Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

TÔI ĐÃ TỪNG NUÔI MỘNG VĂN CHƯƠNG

 

 Tuổi trẻ ai mà chẳng có ước mơ. Thuở 18- 20, tôi đã từng mơ ước trở thành Nhà văn, Nhà thơ, và đã từng cố gắng để thực hiện ước mơ cháy bỏng đó. Văn chương đã từng làm tôi đam mê, mất ăn, mất ngủ. Đó là mối tình đầu của tôi, là cô gái kiều diễm mà tôi say mê nhưng không chinh phục được, và đã để lại trong tôi một dư vị đẹp cho đến suốt đời.
Bài thơ đầu tiên của tôi được đăng trên báo Quân đội nhân dân là bài “Tuổi 20 trên đường chiến thắng” số ra ngày 1- 9- 1965 (số đặc biệt mừng ngày Quốc khánh 2 -9, vì ngày 2- 9 báo nghỉ) .Bài thơ được đăng trang trọng bằng chữ đậm, lại có đóng khung rất nổi bật. Bài thơ nói về tuổi 20 của đời người nhưng cũng là tuổi 20 của nướcViệt Nam dân chủ cộng hoà, nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày Quốc
khánh.
 Tôi nhận được thư chuyển tiền và báo biếu khi đã theo nhà trường ( trường Đại học Bách khoa lúc đó lấy mật danh là Trường Văn hoá Hà Huy Tập) sơ tán lên Lạng Sơn. Rủ mấy anh bạn thân ra Bưu điện huyện Tràng Định (đóng ở  Thất Khê, cách nơi sơ tán 7 km) nhận tiền nhuận bút (được 5 đồng) mấy anh em vào quán, ăn mỗi người mấy chiếc bánh rán và uống mấy chén nước vừa hết .Đây là bài thơ có tính chất hô hào động viên chung chung, không có gì đặc sắc. Sau đó tôi còn làm được thêm một số bài thơ nữa. Như bài : “ Những vỉa quặng và những dòng kỷ niệm bên sông Hồng”( báo Văn nghệ số ra ngày25.10.1968). Bài thơ này nói về tâm sự của chàng trai địa chất. Bài này sau đó được nhà thơ Xuân Diệu giới thiệu trong một bài
 Phê bình- Tiểu luận của ông viết về thơ của những người địa chất.
Năm 1970, tôi có tham gia dự thi thơ, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lê Nin ( 1870-1970). Bài thơ có tên là “ Tôi đã gặp Lê Nin” được xếp giải B. Tôi nhớ hồi đó người ta không phân biệt văn thơ hay nhạc hoạ, đều xếp đồng hạng làm 3 hạng:
Giải A, giải thưởng là một chiếc xe đạp. Đó là loại xe đạp thồ Liên Xô, khung sắt nặng trịch, cỡ vành 680 hay 700 gì đó, người cao lớn mới đi được.Giá khoảng 300 đ/chiếc.
Giải B: một chiếc đồng hồ. Đồng hồ Ra ket ta của Nga, giá khoảng 50-60 đ gì đấy.
  Giải C: một số đĩa hát của Nga ( đâu khoảng một chục chiếc), hay chiếc đồng hồ để bàn, giá trị khoảng 15- 20 đ gì đấy.
Đại sứ quán Liên Xô tổ chức trao giải tại Đại sứ quán ở  58 đường Trần Phú, vào tối ngày 17- 4- 1970 ,cũng hoành tráng lắm. Theo đúng giấy mời, 19giờ 00,tôi có mặt trước cửa Đại sứ quán, có người đứng sẵn ở cổng hướng dẫn vào. Đại sứ quán có mời một số ca sĩ, nghệ sĩ đến để trình diễn các tác phẩm đoạt giải.Thơ thì có nghệ sĩ ngâm thơ; bài hát, bản nhạc thì có ca sĩ, nhạc công trình bày; tranh tượng thì trưng bày ngay trong phòng họp. Bài thơ của tôi được nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết (của Đài tiếng nói Việt Nam) trình bày, sau đó một người Nga đọc bản dịch bài thơ ra tiếng Nga. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi bước chân vào Đại sứ quán Liên Xô. Giải thưởng của tôi là một chiếc đồng hồ Ra ket ta. Đồng hồ Liên Xô hồi ấy có giá trị đâu khoảng 50- 60 đồng gì đấy. Đó là giải thưởng đầu tiên của tôi về văn chương.
Về văn , tôi có viết được một truyện ngắn, nhan đề Bà mẹ Nghệ Tĩnh, đăng trên báo Văn Nghệ  số ra ngày 8- 9- 1972. Truyện ngắn này lấy bối cảnh là phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh năm 1930. Để viết được truyên này, tôi đã phải xin nghỉ phép về quê 10 ngày chỉ để ngồi viết. Bản thảo viết tay, gồm 15 trang giấy loại giấy khổ “năm hào hai” thời ấy. Truyện được đăng trên 3 trang báo Văn nghệ. Cần nhớ rằng thời bao cấp báo chí ra rất ít. Một truyện ngắn được in trên báo Văn Nghệ Trung ương là một sự kiện đối với cơ quan và bạn bè. Truyện ngắn này được trả  nhuận  bút là 50 đồng ( bằng lương một tháng của một cán sự bậc 4, lương kỹ sư bậc 1 của tôi lúc ấy là 63 đồng ), cũng đủ để chiêu đãi anh em đến chia vui cùng  mình. Sau đó tôi còn thử viết mấy truyện ngắn nữa nhưng đều không đạt. Tôi thấy văn thơ của mình cũng chỉ làng nhàng, không có gì nổi trội. Vả lại, việc cơ quan rất bận, rồi xây dựng gia đình, rồi nghề nghiệp bắt buộc phải đi công tác triền miên, mộng văn chương đành gác lại.
           Dẫu biết rằng hay nhưng không kham nổi
           Lượng sức mình, đành gác mộng văn chương
Phải 20 năm trời tôi không hề cầm bút viết một cái truyện hay làm một bài thơ nào cả. Bàn tay chỉ cầm bút chì vẽ trên nền giấy Cro ki (tức vẽ bản đồ) mà thôi.
Cho đến đầu những năm 1990, tôi mới trở lại với công việc viết lách. Lúc bấy giờ, trên tạp chí Thế giới mới có mở một cuộc thi viết truyện ngắn dưới 1.000chữ (gọi là truyện ngắn mi ni) ,tôi cũng có tham gia dự thi, truyện được in trên Tạp chí, sau đó được tuyển chọn in vào tập 45 truyện ngắn Thế giới mới. Tuy nhiên những người biên tập lại đánh nhầm họ của tôi thành họ Phạm. Trong cuộc thi viết “ Những kỷ niệm sâu sắc về Khoa học – Kỹ thuật,do báo Khoa học và Đời sống tổ chức kéo dài trong 2 năm 1994- 1995, tôi tham gia dự thi và may mắn giành được giải Nhất, với giải thưởng là 2 triệu đồng ( giá trị  bằng khoảng  nửa cây vàng lúc bấy giờ). Tuy nhiên đề tài mà tôi tâm huyết là đề tài lịch sử và kêt quả là cho đến nay, tôi đã in được 5 cuốn sách (xem bài Những cuốn sách của tôi) . Những cuốn sách đó mới là vàng ròng mà tôi thu được trong quá trình cầm bút của mình. Đề tài lịch sử mới là cái “gu” của tôi :
           Đọc lịch sử, ngẫm vui buồn thời đại
           Lấy gương xưa, soi lại lẽ phế hưng .
Ước mơ thì nhiều, nhưng khả năng có hạn. Mỗi người chỉ có khả năng ở một mặt nào đó mà thôi. Chúng ta cần có ước mơ, nhưng ước mơ phải dựa trên khả năng của mình. Đừng có nuôi ước vọng lớn quá mà thành ảo vọng.  Chuyện viết văn, làm thơ của tôi, tôi coi như là những kỷ niệm thú vị của đời mình. Và, đôi khi hồi tưởng lại cũng thấy hay hay. . .
                                                                                 Phan Duy Kha
   Ảnh đầu bài : Tác giả Phan Duy Kha, ảnh chụp năm 1972, thời kỳ viết “Bà mẹ Nghệ Tĩnh”
  Ảnh trong bài, từ trên xuống ( kích vào ảnh để đọc cac bài báo) :
 2. Bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Quân đội nhân dân
 3. Giấy tờ còn lại của cuộc thi thơ nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lê nin
 4. Truyện ngắn “Bà mẹ Nghệ Tĩnh” được in trên báo Văn nghệ.
 5. Một trang của truyện ngắn
 6. Giấy chứng nhận giải Nhất báo Khoa học & Đời sống (Click vào các ảnh để phóng to ảnh )












































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét