gạn đục khơi trong cho mình
Lấy rồi thôi chẳng thanh minh
Yêu anh, đâu dễ trọn tình với quê.
Mai Hồng Niên
*
QUÊ 
Tùng Bách

Chẳng hiểu cầm tinh con quái quỷ gì
Nhưng thú thật đôi khi tôi sợ chó
Nhà tôi, bên bờ Sông Phố
Nước trong,nhìn thấu sao trời
Bạn ạ – Người làng tôi
Cái bụng lép nhưng cái đầu lắm chữ
Thích đôi co, lý sự
Vàng chất thành rú… Để mà chơi ! (*)
Mấy mươi năm bước trụt bước trồi
Ngõ nhà mình đây mà loay hoay mãi
Tay chạm ngồng ngấy dại
Đắng đót thuở mục đồng
Phở Thiềm còn không? Ăn một bát
Chè xeng Hậu còn không? Uống một đọi
Rồi nói chi thì nói
Rồi gì thì gì?!
Thương đã lắm ! Giận hờn đã lắm
Xin với quê nhà một đêm trọn
Sớm mai đi!
*
KÝ ỨC
Nguyễn Huy Hoàng
.
Em ở tận thành Vinh
Về làng tôi sơ tán
Làng tôi ít mưa lắm nắng
Quả bưởi xiêm rám vỏ tận tháng mười
Em ở sát nhà tôi
Thưa một bờ liếp gỗ
Đủ hắt sáng một ngọn đèn hạt đỗ
Đủ nhận ra mùi cơm quá lửa
Đủ để nghe tiếng quạt muỗi sau màn.
Tóc em dài qua mùa chiến tranh
Tôi vụng dại, đầu trần, chân đất
Một buổi sáng, em rời làng ngơ ngác
Mái tranh buồn rộng rãi, gió hoang liêu…
Tôi lớn lên từ giã luỹ tre nghèo
Cứ lần lữa, xa làng quê biền biệt
Bao bất hạnh thổi mây vào mái tóc
Lòng vẫn xanh thăm thẳm thưở dại khờ
Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi vinh hoa
Để có lại tuổi mười lăm vụng dại
Đèn hạt đỗ ngượng ngùng, leo lét cháy
Tóc em dài chảy dọc tấm gương soi.
*
KHÓC GIỮA CHIÊM BAO

Vương Trọng
Ông kể về xuất xứ của bài thơ này,
Đó là một đêm ở Hà Nội nhà thơ nằm mơ thấy mẹ mình. Đây là giấc mơ thường có với ông khi nghĩ về mẹ. Lạ lùng là trong giấc mơ nào cũng vậy bao giờ ông cũng mơ về những tháng năm khốn khó của gia đình. Những năm mà cuộc sống của anh em ông đè trên đôi vai gánh gồng của mẹ. Ông thường khóc trong giấc mơ gặp mẹ.
Đã có lần con khóc giữa chiêm bao
Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt đường đê sụt lở,
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.
Anh em con chịu đói suốt ngày tròn,
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa.
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về.
Chiêm bao tan nước mắt dầm dề,
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng.
Dù biết lời con chẳng thể nào vang vọng,
Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.
Con lang thang vất vưởng giữa đời thường,
Đâu cũng sống không đâu thành quê được.
Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp,
Con ít về từ ngày mẹ ra đi.
Đêm tha hương con tìm lại những gì
Với đời thực chẳng bao giờ gặp nữa.
Mong hình mẹ lại hiện về giấc ngủ
Dù thêm lần con khóc giữa chiêm bao.
*
CHỊ EM 

  Nguyễn Bùi Vợi
Chị gái tám mốt tuổi chân què
Chị dâu tám mươi hai lưng còng
Rủ nhau ra thăm em ốm.
Đêm, ngồi bóp chân cho em ngủ
Mỗi chị một chân
Em – Tết này vào tuổi bảy lăm
Hai chị không nói gì
Nhưng em nghe từ ngón tay gầy guộc lời ru thuở cánh cò cánh vạc
Một chị gọi: – Cậu ơi!
Một chị gọi: – Chú ơi!
Cả hai chị đều là chị… ruột
Sáng ra, mấy đứa cháu đùa nghịch:
– Một bà còng một bà què
Đây là đoàn xiếc Nghệ An ra
Mua ngay, không hết vé
Ba chị em nhìn nhau cười nước mắt ướt má…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét