Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

GẶP MẶT CỰU SINH VIÊN LỚP TRẮC LƯỢNG 64

GẶP MẶT CỰU SINH VIÊN LỚP TRẮC LƯỢNG 64, KỶ NIÊM 50 NĂM NGÀY TỰU TRƯỜNG (1964 – 2014)
(Bài này viết tặng các bạn đồng học của tôi)


P1080152

Phan Duy Kha 
Ngày 14-9-2014, tai Nhà hàng HS.3 Khách sạn Kim Liên, số 7 Đào Duy Anh, Hà Nội, các cựu sinh viên lớp Trắc lượng 64 đã tổ chức Họp mặt nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường.
Nhớ lại, cách đây tròn 50 năm, chúng tôi háo hức nhận được giấy báo nhập học của Khoa Mỏ Địa chất, Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội. Khóa của chúng tôi là khóa chiêu sinh thứ 9 của Trường , thường được gọi là K9 .
Ngày 5.8.1964, có một sự kiện lịch sử đặc biệt: Máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời miền Bắc, mở đầu cho giai đoạn chiến tranh đánh phá ác liệt. Chúng tôi nhập học ngay sau những ngày đặc biệt này . Từ những ngày cuối tháng 8, anh em đã tề tựu đông đủ. Cả lớp có 33 anh chị em. Có một số đã từng là cán bộ, bộ đội được cử đi học như anh Bậc, anh Trực, anh Liêm, chị Phú, anh Giai (anh Giai nhập học được mấy ngày thì nghỉ học, trở về đơn vị). Số đông còn lại là học sinh phổ thông lên, sàn sàn tuổi nhau. Sau này, trong quá trình học tập, một số anh em học được một hai năm, do yêu cầu đào tạo, lại được chuyển đi học trường khác, ngành khác (Khâm, Tu, Chương, Võ …), nên cuối cùng chỉ còn 28 anh chị em.

Hồi ấy vào trường, chúng tôi được hưởng học bổng là 22 đồng, nộp tiền ăn mỗi tháng 15 đồng, như vậy mỗi tháng vẫn còn 7 đồng tiêu vặt, thỉnh thoảng cao hứng còn ra căng tin nhà trường tự thưởng cho mình bát phở sáng 5 hào. Hồi ấy, chưa chịu ảnh hưởng của chiến tranh phá hoại, kinh tế mới đi qua cái năm “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng” nên các thứ lương thực thực phẩm còn phong phú và rẻ lắm. Chúng tôi ăn cơm “đại táo” mỗi tháng 15 đồng nhưng bữa nào cũng có 3,4 món, có thịt kho, đậu rán , các bà các chị nhà bếp lại phục vụ tận tình, chu đáo. Thực đơn thay đổi luôn luôn, không bao giờ hai bữa liền nhau mà lại trùng lặp. Tôi nhớ hồi đó bếp ăn khoa Mỏ là tốt nhất trong 5 bếp ăn của Bách khoa, bà Bếp trưởng là chiến sĩ thi đua hay lao động tiền tiến gì đó, còn được lên báo cáo điển hình toàn trường. Các anh cán bộ đi học lương cao thì báo ăn tiêu chuẩn tiểu táo, mỗi tháng 18 đồng, bữa bốn năm món, ăn không hết. Đó là đời sống vật chất. Đời sống tinh thần cũng rất được chú ý. Tối thứ 7, nhà trường hay mời văn công, văn nghệ về biểu diễn cho sinh viên xem. Có một lần, không biết đoàn gì nhưng có ca sĩ Bích Liên và ca sĩ Quốc Hương về biểu diễn. Ca sĩ Bích Liên lúc đó mới nổi. Chị hát song ca với một bạn diễn khác, giữa chừng bị đứt. Các chị hồn nhiên xin phép được hát lại từ đầu. Còn ca sĩ Quốc Hương đang hát thì bị mất điện. Cứ thế ông hát vo, không micro, không nhạc đệm mà cứ “Rừng ơi, ta đã về đây…” oang oang cả sân vận động nhà trường.
Nhưng, cuộc sống “thần tiên” ấy chỉ kéo dài được một năm !
Tháng 11. 1965 do chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt, nhà trường sơ tán lên huyện Tràng Định, Lạng Sơn. Lần đầu lên Lạng Sơn, ai cũng bị lở ngứa toàn thân. Người sớm , người muộn.Người càng bị sau càng nặng hơn. Không có thuốc gì chữa khỏi. Lên xin thuốc bôi ở phòng Y tế nhà trường, nhân viên y tế bảo: Không có thuốc gì bôi khỏi đâu. Chúng tôi cũng bị lở đầy người đây này, chịu đựng một thời gian  là khỏi thôi. Đấy là hiện tượng ngã nước, do lạ nước. Dây dưa đến 3 tháng sau mới khỏi hẳn. Lại lo, khi nào về đồng bằng, lại bị lạ nước, lại lở thế này nữa thì hãi thật (thế nhưng khi trở về đồng bằng, không ai bị lại cả). Lên Lạng sơn, chúng tôi tự làm lấy nhà để ở. Nhà bên sông Kỳ Cùng, phong cảnh hữu tình. Về những kỷ niệm ở Lạng Sơn này, tôi đã có bài “Đón Tết giữa rừng Việt Bắc” và “Bạn bè một thuở” đã in trong tập “Trải nghiệm đời người” và tôi cũng đã giới thiệu trên trang mạng của mình. Ở Lạng Sơn được một năm, đến tháng 9. 1966 lại chuyển về vùng Dâu- Keo, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Tháng 6.1966, khi đang ở Lạng Sơn, gần  nửa lớp do anh Liêm phụ trách (Gồm: Liêm, Giản, Tu , Hợi, Vinh, Tuyền , Kha, Hùng, Hậu, Võ , San, thầy Bính, Cán bộ giảng dạy bộ môn Địa chất thăm dò và anh Mãng, sinh viên khóa trước được nhà trường giữ lại làm phụ giảng), được điều động vào thực tập tại mỏ than Động Đỏ, Hương Khê, Hà Tĩnh, giữa những ngày chiến tranh ác liệt nhất. Ngày 15.6.1966, chúng tôi từ địa điểm sơ tán là bản Nà Kéo thuộc xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, khăn gói ra chờ ở cầu Bản Trại (trên đường số 4 đi Thất Khê). Ở đó có xe của nhà trường chở về Hà Nội. Nằm chờ ở ký túc xá Đại học Bách khoa mấy ngày thì có xe của Ty Công nghiệp Hà Tĩnh ra đón ở phố Ngô Thì Nhậm (nơi đóng trụ sở Ban đại diện của Hà Tĩnh tại Hà Nội) để đưa về Hà Tĩnh. Để tránh máy bay địch oanh tạc, các phương tiện giao thông lúc bấy giờ (ô tô, xe đạp, kể cả đi bộ) đều thực hiện ngày nghỉ, đêm đi. Ngày rẽ vào nghỉ lại một làng nào đó cách xa đường ô tô, đêm lại rì rì bò ra đường đi tiếp, ròng rã 7 ngày đêm liền vượt qua bao nhiêu trọng điểm ác liệt, chúng tôi mới đến được Hà Tĩnh (quãng đường 350 km, nay đi mất khoảng 7 tiếng). Nói là thực tập nhưng chúng tôi đi làm thực sự, lập Bản đồ Địa hình, Địa chất quy hoạch vùng mỏ than Động Đỏ, cung cấp cho Ty Công nghiệp Hà Tĩnh. Công việc xong, Kha, Vinh ở Hà Tĩnh xin phép đoàn về thăm nhà 3 ngày, sau đó lại trở lại Hương Khê để theo đoàn ra Bắc (đó cũng là lần về thăm nhà duy nhất của tôi trong suốt 4 năm học Đại học). Sau khi xong việc, trở về Hà Nội cũng với thời gian tương tự như thế. Khi đi thì xuất phát từ Lạng Sơn, nhưng khi về thì tập kết tại địa điểm sơ tán mới tại xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Lúc đó là vào tháng 9.1966, bắt đầu vào năm học mới. Giản, Tu, Hợi thì theo xe ra Nghệ An, rồi xuống ngang đường để về thăm nhà. Khi trở ra Hà Nội, các ông bạn đã đi bộ suốt một mạch từ Nghệ An ra đến Ninh Bình mới có tàu hỏa đi Hà Nội và chậm mất khoảng một tuần.
Những năm sơ tán là những năm gian khổ nhất của đời sinh viên. Đói triền miên. Mỗi ngày một bữa cơm, một bữa bánh mì. Bột mì được nặn thành những chiếc bánh bằng nắm tay, bên trong có nhân làm bằng xu hào, rồi đặt lên bếp hấp. Mỗi bữa mỗi người được một “nắm đấm” như thế. Cơm thì mỗi bữa được hai lưng bát, bát đầu thì đầy, bát sau thì vơi, với canh “toàn quốc”, nước chấm “đại dương”, ăn xong rồi vẫn như chưa ăn. Cảm giác lúc nào cũng thèm ăn. Trong lúc đó thì ở nhờ nhà dân, chủ nhà có việc gì nặng nhọc anh em cũng phải giúp. Chúng tôi ở Đình Tổ một năm, sau đó lại chuyển xuống xã Đại Trạch, cách đó vài cây số, vẫn cùng huyện Thuận Thành.Ở đây đường làng ngõ xóm bẩn hơn, đầy phân trâu bò. Tôi còn nhớ, lúc ở xã Đại Trạch, tôi và anh Trực đã phải kéo che làm mật cho cụ chủ nhà mấy tuần liền. Đó là cái che có hai cánh tay đòn, mỗi anh một bên, cứ đẩy vòng quanh như đèn cù, hoa cả mắt (ở những vùng trồng nhiều mía, người ta dùng trâu bò kéo che, còn ở đây mía ít nên kéo che bằng sức người). Cụ bảo, các chú giúp tôi rồi đến Tết tha hồ ăn chè. Đến Tết cụ mời chúng tôi mỗi người một đĩa chè kho bằng lòng bàn tay, nấu bằng củ khoai môn!
Tháng 3 tháng 4. 1968, cả lớp đi thực tập tại mỏ đá Tràng Kênh, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Tháng 5 về, bốn anh em (Hậu, Dư, Diệu, Hợi) được gia nhập quân đội, để đi xây dựng đường ống xăng dầu dã chiến vượt Trường Sơn, phục vụ cho chiến trường miền Nam. Tháng 6.1968, đến lượt 11 anh em chúng tôi ( Tuyền, Kha, Vượng, Đông, Thu Hương, Long ,Vinh, Bậc, Đức, Thắng, Cương ) theo yêu cầu của Bộ Vật tư, được ra trường sớm để tham gia Khảo sát Thiết kế hệ thống đường ống xăng dầu Vĩnh cửu do Liên xô giúp (Đường ống B12, nối Bãi Cháy đi Hà Nội). Thật không ngờ đời sinh viên lại chấm dứt nhanh và đột ngột đến thế !
Cuối cùng, chỉ còn lại 13 người theo đuổi hết khóa học, có Thực tập tốt nghiệp và làm Đồ án tốt nghiệp hẳn hoi (15 anh em ra trường trước thời hạn, sau đó gửi báo cáo công tác về trường và nhận bằng tốt nghiệp sau, coi báo cáo công tác thay cho đồ án tốt nghiệp). Trong suốt thời gian học tập, cũng có một số cặp nảy nở tình yêu và đi đến hôn nhân (như Tuyền –Hương, Vượng- Đông, Long –Ngọ). Đến nay, còn nguyên vẹn cả đôi chỉ còn cặp Tuyền – Hương.
Nửa thế kỷ đã trôi qua. Thời gian như nước chảy qua cầu. Bây giờ tất cả đã về hưu, lên ông, lên bà cả rồi. Có 7 anh chị em đã trở thành người thiên cổ (Thu Hương, Cận, Đông, Ngọ, San, Hùng, Dư). Các ông bạn Tu , Hợi ở Nghệ An quá nhiệt tình, bắt xe đi cả đêm, 6 giờ sáng đã có mặt . Thắng từ Nam Định lên từ chiều hôm trước. Anh Trực, chị Phú, tuổi U80 cũng đến được. Trong số những người ra trường công tác, cũng có những anh em thành đạt, có tên, có tuổi (như GS Đặng Hùng Võ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu), cũng có những người lận đận (như Đức, Thắng), còn lại thì cũng làng nhàng. Có anh trước khi về hưu là Giám đốc, Phó Giám đốc một công ty, Trưởng phó phòng, có anh là Chuyên viên…Từ trước đến nay đã bao nhiêu lần họp  lớp nhưng tôi chưa hề viết bài, đưa ảnh.Lần này tôi cố gắng ghi lại cận cảnh từng người, để sau này con cháu của các vị có thể dùng đến như một tư liệu về ông bà, bố mẹ mình, tìm hiểu chuyện về ông bà, bố mẹ mình thuở còn đi học. Có thể bây giờ chưa cần nhưng  sau này sẽ cần !
Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Cấp bậc, chức vụ để lại đằng sau. Chỉ còn lại là tình bạn, tình đồng môn của một thời gian khó, một thời tuổi trẻ “mày tao chi tớ”. Thời còn đi học tôi thích làm thơ, đã có thơ đăng báo và được nhiều người biết tên, nhưng sau đó thì “giữa đường bỏ dở”. Nhưng cũng có người thời còn đi học chẳng thấy làm thơ bao giờ, thì nay lại say thơ, đi đâu cũng đọc thơ, nói chuyện thơ hàng mấy tiếng đồng hồ không chán, như anh bạn Trần Hùng Thắng (thời sinh viên, ông bạn này sở trường về thể thao, từng được giải nhì về nhảy cao trong một cuộc thi của Trường Đại học Bách khoa). Trần Hùng Thắng đang chuẩn bị in tập thơ “Trầu một lá” (Hồ Sỹ Hậu đã tài trợ kinh phí). Lại có người viết được cả một cuốn tiểu thuyết dày (trên 600 trang), kể về những ngày tham gia xây dựng đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn, như Hồ Sỹ Hậu với “Dòng sông mang lửa”. Hồ  Sỹ Hậu có thói quen ghi nhật ký từ ngày còn đi học. Chính những ghi chép tỷ mỉ hàng ngày đã giúp anh hoàn thành tác phẩm này.
Mỗi người một cuộc đời, mỗi người một số phận. Ơn trời, đã ngót nghét U70, U80, gặp gỡ được nhau, thấy mọi người cùng khỏe mạnh, vui cười như thế này là phấn khởi lắm rồi. Xin chúc nhau cùng vui vẻ, khỏe mạnh, sống lâu, sống có ý nghĩa để “mỗi ngày là một niềm vui”. Cầu mong lần tổ chức sau lại được gặp nhau , đầy đủ như thế này !
Tạm biệt và hẹn ngày gặp lại. / .
PDK .
*
Sau đây là bài thơ Trần Hùng Thắng đọc trong buổi gặp măt :
MÙA PHƯỢNG CHÁY
(Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)
Lấy lửa tim mình ném lên cành phượng
Để tiếng ve thao thức suốt trời hè
Ngọn lửa bùng sôi một thời tuổi trẻ
Áng mây hồng ngũ sắc ủ trời xa
Đời sinh viên ta đã đi qua
Một thời bình yên, một thời đạn lửa
Cánh cửa giảng đường vừa thơm mùi hoa sữa
Đã thu mình giữa dải rừng xanh
Gió thét gào buốt lạnh thấu Tam Thanh
Manh áo ấm bạn bè nhường nhau qua lại
Sông Kỳ Cùng viết thêm trang huyền thoại
Ánh lửa bập bùng đêm hội sinh viên
Bí đỏ, rau rừng năm tháng cần chuyên
Trang tài liệu mấy mái đầu chung đọc
Mỗi gốc cây cũng thành lớp học
Nương sắn, sườn đồi hoá sân bãi vui chơi
Đạn nổ, bom rơi không át được tiếng cười
Đất nước non sông hiện về trên trang giấy
Những trang sách một thời phượng cháy
Nâng bước ta đi suốt chặng đường đời
Mỗi con người như bát nước đầy, vơi
Thất bại, thành công, giàu, nghèo, cao, thấp
Năm mươi năm gió sương phai nhạt
Nhưng cánh phượng hồng thức mãi với thời gian.
*
Ảnh :
I. Ba ảnh trong bài: Hai ảnh đầu chụp tại Đại Trạch, tháng 10.1967. Ảnh thứ 3: Chụp tại Buổi gặp mặt tại Trường Đại học Mỏ – Địa chất 8/2006
II. Dưới đây là một số hình ảnh chụp tại buổi gặp mặt 14/9/2014 (Từ trên xuống) :
1. Từ trái sang Hợi , Chương, Trực, Tu , Tuyền ,Thắng
2. Hậu , Kha
3. Anh Phạm Hùng Trực, anh cả của lớp và Đặng Hùng Võ, thành đạt nhất lớp.
4 Trực, Kha, Hậu , Tuyền (Trưởng ban Liên lạc đang phát biểu)
5. Vinh, Hương, Hợi
6. Giản , Long
7. Trần Hùng Thắng, người cao nhất lớp và  Đặng Hùng Võ. Cả lớp có ba người có tên đệm là Hùng: Hùng Trực, Hùng Võ , Hùng Thắng.
8. Kha, Thắng
9. Thắng, Hậu , Kha, bốn nhân vật trong “Bạn bè một thuở” nay còn ba.
10. Lê Chương đẹp “giai” nhất lớp và chị  Phú
11. Trực , Hậu, Võ, Tuyền:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét