Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

VỀ QUÊ : QUÊ HƯƠNG ĐAU ĐÁU NỖI NIỀM




P1070067 

Ngày 31.3.2013 (nhằm ngày 20.2 Â l) về quê giỗ Thân phụ.Ngay từ trước Tết Nguyên đán, vào ngày rằm tháng Chạp Nhâm Thìn, các anh  Đào Hùng, Bí thư Đảng ủy và Nguyễn Xuân Nghị, Chủ tịch xã ra công tác ở Hà Nội, có hẹn, nếu ngoài Tết có về giỗ ông cụ (tức cha tôi) thì báo cho các anh biết để các anh đến thắp hương. Vì vậy mà về đến nhà là bảo anh Kỳ gọi điện mời các anh ngay. Anh Đào Hùng đã đến, anh Nghị bận. Quê tôi trước cách mạng gồm có các làng được mang tên chữ: Vĩnh Gia (sau cách mạng gọi là Vĩnh Long), Phúc Lộc (sau cách mạng được gọi là Sào Nam), Yên Thọ (sau cách mạng gọi là Tam Đồng), Nguyễn Xá (hay là Nguyệt Ao, sau cách mạng được gọi là Tam Đình) …
Sau hòa bình lập lại (1954), quy hoạch lại các xóm, chia thành 13 xóm, xóm tôi là xóm 8 (trong thời kỳ Hợp tác hóa nông nghiệp, cả xã là một Hợp tác xã, mỗi xóm là một Đội sản xuất, cho nên người ta vẫn gọi Đội 7, Đội 8 như một địa danh). Sau ngày  thống nhất nước nhà ,  lại có một đợt dồn ghép lại, hai xóm 7, 8 gộp làm một, xóm tôi trở thành xóm 7. Bây giờ, theo quy mô mới, xã lại chia thành 5 thôn, lại lấy lại tên cũ ngày xưa. Các xóm 1, 2 gộp lại thành thôn Vĩnh Long. Các xóm 3, 4 gộp lại thành thôn Đông Vĩnh. Các xóm 5, 6, 10 gộp lại thành Phúc Yên (xóm 10 trước đây thuộc Phúc Lộc) , các xóm 7, 8, 9  gộp lại thành thôn Phúc Lộc. Các xóm 11, 12, 13 gộp lại thành thôn Tam Đình (Tam Đình là làng quê của GS Nguyễn Đình Tứ, nhà khoa học nổi tiếng). Như vậy là từ 13 xóm trước đây, bây giờ gộp lại thành 5 thôn, mỗi thôn tương đương  một  làng trước cách mạng. Nhân nói chuyện ngày xưa, mọi người mới kể đến chuyện ông Hoàng Đôi, chiến sĩ thời Xô viết Nghệ Tĩnh. Ông bị địch bắt , tra tấn dã man và anh dũng hi sinh. Theo lời con cháu kể lại thì giặc bắt ông ngồi trên một chiếc mâm bằng đồng rồi đốt lửa ở phía dưới. Lửa nóng đỏ chiếc mâm,  da thịt  cháy xèo xèo, nhưng ông vẫn không khai nửa lời. Ông đã anh dũng hi sinh như thế. Ngày  còn ở quê, tôi có nghe nói, ông Hoàng Đôi đã được công nhận là Liệt sĩ . Bây giờ qua câu chuyện  mới biết là, ông chưa hề được danh hiệu  gì cả. Có một ông Hoàng Đôi (trùng cả họ tên), cũng là chiến sĩ cách mạng thời 1930 -31, hi sinh, được công nhận Liệt sĩ, nhưng đó là ông Đôi Uông, ở xóm 4. Còn ông Hoàng Đôi, Phúc Lộc,  chưa được chế độ  gì cả. Ông là người quá thiệt thòi, nhưng bây giờ biết làm sao được. Những người cùng hoạt động ngày xưa thì nay không còn ai . Hồ sơ giấy tờ thì không có gì, lời kể thì không có bằng chứng. Ai xác nhận cho con cháu để làm thủ tục công nhận Liệt sĩ cho ông ? Ông là ông bác bên họ ngoại của tôi. Tôi có truy cập vào hồ sơ chiến sĩ cách mạng thời kỳ  1930 – 31, bị tù đày, lưu tại  Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ở thành phố Vinh nhưng chỉ thấy, ở Phúc Lộc  có các ông: Phạm Âm, Nguyễn Ấm, Phan Văn Kỷ, Trần Đôi, ông Phan Văn Kỷ là chú họ tôi, không thấy có tên Hoàng Đôi. Đành ghi lại đây  để tìm hiểu thêm. Cũng nhân truy cập vào Hồ sơ Chiến sĩ cách mạng mà tôi được biết, những nhân vật chủ chốt của cao trào cách mạng 1930-31 ở quê tôi, đều là những trí thức, nhà giàu. Người nghèo chỉ tham gia như những  quần chúng, đông thì theo, giặc đàn áp mạnh thì tan, chẳng có vai trò gì. Những người cầm đầu bị giặc bắt, tù đầy, tên tuổi được lưu trong hồ sơ  có thể kể: Ông Nguyễn Mạnh Viện (ông này trước cách mạng làm Chánh tổng, hồi Cải cách ruộng đất bị quy là Địa chủ, gọi là Tổng Mại), ông Nguyễn Mỹ Tài , trí thức (ông là thân sinh nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ và anh Nguyễn An Lương), ông Nguyễn Đình Mai (thường gọi là Học Mai)  trí thức , Phó bí thư huyện ủy Can Lộc thời kỳ 1930-31 (ông bị giặc bắt năm 1932 và xử tử hình năm 1933), ông Nguyễn Duệ (bố anh Đông Lĩnh) , ông Võ Thế Yêm (bố anh Võ Khả)… Họ đều thuộc tầng lớp có máu mặt ở địa phương thời bấy giờ. Thế nhưng, đến thời kỳ Cải cách ruộng đất, những người giàu, và tầng lớp trí thức đều bị đánh tất. Người ta  tuyên truyền rằng, chỉ có giai cấp bần cố nông mới kiên trì đường lối, mới lãnh đạo được cách mạng thành công. Đó là thể hiện quan điểm  méo mó, kiến thức ấu trĩ của một thời về đấu tranh  giai cấp, gây nên không biết bao nhiêu là khổ đau, hệ lụy : Tự nhiên trong mỗi làng quê, thậm chí trong từng gia đình đều chia thành hai phe, địch và ta, con đấu cha, vợ tố chồng, coi nhau như kẻ thù giai cấp… Ông anh bảo, thôn Phúc Lộc mình sắp xây dựng Nhà văn hóa thôn. Chú chuẩn bị một ít sách, khi nào khánh thành Nhà văn hóa thì mang về mà tặng. Đấy là một công việc có ý nghĩa, xin hưởng ứng ngay. Từ lâu, tôi đã mong làng quê mình có một Nhà văn hóa, ở đó, nếu chưa lập được thư viện thì ít nhất cũng có một tủ sách.  Các cán bộ về hưu, bà con nông dân những buổi nông nhàn, các cháu thiếu nhi học sinh có địa điểm để đến  đọc sách, chơi cờ tướng, bóng bàn, cầu lông, tập dưỡng sinh…  và các hoạt động văn hóa văn nghệ khác. Làng tôi ngày xưa cũng có một ngôi đền. Nghe các cụ truyền lại thì ngôi đền đó được xây từ thời vua Khải Định. Không biết thờ vị thần nào. Đền bị phá bỏ từ khoảng năm 1947-1948, trong thời kỳ kháng chiên chống Pháp. Khi tôi lớn lên thì đã không còn đền nữa. Ở đó chỉ còn là một bãi hoang, với  cái cổng đền đổ nát, cùng bụi cây rậm. Có một điều đặc biệt là đền làng tôi không xây dựng ở trung tâm của làng mà lại xây ở giữa cánh đồng, ở vùng ngoài rìa  phía bắc của làng. Các cụ giải thích: Trước đây đất này vẫn còn tranh chấp giữa làng tôi  và làng Mật Thiết, nên xây ở đấy để khẳng định chủ quyền, tránh tranh chấp sau này. Vì vậy, việc sinh hoạt hội hè không thuận tiện cho người dân. Thế hệ chúng tôi lớn lên, không hề biết đến đền làng, không hề biết đến hội hè, đình đám. Cả một vùng miền Trung đều như thế cả. Sau này có điều kiện nhưng không ai có ý xây lại đền nữa (khác với miền Bắc, các đền chua trước đây bị phá, bây giờ đã được xây lại hết). Bây giờ xây Nhà văn hóa thôn, thay cho đình đền ngày xưa, để làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không hiểu Nhà văn hóa có thay thế được công năng của đền đình ngày xưa không ? Ở nhà 3 ngày, xong việc thì đi. Ngày 14.5.2013  (nhằm ngày 5.4 Â l) về quê ngoại giỗ Nhạc phụ. Về quê vợ thì đơn giản thôi. Cháu Hoàng có ô tô riêng, chỉ chạy 1h30 phút là đến nhà. Ông anh dẫn hai vợ chồng ra mộ, thắp hương thỉnh các cụ . Nghỉ đến chiều thì về. Cả đi và về chỉ trong một ngày. Không có chuyện gì đặc biệt.


Trích một đoạn trong sách  Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân Song Lộc (do Đảng ủy xã Song Lộc tổ chức biên soạn), phần nói về Thiên nhiên và con người:
.
CHƯƠNG I
KHÁI QUÁT VỀ THIÊN NHIÊN
VÀ CON NGƯỜI SONG LỘC
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Bản đồ xã Song Lộc và  vùng phụ cận
Xã Song Lộc nằm về phía Tây Bắc huyện Can Lộc – tỉnh Hà Tĩnh, Bắc giáp xã Kim Lộc, Nam giáp xã Phú Lộc, Tây giáp xã Nga Lộc, Đông giáp xã Trường Lộc và Thanh Lộc. Diện tích tự nhiên của xã: 519,13 ha, trong đó đất nông nghiệp 324 ha.
Dân số: 1930 có 375 hộ
Tháng 9/1945 có  459 hộ
Năm 2010, toàn xã có 1047 hộ, 4284 khẩu, gồm 49 dòng họ.
Hệ thống chính trị trong xã có:
- Đảng bộ có 313 Đảng viên.
+ Trong đó:   60 tuổi Đảng: 8 đồng chí
                     50 tuổi Đảng: 17 đồng chí
                     40 tuổi Đảng: 51 đồng chí
                     30 tuổi Đảng: 98 đồng chí
                       Cán bộ Lão thành Cách mạng:11 đ/c
                     Cán bộ tiền khởi nghĩa: 1 đồng chí
- Có 14 chi bộ (11 nông thôn, 3 trường học)
- Hội người cao tuổi có:     613 hội viên
- Hội nông dân có:            740 hội viên
- Hội Cựu chiến binh có: 225 hội viên
- Hội Cựu thanh niên xung phong có: 64 hội viên
- Hội Cựu giáo chức có: 61 hội viên
- Hội Phụ nữ có: 960 hội viên
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có: 115 đoàn viên
- Hội đồng nhân dân: 23 đại biểu
Xã Song Lộc được thành lập từ tháng 12/1953 tách ra từ xã Lam Kiều
Song Lộc nay là phần đất của 2 xã Lai Thạch và Nguyệt Ao thuộc tổng Lai Thạch cũ gồm các làng:
            – Làng Vĩnh Gia
            – Làng Yên Thọ
            – Làng Phúc Lộc
Ba làng này trước 1945 thuộc xã Lai Thạch
- Hơn ½ làng Nguyễn Xá thuộc xã Nguyệt Ao (gần 1/2 làng Nguyễn Xá cắt về Trường Lộc và Kim Lộc)
- Song Lộc ngày nay trước 1945 là vùng trung tâm của tổng Lai Thạch.
Tổng Lai Thạch xưa, nay là các xã Trường Lộc, Song Lộc, Kim Lộc, Phú Lộc, Nga Lộc và (Thuận Lộc thuộc Thị xã Hồng Lĩnh). Trên đất Song Lộc có chợ Tổng, nhà Thánh Tống, trường học Tổng và thời kỳ 1930 – 1931 có đồn binh ở chợ Tổng do thực dân Pháp lập ra nhằm đàn áp phong trào cách mạng trong tổng.
Về hai từ tên xã Song Lộc đặt đầu năm 1954 khi lập xã có nhiều cách giải nghĩa khác nhau, nhưng nhiều người giải thích là: Song có nghĩa là Song đôi vì khi xã Lam Kiều tách thành hai xã nhỏ là Trường Lộc và Song Lộc, còn Lộc là từ cuối của huyện Can Lộc.
Trước năm 1921, xã Song Lộc nói riêng và cả tổng Lai Thạch nói chung còn thuộc về huyện La Sơn ( Đức Thọ). Sau năm 1921, triều Khải Định mới cắt về huyện Can Lộc.
1. Sông ngòi
Từ xưa, tổng Lai Thạch có sông Lai Giang (ở Tràng Lưu gọi là Phúc Giang) từ chợ Vi (Kim Lộc) lên chợ Tổng (Song Lộc) qua chợ Đò (thuộc làng Vĩnh Gia giáp làng Đông Tây xã Phú Lộc) về chợ Quan (Trường Lộc) chảy xuống chợ Nhe đổ nước vào Sông Nghèn ở Ngã ba hạ Vàng. Lai Giang là một con sông nhánh của Sông Nghèn.
Mùa Xuân Mậu Dần năm 1878, triều Tự Đức năm thứ 31, thân hào tổng Lai Thạch bàn kế hoạch huy động sức dân khơi lại dòng sông cổ lâu ngày bị bồi lấp để chống hạn cho đồng ruộng. Tháng 05 năm ấy dân làng Vĩnh Gia đào được một cây gỗ quý nằm dưới đám ruộng trọt trước Văn Miếu tổng ở chợ Tổng cho là điều lành, hồn thiêng sông núi đã hiện về báo hiệu dấu vết của con sông cổ Lai Giang, nên vào tháng 07 năm ấy, hàng trăm trai tráng trong tổng đã tiến hành công cuộc đào lại sông đoạn từ chợ Tổng xuống chợ Vi qua làng Phúc Lộc và Nguyễn Xá xã Song Lộc ngày nay. Đến cuối năm 1878, công việc hoàn tất đã tổ chức khắc bia chữ Hán đổi tên sông thành Linh Giang và dựng bên bờ sông trước Văn Miếu (nhà Thánh) tổng, đáng tiếc là nay không còn, song ta còn được biết nội dung của bia “Linh Giang bia ký” ở các trang 94 – 96 sách Văn bia Hà Tĩnh do Sở Văn hoá thông tin xuất bản năm 2007.
Những năm đầu, giữa và cuối thế kỷ 20 nhân dân xã Song Lộc đã cùng với các xã bạn trong tổng Lai Thạch cũ 4 lần tiếp tục đào, nạo vét và tu sửa lại con sông Linh Giang.
- Năm 1910 đến 1913 đã đào và nạo vét 3 khúc.
- Từ chợ Tổng xuống chợ Vi dài gần 7000m.
- Từ cổng làng Phúc Xá đến chợ Vi dài 2000m.
Và cũng dựng bia đá thanh trước Văn Miếu có tên “Duy Tân Quý sửu xuân” ở làng Vĩnh Gia xã Song Lộc, hiện nay, tấm bia ấy không còn nhưng nội dung trong bia đã được ghi lại rất rõ trong cuốn “Văn bia Hà Tĩnh”
Cuối năm 1956, sau thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất, huyện Can Lộc huy động dân công các xã tổng Lai Thạch (cũ) đào mới đoạn sông từ cầu Đập. Lên cầu Cây Khế qua cầu Làng về Nhà Y, cầu Ròi xã trường Lộc dài gần 4000m.
Năm 1993, huyện Can Lộc tiếp tục huy động nhân dân các xã Song Lộc, Trường Lộc và Kim Lộc nạo vét mở rộng lòng sông Linh Giang từ cầu Cây khế xuống chợ Vi.
Trước đây, sông Lai Giang – Phúc Giang – Linh Giang thuyền bè quanh năm xuôi ngược ra Vinh, lên Hương Sơn, vào cửa Sót và một cảnh đẹp đã đi vào thơ văn của các bậc khoa bảng Lai Thạch và cả xứ Nghệ. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh ở Tràng Lưu (1713 – 1789) đã lấy tên sông quê hương đặt tên trường đại tập dạy học trò đi thi tiến sĩ là Phúc Giang Thư Viện, tương truyền thời Lê Trịnh và Trịnh Nguyễn phân tranh các thế kỷ 15 – 17 trên sông Linh Giang, thuỷ quân đã chọn làm căn cứ luyện tập và trên dòng sông đã diễn ra nhiều trận thuỷ chiến của các tập đoàn phong kiến Đàng ngoài (Lê Trịnh) và đàng trong (Nguyễn). Vì vậy, sông Lai Giang – Linh Giang ở tổng Lai Thạch đã đi vào tâm thức của nhân dân, đã có nhiều câu ca dao, tục ngữ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và in đậm dấu ấn lịch sử:
“Núi Hồng ai đắp mà cao
Linh Giang ai bới ai đào mà sâu”
Và biết bao câu ví dặm, hò vè, hát ví Phường vải của ông, cha ta – xưa những cư dân suốt đời gắn bó với dòng sông quê hương:
“Con tằm chín khúc tơ vương
Chàng rời chợ Tổng thiếp ngẩn ngơ nỗi lòng”
Tình tứ biết bao câu ví đò dọc của các o hàng xáo Lai Thạch trên con đò chở gạo ra Vinh:
“Bóng trăng em tưởng bóng đèn
Bóng cây em tưởng bóng thuyền anh xuôi”
2. Đường, cầu
Ngoài đường liên hương, liên xã, trên địa phận xã Song Lộc có đường tỉnh lộ 12 và đường Phan Kính chạy qua. Ngoài ra có Quốc lộ 15 chạy qua 500m ở phía Tây làng Vĩnh Gia giáp Nga Lộc và Phú Lộc, nguyên trước năm1945 là tỉnh lộ số 3 Ba Giang đi Lạc Thiện; đến năm 1962, đoạn đường Ngã ba Khiêm Ích vào Khe Giao Truông Bát được khai thông mới có quốc lộ 15 từ Nghệ An qua Hà Tĩnh vào Quảng Bình chạy gần song song với Quốc lộ số 1. Đường này đầu thế kỷ 21 được nâng cấp toàn tuyến rải nhựa bắc lại cầu.
- Tỉnh lộ 12 từ ngã ba chợ Đình Trung Lộc lên Quán Trại Nga Lộc, đoạn qua xã Song Lộc từ cầu cây khế ra cầu Cao dài hơn 2km. Đường này trước là huyện lộ, được xây dựng từ năm 1933 cùng thời với đê Linh Cảm. Sau ngày tái lập tỉnh Hà Tĩnh được nâng cấp lên tỉnh lộ, rải nhựa. nay đang được mở rộng và nâng cấp.
- Đường Phan Kính từ phường Nam Hồng thị xã Hồng Lĩnh đi lên đường 15 dài hơn 8 km là đường tỉnh lộ mới làm sau ngày thị xã Hồng Lĩnh thành lập 1995 đoạn chạy qua xã Song Lộc dài 5 km được rải nhựa xong vào năm 2004.
- Đường liên xã chợ Vi đi chợ Tổng và Nguyễn Xá đi Tràng Lưu được mở rộng, bê tông hóa. Ngày nay, về Song Lộc không còn cảnh bùn lầy nước đọng, vịn gốc tre để vào xóm. Đường xá trong xã được đổ bê tông, ô tô có thể vào tận tất cả các xóm và sang các xã bạn.
Cầu ở Song Lộc có 3 cầu lớn trọng tải lên tới 10 tấn mới làm và làm lại sau 1975.
Cầu Cây Khế trên tỉnh lộ 12 điểm giáp ranh giữa Song Lộc và Trường Lộc.
Cầu Xóm 8 trên đường Phan Kính.
Cầu Cao trên tỉnh lộ 12 địa giới giữa xã Song Lộc và Nga Lộc.
3. Chợ
- Chợ Đò: Xa xưa có chợ Đò bên bờ sông Linh Giang thuộc làng Vĩnh Gia, cạnh làng Kẻ Đò (dân cư của làng Tràng Lưu xưa),  gọi là chợ Đò vì chợ họp cạnh bến Đò, gần làng Kẻ Đò. Bến đò ấy là vùng Xối Ải ngày nay. Đã từ lâu, chợ không họp.
- Chợ Tổng: Hiện nay, chưa có tài liệu thành văn nói về năm tháng thành lập chợ Tổng. Song ta có thể căn cứ vào lịch sử của dân tộc thời nào lập ra tổng thì mới có chợ của hàng tổng, chợ Tổng là chợ của cả tổng Lai Thạch xưa, họp vào các ngày mùng 2, 6, 10 hàng tháng (mỗi tháng 8-9 phiên). Nền chợ trước ở phía Tây trụ sở cao tầng của xã, có cây đa, phố xá bán thuốc bắc của ông Chung Tràng Lưu. Chợ là nơi giao lưu trao đổi hàng hoá của các xã Lai Thạch, Thường Nga, Nguyệt Ao, Phúc Hải. Ngày nay, chợ Tổng chuyển về phía đông trụ sở xã.
Như vậy, dựa vào các tài liệu trên, chúng ta có thể đoán rằng: nếu chợ ra đời cùng với chợ Quan ở Tràng Lưu thì bia chợ này có ghi cụ thể là năm 1752 chợ được thành lập; còn nếu cho rằng khi có tổ chức hành chính cấp Tổng thì có chợ. Nếu vậy thì cấp Tổng mãi đến triều vua Gia Long (1802 – 1819) mới được tổ chức. Từ Tây Sơn Nguyễn Huệ về trước chưa có cấp Tổng.
Chợ Tổng sau ngày tái lập tỉnh Hà Tĩnh, đầu thế kỷ 21 được xây dựng lại ở vị trí mới, phía Đông Nam chợ cũ, có đình, có 2 dãy lều chợ được xây kiên cố.
4. Các Di tích lịch sử văn hoá
Trước cách mạng tháng 8/1945, ở các làng trong xã Song Lộc ngày nay có nhiều đình chùa, miếu mạo, nền tế thần nông, văn miếu (nhà Thánh) bia đá, lăng mộ và các nhà thờ họ.
Làng Nguyễn Xá có đình ở núi Quỳnh Côi (nay thuộc xóm Quỳnh Sơn xã Trường Lộc) nhưng hiện nay không còn.
- Đình làng Vĩnh Gia cùng là văn miếu của tổng Lai Thạch xây dựng thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 nay không còn, Ở đây có khoa danh của cả tổng Lai Thạch (đã bị vỡ, không còn) khắc 72 vị tiên hiền từ thám hoa, tiến sỹ đến hương giải (cử nhân) và các Võ Quan tiêu biểu của 4 xã Lai Thạch, Hằng Nga, Phúc Hải, Nguyệt Ao. Nơi đây vừa là nơi họp làng vừa là chỗ tổng Lai Thạch tế xuân, thờ Khổng Tử.
- Văn Miếu (nhà Thánh) Vĩnh Gia có tên là Văn Miếu chợ Tổng, nơi có nhiều sự kiện lịch sử liên quan không chỉ xã Song Lộc mà cả Tổng Lai Thạch, như: năm 1878, 1913 thân hào cả tổng họp bàn khai lại dòng sông Linh Giang từ chợ Tổng đến chợ Vi; năm 1916, thân hào cả tổng họp bàn tổ chức vay lúa nhà giàu cứu đói người nghèo.
* Đền:
- Làng Nguyễn Xá có đền thời Thánh Hoàng ở núi Quỳnh Sơn (nay thuộc Trường Lộc).
- Làng Vĩnh Gia có đền Voi Mẹp vì trước đền có 2 con voi to, bằng đá thanh, đền này chính là nhà thờ Phan Kính (1751 – 1761). Thám hoa Phan Kính là Thành Hoàng làng, nên đến ngày giỗ ông và lễ Kỳ Phúc hàng năm, làng tổ chức tế ông rất linh đình, đáng tiếc nay ngôi đền bị hỏng, chỉ còn 2 con voi đá và giếng trước cổng đền xưa, nay mới tôn tạo được Thượng điện.
- Làng Nguyễn Xá có văn miếu sau núi Quỳnh Côi, nay không còn, nền là nơi xã Trường Lộc đặt máy bơm điện chống hạn.
- Làng Cồn Cải có đền Cồn Trạng, dấu tích còn lại đến ngày nay chỉ là nền đất ở xứ đồng xóm 4 canh tác
* Chùa:
- Làng Vĩnh Gia có chùa Vĩnh Gia tên chữ là chùa Việt Ma xây dựng vào thời Lê Trung Hưng cùng thời với chùa Hân ở Tràng Lưu. Hiện nay, chùa không còn chỉ sót lại cổng Tam Quan đã bị hư hỏng nặng.
- Làng Yên Thọ có chùa Trôốc lập vào triều Nguyễn, nay chỉ còn nền chùa.
- Làng Nguyễn Xá có chùa Gia Hưng ở núi Quỳnh Côi (nay thuộc xã Trường Lộc), tuy chùa không còn nhưng tấm bia đá được dựng vào năm 1689 ghi lại công đức của quận công tổng thái giám Trần Tịnh quê ở Mật thôn, xã Nguyệt Ao nay thuộc Kim Lộc trùng tu bia này hiện được họ Lê ở xóm Quỳnh Sơn đem về ở khuôn viên nhà thờ họ nhằm giữ lại dấu tích của cụ Lê Nhân Kiệt thủy tổ là người chữ đẹp viết vào bia để thợ khắc. Ông cũng là người đốc công đại tu chùa. Đây là ngôi chùa vào loại cổ nhất ở tổng Lai Thạch, cũng là một di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng, là địa điểm sinh hoạt, hội nghị, trạm liên lạc của chi bộ Nguyệt Ao thời Xô viết Nghệ Tĩnh.
* Lăng mộ:
Lăng mộ xưa nay ở Song Lộc có rất nhiều, được chôn cất rải rác trên các cánh đồng trong xã và một số ngôi ở các làng xã bạn.
Nhưng có giá trị lịch sử là hai lăng mộ của tiến sỹ Nguyễn Tâm Hoằng và thám Hoa Phan Kính ở làng Vĩnh Gia.
- Mộ tiến sĩ Nguyễn Tâm Hoằng trước đây ở phía Đông chợ Tổng.
Năm 1980, được xã di dời về nghĩa trang Hoa Trạm, song nay rất ít người biết đến hiện nay chưa có bia, mộ chí và lăng.
- Lăng thám hoa Phan Kính ở cạnh chùa Vĩnh Gia cũ, xưa có cây cối cổ thụ thâm nghiêm, có 2 con nghê chầu trước nền tế, có cột nanh to, cao phía cổng vào sau khi được xếp hạng di tích quốc gia, nhà nước, con cháu họ Phan đã bao tường, xây cổng và đào giếng hình bán nguyệt phía trước cổng.
* Nhà thờ họ
Trước năm 1945, ở xã Song Lộc có rất nhiều nhà thờ họ; sau năm 1975 đến nay các họ con cháu đều bỏ công sức, tiền của tu tạo nâng cấp, làm mới bái đường và xây thêm hàng chục nhà thờ mới. Nhưng nhà thờ họ Phan của thám hoa Phan Kính là một nhà thờ lớn, còn giữ được đồ tế khí, bia đá và một số sắc phong có giá trị. Đây là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ sau ngày xếp hạng, con cháu họ Phan đã tôn tạo, làm mới bái đường, làm lại thượng điện và bao tường xây cổng hoành tráng.
Ngoài các di tích trên ở Song Lộc, tại các làng, xóm trước 1945 còn có các nền tế thần nông, miếu thờ ở một số gia đình và kho nghĩa thương.
* Trường học:
Trường học chợ Tổng, cạnh văn miếu Tổng. Năm 1923, trường được đặt ở xóm Trại gọi là trường Lai Vịnh (nay thuộc xóm Quỳnh Sơn xã Trường Lộc), hiệu trưởng là ông Trần Huy An ở Tràng Lưu (Giáo An). Khoảng năm 1926, trường dời lên chợ Cụp xã Thường Nga (Nga Lộc); đến năm 1928, dời về chợ Tổng làng Vĩnh Gia. Cuối năm 1930, để đàn áp phong trào 1930 – 1931 ở tổng lai thạch bọn thống trị Hà Tĩnh cho 30 lính (1/2 là quân Lê Dương) do một tên quan người Pháp chỉ huy về lập đồn binh.
 Sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (niên khoá 1932 – 1933), quân lính mới rút khỏi đồn, trường sơ học mới khai giảng lại. Năm 1933, trường được xây gạch, lợp ngói có 2 phòng học. Sau cách mạng tháng 8, tháng 10/1945, chính quyền cách mạng tổng Lai Thạch lập trường Tiểu học đủ các lớp do ông Nguyễn Huy Quế người Trường Lộc làm Hiệu trưởng. Trường được xây mới 2 phòng học.
Trường Sơ học – Tiểu học chợ Tổng ở Song Lộc là nơi ươm mầm học cho con em trong tổng. Hàng trăm học sinh đã từng học ở trường này sau thành nhân tài cho đất nước, từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến nay.
Cũng tại làng Vĩnh Gia năm 1947 – 1948, xã Lam Kiều mở trường Trung học tư thục Lai Thạch và niên khoá 1952 – 1953, huyện Can Lộc mở thêm trường cấp 2 quốc lập Lam Kiều. Hai trường này đều ở vùng chợ Tổng.
II. TÓM TẮT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ
Cho đến nay, chưa có cứ liệu lịch sử các làng ở xã Song Lộc được lập từ bao giờ, chỉ biết rằng ở làng Vĩnh Gia đầu thế kỷ 15 đã có ông tiến sĩ Nguyễn Tâm Hoằng (sinh năm 1434) người gốc Đức Thọ vào lấy vợ làng này và thi đậu tiến sỹ vào năm 1478 đồng khoa với Hoàng Hiền ở xã Kiệt Thạch (Thanh Lộc), ông không có con trai, mà có đến 10 cô con gái, làm quan với nhà Lê, chức cuối cùng là giám sát ngự sử. Ông là người đầu tiên đậu đại khoa ở tổng Lai Thạch. Từ sự kiện này chúng ta có thể suy ra trước thế kỷ 15 làng Vĩnh Gia đã có người ở. Đây là một làng cổ, cùng thời với các làng xung quanh núi Cài (Sạc Sơn) như Tràng Lưu, Yên Huy, Kiệt Thạch…
Còn các làng Nguyễn Xá, Yên Thọ, Phúc Lộc hiện nay cũng chưa có cứ liệu để xác minh thời gian lập làng. Song cũng chỉ những làng cùng thời hay sau làng Vĩnh Gia một ít, chứ không thể có trước.
Qua khảo sát, xã Song Lộc có 49 dòng họ, trong đó có một số dòng họ có trên dưới 20 đời. Còn số đông là từ 15 đời trở lại. Các dòng họ có đông người là họ Phan, họ Nguyễn, họ Trần, họ Võ…
Qua gia phả các dòng họ hiện nay ở xã chúng ta biết số đông người ở Song Lộc ngày nay có gốc từ nhiều nơi về tụ cư, như ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An vào các thế kỷ 17, 18, 19.
Cũng như số đông các làng xã ven sông Linh Giang xưa, xã Song Lộc không có đồi núi đồng ruộng thấp trũng, độ màu mỡ, phù sa bồi tích nên nhiều cánh đồng sâu vào loại thâm điền, ruộng tốt, song có địa hành lòng máng, ven sông nên trước đây chưa có đê La Giang, chỉ làm được vụ Chiêm và một ít ruộng làm vụ bát (bát ngoạt) gặt sớm vào tháng 8 âm lịch. Đời sống nhân dân Song Lộc từ buổi đầu lập làng đã sớm phải chịu cơ cực.
“Bão xô nghiêng mảnh ruộng cày
Nắng hun đến cái diệp cày cũng cong
Lụt mang đi hết của đồng
Bao nhiêu hạt mẫy đi không thấy về
Mấy đời tiến sĩ, quan nghè
Áo thâm guốc mộc, noi tre, seo cày”
                       (Trích Thơ Yến Thanh)
Các địa danh: xã Lai Thạch, Nguyệt Ao và các tên làng như: Vĩnh Gia, Nguyễn Xá… đến nay ta được biết mới xuất hiện vào khoảng 1460 – 1497 triều Lê Thánh Tông về sau.
Về bộ máy hành chính làng xã dưới chế độ phong kiến mỗi triều đại mỗi khác. Đời vua Trần Thái Tông (1225 – 1258) mới bắt đầu đặt các xã trưởng, xã giám, họ đều là quan triều đình ở cấp xã. Đến nhà Lê lại có sự thay đổi.
Sau khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (1428) lại đặt xã quan. Đến đời Lê Thánh Tông đổi thành xã Trưởng, về sau cấp xã có 3 người gọi là xã chính, xã sử, xã tư (hoặc xã giám) họ đều là nho sinh, sinh đồ (tú tài) do nhà vua chọn, bổ sung và phong phẩm hàm đến đời Vĩnh Hữu (1736 – 1749), về sau các chức danh cấp xã đều do dân bầu.
Đến nhà Nguyễn (1802 – 1945), lại có sự thay đổi. Nơi nào có 140 suất đinh thì đặt chức xã trưởng. Thôn trưởng giúp xã Trưởng quản lý hành chính trong thôn. Dưới thôn có giáp (có giáp trưởng) chế độ này thực hiện từ Nghệ An trở ra các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức cơ bản như thời Gia Long. Còn về cấp tổng mới tổ chức từ 1802 khi Gia Long lên ngôi. Còn trước đó chưa có. Như vậy, địa danh tổng Lai Thạch có sau địa danh xã Lai Thạch, và các làng trong xã. Sau ngày thực dân Pháp đặt nền đô hộ, từng bước chúng thi hành một số cải cách hành chính ở nông thôn nhằm quản lý chặt bộ máy cai trị ở cơ sở. Tuy vậy, ở mỗi nơi cũng có sự khác nhau.
Tổng Lai Thạch từ Đức Thọ mới chuyển về Can Lộc sau 1921, cũng như các tổng Can Lộc cũ có Chánh tổng, Phó chánh tổng, tổng đoàn (chỉ huy phu đoàn các xã, làng), từ 1930 về sau ,có thêm bang tá tổng chuyên trách nắm trị an, theo dõi bắt bớ người chống đối. Đây là lực lượng được bọn thực dân Pháp tin cậy nhất ở nông thôn. Nó cũng là kẻ tàn ác với dân hàng tổng. Còn cấp xã đứng đầu có lý tưởng (có mộc triện) chức này ở các xã trong tổng Lai Thạch gọi là cai xã. Còn ở các làng chỉ có Phó lý (không có triện) phó lý là kẻ giúp cho Lý trưởng, Lý trưởng là cấp dưới của Chánh tổng.
Dưới triều Khải Định năm 1921, thực dân Pháp dật dây tên vua bù nhìn thực hiện cải lương hương chính buộc bọn hào lý địa phương quản lý dân ta ráo riết hơn với 2 việc lớn như:
- Buộc các làng phải soạn hương ước trình lên cấp huyện mới được thi hành.
- Thực hiện cơ chế “ngụ hương” (Trước 1921 chỉ có trí bộ và kiểm đốc) Ngụ hương có ở tất cả các làng lớn nhỏ trong xã gồm 5 tên giúp việc phó lý là:
+ Hương bộ: lo sổ đinh, điền, sinh, tử, giá thú.
+ Hương kiểm: chuyên lo tuần phòng, an ninh trật tự.
+ Hương bản: quản lý tiền quỹ, thóc quỹ, tài sản công.
+ Hương mục: chuyên lo đường xá, cầu cống, điều động phu phen, lính tráng.
+ Hương dịch: chuyên lo hội họp, lễ tế
Ngoài ra mỗi làng còn có một đội tuần phu (phu đoàn) do hương kiểm chỉ huy, giúp việc phó lý ở làng có seo, mõ và người giữ đồng gọi là thủ khoán.
Trong mỗi làng còn có giáp, thông thường có 2 giáp nhất và nhị và các xóm (ấp đều có người chỉ huy)
Bộ máy hành chính ấy, sau 1921 còn có thêm hai hội đồng là hội đồng hào mục và hội đồng tộc biểu. Hội đồng hào mục là các quan lại về hưu, hào lý đã thôi việc, tổ chức này còn có ở làng làm nhiệm vụ tư vấn cho bọn chức dịch đang làm việc, có con dấu riêng. Bọn chức dịch ở làng làm gì cũng phải thông qua hội đồng hào mục, đứng đầu hội đồng này là kẻ nào có phẩm hàm cao nhất trong làng.
Còn hội đồng tộc biểu là tất cả các tộc trưởng các dòng họ lớn nhỏ trong làng chỉ làm một việc chính là khuyên răn, can ngăn con cháu trong họ không làm gì có hại cho bọn hào lý và sự thống trị của thực dân phong kiến.
Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, bộ máy hành chính ở nông thôn huyện Can Lộc có nhiều thay đổi sau cách mạng tháng 8/1945
- Sau khi giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945 tổ chức Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ở tổng và ở làng (không tổ chức ở xã)
- Cuối tháng 12/1945, chính quyền cấp tổng và cấp làng giải thể thành lập Ủy ban nhân dân cấp xã. Xã Lam Kiều ra đời từ đó, gồm các làng 2 xã Song Lộc và Trường Lộc ngày nay.
- Đến tháng 10/1949 thành lập xã lớn, Can Lộc có 11 xã, trong đó, Trà Linh gồm các xã Lam Kiều, Liên Nga, Linh Quy và Minh Tân (là các xã Trường Lộc, Song Lộc, Phú Lộc, Nga Lộc, Kim Lộc, Thuận Lộc hiện nay)
- Đến năm 1952, giải thể xã lớn Trà Linh, xã Lam Kiều được tái lập. Đến cuối 1953, chia thành 2 xã như hiện nay là Song Lộc và Trường Lộc. Còn về cấp làng sau khi giải thể chính quyền (12/1945) chỉ để lại một cán bộ làm thôn trưởng.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp cho đến 1958 dưới thôn có xóm, mỗi xóm cũng có xóm trưởng. Làng có tổ Đảng, xóm có phân chi các đoàn thể.
Từ 1959 – 1990 Hợp tác xã nông nghiệp hình thành và phát triển, vai trò cấp làng, cấp xóm không tồn tại, Ban quản trị hợp tác xã kiêm luôn nhiệm vụ quản lý hành chính ở làng, cấp dưới là đội sản xuất tương tự như cấp xóm trước đây.
- Từ 1991 về sau, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh về thành lập tổ chức cấp xóm, Song Lộc thành lập 10 xóm theo từng đội sản xuất trước đó.
- Tháng 04/1946, sau bầu cử Hội đồng nhân dân xã (17/2/1946) bầu ra Ủy ban Hành chính xã.
- Tháng 05/1946, để chuẩn bị kháng chiến thành lập ở xã Ủy ban phòng thủ.
- Tháng 11/1946, Ủy ban phòng thủ giải thể, lập Ủy ban kháng chiến xã.
- Giữa năm 1947, hợp nhất 2 Ủy ban ở xã thành Ủy ban kháng chiến hành chính.
- Năm 1955, đổi Ủy ban kháng chiến hành chính thành Ủy ban hành chính xã.
- Năm 1976, đổi thành Uỷ ban nhân dân xã cho đến nay.
*

********************************************************
PHẢN HỒI :
·         2. Võ Trí Hoàn  |  Tháng Tám 6, 2014 lúc 7:44 chiều
Thật khâm phục chú Kha cả trí tuệ lẫn tâm huyết, nhờ chú mà cháu biết thêm về lịch sử Quê hương tổng Lai Thạch, trong đó có một số điều mà cháu thường quan tâm tìm hiểu. Chú tài thật biết được cả bia của chùa Gia Hưng ở núi Quỳnh Côi bia này hiện được họ Lê ở xóm Quỳnh Sơn (xóm 10) đem về ở khuôn viên nhà thờ họ Lê (bên cạnh nhà ông cu Lục); cái bia này dựng trên lưng con rùa, nhà cháu ở gần đó nên cũng đã từng tận mắt nhìn thấy từ khi bia còn ở vị trí cũ (sau kho cuốn – kho lương thực). Nếu cháu có những vấn đề cần tìm hiểu về đất Lam Kiều rất mong chú vui lòng giải đáp.
Trân trọng chào chú.
Cháu Võ Trí Hoàn – 0985 400 312 (đang định cư ở Gia Lai)
o        3. phanduykha  |  Tháng Hai 22, 2015 lúc 11:49 chiều
Đấy là chú trích từ cuôn sách Lịch sử đảng bộ và nhân dân Song Lộc do một tập thể ở địa phương biên soạn, Đảng ủy Song Lộc gửi Mail cho chú (nay đã xuất bản ) chứ chú làm sao mà biết được nhiều đến thế. Chỉ phần trên là của chú thôi.
·         4. phanduykha  |  Tháng Tám 7, 2014 lúc 1:23 sáng
Cảm ơn bạn đã đọc và bình luận về bài viết của tôi. Trong trang mạng của tôi có một số bài viết về quê hương Song Lộc nói riêng và Can Lộc, Hà Tĩnh nói chung. Bạn ở xa quê, muốn tìm hiểu thêm về quê hương mình thì nên tìm đọc. Ngay ở phần phản hồi này, bạn Click vào Phản hồi số 1, về Cụ Nguyễn Tâm Hoằng, sẽ có bài viết về vị Tiến sĩ khai khoa của quê ta. Từ bài viết về cụ Nguyễn Tâm Hoằng bạn lướt xuống phía dưới, phần Related (bài liên quan) sẽ thấy các bài :
– Họp mặt đồng hương xã Song Lộc tại Hà Nội;
– Kỷ niệm 250 năm ngày mất Đình Nguyên Thám Hoa Phan Kính
– Lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh cố GS Nguyễn Đình Tứ;
Bạn Click vào các bài trên là được.
Thân ái chào bạn đồng hương.
·         5. Võ Trí Hoàn  |  Tháng Mười Hai 6, 2014 lúc 4:03 chiều
Chú Kha ơi ? theo lời truyền trong các cụ xưa: Cái bia ở chùa Gia Hưng, Nguyễn Thiếp có ghi trong bia “tru thằng Khả bắng bổ bia tao, phạt tam quan”. Đúng vậy sau này có trâu của một người tên Khả húc đỗ bia, làm bia nứt đôi và hiện ra dòng chữ “tru thằng Khả bắng bổ bia tao phạt tam quan” – làng phạt ba quan, nhưng nhà nghèo không đủ tiền chỉ gom được quan tám; hóa ra “tam quan” nói lái là “quan tám”. Theo sử sách thì Nguyễn Thiếp là người làng Nguyễn Xá-nhưng cháu không thấy một di tích gì về Nguyễn Thiếp. Nếu có di tích gì về Nguyễn Thiếp thì bây giờ thuộc xóm, xã nào hả Chú ?
Cháu Võ Trí Hoàn – 0985 400 312 (đang định cư ở Gia Lai)
o        6. phanduykha  |  Tháng Mười Hai 7, 2014 lúc 2:07 sáng
Cháu Hoàn thân mến,
Câu chuyện truyền miệng về cái bia ở chùa Gia Hưng liên quan đến Nguyễn Thiếp nghe rất thú vị . Cụ Nguyễn Thiếp là người Làng Mât, hay còn gọi là Mật Thiết, xã Nguyệt Ao, cũng gọi là Nguyễn Xá, nay là xã Kim Lộc, ngay sát cạnh Song Lộc đấy. Nguyễn Thiếp là người học rộng, tài cao, sống vào cuối thời vua Lê Chúa Trịnh, có làm quan cho triều Lê Trịnh một thời gian rồi về ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn (nay thuộc Nam Đàn, Nghệ An). Ông được vua Quang Trung tôn làm bậc thầy, gọi là La Sơn Phu Tử (Bậc thầy ở đất La Sơn), được vua Quang Trung vời ra giúp nhà Tây Sơn, làm Viện Trưởng Sùng Chính Viện, chuyên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Ông rất giỏi Nho, Y, Lý , Số, nên mới có câu chuyện truyền miệng trên.
Hiện nay ở xã Kim Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) còn nhà thờ Nguyễn Thiếp và trên núi Thiên Nhẫn còn lăng mộ ông. Cả lăng mộ và nhà thờ đều được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Thân ái chào cháu.
§         7. Võ Trí Hoàn  |  Tháng Hai 20, 2015 lúc 4:12 chiều
Cảm ơn chú đã thông tin cho cháu những điều cháu quan tâm. Kính chúc chú và gia đình năm mới vui – khỏe và thành đạt.
Gia Lai, Mồng hai tết Ất Mùi.
§         8. phanduykha  |  Tháng Hai 21, 2015 lúc 1:59 sáng
Cảm ơn cháu Võ Trí Hoàn đã thăm và chúc Tết. Nhân dịp năm mới chú chúc cháu và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Thỉnh thoảng ghé thăm trang mạng của chú và ghi cảm nhận, bổ sung thông tin. Đó chính là nguồn động viên đối với chú.
·         9. Võ Trí Hoàn  |  Tháng Hai 20, 2015 lúc 4:42 chiều
Trong phần về Chợ Tổng: “…phố xá bán thuốc bắc của ông Chung Tràng Lưu”. Cháu xin thông tin thêm với chú: Ông Chung Tràng Lưu chính là cha đẻ của Võ Trí Hữu (Ủy viên TW Đảng), là ông nội của hai anh em ruột Võ Trí Thành (Phó viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW), thường hay lên truyền hình trong các chương trình về kinh tế và Võ Trí Tâm (Học TS rada tên lửa tại Liên Xô, thường tham gia các vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Nga). Cả hai anh Tâm và Thành hiện đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội, hy vọng có dịp họp mặt đồng hương Can Lộc chú có thể giao lưu, gặp gỡ với người quê ta.
Chào chú. Cháu: Võ Trí Hoàn – Đang định cư tại Gia Lai.
o        10. phanduykha  |  Tháng Hai 21, 2015 lúc 2:30 sáng
Cháu Hoàn thân mến!
Chú chưa tìm hiểu kỹ gia phả nhưng hình như ông Võ Trí Chung (ông bố) hay ông Võ Trí Hữu (ông con) lấy vợ là người họ Phan làng Phúc Lộc quê chú, có anh em và cùng hoạt động với ông cụ thân sinh ra chú hồi còn ở quê. Ông Hữu sau này ra Hà Nội làm Chánh Văn phòng Trung Ương Đảng. Hồi còn sống ông ở nhà Tập thể trong Văn Phòng Trung ương Đảng ở phố Hoàng Diệu. Năm 1968 ông cụ thân sinh ra chú ra Hà Nội chơi, chú có đưa ông cụ đến thăm ông Võ Trí Hữu, hồi ấy Ông Hữu đã già yếu rồi. Còn chú thì mới ra trường, bận việc chuyên môn nhiều, nên không để tâm tìm hiểu, mà cũng chưa có ý thức tìm hiểu hoạt động của các cụ. Bây giờ thì các cụ đã về với Tổ tiên cả rồi, muốn tìm hiểu cũng chịu. Năm ngoái, anh Võ Trí Tâm đi họp đồng hương Can Lộc, chú cũng có đi họp nhưng không biết nhau. Mấy ngày sau hôm họp, anh có hỏi được số ĐT của chú và có gọi cho chú, từ ấy đến nay không thấy gọi lại. Cảm ơn cháu đã cho biết thông tin trên.
·         11. Võ Trí Hoàn  |  Tháng Hai 21, 2015 lúc 1:21 chiều
Thưa chú Kha; cháu là người Trường Lộc – nhưng rất nặng nợ với Song Lộc, bởi những lý do sau: Bà ngoại cháu là người Tam Đình (chỗ dòng họ Thầy Thừa Minh – nhà cạnh trại Phụ lão xã Song Lộc), ông ngoại cháu người Hương Sơn nhưng dạy học khá lâu ở trường Lam Kiều; mẹ cháu theo ông ngoại đi học tại trường Lam Kiều và quen cha cháu tại trường Lam Kiều (cha mẹ cháu là bạn học Thầy Nguyễn Đào Tam dạy ĐHSP Vinh); mẹ cháu có khoảng trên dưới 20 năm dạy học tại trường Lam Kiều, sau này là PTCS xã Song Lộc (cùng thời với Thầy Phan Hạn); bản thân cháu học cấp 2 tại Song Lộc (1981-1983); đền Voi Mẹp (nay còn 2 con voi đá), chùa Vĩnh Gia (nay cổng tam quan vẫn còn) ngày xưa đối với cháu là quá quen thuộc. Chú là người họ Phan, có phải là cùng dòng họ với thầy Phan Vượng (gọi theo tên con đầu; nhà gần trụ sở UB xã Song Lộc) không? Cháu học cùng với Phan Tuệ con thầy Vượng.
Còn ông Chung thuốc bắc là gọi theo tên của cháu đích tôn. Tên thật của ông Chung là Võ Tịnh (vợ ông Chung thì cháu không rõ); vợ của ông Võ Trí Hữu người xã Thanh Lộc. Đây là số ĐT của anh Tâm (cách đây gần 4 năm; không biết bây giờ có thay số không?): 0904.151.975
o        12. phanduykha  |  Tháng Hai 21, 2015 lúc 1:48 chiều
Liên hệ với gia phả dòng họ mà chú biết được thì Trưởng nữ của Cố Hàn (Cố được phong là Hàn lâm viện cung phụng nên gọi như thế) con gái đầu của cố Hàn tên là Phan Thị Thành lấy chồng là Võ Tịnh người làng Nguyễn Xá, vậy thì đúng rồi. Xưa nay chú vẫn cứ tưởng ông tên là Võ Trí Chung nên tìm không ra.(ở quê ta thường hay gọi tên bố theo tên con, tên ông theo tên cháu nên gây nên khó hiểu như thế). Nếu có thể thì cháu thông tin cho anh Thành, anh Tâm vì hình như các anh ấy có ý tìm hiểu đấy. Chú không học thầy Thừa Minh nhưng biết thầy là thầy dạy toán rất giỏi. Thầy Đào Tam (không phải Nguyễn Đào Tam) học trước chú một lớp. Phan Hạn học cùng lớp với chú. Còn Phan Vượng thì chú không biết.
·         13. Võ Trí Hoàn  |  Tháng Hai 21, 2015 lúc 2:50 chiều
Đầu năm mới được chia sẽ cùng chú cháu rất mừng. Đúng rồi thầy Đào Tam cháu nhớ nhầm là Nguyễn Đào Tam. Nếu cụ thân sinh của chú hoạt động cách mạng giai đoạn 30 – 31 thì chắc chắn cụ sẽ biết ông nội của cháu là Võ Trinh – bí danh Võ Tạc, là em ruột của ông Chung thuốc bắc; ông nội cháu là Đảng viên 30 – 31 thường chỉ huy nông dân Can Lộc biểu tình (quan huyện lúc đó là tri huyện Trần Mạnh Đàn); có lúc ông làm Phó bí thư huyện bộ Can Lộc, trưởng ban phòng thủ của Ủy ban hành chính kháng chiến Can Lộc và em ruột của ông nội là bà Võ Thị Em (thường gọi là bà Phi Nhị) cũng là đảng viên 30-31
o        14. phanduykha  |  Tháng Hai 22, 2015 lúc 12:13 sáng
Ông nội cháu là Võ Tạc , vậy thì chú có nghe tên. Hồi bố chú còn sống có nhắc đến tên ông.Võ Tạc là chiến sĩ cộng sản thời kỳ 1930-1931. Lịch sử Đảng bộ Can Lộc có ghi như sau: “Tháng 4.1930, Hội nghị đại biểu Đảng bộ Can Lộc họp bầu ra ban huyện ủy lâm thời gồm 5 đồng chí :Trần Châu, Võ Tạc, Trần Đóa, Nguyễn Cứ, Trần Mẹo, do đồng chí Trần Châu làm Bí thư, Võ Tạc làm Phó Bí thư”. Ông nội cháu hồi ấy đã là một nhân vật quan trọng như thế đấy. Không biết sau này thế nào? Còn Phi Nhị có phải là người vẽ truyền thần nổi tiếng không?
·         15. Võ Trí Hoàn  |  Tháng Hai 22, 2015 lúc 2:36 sáng
Ông nội cháu trong cải cách 1954 bị chụp mũ là “Quốc Dân Đảng”; nhờ bà nội giỏi buôn bán nên gia đình cũng thuộc loại khá giả, vì “giàu cũng là có tội” nên gia đình bị qui là “Trung Nông, là thành phần bóc lột” (bị tịch thu tài sản). Năm 1955 sửa sai ông nội được phục hồi lại danh dự – nhưng ông trả thẻ Đảng, chấm dứt hoạt động chính trị (bạn bè và người thân không ai thuyết phục can ngăn ông được). Lí do ông trả thẻ Đảng là: ông quá uất ức trước một số cái chết của những “đồng chí trung kiên của cách mạng” (trong đó có ông Tổng Ổn vừa là đồng chí vừa là em kết nghĩa của ông nội); những đề xuất của ông về khắc phục những oan sai, hậu quả sai lầm của cải cách không được người ta đáp ứng. Ông mất năm 1983, (thọ 83 tuổi), năm 1990 được truy tặng “huân chương độc lập hạng ba”. Lúc ông nội hoạt động CM, ông và bạn của ông cần cung cấp mua sắm gì đều do bà nội lo cho hết, máy in truyền đơn đặt trong nhà ông nội (bà nội kể lại mỗi lần in xong là các vật liệu in phải chôn giấu xuống đất ngay trong đêm). Năm 1967 bà được tặng “Bằng có công với nước”.
Bà Võ Thị Em (em ruột ông nội) lấy chồng là ông Phi Nhị (người chợ Nhe – Vịnh Lộc). Cháu nhớ láng máng là hình như hai vợ chồng bà lấy nhau trong tù (đều là Đảng viên 30-31). Ông Phi Nhị chính là họa sĩ mà chú nói; con của ông Phi Nhị có thể chú biết, đó là Nguyễn Chung Cảng – lúc đương chức công tác ở ĐH Bách Khoa (Nguyễn Chung Cảng là tác giả của các giáo trình kỹ thuật như: “Sổ tay nhiệt luyện”, “Thiết Bị Và Thiết Kế Xưởng Nhiệt Luyện”). Chú Kha học ĐH Bách Khoa, có thể chú biết Võ Trí An (mới mất) giảng viên của trường, là Bác ruột của cháu đó.
o        16. phanduykha  |  Tháng Hai 22, 2015 lúc 5:34 sáng
Trung nông không phải là bóc lột đâu, và không bị tịch thu gia sản. Hồi ấy nhà chú cũng trung nông. Có lẽ ông nội cháu là phú nông. Hồi ấy ai giàu có một tý đều bị quy là bóc lột. Cái giàu của thời ấy so với quan lại ngày nay không bằng cái móng tay. Người ta dùng “đấu tranh giai cấp” để kích động lòng người. Hồi ấy bố chú rất thương ông Tổng Ổn, ông chắt Nhơn, là những người hoạt động cùng nhau nhưng bị bắn oan trong cải cách. Đau xót lắm. Muốn hoạt động cách mạng thì nhà phải có của ăn, của để chứ mấy ông bần cố nông suốt đời đi ở , không học hành gì thì làm sao mà hoạt động được. Ấy thế nhưng đến cải cách ruộng đất thì ai hơi giàu một tý đều bị đánh. Mấy ông bần cố được đưa lên làm lãnh đạo. Thế nhưng, chỉ đến sửa sai là bị xuống luôn, vì làm ao mà lãnh đạo được? Những người bị mất chức trước đó đều được khôi phục lại. Chỉ thương những người bị bắn oan thôi.
Cháu gọi Võ Trí An là bác, vậy có lẽ cháu là con bố Võ Trí Toàn à? Hồi học ở Lam Kiều, chú học cùng lớp với Võ Trí Toản. Toản hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, hay cười, thông minh, học giỏi, khổ người cao hơn bố cháu, sau đi bộ đội và hi sinh ở miền Nam phải không?
·         17. Võ Trí Hoàn  |  Tháng Hai 22, 2015 lúc 6:28 sáng
Vâng, cháu là con Võ Trí Toàn, còn Võ Trí Toản là chú ruột (kề với bố cháu). Chú Toản nhập ngũ năm 1965 (vừa nhận giấy gọi nhập ngũ, vừa nhận giấy báo nhập học ĐH Y); chú hy sinh năm 1969 tại chiến trường Quảng Đà (nay thuộc Quảng Nam hay Đà Nẵng gì đó). Lúc hy sinh chưa vợ; gia đình đã nhiều lần đi tìm hài cốt nhưng không tìm được; nay thì đã tắt hy vọng tìm kiếm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét