Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

NHỮNG THẦY GIÁO LÀM THƠ Ở TRƯỜNG CẤP 3 TRẦN PHÚ

Những thầy giáo làm thơ ở Trường cấp 3 Trần Phú




Tôi theo học trường cấp 3 Trần Phú huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, niên khóa 1961-1964. Thuở ấy cả tỉnh Hà Tĩnh chỉ có hai trường cấp 3. Trường cấp 3 Trần Phú ở Đức Thọ và trường cấp 3 Phan Đình Phùng ở thị xã Hà Tĩnh. Học sinh các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn được học ở trường cấp 3 Trần Phú.
Trường mới thành lập, giáo viên đa phần tốt nghiệp từ trường Đại học sư phạm Vinh mới ra trường. Học trò 16-17 tuổi, giáo viên 20- 21 tuổi, phần lớn chưa xây dựng gia đình. Thầy trò rất chan hòa, đồng cảm. Trường nằm gần sông La, một con sông rất

đẹp, nước chảy hiền hòa, trong vắt, nhìn thấu tận đáy. Ở đó là quê hương của nhà yêu nước Phan Đình Phùng, của đồng chí Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú và cũng là nơi có dinh thự của Hoàng Cao Khải. Từ đây đi xuôi bờ đê xuống khoảng vài cây số là thị trấn Đức Thọ, nơi có cửa hàng sách quốc doanh mà chủ nhật tôi hay tới tìm mua. Cũng từ đây đi ngược lên khoảng một cây số là nhà thờ Trần Phú., rồi đến bến phà Linh Cảm qua ngã ba Tam Soa phong cảnh hữu tình. Có lẽ do cảnh đẹp của núi sông và không khí vui tươi, phấn khởi của những năm “ Chào 61 đỉnh cao muôn trượng” làm cho tâm hồn con người cảm thấy thơ thới và thích làm thơ chăng?Tôi thích làm thơ từ những ngày ấy.
Trong số giáo viên làm thơ có thầy Bùi Xuân Huyến . Nhà thầy ở thị trấn Đức Thọ, gần trường. Năm ấy thầy mới 20 tuổi (sinh năm 1941) nhưng đã chững chạc lắm. Thầy dạy toán nhưng đã nổi danh  từ những năm còn là sinh viên trường Đại học Sư phạm Vinh vì đã có một số bài thơ được đăng báo Văn nghệ. Hồi ấy báo chí rất ít. Đăng thơ chỉ có báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. Vì vậy ai có thơ đăng ở báo Văn nghệ coi như là một vinh dự lớn, được mọi người nể phục.Cũng vì thầy yêu thơ, có tài thơ mà lôi cuốn được lũ học trò chúng tôi cũng yêu thơ và thích làm thơ như thầy. Thông qua nhà trường, thầy thường tổ chức những cuộc thi thơ nhằm phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu thi ca. Thầy thường cho ý kiến nhận xét cụ thể cho từng người. . Thầy Bùi Xuân Huyến sau này trở thành nhà thơ có tiếng tăm, là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, chủ tịch Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh. Sau ngày tách tỉnh, thầy tiếp tục làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tĩnh cho tới lúc về hưu. Đó chính là nhà thơ Xuân Hoài. Thơ Xuân Hoài chủ yếu là thơ trữ tình, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Quê hương xứ Nghệ qua thơ của thầy hiện lên thật là đẹp . Xin trích đăng một bài:
CON ĐƯỜNG VỀ BẾN TAM SOA
Con đường về bến Tam Soa
Như câu thơ đẹp  trải ra đón mời
Xanh chi lắm, cỏ đê ơi
Để anh muốn chọn chỗ ngồi với em
Đò ai thả giọng hò quen,
Cho người trên bến muốn xen lời vào
Nghìn năm cho thỏa ước ao
Người ơi câu ví vẫn xao xuyến lòng
Em như dòng nước xanh trong
Bao nhiêu bến hẹn bờ mong trải dài
Anh như đò dọc đi hoài
Bao xuôi ngược cũng không ngoài mặt sông
Người đi xa mấy năm ròng
Chưa ai quên một khúc vòng con đê
Cỏ xanh như chính lời thề
Hai bờ đê gọi bước về vấn vương
Nhà thơ Xuân Hoài được coi là “ ngôi sao mai lấp lánh trên bầu trời thi ca xứ Nghệ”. Thầy mất năm 2006 tại Hà Tĩnh
Có một giáo viên làm thơ nữa mà sau này tôi mới biết. Thầy là Nguyễn Văn Bốn, dạy văn. Thầy người miền Nam, dáng người đậm, da bánh mật, trán hơi hói, tóc vuốt ngược, giọng trầm, giảng thơ rất hay. Ngày tôi học, tôi không biết thầy có làm thơ. Mãi sau này, khi tôi ra Bắc học rồi công tác ở Hà Nội, tôi mới biết thầy có một bài thơ rất nổi tiếng, với bút danh là Nguyễn Lê. Đó là bài “ Mẹ”. Bài thơ được đưa vào sách giáo khoa. Khi nhắc đến thơ ca chống Mỹ cứu nước, không thể không nhắc đến bài này. Bài thơ này thầy làm sau khi nghe tin giặc Mỹ ném bom vào Trường cấp 2 Hương Phúc( Hương Khê, Hà Tĩnh)  giết chết nhiều em học sinh vô tội. Toàn bài thơ là một tiếng thét căm thù được dồn nén, như một khối bộc phá nghìn cân :
MẸ
Trưa về đến sau đồi
Gọi con như mọi bận
Không nghe tiếng trả lời
Thì mẹ ơi đừng giận
.
Nhin vở bài toán đố
Con làm còn dở dang
Bỏ quên bên cửa sổ
Đừng bảo con không ngoan.
.
Sân nhà đầy lá rụng
Mẹ đừng trách con lười
Thấy áo con đẫm máu
Đừng, đừng khóc mẹ ơi !
.
Giặc Mỹ nó nhằm con
Mà bắn vào tim mẹ
Đừng khóc con, mẹ nhé
Khóc sao hả căm thù !
Sau này, tôi cũng có ý theo dõi nhưng không thấy thầy Nguyễn Văn Bốn- nhà thơ Nguyễn Lê có thêm bài thơ nào khác. Thầy là nhà thơ của một bài thơ mang dấu ấn của một thờ đại.
Có một giáo viên nữa cũng làm thơ mà mãi sau này tôi mới biết. Đó là thầy Lương Xuân Cung. Nhà thầy ở làng Tùng Ảnh (cùng làng với Tổng bí thư Trần Phú) ngay sát trường. Thầy là giáo viên toán. Hồi dạy cấp 3 Trần Phú, thầy mới tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Vinh. Dáng thầy cao , gầy, gương mặt trẻ, chẳng khác gì học sinh.Có lẽ có bạn học sinh gương mặt còn già dặn hơn thầy. Tính thầy chan hòa, cởi mở, nhiều khi tán chuyện với học sinh như người cùng trang lứa. Khi tôi hoc, tôi chưa biết thầy có làm thơ. .Có lẽ cũng như thầy Bốn, thầy làm thơ do những cảm xúc bật ra từ đáy lòng, trước một sự kiện đặc biệt nào đấy.Sự kiện đặc biệt làm “nền” cho thơ của thầy đó là những buổi tiễn đưa lớp lớp đàn em, học sinh của thầy, không ngại hi sinh, xếp bút nghiên lên đường cứu nước. Thầy làm thơ để động viên đàn em thân yêu của thầy. Bài thơ này sau đó được nhà trường phóng to lên, treo trong Nhà truyền thống của nhà trường. Bài thơ có sức lay động tâm can của lớp lớp học sinh cấp 3 Trần Phú lên đường cứu nước.
RA TRẬN .
Tổ quốc gọi tên em lên đường ra trận
Nghe bâng khuâng lưu luyến mái trường xưa
Trang sách mở khét nồng mùi khói đạn
Mang trong mình thầm kín những ước mơ.
.
Đời vẫn ngọt như nước sông quê mẹ
Bước lên đường như xanh lá mùa Xuân
Say máu giặc quyết nhuộm hồng tuổi trẻ
Rao rực nghe trống gọi tòng quân.
.
Chào em nhé, hẹn ngày mai chiến thắng
Chín mười năm mưa nắng có hôm nay
Nhớ Bạn, nhớ Thầy ngọt bùi cay đắng
Xao xuyến lòng ta, xiết chặt bàn tay.
.
Quê hương ơi, chưa xong điều tâm sự
Mà nghe đây non nước gọi ta vào
Chống ngoại xâm bốn nghìn năm lịch sử
Chặng cuối mình không góp sức hay sao ?
.
Chào bè bạn lên đường ra tiền tuyến
Đêm mai rồi nghe thác đổ Trường Sơn
Nhớ tên lớp, tên trường lòng man mác
Theo tên em tiếp cận hầm ngầm
.
Nhớ lớp học rung trong tầm đại bác
Gọi tên em trong mỗi đợt xung phong
Thầy Cung không chỉ cổ vũ, đọng viên các em học sinh thân yêu của mình “xếp bút nghiên lên đường ra trận” mà bản thân thầy cũng tạm thời xếp trang giáo án, rời bục giảng để cầm súng làm anh lính binh nhất binh nhì sát cánh cùng đàn em bên chiến hào đánh Mỹ cho đến ngày toàn thắng. Sau chiến tranh, thầy lại trở về làm công tác giáo dục cho đến khi về hưu.
Viết thêm: Sau khi bài viết này được đưa lên mạng, thầy Lương Xuân Cung , hiện nghỉ hưu tại Hà Tĩnh đã có phản hồi , thầy cũng gọi điện thoại cảm ơn tôi, vì đã giới thiệu thơ thầy và đặc biệt là đã đăng một tấm ảnh chụp cách đây gần 50 năm chụp thầy với học sinh Trần Phú. Phần phản hồi của thầy Lương Xuân Cung và trả lời của tôi có đăng trong mục About ở trang này.
Phan Duy Kha
Ảnh đầu bài : Thầy Lương Xuân Cung (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh với nhóm học sinh Can Lộc tại trường cấp 3 Trần Phú trước khi nghỉ hè ( tháng 5- 1964)










































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét