Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

VÀI KỶ NIỆM VỚI NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH ĐOÀN CÔNG TÍNH

Vài kỷ niệm với Nghệ sĩ Nhiếp ảnh ĐOÀN CÔNG TÍNH



Tết 1973 là cái Tết Hoà bình đầu tiên sau Hiệp định Pa ri. Sau bao năm xa nhà vì bom đạn địch đánh phá, tôi được về quê ăn Tết. Sáng ngày mồng 4, tôi lên đường ra Vinh để mua vé tàu ra Hà Nội. Trên chuyến tàu năm đó, tôi tình cờ và may mắn được gặp và làm quen với hai người bạn đường đặc biệt. Đó là hai nhà báo quân đội:  Đoàn Công Tính và Khương Thế Hưng.
    Anh Khương Thế Hưng, người Quảng Nam là con trai đầu của nhà thơ Khương Hữu Dụng. Anh người tầm thước, da bánh mật, khi nói miệng cười rất có duyên. Năm đó anh đã gần 40 tuổi nhưng chưa xây dựng gia đình. Cuộc đời anh Hưng là những trang huyền thoại. Anh rất đa tài. Trong kháng chiến chống Pháp, anh chiến đấu ở chiến trường cực nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận).
Sau hoà bình lập lại (1954) anh hoạt động trong đoàn văn công Liên khu 5, vừa sáng tác nhạc, vừa biên đạo múa, vừa làm thơ, viết văn. Thế nhưng, trong kháng chiến chống Mỹ, anh lại tham gia binh chủng đặc công, là chính trị viên một tiểu đoàn đặc công nổi tiếng bám trụ kiên cường, chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi. Trong đợt Tổng tiến công Mùa Xuân Mậu Thân 1968, anh bị thương nặng, được ra Bắc điều trị, sau đó được về báo Quân đội nhân dân, làm phóng viên chiến trường.
Trái với vẻ ngoài của Khương Thế Hưng, Đoàn Công Tính người dong dỏng cao, da trắng, thư sinh. Năm ấy anh khoảng 30 tuổi, đã có vợ, mới có con. Đoàn Công Tính là phóng viên nhiếp ảnh. Trước khi biết anh , tôi đã được xem rất nhiều bức ảnh anh chụp về người lính, về chiến trường. Những bức ảnh đó thường được đăng trên các báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân.
Cả hai anh vừa từ Đông Hà, Quảng Trị về , còn nóng hổi không khí chiến trường. Các anh về Hà Nội để nhận công tác mới : Tham gia Phái đoàn quân sự bốn bên vừa được thành lập sau hiệp định Pa ri. Tình cờ, tôi lại được ngồi cùng với các anh trong một toa tàu, trên hai ghế đối diện nhau. Các anh kể chuyện chiến trường, còn tôi thì kể chuyện hậu phương, chuyện cơ quan, chuyện sơ tán. Đến bữa ăn trưa, tôi bóc bánh chưng, quà tết quê hương mời các anh , còn các anh thì bóc lương khô, tiêu chuẩn lương thực của người lính đi công tác để chiêu đãi tôi. Ở trên tàu , người ta dễ thông cảm và dễ thân nhau lắm, nhất lại là những ngày hoà bình đầu tiên, không khí còn bừng bừng sắc Xuân !
Hồi đó, tàu chạy còn rất chậm . 8 giờ sáng khởi hành từ ga Vinh, nhưng 7 giờ tối mới đến ga Phủ Lý. Đến đây, Đoàn Công Tính chia tay chúng tôi. Vợ anh, chị Vân Yến, bác sỹ công tác ở bệnh viện Quân y tại  Phủ Lý, đang chờ . Chị vừa mới sinh cháu đầu. Còn lại tôi và Khương Thế Hưng cùng về Hà Nội. 9 giờ đêm chúng tôi xuống ga Hàng Cỏ, tôi xin địa chỉ và số điện thoại cơ quan của anh, để liên hệ về sau. Năm 1975, ngay sau ngày giải phóng Miền Nam, tôi nhớ có lần, tôi đã mời anh tới nói chuyện về chiến dịch Hồ Chí Minh ở cơ quan tôi lúc bấy giờ còn ở ngoài bãi Phúc Xá. Giọng anh sang sảng. Anh kể chuyện chiến trường rất hấp dẫn. Cả hội trường chật nich người, ngồi nghe suốt 4 tiếng đồng hồ mà không có một ai ra ngoài, mặc dù hôm ấy trời rất nóng.
Khương Thế Hưng mất năm 1999 vì bạo bệnh, khi mới ở tuổi 65. Sau này, khi đọc sách báo, tôi mới phát hiện thêm một điều thú vị về anh. Anh chính là anh M , người yêu của bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Trong nhật ký, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm thường nhắcđến anh M, tức là viết tắt bút danh Đỗ Mộc, Nguyên Mộc của anh. Có lẽ anh xây dựng gia đình muộn vì ám ảnh của mối tình đầu này chăng?
Còn Đoàn Công Tính, sau chuyến tàu năm ấy, tôi không có dịp gặp anh. Trước khi anh xuống tàu, vì rất vội nên tôi cũng không kịp hỏi địa chỉ. Thế nhưng, giữa anh và tôi lại có cái duyên gặp gỡ rất lạ. Năm 1977- 78, tôi tìm hiểu người yêu công tác ở một cơ quan nọ. Khi chúng tôi sắp tổ chức lễ thành hôn, tôi mới phát hiện ra rằng, người vợ sắp cưới của tôi và chị Vân Yến vợ anh là hai chị em rất thân nhau. Bác sỹ Vân Yến sau những ngày làm việc ở bệnh viện Phủ Lý đã xin về công tác ở một cơ quan dân sự ở Hà Nội, phụ trách  y tế cơ quan. Trong ngày cưới của hai chúng tôi, chính Đoàn Công Tính đã tặng chúng tôi cả một cuộn phim và chụp ảnh toàn bộ lễ cưới. Nếu biết rằng, thời buổi bao cấp ấy, phim ảnh vô cùng hiếm, người đến chụp ảnh ở hiệu ảnh Quốc Tế  Bờ Hồ còn phải đăng ký trước để lấy tích kê, thì mới thấy rằng món quà của anh đối với chúng tôi quý giá biết ngần nào !
Năm 1983, anh chị chuyển cả gia đình vào sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng tôi cùng anh Vương Trí Nhàn, nhà phê bình văn học, bạn anh, ra ga Hàng Cỏ tiễn chân (và chuyển giúp hành lý lên tàu, vì anh chuyển cả gia đình nên rất nhiêu đồ đạc cồng kềnh) . Tàu chuyển bánh rồi, chúng tôi trở về nhà, lòng bâng khuâng nghĩ rằng, từ nay phải xa những người bạn quý.
Từ đó, mỗi khi có dịp vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đều ghé thăm anh chị. Ngược lại, hai anh chị mỗi khi có dịp ra Hà Nội công tác đều ghé gia đình tôi. Năm 2001, anh xuất bản tập ảnh phóng sự về chiến tranh Việt Nam, có tên là Khoảnh khắc. Cuốn sách được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời đề tựa. Anh mang sách ra tặng tôi. Anh còn tìm gặp những cựu chiến binh năm xưa, những người từng được anh chụp ảnh, để tặng. Thật là một việc làm tình nghĩa. Nếu chúng ta biết rằng mỗi cuốn sách ảnh của anh có giá bìa là 250.000 đồng, giá hơn nửa chỉ vàng lúc ấy ! (năm 2001 giá vàng 4 số 9 là 475.000 đ/chỉ) . Nhưng giá trị cuốn sách không chỉ ở chỗ ấy. Nhiều Liệt sĩ của chúng ta hi sinh khi chưa kịp để lại một bức hình, đối với người thân của họ thì tập sách ảnh của anh là vô giá.
Năm 2007, tôi vào Thành phố Vũng Tàu dự đám cưới đứa cháu ruột. Xong việc , tôi về Thành phố Hồ Chí Minh thăm anh chị. Sau 17 năm trời, đây là lần đầu tiên tôi trở lại thành phố đô hội này. Anh Tính tranh thủ đưa tôi đi thăm một số nơi, giữa đường phố Sài Gòn chật như nêm. Ở Hà Nội tôi đã quen với cảnh đường chật người đông nhưng Sài Gòn còn đông gấp bội. Tôi ngỏ ý, trước đây tôi đã mấy lần đến tham quan dinh Độc Lập nhưng hồi ấy chưa mở cửa tầng hầm, lần này tôi muốn được trở lại xem. Anh Tính đưa tôi tới đó nhưng không may lại gặp phải hôm người ta không mở cửa tầng hầm cho khách tham quan. Anh dẫn tôi vào gặp chị Bùi Thị Hằng, Phó Giám đốc Nhà bảo tàng. Chị Hằng người Đức Thọ, Hà Tĩnh, là cháu ngoại nhà thơ yêu nước Phan Điện (Phan Điện là bố của hai vị bộ trưởng Phan Anh, Phan Mỹ trước đây). Chị Hằng tặng mỗi người hai đĩa phim tư liệu : “ Ngày 30- 4 ở dinh Độc Lập” và “ Chuyện về những người lính xe tăng 390” ( Sau này về Hà Nội, hai đĩa này được nhiều người mượn về xem và sao lại) . Sau đó, khi biết nguyện vọng của hai anh em(thực chất là của riêng tôi) chị gọi một cô hướng dẫn viên trẻ tên là Thu dẫn hai anh em đi thăm hầm ngầm dưới dinh. Chị ưu ái hai vị khách đặc biệt như thế đấy.  Thế mới biết, ở Sài Gòn, anh Tính quan hệ rộng như thế nào. Khi hai anh em chia tay, chị Hằng còn hát “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”, tôi biết chị có ý tiễn riêng tôi (Vì chị và tôi cùng đồng hương Hà Tĩnh) .
Rời dinh Độc Lập, anh Tính đưa tôi đến trước tượng đài Bác Hồ ở vườn hoa trước cửa trụ sở Uỷ ban nhân dân Thành phố để tranh thủ chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Khi đi qua toà nhà Quốc hội cũ (nay là Nhà hát Thành phố) anh Tính hỏi có dừng lại chụp ảnh không. Lúc này đã là 11 giờ trưa, mà 13 giờ đã phải có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất , không thể dềnh dàng được nữa. Hai anh em đành đèo nhau về nhà ăn cơm. Ăn xong, anh thuê một người lái xe ôm chở tôi ra sân bay. Vì cả buổi sáng đèo tôi đi chơi,bây giờ anh đã mệt. 12 h45, tôi từ giã anh chị, lên xe ôm ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nơi, móc tiền ra giả anh xe ôm, anh cười bảo là anh Tính đã giả trước rồi. Cảm ơn anh Tính, chị Yến đã quá chu đáo. Cảm ơn cả anh xe ôm Sầi Thành nữa bởi tính chân thật của anh. 13h30, tôi lên máy bay về Hà Nội.
Mấy ngày sau, tôi nhận được một chiếc phong bì dày gửi bảo đảm từ thành phố Hồ Chí Minh. Đó là những bức ảnh anh chụp trong ngày anh đưa tôi đi chơi . Anh chu đáo như thế đấy.
Đoàn Công Tính là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài danh. Anh đã nhận được Giải thưởng lớn kèm Huy chương vàng của tổ chức Quốc tế các nhà báo OI J (cho bức ảnh Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu) ; giải Nhất của Hội văn nghệ Hà Nội 1970 ( cho bức ảnh Trên đường hành quân) ;giải nhất của Hội nhà báo Việt Nam 1973 (cho bức ảnh Trên đồi không tên) ; giải Nhất của Tổng cục chính trị 1970 (cho bức ảnh Tiến bước dưới Quân kỳ); giải thưởng Hội nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh (cho bức ảnh Người cửa sông) v.v. . .Năm 2005, tập ảnh Khoảnh khắc vinh dự được nhận Giải thưởng ảnh Châu Á Xa ga mi ha ra của Nhật Bản.  Hiện nay anh đang nung nấu ý định xây dựng một Bảo tàng tư nhân về chiến tranh Việt Nam. Đi đâu anh cũng để ý sưu tầm, nhặt nhạnh các hiện vật từ quả mìn, “cây nhiệt đới”, vỏ bom bi, bom B 52 v.v. . .Những vật bình thường không ai để ý đến, nhiều khi đối với anh lại là quý giá. Chúc anh đạt được thành công như ý. / .
                                                                                Phan Duy Kha
    Ảnh đầu bài : Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết cho cuốn Khoảnh khắc của Đoàn Công Tính. Trang bên phải là ảnh Đại tướng tiếp Nghệ sĩ  Đoàn Công Tính tại nhà riêng ngày 8- 1- 2001 .
    Ảnh dưới : Ảnh trái: Ảnh cưới của vợ chồng  Kha – Mai, do Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đoàn Công Tính chụp tặng từ năm 1978 (ảnh chụp lại ) . Ảnh phải: Chị Bùi Thị Hằng , Phó giám đốc Nhà bảo tàng dinh Độc Lập tiếp Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đoàn Công Tính (giữa) và Phan Duy Kha tại dinh Độc Lập ngày 20- 11- 2007
.












































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét