Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

MỘT CHUYẾN THAM QUAN ĐẶC BIỆT

Một chuyến tham quan đặc biệt




Cuối niên học 1962 – 1963, lúc đó tôi đang theo học lớp 9 ( tương đương lớp 11 ngày nay) trường phổ thông cấp 3 Trần Phú, huyện Đức Thọ  ( Hà Tĩnh). Nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan quê Bác và quê  hương Nguyễn Du. Hồi đó, phương tiện giao thông đi lại khó khăn. Chúng tôi , những học sinh cấp 3, con em của quê hương Bác, nhưng chưa ai được về thăm ngôi nhà của Bác. Là đồng hương với Đại thi hào Nguyễn Du nhưng cũng chưa ai được về thăm quê hương của Người. Bây giờ, được nhà trường tổ chức cho đi tham quan quê hương của các bậc danh nhân, chúng tôi vô cùng hào hứng, dù là phải đi bộ giữa mùa hè nắng gắt.

Không phải như ngày nay, muốn tham quan địa danh nào, những người tổ chức chỉ cần một cú điện thoại đến một công ty du lịch hay công ty xe khách nào đó là sẽ có phương tiện như ý. Hồi đó chúng tôi muốn đi đâu, chỉ có một phương tiện duy nhất là….đôi chân. Trước khi đi , thầy hiệu trưởng tập trung 16 lớp khoảng 800 học sinh toàn trường lại phổ biến: Đoàn của chúng ta đi tương đối đông. Quãng đường lại rất dài, cả đi và về gần 100 km. vì vậy, thầy mong các em phải tương trợ lẫn nhau, đi đến nơi , về đến chốn. Các lớp phải kiểm điểm quân số cho chặt, không được để trường hợp nào rớt lại”.
Thế là một sáng đẹp trời, tháng 5 -1963 đoàn giáo viên, học sinh trường cấp 3 Trần Phú lên đường. Đoàn đi hàng một , theo đơn vị lớp, rồng rắn kéo dài khoảng một cây số, theo đường tắt qua các ruộng lúa, nương khoai , vượt qua hai con sông La, sông Lam , từ quê hương Trần Phú ( Đức Thọ, Hà Tĩnh), trực chỉ hướng về quê Bác ( Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Cũng phải nói thêm rằng, hồi ấy mỗi lớp có vài ba bạn con nhà khá giả, có xe đạp đi học. Cả trường có khoảng vài ba chục bạn, làm thành một tổ đi trước tiền trạm. Những bạn này phải đèo theo nồi niêu xoong chảo, tuỳ theo từng chặng đường mà dừng lại, nước nôi phục vụ cho đoàn. Vì vây, những bạn có xe lại vất vả hơn những người đi bộ. Mùa hè trời nóng, mồ hôi ra nhiều, chóng khát. Có quán nước nào đủ phục vụ cho gần 800 con người? Vì vậy, khoảng 2-3 giờ đi bộ( được 10-15 km) lại có một chặng dừng lại nghỉ ngơi uống nước. Chính các bạn có xe đạp đã đi trước , lien hệ với các nhà dân dọc đường để đun nước phục vụ cho cả đoàn. Vừa đi, vừa nghỉ như thế, đến trưa chúng tôi cũng đến quê Bác ( cách Đức Thọ khoảng 25 km).
Ở quê Bác chúng tôi thăm ngôi nhà 5 gian Bác sống thời thơ ấu ở làng Kim Liên,  ngôi nhà 3 gian bên quê ngoại Hoàng Trù, nơi Bác ra đời. Các cán bộ quản lý ở đây đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cảm động về hai lần Bác về thăm quê. Lần thứ nhất vào ngày 16-6-1957 và lần thứ hai vào ngày 9-12-1961. Chúng tôi được xem chiếc khung cửi bà Hoàng Thị Loan từng dệt vải ngày xưa, xem chiếc võng gai Bác Hồ lúc nhỏ thường nằm, xem bộ phản gỗ ngày xưa cụ Nguyễn Sinh Sắc thường tiếp khách là những chiến sỹ cách mạng như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thái Thân, Tăng Bạt Hổ….chiếc án thư để đọc sách và uống trà, chiếc rương gỗ để đựng thóc, tủ để chén bát và chiếc mâm gỗ sơn son đã cũ sờn.
Chúng tôi còn muốn ở đây thật lâu nữa với tình cảm quyến luyến chẳng muốn rời chân. Nhưng chặng đường phía trước còn dài, không được phép dừng ở đâu lâu. 5 giờ chiều nắng đã nhạt, chúng tôi rời quê Bác lên đường. Đêm ấy, chúng tôi dừng lại mghỉ ở một ngôi trường cấp 2 thuộc huyện  Hưng Nguyên. Từ đây về Vinh còn khoảng hơn 1 giờ đi bộ nữa.
Sáng hôm sau,chúng tôi dậy sớm lên đường. Đến thành phố Vinh, địa điểm đầu tiên mà chúng tôi đến thăm là ngôi mộ của Đội Cung ( Nguyễn Văn Cung). Vào đêm 13-1-1941, Đội Cung đã cầm đầu quân sỹ nổi dậy chiếm đồn chợ Rạng ( Thanh Chương) rồi kéo sang chiếm đồn Đô Lương, sau đó kéo vào Vinh định chiếm tỉnh lỵ Nghệ An. Nhưng thực dân Pháp đã kịp thời đem quân đàn áp, dập tắt cuộc khởi nghĩa. Đội Cung và 10 thủ lĩnh nghĩa quân đã bị bắt và bị xử tử hình. Chúng tôi đứng quanh ngôi mộ của Đội Cung, nghe thầy giáo dạy sử kể về cuộc khởi nghĩa Đô Lương và cái chết bi phẫn của người thủ lĩnh nghĩa quân mà  lòng bồi hồi cảm khái, nghĩ về những ngày đất nước còn đăm chìm trong vòng nô lệ…
Rời ngôi mộ của Đội Cung chúng tôi đến Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ở trung tâm thành phố Vinh. Bảo tang Xô Viết Nghệ Tĩnh được khánh thành ngày 15-1-1960, nằm trong khu thành nội, trên khu vực nhà lao Vinh trước đây. Chính nơi đây , trong thời thuộc Pháp là nơi giam cầm các chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh bị giặc bắt. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh gồm 10 phòng khép kín lien hòan giới thiệu toàn bộ diễn biến của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, từ khởi đầu cho đến khi bị dập tắt. Ở đây có nhiều hiện vật gốc có giá trị như những chiếc trống Xô Viết, phương tiện  hữu hiệu để tập hợp đấu tranh, những giáo mác, gậy tầm vông, vũ khí trang bị của đoàn biểu tình, cơ sở in ấn tài liệu tuyên truyền của Đảng…
Ăn trưa xong,giữa cái nắng gay gắt tháng 5 của thành phố Vinh, chúng tôi đi bộ về phía Nam, sang phà Bến Thuỷ, hành quân về Tiên Điền quê hương Nguyễn Du.
Tại Tiên Điền, chúng tôi vào thăm nhà thờ Nguyễn Du, một nếp nhà đơn sơ như bao ngôi nhà thờ khác ở vùng quê tôi. Một cụ già vận áo nâu đã bạc, chiếc quần nâu mới nhuộm màu vàng hoe, là con cháu trực hệ của Nguyễn Du, giữ hương hoả nhà thờ mở cửa tiếp đoàn. Nhà thờ bày biện sơ sài, chỉ có bức hoành phi nghe nói là tặng vật của nguyễn Du thời ông đi sứ sang Trung Hoa (1813) là quý giá. Rồi cụ dẫn đoàn ra thăm mộ Nguyễn Du. Đi qua một lùm cây rậm ở bên kia đường, nơi có một gò cao, cụ trỏ bảo : “Trước đây, mộ cụ ở gò cao kia. Nhưng sau đó con, cháu lại chuyển về chân núi Hồng lĩnh, tức là vị trí hiện nay”. Chúng tôi lại đi tiếp khoảng một cây số đường mòn cát bụi nữa thì đến một vùng “ cát vàng cồn nọ, bụi hồng  dặm kia”. Một nấm đất nhỏ như bao nấm đất khác, thậm chí không có lấy một tấm bia. Vì là đất cát cằn khô nên cỏ trên mộ nửa vàng nửa xanh, đầu lá bị cháy quắt lại, thật đúng như câu thơ của Nguyễn Du tả mộ Đạm Tiên:
Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Thầy trò chúng tôi thắp hương cắm lên mộ, kính cẩn đứng vòng trong vòng ngoài , kính cẩn cúi đầu trước anh linh Đại thi hào dân tộc . Đã 5 giờ chiều, mặt trời xế về tây, khuất lấp dưới núi Hồng Lĩnh. Một cái gì quá đỗi đơn sơ, quá đỗi hiu hắt, khiến ai nấy se lòng. Nơi yên nghỉ của Đại thi hào dân tộc, của tác giả truyện Kiều bất hủ lại như thế này ư ?
Nghe nói vào năm 1957, có một đoàn làm phim Liên Xô định về thăm và quay phim về Đại thi hào Nguyễn Du , về nhà thờ và phần mộ ông, nhưng vì phần mộ đơn sơ quá, ta “không nỡ” , mới đành từ chối khéo. .
Tối hôm đó, chúng tôi nghỉ lại Tiên Điền để ngắm cảnh rừng phi lao dạt dào gió biển và cảnh “ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa” . Đó là cảnh biển Cửa Hội “ Đan Nhai quy phàm” (1) một cảnh đẹp trong “ Nghi Xuân bát cảnh” được văn chương truyền tụng.
Sáng hôm sau chúng tôi ra bờ phi lao ngắm cảnh biển lần cuối cùng rồi vội vàng từ giã Tiên Điền: 40 cây số từ Tiên Điền về Đức Thọ đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước. Ba giờ chiếu, đoàn về tới trường. Không ai bị rớt lại, không ai bỏ dở dọc đường. Chúng tôi không ngờ rằng đây là chuyến tham quan quy mô nhất của thầy trò Trường cấp 3 Trần Phú. Rồi chúng tôi ra trường. Các lứa học sinh sau này cũng không thể tổ chức được một chuyến đi như thế nữa. Bởi vì năm sau (1964) đế quốc Mỹ bắt đầu mở cuộc chiến tranh phá hoại đánh ra Miền Bắc. Vùng “Cán xoong” Nghệ Tĩnh càng ngày càng bị đánh phá ác liệt. Lớp học sinh đàn em của tôi, dẫu có mong ước được đi bộ một chuyến để đến thăm quê Bác, quê hương Nguyễn Du cũng không thể thực hiện được. Hàng ngày, thầy và trò vừa học vừa thay nhau lên trận địa phòng không phục vụ chiến đấu. Nhiều thế hệ giáo viên, học sinh lên đường nhập ngũ và không bao giờ trở về nữa.
Chớp mắt đã gần 50 năm. Chiến tranh đã lùi xa. Đất nước đã có nhiều đổi mới. Vinh đã trở thành một thành phố khang trang. Cầu Bến Thuỷ đã được xây dựng nối đôi bờ sông Lam. Nhà thờ Nguyễn Du đã được trùng tu. Lăng mộ của Đại thi hào cũng đã được tôn tạo, ốp đá bề thế. Tua du lịch từ thành phố Vinh đi quê Bác, Cửa Lò, Cửa Hội, Khu lưu niệm Nguyễn Du sẵn sàng đón khách với phương tiện tốt nhất. Chợt nhớ lại ngày cả thầy và trò đi bộ ngót 100 cây số để thực hiện một chuyến tham quan du lịch đặc biệt , cứ tưởng như chuyện cổ tích. . .
                                                                           Phan Duy Kha
Chú thích: (1) Đan Nhai quy phàm : Buồm (thuyền buồm) về Cửa Hội. Đan Nhai là tên chữ của Cửa Hội. “ Nghi Xuân bát cảnh” là :
1-     Hồng sơn liệt trướng: Núi Hồng thành dựng
2-     Hoa Phẩm thắng triền: Hoa Phẩm chợ đông
3-     Cô Độc lâm lưu: Nghé lẻ lội rào
4-     Uyên Trừng danh tự: Chùa đẹp Uyên Trừng
 -     Quần Mộc bình sa: Bãi cát bằng Cồn Mộc
6-     Giang Đình cổ độ: Bến đò cổ Giang Đình
7-     Đan Nhai quy phàm: Cửa Hội thuyền về
8-     Song Ngư hí thuỷ: Đôi cá dỡn nước. Song Ngư là tên hai hòn đảo phía ngoài Cửa Hội , hình hai con cá đang dỡn nước.
(Trích từ cuốn Trải nghiệm đời người Nxb Lao động, Hà Nội,  2009)
Ảnh đầu bài: Nhóm học sinh Can Lộc tại trường cấp 3 Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh, ảnh chụp tháng 5 – 1964, trước khi nghỉ hè.
Trong ảnh, từ trái sang :
Hàng đứng: Tính, Lam, Thầy Cung, Thiển, Bình, Thầy Tám, Linh, Thiện, Vượng.
Hàng ngồi: Thuỷ, Thi, Trọng, Tứ, và Phan Duy Kha
Hai ảnh dưới : Các bạn đồng môn  gặp nhau tại Hà Nội 46 năm sau (Tại nhà hàng Hải Xồm, Mọi người đang cầm trên tay cuốn Trải nghiệm đời người mà tôi vừa mang tặng)













































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét