Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

NÚI CÀI, NGỌN NÚI CỦA TUỔI THƠ TÔI

P1070067

Núi Cài là một ngọn núi nhỏ nhô lên giữa đồng bằng. Trong bản đồ Quốc gia tỷ lệ 1: 25.000 ghi độ cao là 159 mét. Đây là ngọn núi nằm ở huyện Can Lộc quê tôi, thuộc địa phận các xã Thanh Lộc, Yên Lộc, Trường Lộc, Song Lộc.
Là một ngọn núi nhỏ, nhưng núi Cài lại có nhiều tên chữ: Sạc Sơn, Nhạc Thốc, Nhạc Sạc, Nhạc Trác…Sách “ Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch mô tả : “…Mạch núi từ núi Bụt chảy xuống đến đây thì nổi lên. Hình ngọn núi tuyệt đẹp trông như dáng một ông lớn nghiêm trang. Các sông Cày, Nhe, Ninh, Hoàng lượn quanh phía đông và phía tây…”. Nếu Bùi Dương Lịch coi núi có dáng “ một ông lớn ngồi nghiêm trang” thì các nhà sử học thời Nguyễn lại coi núi Cài như dáng một con chim xòe cánh. “ Núi Nhạc Trác cách huyện lỵ Can Lộc 11 dặm về phía tây, hình như con chim xoè cánh nên có tên như thế” ( Đại Nam nhất thống chí).Cũng có sách ghi tên núi là Phượng Sơn, Phượng Lĩnh. Trong “ Mai đình mộng ký” Nguyễn Huy Hổ khi nhớ về quê nhà, có viết: “ Phúc Giang, Phượng Lĩnh là nơi quê nhà”. Con chim xoè cánh đó chính là con chim Phượng Hoàng ( Phượng Sơn, Phượng Lĩnh: Núi Phượng Hoàng).

Đó là trong sách vở. Còn đối với người dân quê tôi thì cái tên nôm na vẫn là núi Cài, cái tên dân dã quen thuộc và thật đáng yêu. Dưới chân núi Cài, về phía đông có một làng mang tên Kẻ Cài. Làng mang tên núi hay núi mang tên của làng, chẳng ai biết. Chỉ biết rằng đó là cái tên cổ, có từ xa xưa, thuở mới lập làng, lập nước. Sườn núi phía đông có một hòn đá nhô lên như hình người, được gọi là hòn vọng phu ( trông chồng). Thực ra đây không phải là  “trông chồng” mà phải gọi là  “ trông người yêu” thì mới chính xác. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, giữa núi Cài và núi Hồng( Tức Ngàn Hống hay Hồng Lĩnh) còn là biển cả mênh mông. Lúc ấy, Ngàn Hống còn là một hải đảo. Một lần, có một chàng trai đánh cá ngoài đảo Ngàn Hống ghé thuyền vào bến Kẻ Cài, gặp người con gái đẹp rồi hai người yêu nhau. Từ đó, đêm đêm hai người thường hò hẹn gặp nhau.Đêm tối mịt mùng , người con gái Kẻ Cài trèo lên sườn núi, cầm đuốc làm hiệu cho người yêu biết hướng mà cập bến.Có lẽ đây là một truyền thuyết đặc biệt nói về cây đèn biển xưa nhất của Việt Nam ta. Một đêm mưa to gió lớn, chàng trai vẫn theo ánh đuốc, vượt biển sang với người yêu. Giữa chừng không may anh bị sóng cuốn trôi. Người con gái đứng trên sườn núi, cầm đuốc đứng chờ, chờ mãi, trong mưa gió bão táp rồi hoá thành đá… Truyền thuyết phản ánh một hiện thực lịch sử: Xưa kia, vùng đất này vẫn còn là một eo biển. Dòng sông Lam chảy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam từ biên giới Việt – Lào, qua Thanh Chương, Nam Đàn rồi chảy thẳng ra biển Đông qua cửa Sót. Mãi sau này, sông mới đổi dòng, cái eo biển dần dần bị cát bồi lấp mà biến thành đồng bằng, chỉ còn để lại một con sông nhỏ là sông Nghèn mà đoạn qua đây gọi là sông Cài. Thơ Nguyễn Du có câu:
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.
Đò Cài là con đò qua sông này, nơi đi về quen thuộc của danh nhân xưa.
Người dân quê tôi coi “ trai tài” là những người học hành đỗ đạt. Từ thuở nhỏ cắp sách đến trường tôi đã nghe một câu đối nói về những trai tài gái sắc quê hương:
Kiệt Thạch tam khoa, tam tiến sỹ
Thường Nga cửu thế, cửu cung phi
Nghĩa là: Làng Kiệt Thạch ( tức Kẻ Cài, dưới chân núi) nổi tiếng học giỏi, ba khoa thi thì ba người lên tiếp đậu tiến sỹ. Còn làng Thường Nga ( nay là Nga Lộc) nổi tiếng có nhiều gái đẹp, 9 đời liên tiếp có 9 cô gái được tuyển làm cung phi. Ba tiến sỹ của làng Kiệt Thạch dưới chân núi Cài đã được sử sách ghi lại. Đó là các ông Hoàng Hiền, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất ( 1478) ; Nguyễn Cung, đỗ Nhị Giáp tiến sĩ ( tức Hoàng Giáp) khoa Quý Sửu ( 1493) và Thái Kính đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi (1511). Còn 9 nàng cung phi đất Thường Nga thì tiếc thay không thấy sử sách nào ghi chép lại. Thời nhà Nguyễn ở đây còn có ông Nguyễn Văn  Trình đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898) và ông nguyễn Quýnh đỗ phó bảng. Bia khoa giáp ghi: Kiệt Thạch ở phía đông Sạc Sơn, trên bờ Kỳ Thuỷ, văn chương rỡ ràng ,nhân tài lớp lớp” Nếu ta lấy đỉnh núi Cài làm tâm , quay một vòng tròn tưởng tượng bán kính 3 km, ta sẽ gặp nhiều dòng họ lớn, nhiều đời khoa bảng, cống hiến cho đất nước nhiều danh nhân văn hoá. Ở phía nam Sạc Sơn là làng Yên Huy, tên cổ là Sa Nê (nay là xã Yên Lộc) với Dương Trí Dụng đỗ Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1565) ,Dương Trí Trạch đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1619) . Phía tây nam là làng Trường Lưu (nay là Trường Lộc) quê hương của dòng họ Nguyễn Huy, với Nguyễn Huy Oánh đỗ Thám hoa khoa Mậu Thìn (1748) Nguyễn Huy Quýnh đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772) , Nguyễn Huy Tự đỗ Tiến triều tác giả truyện Hoa Tiên và Nguyễn Huy Hổ với tác phẩm Mai Đình mộng ký. Về phía tây Sạc Sơn là làng Lai Thạch (nay là xã Song Lộc) quê hương của Nguyễn Tâm Hoằng đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478, cùng khoa với Hoàng Hiền) và Phan Kính đỗ Thám hoa khoa Quý Hợi (1743). Còn ngược lên phía tây bắc là Làng Mật (nay là Kim Lộc) quê hương của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, người được Quang Trung kính cẩn tôn làm thầy. Còn người chú của Nguyễn Thiếp là Nguyễn Hành đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733) . Thật là lạ lùng , khi có nhiều dòng họ, nhiều nhà khoa bảng, nhiều danh nhân tập trung trong một bán kính hẹp 3 km xung quanh núi Cài – Sạc Sơn như thế. Người xưa đã từng gọi hiện tượng đó là “ Sạc Sơn tứ diện giai công hầu” ( Sạc Sơn bốn mặt đều có công hầu) . Phải chăng, đất thiêng sinh người tài (địa linh nhân kiệt) hay chính người dân quê tôi vốn nghèo nên giàu ý chí học hành, lập thân dựng nghiệp. Và công hầu khanh tướng là kết quả của một quá trình học tập rèn luyện vượt khó, vượt khổ lâu dài, như một vị Thám hoa quê tôi đã từng ghi trong văn bia cách đây gần 3 thế kỷ “ Nhà nghèo, giấy bút, đồ dùng cái gì cũng thiếu, thường phải lộn mặt giấy cũ để làm văn, không có đèn học thì phải chờ ánh trăng đêm mà đọc sách” . Cuộc đời các danh ngân xưa là những tấm gương sáng cho đời sau noi theo. Và phải chăng, lớp sau học lớp trước , từ đời này truyền sang đời khác, tinh thần chịu đựng gian khổ, ý chí phấn đấu học tập vươn lên , tạo thành một truyền thống tốt đẹp của con người quê tôi , một miền quê được coi là hiếu học. Sự hiếu học đó đã tạo thành một tầng lớp trí thức kẻ sĩ mà tiếng tăm vang dội đến tận Kinh thành Thăng Long, đến nỗi hồi ấy có câu “Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc” (Bút tốt thì ở ngõ Cấm Chỉ ở Kinh thành Thăng Long, còn kẻ sĩ đỗ đạt nhiều thì ở Thiên Lộc. Thiên Lộc là tên huyện Can Lộc thời Lê).
Núi Cài gắn bó với tuổi thơ tôi. Mỗi buổi sang , tôi thường ra ngõ đón ngọn gió đồng và chờ mặt trời mọc nhô lên đỉnh núi , như đón đợi một điều gì đó tốt lành, mới mẻ đến với tuổi thơ tôi. Còn cha tôi thì nhìn về Núi Cài, Núi Hống mà đoán mưa nắng. Nếu “ Núi Hống đeo đai, Núi Cài đọi mũ” thì ắt hẳn trời mưa(1) là bài học vỡ lòng người dạy tôi về cách nhìn trời mà đoán thời tiết. Còn những buổi chiều nồm nam gió thổi, lũ trẻ chúng tôi thường ra đầu làng chơi thả diều và nhìn về phía đông ngắm cảnh nắng chiều chiếu vào núi Phượng, dậy lên màu tím phớt hồng với những đường nét tuyệt vời. “ Phượng Sơn tịch chiếu” đã trở thành một cảnh đẹp đi vào văn chương sử sách. ( Phượng Sơn tịch chiếu: nắng chiều chiếu vào núi Phượng)
Đã qua lâu rồi tuổi thơ vô tư và trong trẻo, tuổi của những ước mơ và khát vọng, cái tuổi thần tiên của mỗi đời người. Có một điều lạ là, cứ mỗi lần nhớ về tuổi thơ, tôi lại tưởng tượng đến hình ảnh ngọn Núi Cài, và mỗi lần nhìn thấy ngọn núi Cài , tôi thường nhớ về thời thơ ấu. Núi Cài là một phần máu thịt của tuổi thơ tôi. Tuổi thơ không bao giờ trở lại, còn Núi Cài vẫn sừng sững đứng đó đợi tôi.
Ơi, ngọn núi của những khát vọng trong lành , thơ trẻ. Đối với tôi , núi mãi mãi như có tâm hồn.
                                                                              Phan Duy Kha
Chú Thích: (1) : Núi Hống mây lưng chừng núi như mang đai, núi Cài mây phủ trên đỉnh như đội mũ thì trời mưa.
( Trích từ cuốn Trải nghiệm đời người Tạp văn của Phan Duy Kha, Nxb Lao động, Hà Nội, 2009 )














































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét