Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

BẠN BÈ MỘT THUỞ

Chúng tôi vào trường, được học ở Hà Nội một năm, từ tháng 9.1964  đến tháng 10.1965. Hồi ấy cả lớp được bố trí ở chung trong một phòng đầu cùng khu ký túc xá lợp lá của trường Đại học Bách khoa. Trường Bách khoa hồi đó có 5 khoa: Mỏ, Hóa, Cơ, Điện và Xây dựng. Các khoa khác đều ở nhà tầng, chỉ riêng khoa Mỏ là còn ở nhà lá, khu nhà lá duy nhất của Bách khoa. Các bạn nữ được giành một khu nhà riêng, là nhà C3. Lớp có 25 nam thì 5 anh có gia đình ở Hà Nội, được ở ngoại trú. Nhà ký túc xá bố trí 10 giường tầng ở xung quanh, giữa là một dãy bàn dài để ngồi học. Các bạn ngoại trú ban ngày cũng vào học chung với anh em nội trú. Hồi ấy lịch học tập, sinh hoạt nghiêm túc lắm.

Tháng 11.1965, cuộc chiến tranh phá hoại càng diễn ra ác liệt .Chúng tôi được lệnh sơ tán lên Lạng Sơn. Lúc đầu anh em ở trong nhà dân với đồng bào Tày – Nùng. Khoảng gần tết thì làm xong nhà, chúng tôi xin ra ở “riêng”. Nhà làm bên sông Kỳ Cùng, anh em được chọn ở với nhau tùy thích. Sông Kỳ Cùng là con sông duy nhất ở nước ta chảy theo hướng bắc. Sông bắt nguồn từ bên kia biên giới, vào đất Lạng Sơn của ta rồi lại qua biên giới sang Trung Quốc mà chảy ra biển. Có lẽ vì dân ta không xác định được đâu là nguồn sông, đâu là cửa sông nên gọi là Kỳ Cùng chăng ?
Chúng tôi gồm bốn người Hùng, Hậu, Thắng, Kha ở một phòng. Có lẽ bốn anh em cũng không hoàn toàn hợp nhau, nhưng có một chút gì đó của sự tếu táo trong lời nói,  tự do phóng khoáng trong tính cách, một chút gì đó của luộm thuộm trong sinh hoạt mà kéo chúng tôi đến với nhau chăng ? Trong bốn anh em thì Hồ Sỹ Hậu là người nghiêm chỉnh nhất. Anh quê gốc ở làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) , thuộc dòng họ Hồ, một dòng họ nổi tiếng nhiều đời khoa bảng. Năm lên 7 – 8 tuổi, bố anh là Hồ Viết Thắng, một nhà hoạt động cách mạng, đã đưa anh sang Quế Lâm (Trung Quốc) học. Hồ Sỹ Hậu chăm chỉ, chịu khó, cần cù, hòa nhã với mọi người, nghiêm túc, mực thước trong sinh hoạt. Năm 1968, anh là một trong bốn anh em được gia nhập quân đội, tham gia xây dựng đường ống xăng dầu dọc Trường Sơn. Trong 4 anh em đó, nay ba người đã về hưu, chỉ còn lại một mình anh trụ lại trong quân đội với hàm đại tá, với chức vụ Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng. Đối với chúng tôi, anh là người thành đạt.P1040228
Anh bạn thứ hai là Hoàng Văn Hùng. Anh quê ở Nghi Lộc ,Nghệ An. Năm anh học đại học với tôi thì những người anh của anh đã ra trường, công tác ở Hà Nội. Trong đó có người anh cả, đã lớn tuổi, đang là đại tá, Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin quân đội. Hồi ở Lạng Sơn, có một lần anh  thổ lộ với chúng tôi: “Không hiểu tại sao mấy hôm nay tao thấy nóng ruột, bồn chồn quá chúng mày ạ. Dứt khoát là ở nhà có tai họa gì đó”. Dạo đó máy bay Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc, gia đình anh lại ở Nghi Lộc, gần ga Quán Hành, mà các nhà ga thường hay bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại. Chúng tôi an ủi anh, cho rằng anh lo lắng quá mà mất ăn mất ngủ thôi. Thế rồi, anh xin phép nhà trường về quê. Và quả thật, linh tính đã không đánh lừa anh : Một quả bom Mỹ đã ném trúng nhà anh. Bố anh, ông Hoàng Văn Mỹ, một đảng viên năm 1930, một cán bộ lão thành cách mạng, bị bom Mỹ sát hại. Các người anh của anh ở Hà Nội, vì sợ ảnh hưởng đến học tập của em ở Lạng Sơn nên không thông báo cho biết.
Anh bạn thứ ba là Trần Hùng Thắng, quê ở Xuân Trường, Nam Định. Anh là người rất có năng khiếu về thể dục, thể thao: Bóng bàn, bóng chuyền, bơi lội đều giỏi. Trong đợt thi thể dục thể thao toàn trường Đại học Bách khoa ở Bình Độ, anh được giải Nhì môn nhảy cao. Anh lại có hoa tay, vẽ vời, trang trí đều đẹp. Nhưng tính anh vốn bốc đồng. Dạo ấy, chúng tôi ở bên sông Kỳ Cùng. Bình thường sông rộng khoảng 100 mét, nước rất trong. Buổi chiều, sau khi chơi vài séc bóng chuyền trên bãi cát ven sông , chúng tôi lại nhảy ùm xuống sông tắm. Người bơi kém như tôi cũng có thể bơi qua sông rồi trở về.
Vào một buổi sáng tháng 4, sau một đêm mưa xối xả như trút nước, sáng dậy, sông Kỳ Cùng bỗng trở nên hung dữ vô cùng. Nước sông đục ngầu, réo cuồn cuộn. . Những cây cổ thụ bị bật gốc, theo dòng nước lao ầm ầm. Từng bãi rác, củi khô, cây đổ, kết thành bè, trôi vèo vèo trên dòng sông ngầu bọt. Dòng sông mở rộng gấp 3- 4 lần, nước ngập đến sát bờ dốc dưới nhà chúng tôi. Cũng cần nói thêm rằng, ở Lạng Sơn, bốn mùa ban đêm đều lạnh, bốn mùa ngủ phải đắp chăn. Sáng sớm vẫn còn buốt. Đến 9- 10 giờ, nắng hửng lên, trời mới ấm dần. Sáng hôm ấy, vừa thức dậy nhìn qua cửa sổ, Hoàng Văn Hùng đã nói ngay:
- Chà, sông nước cuồn cuộn thế này, anh nào bơi qua sông được, xin gọi bằng bố.
Trần Hùng Thắng bĩu môi:
- Có khó gì, tớ coi là con tép !
Hậu và Kha mỗi người một câu, ai cũng bảo là không thể bơi được.
Thắng cao hứng:
- Chúng mày có dám thách không ?
Tất cả đều đồng thanh:
- Thách đấy ! Nếu mày bơi được qua sông, từ nay chúng tao phục sát đất, xin tôn là sư phụ.
Cũng tưởng đùa vui thế thôi, ai ngờ Thắng cởi áo quần nhảy ùm xuống sông thật. Các anh em ở phòng khác không hề biết chuyện để can ngăn. Thậm chí nhiều người còn ngủ chưa dậy. Khi mọi người thức dậy, nhìn ra sông thì Thắng đã bơi được 1/3 sông rồi. Anh em í ới gọi lại nhưng Thắng không nghe.Nhìn dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn, từng cây cổ thụ bật rễ trôi ầm ầm, ai cũng phát hoảng, lo cho Thắng. Mọi người trách chúng tôi : “Tại sao các cậu dại thế, lại đi khích nhau, nhỡ ra giữa sông gỗ lao vào người, tai nạn chết người thì sao?”. Ba anh em chúng tôi lúc này mới thực sự lo sợ. Sợ cây lao vào người, không tránh kịp, bị dìm xuống sông. Sợ mới sáng ra trời lạnh, chưa ăn gì, lại chưa khởi động, nhỡ bị chuột rút, chìm nghỉm thì sao. Mọi người nhìn theo, lo lắng. Thế rồi, Thắng đã bơi qua sông. Sau khi lên bờ, vẫy tay cho chúng tôi biết để thể hiện mình là người “chiến thắng”, anh lại nhảy xuống sông, bơi về bờ bên này. Qua hai lượt bơi đi và về như thế, anh bị dòng nước cuốn về phía hạ lưu đến hơn 500 mét. Dù sao chúng tôi cũng bái phục anh vì anh đã lập được “chiến công”.
Sau đợt ấy, họp chi đoàn, chúng tôi bị đưa ra kiểm điểm. Cũng vì thế mà sau này, khi về Đình Tổ, Đại Trạch (Hà Bắc), mọi người không được chọn ở với nhau nữa. Ở  Đại Trạch, tôi được phân công ở với anh Trực, là một cán bộ đi học, lớn tuổi, chín chắn, một đảng viên gương mẫu. . . .
( Trích từ cuốn Trải nghiệm đời người, Tạp văn của Phan Duy Kha, Nxb Lao động, 2009)

*
Ghi chép thêm về “lũ bốn tên” : Hồ Sỹ Hậu sau này về hưu với hàm Thiếu tướng. Anh vừa in cuốn tiểu thuyết Dòng sông mang lửa (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2012). Sách dày 630 trang, kể về cuộc sống, chiến đấu của những kỹ sư trẻ mới ra trường, tham gia xây dựng đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ, với muôn vàn khó khăn gian khổ và cả hi sinh mất mát, nhưng họ đã hoàn thành nhiệm vụ và đã trưởng thành . (Sẽ có một Entry giới thiệu tiểu thuyết Dòng sông mang lửa sau)
Trần Hùng Thắng sau này về sống ở quê, không hoạt động thể dục thể thao mà lại thích làm thơ. Thơ anh, đa phần là thơ tình,  được in trên một số sách báo trung ương và địa phương. Có một số trang mạng như :Văn nghệ Nam Định, Trần Mỹ Giống Blog đăng thơ anh (Trang Blog Trần Mỹ Giống có một mục riêng về thơ Trần Hùng Thắng, tính đến 30.11.2012 có 31 Entry, khoảng 60 – 70 bài thơ, tôi đã xem hết). Anh đang chuẩn bị tập hợp để in thành một tập riêng .
Còn Hoàng Văn Hùng chuyển vào sinh sống tại Tp. Hồ Chí Minh, nay đã mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét