Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

HỌ PHAN CỦA TÔI

Họ Phan của tôi




Họ Phan có ở rất nhiều vùng trong nước. Đã có một cuốn sách Họ Phan trong cộng đồng dân tộc Việt Nam do tác giả Phan Tương chủ biên (Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1997) . Ở đây , tôi chỉ đề cập đến một chi họ Phan nhỏ của tôi, ở miền quê Song Lộc , Can Lộc, Hà Tĩnh.

Phần mở đầu cuốn Gia Phả họ Phan, do cha tôi dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ có một đoạn như sau:
“Bản gia phổ này tôi lược sao di tích của Tổ tiên, cố, cao và ông cha để lại bằng chữ quốc ngữ để mai sau con cháu nghiên cứu tìm hiểu sự tích của Tổ tiên , ông cha trong họ và chi ta. Tôi viết  sao ra đây, theo bản chữ Hán của thời Cố Tốn và Cố Hàn để lại thì Tổ tiên ta trước đây ở xã Phan Xá huyện Nghi Xuân. Tiên tổ khảo tiền bản tổng Tổng Chánh di cư đến xã Nguyệt Ao thôn Nguyễn Xá, xóm Quỳnh Côi lập cơ nghiệp.

Mãi cho đến đời chắt ông Tổng Chánh lại đến lập cơ nghiệp tại đây, tức là chỗ ở hiện nay. Cho nên từ đó về sau này con cháu làm ăn đinh tài thịnh vượng. Để tưởng niệm đến Tổ tiên, nên hàng năm đầu Xuân cả họ Đại Tôn con cháu tập trung tế lễ. Còn bốn chi, theo từng chi một để lệ vào 15 -7 âm lịch hàng năm”
Trên đây là phần mở đầu bản gia phả của chi họ Phan của tôi, một chi nhỏ trong họ Phan Đại Tôn hiện ở xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Chính câu “ Tổ tiên ta trước đây ở xã Phan Xá, huyện Nghi Xuân. . .” đã thôi thúc tôi tìm hiểu về nguồn cội
.P1080012P1080013P1080014P1080015

Trên đây là phần mở đầu bản gia phả của chi họ Phan của tôi, một chi nhỏ trong họ Phan Đại Tôn hiện ở xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Chính câu “ Tổ tiên ta trước đây ở xã Phan Xá, huyện Nghi Xuân. . .” đã thôi thúc tôi tìm hiểu về nguồn cội.
Trong quá trình cộng tác với ông Phan Tương để viết cuốn “ Họ Phan trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” , tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều cuốn gia phả của các dòng họ Phan trong cả nước. Riêng gia phả họ Phan ở Phan Xá (nay là xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân ,Hà Tĩnh) mà 10 đời đầu do chính ngài Hoàng giáp Phan Chính Nghị soạn từ năm 1526 thì sau khi cuốn sách  “Họ Phan. . .” ra đời mới đến tay những người biên tập. Người gửi tài liệu này là ông Phan Minh Sô hiện sinh sống ở Đà Nẵng. Ông Phan Minh Sô thuộc họ Phan Bảo An ( làng Bảo An, huyện Điện Bàn ,Quảng Nam) . Họ Phan Bảo An là một chi tách ra từ họ Phan Phan Xá. Tôi liền viết thư lien lạc với ông Phan Minh Sô để hỏi tình hình. Ít lâu sau tôi nhận được thư của ông Phan Minh Sô, giới thiệu địa chỉ của ông Phan Văn Tấn nay ở Đội 7, xã Xuân Mỹ , Nghi Xuân, Hà Tĩnh,  là hậu duệ của ngài Phan Chính Nghị. Ông Phan Văn Tấn là một giáo viên hưu trí, là người rất nhiệt tâm với cội nguồn. Nhận được thư tôi , ông Tấn đã phúc đáp,  trong đó có đoạn đáng chú ý : “ Trong phổ hệ tộc Phan (Phan Xá) có bài “Thư Phan gia” của ngài Thượng tướng quân Phan Khắc Từ đời thứ 13 (cháu đích tôn 4 đời của ngài Phan Chính Nghị) có đoạn ghi: “Chỉ trung gian tao biến, hữu nhất chi xuất vu La Sơn Lai Thạch” . Có nghĩa là đến khoảng trung gian, gặp tai vạ thình lình lại có một chi lên La Sơn Lai Thạch” ( Bấy lâu tôi đang tìm hiểu về La Sơn Lai Thạch mà chưa rõ) .Tôi nhận thấy rằng vào khoảng đời thứ 10, 11 gì đó do sự tàn khốc của quân Mạc đốt phá , cướp bóc của cải của nhân dân , truy lùng bắt ngài Phan Chính Nghị, nên nhiều người phải bỏ quê hương ra đi” (Trích thư ông Phan Văn Tấn, ngày 23- 7- 1998). Có thể ông Tổ họ tôi là con cháu của ngài Phan Chính Nghị đã phải ly quê để trốn tránh nhà Mạc trong trường hợp đó ? Dù sao thì đây vẫn chỉ là suy luận. Trường hợp họ Phan của tôi không giống như trường hợp họ Phan Bảo An. Khi đoàn đại diện họ Phan Bảo An tìm về Phan Xá để nhận họ thì giữa gia phả của hai giòng họ rất khớp nhau. Đó là , các bậc thuỷ tổ của họ Phan Bảo An là Phan Đa Lôi, Phan Đa Lư có tên trong gia phả họ Phan Phan Xá do ngài Phan Chính Nghị lập ( Phan Chính Nghị đời thứ 10, còn các ông Đa Lôi, Đa Lư ở đời thứ 3, thứ 4) . Vì vậy việc nhận họ là chắc chắn, không phải phân vân gì.
Còn gia phả họ Phan của tôi thì chỉ ghi là ở gốc ở Phan Xá, chứ không ghi được tên cụ Tổ là gì. Trong gia phả họ Phan Phan Xá cũng chỉ ghi có một chi chuyển lên La Sơn Lai Thạch mà không ghi là nhánh nào, cụ Tổ li quê đó tên là gì, đó là điều khó khăn cho việc kết nối gia phả sau này. Mặt khác, địa danh Lai Thạch mà gia phả họ Phan Phan Xá đề cập là tên tổng ngày xưa. Phạm vi tổng này rất lớn, bao gồm đến 6 xã ngày nay. Trong 6 xã đó cũng có nhiều họ Phan. Ngoài họ Phan của tôi ra, không biết có họ Phan nào chuyển cư từ Phan Xá lên không. Vào tháng 2 – 2002, ông Phan Văn Tấn có tìm về quê tôi để tìm hiểu gia phả. Cũng vì lý donhư thê mà việc nhận họ chưa thực hiện được
.P1040223P1040220
Cũng cần phải thấy một điều rằng, hai trường hợp ly quê đến vùng đất mới lập nghiệp của các vị Tổ ngày xưa có hoàn cảnh hoàn toàn khác mhau. Ở Phan Bảo An thì đi theo mệnh lệnh của triều đình, việc đi đó là đường đường chính chính. Việc ghi chép tên và địa chỉ của kẻ ở người đi là hoàn toàn công khai. Còn việc ly quê của ông Tổ họ Phan Song Lộc của tôi (nếu đúng như thế thật) là trốn chạy truy nã. Vì vậy việc ghi chép tên tuổi ở gia phả gốc cũng như gia phả của những người ly hương không thể rõ ràng ,đầy đủ được (có trường hợp còn phải thay tên đổi họ). Nay tôi xin ghi thêm ra đây, như một dấu hỏi lớn, để các thế hệ, những người tâm huyết với cội nguồn tiếp tục quan tâm tìm hiểu . Tôi cũng xin in nguyên văn bức thư của  ông Phan Văn Tấn để những ai sau này có điều kiện thì tìm hiểu thêm . / .
                                                                           Phan Duy Kha
    (Trích trong cuốn “Cội nguồn 6” do Nguyễn Văn Thành và Đinh Công Vĩ biên soạn , Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội,  2004)
   Ảnh: Nhà thờ chi họ Phan ở xóm 7, Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
   Toàn văn thư của ông Phan Văn Tấn gửi Phan Duy Kha ngày 23- 7- 1998.
Cuối cùng là bức thư góp ý của ông  Phan Minh Sô sau khi đọc bài viết của tôi )
 P1080016P1080017


Chép thêm: Xin giới thiệu thêm bài viết của Tác giả Phan Bá Lương mà tôi mới tìm thấy trên mạng vào ngày 25.7.2014 để mọi người tham khảo. Bài viết này tác giả có ý trao đổi với tôi (và 2 người nữa, như ở đầu bài tác giả đã ghi cụ thể). Tôi đăng lại bài viết  coi như một sự đồng tình với quan điểm của tác giả và là một sự đính chính đối với bài viết của tôi.
VỀ MỐI LIÊN HỆ GIỮA HAI TỘC PHAN Ở BẢO AN (ĐIỆN QUANG, ĐIỆN BÀN,QUẢNG NAM) VÀ PHAN XÁ (XUÂN MỸ, NGHI XUÂN, HÀ TĨNH)
Thứ sáu, 25 Tháng 7 2014 13:49
Kính gởi: Các anh Phan Đình Sơn, Phan Lý Dại, Phan Duy Kha
Một tháng nay, nhân đi tìm tài liệu về tộc Phan nói chung và những nhân vật họ Phan chuẩn bị cho bài viết của mình, tôi đọc được bài viết của ba anh có liên quan đến tộc Phan (Bảo An) của tôi, cụ thể:
+“… Thời nào, dòng họ này cũng có ng¬ười hào kiệt, học cao biết rộng đư¬ợc nhà Vua phong cho nhiều chức t¬ước và bổ nhiệm đi làm quan nhiều nơi trong n¬ước. Ông Phan Nhân Bàn là một người con trong dòng họ làm quan đến chức Thư¬ợng t¬ướng quân cẩm y vệ đô chỉ huy sứ, có công dẹp giặc giữ biên cư¬ơng, mở mang bờ cõi cho Tổ quốc. Năm 1470, d¬ưới triều Lê Thánh Tông, ông đã cầm quân đi dẹp giặc Chiêm Thành tỉnh Quảng Nam. Sau khi dẹp giặc xong, ông đã đ¬ưa quân vào khai khẩn đất hoang để quy dân lập xã, gây dựng cơ đồ họ Phan tại làng Bảo An, nay là xã Điện Quang huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Sau hơn 500 năm, con cháu của ông đã lên đến hơn 1000 hộ gia đình, sinh sống nhiều nơi nh¬ư Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Đà Lạt, Bình D¬ương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…” ([1])
+”… Họ Phan Bảo An là một chi tách ra từ họ Phan Phan Xá …” ([2])
Vì vậy mà hôm nay, bằng bài viết này gởi đến các anh, tôi xin được cùng các anh trao đổi để làm sáng tỏ hơn một số điểm trong hai bài viết đã nêu bên trên:
1.Tộc Phan (Bảo An) có phải là một nhánh, một chi tách ra từ tộc Phan (Phan Xá) hay không?
Xin mời xem dưới đây:
a.Tông đồ họ Phan (Bảo An):
Phổ hệ tộc Phan (Bảo An) ([3]) ghi Tông đồ từ Ngài Nghệ An Trại chủ như sau:
Đời 1: -Thủ lĩnh Nghệ An Trại chủ
Đời 2: -Ô. Quang
Đời 3: -Ô. Thiên
Đời 3: -Ô. Quế
Đời 3: -Ô. Khảm
Đời 4: -Ô. Chấn
Đời 4: -Ô. Ló
Đời 4: -Ô. Trình
Đời 5: -Ô. Tựu
Đời 6: -Ô. Bá Lân
Đời 7: -Ô. Trách
Đời 7: -Ô. Hân
Đời 7: -Ô. Đỉnh (Tổ tộc Phan Xuân Viên)
Đời 6: -Ô. Huy Minh
Đời 6: -Ô. Huy Tài
Đời 7: -Ô. Nhân
Đời 8: -Ô. Trí Phụ
Đời 9: -Ô. Khắc Đạn
Đời 10: -Ô. Chánh Nghị (Tổ tộc Phan Phan Xá, Xuân Mỹ)
Đời 7: -Ô. Trung
Đời 8: -Ô Thúc Quyên (Tổ tộc Phan Tiên Cầu, Xuân Giang)
Đời 5: -Ô. Khắc Tôn
Đời 5: -Ô. Thang Doãn
Đời 5: -Ô. Xui
Đời 3: -Ô. Lôi
Đời 4: -Ô. Đa Lư
Đời 5: -Ô. Nhơn Huyện
Đời 6: -Ô. Nhơn Bàn (Tổ tộc Phan Bảo An, Điện Bàn)
Đời 2: -Ô. An
Đời 3: -Ô. Thiên
Đời 4: -Ô. Siêu
Đời 5: -Ô. Cắng
Đời 6: -Ô. Thiên Phú (Tổ tộc Phan Cổ Đạm)
Đời 6: -Ô. Bá Anh
Đời 3: -Ô. Thu
Tôi có ghi thêm vào các chữ và các phần so với trang 19 của Phổ hệ tộc Phan 1994, việc ghi thêm này không làm thay đổi bản chất sự việc, đó là các chữ “Đời 1 -> Đời 10”, và “Đời 5 ông Nhơn Huyện, Đời 6 ông Nhơn Bàn”. Mục đích của việc thêm vào chỉ nhằm để mọi người thấy rõ mối liên hệ dòng tộc giữa Phan (Bảo An) và Phan (Phan Xá).
Theo Tông đồ này thì ở Phan (Phan Xá), ông Phan Huy Tài đời thứ 6, ông Phan Nhân đời thứ 7, ông Phan Chánh Nghị đời thứ 10; còn ở Phan (Bảo An) thì ông Phan Nhơn Bàn đời thứ 6 ngang với ông Phan Huy Tài. Về xưng hô thì ông Phan Nhân gọi ông Phan Nhơn Bàn là chú, còn ông Phan Chánh Nghị gọi ông Phan Nhơn Bàn là ông sơ.
b. Sách Nghệ An ký:
Sách Nghệ An ký ([4]) viết về Ông Phan Chính Nghị: “…Ông người xã Phan Xá, huyện Nghi Xuân. Theo Đăng khoa lục, năm 36 tuổi, ông đổ Đồng tiến sĩ khoa Tân mùi đời Lê Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận (1511) làm đến Đô ngự sử, tiết nghĩa và được phong phúc thần. Gia phả nhà ông chép tổ tiên tại xã Đa Hoạch, huyện Thiên Lộc. Thuỷ tổ tên làng Thứ lĩnh thời Trần, làm Trại chủ Nghệ An tước Quan nội hầu, tổ tám đời tên Quang làm chức Thư viện, tổ bốn đời tên Hy Tái làm chức Đại toát hữu, tước Đại liêu ban, lấy con gái của Tuần kiểm sứ cửa biển Nam giới Phan Như Lê người làng Phan Xá huyện Nghi Xuân, nhân làm nhà ở tại đây. Cố của ông tên Nhân làm An phủ sứ lộ Lỵ nhân, cha là Khắc Thần làm nho sinh. Khi họ Mạc cướp ngôi, ông bỏ quan trốn đi, bị nhà Mạc cưỡng bức về, đến xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm thì ông gieo mình xuống sông tự tử. Nay ở xã Phan Xá có đền thờ ông, dân làng Bát Tràng cũng lập đền thờ. Con cháu ông đông đúc các đời xuất thân văn học…”.
Như vậy, Nghệ An ký cho biết:
b.1. Ông Phan Hy Tái (hay Huy Tài) làm quan đời vua Lê Thái Tổ vì như sách Lịch triều hiến chương loại chí ([5]) đã ghi : “… Thời Lê sơ, Thái Tổ khởi nghĩa phong tước cho các tướng thần, có các bực Á hầu, Thông hầu, Quan phục hầu, Trước phục hầu. Đến khi tiến đến Đông đô thì phong tước có các bậc Thượng phẩm, Hạ phẩm, Thượng trí tự, Hạ trí tự, Minh tự, Đại liêu ban, Á liêu ban…”. Biết rằng vào thời Lý có tước Đại liêu ban, đến thời Trần không còn tước này, năm 1426 khi Lê Lợi tiến đến Đông đô thì mới khôi phục lại tước Đại liêu ban, nhưng đến năm 1428 Lê Lợi lên ngôi là Lê Thái Tổ thì cũng không còn tước này, mà ông Huy Tài như đã ghi là có tước Đại liêu ban, vậy ông phải làm quan với tước này trong khoảng từ 1426 đến 1428.
b.2. Xuất phátcủa tộc Phan (Phan Xá) là từ ông Huy Tài. Ông Huy Tài lấy con gái của Ông Phan Như Lê – người làng Phan Xá, huyện Nghi Xuân – nên mới làm nhà ở Phan Xá và tiếp tục ở từ đó cho đến nay, như vậy thì đến đời thứ 6 mới chuyển đến xã Phan Xá.
b.3. Ông Phan Chính Nghị sinh năm Hồng Đức 7 đời vua Lê Thánh Tông (1476), đổ Đồng tiến sĩ năm Hồng Thuận 3 đời vua Lê Tương Dực (1511) lúc 36 tuổi.
c. Sách Đại Việt sử ký toàn thư:
Sách này viết về ông Phan Nhân (đời thứ 7, con ông Huy Tài, và là ông cố của ông Phan Chánh Nghị) như sau:
-Ất mão 1435 lấy Chuyển vận sứ huyện Phù Lưu là Phan Nhân làm An phủ phó sứ lộ Thiên Trường.
-Mậu thìn 1448, cho Thượng hầu An phủ sứ Phan Nhân làm Đồng tri thẩm hình viện sự.
-Kỷ tỵ 1449, giáng Đồng tri thẩm hình viện sự Phan Nhân làmAn phủ phó sứ lộ Lỵ Nhân([6]).
Nhưng làm sao để xác định ông Phan Nhân này chính là ông Phan Nhân của Phan (Phan Xá), xin mời xem tiếp.
d.Sách Tác gia hán nôm Nghệ Tĩnh:
Sách này ([7]) viết: “Phan Nhân (1401-?) tự là Yên Lạc, hiệu là Lạc Trai, người làng Phan Xá, nay là xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là tằng tổ hoàng giáp Phan Chính Nghị, học giỏi nhưng không đi thi, năm 1424 theo Lê Lợi đánh giặc Minh, sau làm đến Thẩm hình viện tri viện sự, tước Trung nghị đại phu, Vận kỵ uý, Á sự liêu ban, Yên phủ sứ lộ Lý Nhân. Tác phẩm: -Lạc trai tập (văn, đã mất), -Bài ký hành quân (theo Nghi Xuân huyện chí, đã mất), -Câu đối đáp học quan nhà Minh (chép trong Nghi Xuân huyện chí, quyển hạ), -Đề lỵ sở Lý Nhân (thơ, chép trong Nghi Xuân huyện chí, quyển hạ)”.
e.Ghi nhận trong phổ hệ Phan (Phan Xá):
Ông Phan Văn Tấn ở đội 7, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết như sau : “…Trong phổ hệ của tộc Phan (Phan Xá) ghi chép rất đầy đủ về thân thế, sự nghiệp của Ngài Nhân, còn trong Nghi Xuân huyện chí thì chép sơ qua. Theo phổ hệ thì quá dài nên chỉ ghi phần ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất của Ngài Nhân là: “… Ngài Nhân tự là An Lạc, hiệu là Lạc Trai tiên sinh, con trai trưởng Ngài Hy Tái, sinh ngày 26 tháng 4 năm tân tỵ (tức năm 1401) đời Hồ Thiệu Thành nguyên niên ở thôn Liên Đuờng, xã Phan xá … Một buổi sáng ngủ dậy sai người nhà nấu nước hương tắm giặt, mặc áo đội mũ, cân đai chỉnh tề, đốt hương ngồi tỉnh lặng, mắt mờ như ngũ, suốt ngày không nói, đến giờ mão ngày 25 tháng 9 năm canh ngọ (1450) đời vua Nhân Tông niên hiệu Thái Hòa năm thứ 8 thì Ngài qua đời, xuân thu vừa 48…” ([8]).
Như vậy ghi nhận về ông Phan Nhân trong hai cuốn sáchĐại Việt sử ký toàn thư, Tác gia hán nôm Nghệ Tĩnh, vừa nêu trên là cùng viết về một ông Phan Nhân của Phan (Phan Xá).
Từ những dẫn chứng bên trên, có thể khẳng định:
1.Quê tổ của Phan (Bảo An) và Phan (Phan Xá) là xã Đa Hoạch huyện Thiên Lộc. Từ quê tổ này, trong suốt chiều dài lịch sử của dòng tộc, đã có nhiều người con vì nhiều lý do đã tách ra thành lập những dòng tộc Phan ở các nơi, như Phan (Bảo An, Ngài Nhơn Bàn), Phan (Phan Xá, Ngài Chánh Nghị), Phan (Cổ Đạm, Ngài Thiên Phú), Phan (Tiên Cầu, Ngài Thúc Quyên), Phan (Xuân Viên, Ngài Phan Đỉnh), Phan (Vĩnh Gia, Ngài Phan Lệ, đời trước của ông Phan Kính, đình nguyên Thám hoa) …
2. Tộc Phan (Bảo An) và tộc Phan (Phan Xá) có cùng một ông tổ là Ngài Phan Quang, con Ngài Nghệ An Trại chủ tước Quan nội hầu, theo đó thì Phan (Phan Xá) vai anh, còn Phan (Bảo An) vai em.
3. Tộc Phan (Phan Xá) đến xã Phan Xá vào đời thứ 6 (ông Phan Nhân); còn tộc Phan (Bảo An) rời quê tổ vào đời thứ 4 (ông Đa Lư) và lập nhánh mới ở Bảo An vào đời thứ 5 (ông Nhơn Huyện). Nói như vậy là vì phổ hệ Phan (Phan Xá) chỉ ghi đến đời ông Lôi (đời 3), còn Phổ hệ Phan (Bảo An) thì ghi từ đời ông Lôi trở về sau.
4. Không thể ghi “…Ông Phan Nhân Bàn là một người con trong dòng họ …” khi viết về “Dòng họ Phan Chính Nghị ở Xuân Mỹ, Nghi Xuân” vì chưa bao giờ ông Phan Nhơn Bàn là một người con trong dòng họ này, ông Nhơn Bàn là ông sơ (tức là ông 5 đời trên ông Chánh Nghị) thì làm sao mà là người con trong dòng họ ông Phan Chính Nghị ở Xuân Mỹ, Nghi Xuân được, viết rằng ông Nhơn Bàn (và ông Chánh Nghị) là người con dòng họ Phan (Đa Hoạch) hay dòng họ Phan mà Ngài Thủy tổ là Nghệ An Trại chủ thì mới đúng ([9]), làm sao lại có thể viết ông sơ (5 đời trên) là con cháu của người cháu 5 đời dưới mình được.
5. Cũng không thể ghi ”… Họ Phan Bảo An là một chi tách ra từ họ Phan Phan Xá …” vì Phan (Bảo An) đã ra đi vào đời thứ 4 và cũng không đến Phan Xá, còn Phan (Phan Xá) đến Phan Xá vào đời thứ 6, cách biệt nhau 2 đời thì làm sao mà Phan (Bảo An) lại là một chi tách ra từ Phan (Phan Xá).
Tôi hy vọng rằng với bài viết này, mối quan hệ giữa hai tộc Phan (Bảo An) và Phan (Phan Xá) sẽ không bị hiểu sai như lâu nay nữa, mặc dù những sơ sót đó không lớn ([10]).
2. Có phải đến năm 1470 triều Lê Thánh Tông, ông Phan Nhơn Bàn mới cầm quân dẹp Chiêm Thành, sau đó, ông đã đư¬a quân vào khai khẩn đất hoang để quy dân lập xã, gây dựng cơ đồ họ Phan tại làng Bảo An, nay là xã Điện Quang huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam hay không?
Lâu nay, nhiều con cháu cũng đã đưa ra nhiều thời điểm vào nam của ông Nhơn Bàn, mặc dù ý kiến còn khác nhau nhưng điều đó chứng tỏ trong tộc Phan (Bảo An) có nhiều người quan tâm đến ông cha, đến dòng tộc; tôi xin trao đổi thêm với các anh như sau:
a. Ở trên đã xác nhận, ông Phan Nhân (đời 7) phải gọi ông Nhơn Bàn (đời 6) bằng chú, vậy thì ông Nhơn Bàn có thể lớn tuổi hơn, hoặc bằng tuổi, hoặc nhỏ tuổi hơn chút ít so ông Nhân. Ông Nhân sinh năm 1401, năm 1424 theo Lê Lợi đánh giặc Minh, và mất năm 1450 ([11]). Từ đó mà suy ra thì ông Nhơn Bàn cũng phải sống trong thời kỳ này, tương tự như ông Phan Nhân. Ông Phan Nhân mất năm 1450 lúc 50 tuổi, vậy lúc đó ông Nhơn Bàn bao nhiêu tuổi mà mãi đến 20 năm sau (1470) lại có thể cầm quân đánh giặc, rồi lại còn khai phá lập nên làng Bảo An. Vã lại, năm Quang Thuận 3 (1462) vua Lê Thánh Tông đã chỉ truyền cho các quan văn võ đang tại chức, đến 65 tuổi muốn về hưu cho đầu đơn cáo tại Lại bộ, kê tâu để thi hành ([12]), có lẽ nào ông Nhơn Bàn đến năm 1470 còn dưới 65 tuổi nên còn cầm quân đánh giặc, trong khi nếu còn sống ông Phan Nhân đã 70 tuổi.
Mặt khác, có lẽ các anh cũng đồng ý với tôi rằng Vệ Cẩm y là vệ quân chỉ có ở kinh đô, vệ này được thành lập chỉ với một mục đích duy nhất là bảo vệ nhà vua, bảo vệ hoàng tộc. Do đó mà vị võ quan chỉ huy vệ Cẩm y này (thời Lê là Đô chỉ huy sứ, thời Nguyễn là Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ) không bao giờ phải cầm quân dẹp giặc, việc này là nhiệm vụ của những tướng khác, trừ một trường hợp duy nhất là khi vua ra ngoài (đi tuần, thân chinh đánh giặc …), vì vậy nên ghi ông Nhơn Bàn cầm quân vào Quảng Nam dẹp Chiêm Thành là chưa xác đáng (có thể ông theo vua Lê Thánh Tông khi vua thân chinh đánh Chiêm Thành thì đúng, nhưng trong trường hợp này thì không thể nói ông cầm quân được).
b. Hội đồng gia tộc Phan (Bảo An) đã quyết định chọn năm 1459 là thời điểm vào nam của Tổ tiên tộc Phan (Bảo An), việc này đã được ghi rõ trong phổ hệ 1994 của tộc Phan (Bảo An). Vì vậy mà tôi nghĩ từ nay về sau, dù là người ngoài tộc hay con cháu tộc Phan (Bảo An) cũng không nên viết khác đi so với những gì mà Hội đồng gia tộc chúng tôi đã quyết định trong những bài viết mang tính cách chính thức ([13]). Tộc chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu có những giả thuyết vào nam vào thời điểm khác, tất nhiên là với những chứng cứ lịch sử cụ thể.
Không chỉ có ba anh, trên mạng còn nhiều chỗ cũng vậy. Tôi cũng hiểu các anh cũng chưa có điều kiện tiếp xúc với người tộc Phan (Bảo An) nên viết như thế cũng là điều dễ hiểu, vả lại, sơ sót cũng không có gì là lớn, không làm ảnh hưởng hay tổn hại đến mối quan hệ thân tộc tốt đẹp mà tộc Phan (Bảo An) và Phan (Phan Xá) chung tay xây dựng từ bấy lâu nay, nhưng tôi nghĩ cũng phải nói cho rõ như sự thực đã có là tốt nhất, đó cũng là cách tôn trọng lịch sử dòng tộc.
Thành thật cám ơn các anh và chúc các anh khỏe mạnh để còn viết nhiều bài viết hơn nữa.
Thân ái,
Mùa Fifa World Cup Brasil 2014
Ngày 23 tháng 6 năm 2014
Phan Bá Lương (2/16)
________________________________________
([1])Bài “Dòng họ Phan Chính Nghị ở Xuân Mỹ, Nghi Xuân” của hai tác giả Phan Đình Sơn – Phan Lý Dại tại địa chỉ
http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/vi/news/Ha-Tinh-que-minh/Dong-ho-Phan-Chinh-Nghi-o-Xuan-My-Nghi-Xuan-326/
([2])Bài “Họ Phan của tôi” của tác giả Phan Duy Kha tại địa chỉ https://phanduykha.wordpress.com/2010/12/13/h%e1%bb%8d-phan-c%e1%bb%a7a-oi/?relatedposts_hit=1&relatedposts_origin=4599&relatedposts_position=1
([3]) Phổ hệ tộc Phan (Bảo An) lập năm 1994, trang 19.
([4]) Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Nguyễn Thị Thảo dịch, Bạch Hào hiệu đính, Nhà xuất bản KHXH 1993.
([5])Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Viện Sử học phiên dịch và chú giải, Nhà xuất bản Sử học 1992. Quan chức chí trang 529.
([6]) Đại Việt sử ký toàn thư, nhiều tác giả, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin 2004, lần lượt năm 1435 tại trang 142, năm 1448 tại trang 205, và năm 1449 tại trang 216 thuộc tập 2.
([7])Tác gia hán nôm Nghệ Tĩnh do Thái Kim Đỉnh biên soạn, Thư viện Hà Tĩnh xuất bản năm 1996
([8]) Thư của ông Phan Văn Tấn gởi để làm rõ thêm về tiểu sử ông Phan Nhân, do tôi yêu cầu trợ giúp. Tuổi của ông là 50 chứ không phải 48.
([9]) Vì vậy, cũng không thể ghi hậu duệ của Ngài Nhơn Bàn thành hậu duệ của Phan (Phan Xá) được.
([10]) Để rõ, xin mời xem “Góp phần vào HÀNH TRÌNH TÌM VỀ DÒNG TỘC” của tôi trên trang điện tử hophan.net.
([11])Năm 1401 thuộc niên hiệu Thiệu Thành 1 vua Hồ Hán Thương; năm 1424 thuộc thời gian Lê Lợi khởi nghĩa; năm 1450 thuộc niên hiệu Thái Hòa 8 (hoặc Đại Hòa) vua Lê Nhân Tông.
([12]) Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, trang 253 tập 2.
([13]) Điểm này đã được tôi viết trong bài “Đề nghị được đính chính về bài viết ’Dòng họ vị Thủy tổ Phan Nhơn Bàn ở Bảo An (Quảng Nam)’ trong cuốn “Họ Phan trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” của tác giả Phan Tương, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2007, trên trang điện tử hophan.net của chúng tôi cũng có đăng bức thư đề nghị này.
________________________________________


PHẢN HỒI :

 1. Phan Xuân Phúc  |  Tháng Sáu 5, 2014 lúc 7:05 sáng
Kính chào bác Phan Duy Kha !
Trước hết tôi xin phép được tự giới thiệu với bác tôi là hâu duệ đời thứ 22 của ngài Thủy tổ Nghệ An trại chủ, đời thứ 13 kể từ ngài Phan Chính Nghị của tộc Phan Phan Xá nhưng hiện nay đang công tác sinh sống ở xa quê, là một người đam mê với lịch sử, đặc biệt tấm lòng luôn hướng về cội nguồn, truyền thống tốt đẹp của dòng tộc.Vì vậy tôi hay “lang thang” tìm các thông tin trên mạng. Hôm nay tình cờ đọc được bài của bác đăng ngày 13.12.2010 viết về họ Phan của Bác, tôi thấy thật là may mắn, hiện tôi là một trong 14 người của tộc Phan Phan Xá được giao quyển Phổ hệ Tộc Phan Phan Xá-phái II do ông Phan Văn Tấn tục biên năm 2004 ( tiếc rằng nay ông đã mất). Tôi đã đọc kỹ phần viết về họ Phan ở Song Lộc Hà Tình nói về một nhánh họ Phan chạy lên vùng La Sơn-Lai Thạch:”Chí trung gian tạo biến hữu nhất chi xuất vu La Sơn Lai Thạch” và Gia phả họ Phan trên đó(Song Lộc) có câu mở đầu là: ” Tổ tiên ta nguyên trước đây ở xã Phan Xá, huyên Nghi Xuân di cư đến xã Nguyệt ao, thôn Nguyễn Xá, xóm Quỳnh Côi lập nghiệp”.Trong gia phả có ghi tên của bác đã liên lạc với ông Phan Tấn.
Tôi đã nhiều lần về quê nhân dịp lễ thủy tổ và biết là họ
Phan ở Song Lộc năm nào cũng cử đoàn về dự, tôi rất xúc động và cảm phục nhưng tiếc rằng chưa có điều kiện để diện kiến các bác. Nhân đây xin mạo muội hỏi và trao đổi với bác mấy điều là có gì mong bác lượng thứ và chỉ giáo: Thứ nhất: họ Phan Đại tôn ở Song Lộc hiện giờ thời ngài thủy tổ là ai ?bác có biết rõ họ Phan của bác lập nghiệp ở tổng Lai Thạch giai đoạn nào triều vua nào ? biết được thông tin như vậy và kết nối với các thông tin khác nữa tôi nghi chắc cũng dần dần tìm ra
Thứ hai:Xin hỏi việc Tiến sỹ Phan Đình Tá khi nhà Lê trung hưng đã hạch tôi ông vì theo Mạc và cà nhà bị tru di tam tộc có đúng không ? . Theo như gia phả họ Phan Phan Xá và trên thực tế thì con cháu của Ngài Phan Chính Nghị vẫn sinh sống bình thường ở quê khi Ngài bị Nhà Mạc ép ra kinh đô nhậm chức nên việc đàn áp truy nã ở vụ này chắc là không có ,
Thứ ba: Tôi muốn hỏi Đình nguyên thám hoa Phan Kính có phải người tộc Phan mình không ? Tôi đang phân vân họ Phan Song Lộc(của ngài Phan Kính) và họ Phan Phan Xá có phải là cùng một thủy tổ không ? là vì trong gia phả của ho Phan ( ngài Phan Kính) Song Lộc có ghi là con cháu của Ngài Nghệ An trại chủ tước Quan nội hầu thời nhà Trần quê ở xã Đa Hoạch huyện Thiên Lộc và trong gia phả tộc Phan Phan Xá(do ngài Phan Chính Nghị soạn) cũng ghi ” Thủy tổ là Thủ lĩnh Nghệ An trại chủ tước Quan nội hầu thời nhà Trần nguyên gốc ở xã Đa Hoạch huyện Thiên Lộc, khi ngài ra làm quan một số con cháu ở theo ngài ra Nghi xuân lập nghiệp đa số ở lại quê..” .Nhưng trong phổ hệ tộc Phan Phan Xá ghi ngài sinh được 2 con trai là ngài Quang và ngài An(hai ngài đều cư trú ở Nghi Xuân) không nói đến con cháu ở quê Đa Hoạch, có thể trong gia phả chỉ ghi tên con cái theo ngài ra Nghi Xuân thôi,
Trên đây có vài dòng mạo muộilàm phiền bác. Một lần nữa có gì không phải mong bác thông cảm và thứ lỗi. Hy vọng được bác giành chút thời gian xem qua.
kính chúc bác và gia đình mạnh khỏe. gặp nhiều điều tốt lành
Quảng Trị, ngày 04 tháng 6 năm 2014
Phan Xuân Phúc
o        2. phanduykha  |  Tháng Sáu 5, 2014 lúc 12:25 chiều
Thân gửi anh Phan Xuân Phúc,
Cảm ơn anh đã quan tâm đến một bài viết của tôi. Về bài “Họ Phan của tôi” đăng trên Blog này chỉ là phần thứ hai của một bài viết dài của tôi: “Về gia phả họ Phan của Hoàng giáp Phan Chính Nghị” đăng trong tập Cội nguồn số 6. Nay nhân Comment của anh, tôi chụp phần đầu của bài viết này mà tôi chưa hề giới thiệu trên mạng, để anh tiện tham khảo. Anh chịu khó xem xong 4 trang trong ảnh trên rồi chúng ta sẽ trao đổi sau nhé. Anh Click vào từng trang, hình ảnh sẽ phóng to, đọc rất đễ dàng.
Thân ái chào anh,
·         3. Phan Xuân Phúc  |  Tháng Sáu 6, 2014 lúc 6:19 sáng
Bác Phan Duy Kha kính mến !
Tôi rất cảm kích về việc bác đã nhanh chóng phan hồi và gửi tài liệu để cho tôi được tham khảo. Tôi đã đọc rất kỹ 4 trang bài viết của bác và thấy rằng được mở mang nhiều, tuy vậy vẫn mạnh dạn trao đổi với bác mấy vấn đề mong bác chỉ giáo:
1 – Về giòng họ Phan của ngài Đình nguyên-Thám hoa Phan Kính có 3 khả năng xảy ra:
+ Là hậu duệ (trực hệ) của ngài Nghệ An trại chủ nhưng không ghi trong gia phả của họ Phan Phan Xá vì khi ngài ra Nghi Xuân Lập nghiêp có thể có con cháu vãn ở lại quê(Đa Hoạch)
+ Bà con thân tộc với ngài Nghệ An trại chủ
+ Ngài Nghệ An trại chủ vẫn ở quê gốc(Đa Hoạch) nhưng có môt số con cháu( ngài Quang, ngài An) ra nghi xuân lập nghiệp phát triển thành họ Phan-Phan Xá
Tôi đang nghiêng về khả năng thứ 1
2- Xin hỏi bác về 2 nhân vật lịch sử: Phan Quí Hựu(hoặc Hữu) và Phan Liêu thời cuối nhà Trần có liên quan họ hàng thế nào với họ Phan-Phan Xá.Trong Đại Việt sử ký toàn thư có nói đến việc Ông Phan Quí Hựu làm quan thái phó nhà Trần giữ chức Tri phủ Nghệ An đã hàng quân Minh khi Trần Quí Khoách vào Hóa Châu sau khi ông chết con ông là Phan Liêu được tướng Trương Phụ nhà Minh bổ làm tri phủ Nghệ An thay cha sau đó ông làm Phản chống lại quân Minh và bị giết chết ở Lão Qua(Lào).Trước đây đa lâu tôi đã đọc ở đâu đó có bài viết ông Phan Nhân theo ông Phan Liêu (chú) phò Lê Lợi đánh quân minh ở Nghệ An( trong Lam Sơn thực lục có nói Phan Liêu nổi dậy chống giặc Minh ở huyện Nha Nghi-tức Nghi Xuân).Tôi đọc nhiều bài viết phê phán trường hợp của hai cha con ông. Có khi nào vì việc này(hàng giặc) mà các bậc tiên tổ không ghi trong gia phả. Bản thân tôi nghĩ gia phả thực chất là một cuốn sử của dòng họ, nhưng trước đây do sự hà khắc của chế độ Phong kiến nên các cụ tránh nói tới, nhưng nay quan niệm nhận thức vấn đề hoàn toàn khác. Hiện nay nhiều nhân vật lịch sử đa được các học giả mở hội thảo để đánh giá lại với nhiều góc nhìn khác nhau nên bảo đảm tính khách quan( không gắn các yếu tố chính trị)
3- Trong gia phả họ Phan do ông Phan Tấn biên soạn năm 2004 có ghi về giòng họ Phan Lạc Câu-Bình Dương-Thăng Bình- Quảng Nam:Tổ là Ngài Phan Trí(Phan Phước Trí) vào đất Đà Câu(Lạc Câu ngày nay) năm 1558 . Ngài Trí là con trai thứ 7 của ngài Phan Hy Tái(đời 6). Tôi nghĩ không rõ nhầm lẫn như thế nào bởi vì ngài Phan Chính Nghị (đời 10) sinh năm 1476 (thế kỷ 15) gọi ngài Hy Tái là Cao Tổ khảo thi năm sinh tương đối của ngài Hy Tái phải trong nửa cuối thế kỷ 14
Trên đây là một số ý kiến rất mong bác chỉ giáo
Kính chúc bác và gia đình hạnh phúc, an khang
o        4. phanduykha  |  Tháng Sáu 6, 2014 lúc 2:58 chiều
Anh Phan Xuân Phúc thân mến,
Những câu hỏi của anh đặt ra nhiều vấn đề lịch sử thú vị, không phải ngày một ngày hai mà có thể trả lời thấu đáo. Vậy xin khất anh những lần sau. Riêng hai nhân vật Phan Quý Hữu (hay Hựu, vì tiếng Nghệ Tĩnh không phân biệt dấu hỏi, dấu nặng) và Phan Liêu, tôi xin trích dẫn một đoạn trong Khởi nghĩa Lam Sơn của GS Phan Huy Lê để anh tham khảo: ” Tháng 8.1419, Phan Liêu liên kết với Thiên hộ Trần Đài , nổi dậy ở huyện Nha Nghi (tức huyện Nghi Xuân) . Phan Liêu đem đốt phá các châu huyện, bắt giết các quan lại nhà Minh, rồi đánh úp thành Nghệ An.. Tổng binh Lí Bân phải đem quân từ thành Đông Quan vào cứu viện mới giải vây được thành Nghệ An. Phan Liêu rút lui lên châu Ngọc Ma, tiếp tục hoạt động ở miền thượng du phủ Nghệ An giáp Ai Lao”….”Tháng 2.1421, Lí Bân lại phái Đô chỉ huy Sư Hựu tiến công nghĩa quân lần thứ 2.Lần này nghĩa quân lại thất bại, Phan Liêu lại phải trốn sang đất Lào. Từ đó Phan Liêu hoạt động ở vùng biên giới Việt Lào, nhưng lực lượng ngày càng suy yếu dần. Theo Hoàng Minh thực lục (sử của nhà Minh) về sau này khi nghĩa quân Lam Sơn đã chiếm được Nghệ An làm căn cứ, Phan Liêu và Lộ Văn Luật đều theo Lê Lợi”
Có nhiều quan điểm đánh giá nhân vật Phan Liêu. Ở đây tôi trích dẫn tư liệu đánh giá của GS Phan Huy Lê, một Sử gia có uy tín của Việt Nam. Tôi chưa thấy tài liệu nào nói Phan Nhân theo chú là Phan Liêu tham gia nghĩa quân Lam Sơn, nhưng tôi nghĩ điều đó là có thể. Vì khi Phan Liêu nổi dậy ở Nha Nghi quê nhà thì Phan Nhân đang là chàng trai 18-19 tuổi, có thể theo chú lắm chứ. Vì thế mà sau này ông (Phan Nhân) mới có một chức quan dưới triều vua Lê (ông làm quan là do có công rồi được bổ nhiệm, chứ không phải do thi đỗ). Chức quan cuối cùng ông đảm nhận là Yên phủ sứ lộ Lý Nhân.Mùa thu năm 1448, ông đột ngột qua đời, hưởng thọ 48 tuổi. “Ông là người cứng rắn trong sạch, có phong thái quân tử, làm quan trải trong ngoài , ở đâu cũng có tiếng khen. Ông thờ cha mẹ cẩn thận, giữ gìn. Việc nhà luôn nghiêm khắc. Trăm năm về sau vẫn biết là một kẻ liêm nho”. Người đời nhận xét về ông như vậy.
Những vấn đề khác, xin hẹn anh lần sau.
Chào thân ái.
·         5. Phan Xuân Phúc  |  Tháng Sáu 7, 2014 lúc 3:42 sáng
Chú Duy Kha kính mến !
Xét theo quan hệ đồng tộc thế thứ và tuổi tác cho phép cháu được đổi lại cách xưng hô cho phù hợp, đúng “tôn ti trật tự” có được không ạ ( cháu năm nay 50 tuổi).
Cháu chân thành cảm ơn nội dung phản hồi của chú, rất hay và bổ ích. Cháu rất mong được thường xuyên liên lạc và nhận được nhiều ý kiến quí báu của chú về những vấn đề đáng quan tâm.
Cháu đã đọc nhiều bài viết của chú về lịch sử, thời sự… và lấy làm tâm đắc lắm
Cháu: Phan Xuân Phúc
P/s: Cháu hy vọng mình không làm mất thời gian của chú vì cháu biết rằng chú có nhiều việc phải làm. Chú có hay về quê không và mấy lần về Phan Xá rồi ạ?
·         6. phanduykha  |  Tháng Sáu 8, 2014 lúc 2:40 sáng
Thân gửi anh Phan Xuân Phúc,
Cảm ơn tình cảm và lòng tin cậy mà anh giành cho tôi. Còn cách xưng hô thế nào thì không thành vấn đề. Tôi không biết nghề nghiệp chuyên môn của anh là gì, nhưng là một người còn trẻ mà quan tâm đến lịch sử, đến dòng họ như vậy là rất quý. Hãy tích lũy dần, anh ạ. Bao giờ về hưu, dùng vốn hiểu biết ấy mà nghiên cứu, viết sách về lịch sử cũng hay. Biết đâu lại có nhiều đóng góp có ý nghĩa.
·         7. Phan Xuân Phúc  |  Tháng Sáu 10, 2014 lúc 10:19 sáng
Chú Duy Kha kính mến !
Cháu xin cảm ơn những lời khen ngợi của chú. Thực ra cháu ham thích môn lịch sử khi học phổ thông, sau này thoát ly thì cũng hay tìm tòi, còn nói chuyện nghiên cứu viết sách thì e chắc cháu không đủ trình độ và điều kiện khác..Quên chưa giới thiệu với chú chuyên môn của cháu là kỹ sư viễn thông công tác ở VNPT nhưng nay do sức khỏe kém và nói thật cũng chán cung cách làm ăn hiện nay nên cháu đã nghỉ hưu(non) năm nay. Hiện cháu đang có nguyện vọng “Bắc tiến” “Lá rụng về cội” thôi.
À cháu muốn trao đổi với chú về ngài thủy tổ Nghệ an trại chủ (khác với giải thích của chú, có gì chú phản hồi lại nha):
Thời nhà Lý vua Thái tổ đổi một số châu ở xa kinh đô thành trại Hoàn Châu được đổi là Nghệ An châu trại(bao gồm phần đất của Nam Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), sau đó vua Lý Thái Tông lại đổi là Nghệ an châu. Đến triều Nhà Trần, năm Nguyên Phong thứ 6-1256 đời vua Trần Thái Tông lại đổi thành Trại Nghệ An. Thời đó có các trại như Trại Thanh Hóa, Trại Diễn Châu, Qui Hóa…Tên gọi này kéo dài đến năm Long Khánh thứ 3-1375 đời vua Trần Duệ Tông. Khi nhà Trần giành ngôi nhà Lý ban đầu nhà Trần đưa con cháu về coi giữ các vùng này sau khi ổn định triều chính thì mới cử người địa phương: Năm 1288 Trại Nghệ An do Trần Quang Khải nắm giữ, Trại Diễn Châu do Trần Quốc Khang nắm giữ( Theo ĐVSK-toàn thư).TS Bùi Dương Lịch viết trong Nghệ An Chí:”Sau khi giành được chính quyền nhà Trần đưa con cháu về giữ những chức vụ quan trọng ở những nơi trọng yếu. Dần dần lấy người địa phương ra thay. Thủy tổ họ Phan ở Thiên Lộc tỉnh Nghệ An được ra thay giữ chức vụ quan trọng…”.
Với những cứ liệu như vậy thì ta có thể xác định rằng Thủy tổ họ Phan là người có công lao, uy tín với triều Trần, được nhà Trần tín nhiệm và Ngài là người có cương vị giống như lãnh tụ của dân địa phương (thủ lĩnh) cho nên được nhà Trần giao coi giữ Trại Nghệ An và phong tước Quan nội Hầu-Thời nhà Trần có các tước là: Vương, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam ( vẫn có người nhầm đây là chức quan), vì vậy mới có chức vụ là Nghệ An trại chủ.
Trong bài viết của chú có nói ngài Thủy tổ họ Phan Phan xá có tên trại chủ-chủ trại khai hoang do được triều đình cấp đất để khai khẩn cháu thấy có vẻ không được thỏa đáng. vì như vậy không lẽ cả vùng Nghệ an (bao gồm Nghệ An Nam và Hà Tĩnh) là trại khai hoang, trong khi đó vùng đất này đã có lịch sử lâu đời trước cả thời Hùng Vương mà sử sách gọi là nước Việt Thường
Trên đây là một số ý kiến cháu mạnh dạn trao đổi với chú, nếu không phải mong chú bỏ qua cho cháu nha.
P/s: Cháu rát mong được thường xuyên trao đổi với chú bởi cháu biết chú là người có trình độ uyên bác, nhiều trải nghiệm và đặc biệt có tấm lòng nhiệt huyết, ước gì được là học trò của chú.
·         8. phanduykha  |  Tháng Sáu 10, 2014 lúc 12:44 chiều
Anh Phan Xuân Phúc thân mến,
Đọc phản hồi của anh, làm tôi nhớ lại một bức thư của bác Phan Minh Sô trao đổi với tôi cách đây đã lâu. Bác Minh Sô sống ở Đà Nẵng, gốc họ Phan Bảo An (một chi tách ra từ Phan Xá). Bác là người rất nhiệt tâm với cội nguồn (nay bác đã mất, cầu cho linh hồn bác an lạc nơi vĩnh hằng!) . Khi bác đọc bài của tôi về Họ Phan của Hoàng giáp Phan Chính Nghị, bác đã không đồng tình với cách giải thích của tôi về Ngài Nghệ An trại chủ, bác đã viết thư tay trao đổi với tôi, như ý kiến của anh (thư đề ngày 12.6.2004). Tôi hoàn toàn đồng tình với phân tích, lý giải của bác Minh Sô, cũng như của anh, tiếc là chưa có dịp viết lại, để sửa cái sai của mình, còn bài viết đăng ở Cội nguồn, tôi chụp lại ở trên kia , tôi viết từ năm 2003, đăng năm 2004, khi chưa cập nhật được đầy đủ. Tôi giới thiệu thêm bức thư của bác Minh Sô gửi tôi để anh biết (dưới bức thư của bác Tấn)
o        9. Phan Xuân Phúc  |  Tháng Sáu 12, 2014 lúc 3:39 sáng
Cháu cảm ơn chú rất nhiều.Thực ra vì trao đổi như thế này nên cháu chỉ biết những thông tin có thể đã lạc hậu rôi nếu có đ/k trực tiếp thì hay hơn chú nhỉ
·         10. phantanquoc  |  Tháng Mười Hai 23, 2014 lúc 10:55 sáng
chao anh phanxuan phuc em cung la thanh vien goc phan bao an day anh a
·         11. phantanquoc  |  Tháng Mười Hai 23, 2014 lúc 11:01 sáng
anh co the cho em biet tro hon ve nguon ngoc ho phan khong a ? ong so em ten phan van chu mat ngay 15/10 nam 1968 con ong co em phan van bach sinh nam 13 /12/ 1896 anh tra cuu giup em voi nha ? doi tin anh . mai cua em phan quocvan212@gmal.com so dt 01886355359 .chan thanh cam on em cho phan hoi cua anh
·         12. phanduykha  |  Tháng Mười Hai 23, 2014 lúc 11:27 sáng
Xin chuyển câu hỏi này cho anh Phan Xuân Phúc. Anh Phúc có thể trả lời bạn đọc Phan Tấn Quốc được không? Sớm phản hồi nhé.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét