Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

ĐÓN TẾT GIỮA RỪNG VIỆT BẮC










Chúng tôi vào trường Đại học Bách khoa, được học ở Hà Nội hơn một năm, từ tháng 9- 1964 đến tháng 10- 1965.
Cuối năm 1965, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá ra miền Bắc. Các trường Đại học được lệnh sơ tán ra các miền xa để đảm bảo an toàn việc dạy và học. Trường Đại học Bách khoa sơ tán lên huyện Tràng Định, Lạng Sơn. Để đảm bảo bí mật phòng gian, trường mang tên giao dịch là trường Văn hóa Hà Huy Tập. Các khoa đóng rải rác trong các làng bản dọc hai bên bờ sông Kỳ Cùng, từ Thất Khê, Bản Trại, Nà Kéo, Bản Bon, Bản Phèng xuống đến  Bình Độ. Khoa Mỏ -Địa chất, tiền thân của Trường Đại học Mỏ -Địa chất đóng dọc theo các bản Nà Kéo, Bản Bon, Bản Nầm, Bản Phèng.

Chúng tôi, lớp Trắc địa K9 ( K9: Khóa thứ 9 của Bách khoa; còn  gọi là lớp Trắc lượng 64, 1964 là năm nhập trường) được về một bản nhỏ có tên là Nà Kéo, thuộc xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định. Bản nằm bên sông Kỳ Cùng. Ban đầu anh em ở nhờ nhà dân, hàng ngày lên rừng lấy gỗ, tre, nứa, lá về làm nhà ở, hội trường, lớp học, nhà ăn, câu lạc bộ. . .Gỗ, tre, nứa, lá, không thiếu. Đặc biệt là vầu rất nhiều. Nhà ở của chúng tôi tương đối chu tất. Chúng tôi dựng một dãy nhà dài năm gian, mỗi gian chỉ ở bốn người, ai hợp với nhau thì tự chọn ở với nhau. Lại dựng cho các bạn nữ một căn nhà riêng cách không xa nhà ở của nam để các bạn được tự do thoải mái (cách không xa để các bạn khỏi sợ).
Chẳng mấy chốc mà đã tới Tết Nguyên đán. Đây là thời kỳ địch đánh phá mạnh, đường sắt, đường bộ đều bị hỏng, đi lại rất khó khăn. Vì vậy nhà trường chủ trương ăn Tết tại chỗ. Chỉ một số ít bạn gia đình ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang mới được về. Để đảm bảo một cái Tết vui vẻ, nhà trường đã lo cho học sinh rất chu đáo. Từ 24- 25 tháng Chạp, một chiếc bè nứa to , bơi xuôi theo sông Kỳ Cùng cập  bến các nhà ăn của các khoa, cung cấp gạo nếp, kẹo bánh, thuốc lá tiêu chuẩn Tết của sinh viên. Chúng tôi phân công nhau vào rừng lấy lá dong, tìm hoa đào, chặt tre kết cổng chào đón Tết. Mọi sự chuẩn bị thật rộn ràng. Ở một thửa ruộng ngay đầu bản, đoàn thanh niên khoa kết hợp với chi đoàn địa phương dựng một cây đu rất đẹp. Cây đu có sáu cột cao, trên đỉnh cắm một lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Không khí Tết lại càng náo nức.
Chiều 30 Tết , một đoàn đại biểu dân bản gồm các pá (bố) các mế (mẹ) các noọng(em gái) mang quà bánh ra úy lạo chúng tôi. Các pá, các mế cũng có con cháu đang công tác hoặc đang cầm súng chiến đấu xa nhà nên rất thương chúng tôi, coi chúng tôi như con, hỏi han han hoàn cảnh gia đình, điều kện ăn ở. . .tình cảm thật đầm ấm, cảm động. Chúng tôi như được sống lại trong tình cảm chan hòa giữa miền ngược, miền xuôi, giữa cán bộ và nhân dân như trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu. . .
Đêm giao thừa, tất cả sinh viên và thanh niên địa phương tập trung tại Câu lạc bộ.  Ở đây có tổ chức các trò chơi như tú lơ khơ, cờ tướng, cá ngựa. . .và cả một số trò chơi có thưởng như “ném đầu giặc Mỹ”. Một bức tranh vẽ một tên Mỹ miệng há to, răng lởm chởm. Người chơi đứng cách xa 5 mét, ném quả bóng bàn vào miệng tên Mỹ, ai ném quả bóng lọt vào miệng là được thưởng. Giữa Câu lạc bộ là một cành đào lớn , rất đẹp mà chúng tôi đã công phu tìm cắt từ rừng về. Trên cành đào cài những mảnh giấy nhỏ, ghi các từ thông dụng như: tu mu (con lợn), tu ma (con chó), kin khẩu (ăn cơm), kin nậm(uống nước). . .người chơi lên rút mảnh giấy nhỏ và dịch ra tiếng phổ thông. Ai dịch được 70- 80 % số từ là đạt yêu cầu, được thưởng. Đây là một trò chơi bổ ích và lý thú, giúp cho anh em học thêm được nhiều tiêng Tày, công cụ giao tiếp với đồng bào dân tộc, rất cần thiết với sinh viên lúc bấy giờ.
Ngày mồng 3 Tết, đội bóng sinh viên thi đấu với đội tuyển thanh niên địa phương. Tuy là những cầu thủ chân đất nhưng cũng cống hiến cho người xem những pha đẹp mắt. Tối mồng 3, Khoa Mỏ tổ chức liên hoan văn nghệ tự biên, tự diễn tại hội trường Bản Bon. Hôm ấy trời mưa dầm, đường dốc rất trơn nhưng sinh viên và dân bản đốt đuốc đi xem rất đông, chật kín hội trường. Chi đoàn Trắc địa K9 chúng tôi cống hiến một vở kịch ngắn do anh Đặng Hùng Võ (1) sáng tác, có tên là “Ông Táo lên trời”. Năm hết Tết đến, Táo sinh viên lên báo cáo với Ngọc Hoàng tình hình lao động, làm lớp, làm trường, tình hình khắc phục khó khăn của anh em trong hoàn cảnh sơ tán. Anh Dư, anh Hợi đóng vai Táo, tôi được phân công đóng vai Ngọc Hoàng, đội mũ mang râu kín mặt. Các lời thoại và các động tác kịch, đa phần do các ông Táo thể hiện, tôi chỉ biết vuốt râu và phán : “các ngươi bình thân” hoặc  “Ta chuẩn tấu” ấy thế mà mấy hôm sau vào bản ai cũng nhận ra tôi và chào vui : “Chào ông Ngọc Hoàng” . Ba ngày Tết trôi qua rất nhanh. Ngày mồng 4 Tết, những người được phép về ăn Tết ở nhà cũng đã lục tục đến. Hôm sau lại cắp sách đến lớp, vùi đầu vào học tập.
Từ ấy đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, tôi vẫn không nguôi nhớ về cái Tết năm ấy. Cái Tết đầu tiên xa nhà, cái Tết đầy ý nghĩa giữa lòng Việt Bắc, quê hương cách mạng. Nếu không có những năm tháng hào hùng của dân tộc, dễ gì được ăn những cái Tết như thế.
Chú thích: (1):  Anh Đặng Hùng Võ sau này là GS TSKH, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường.
(Trích trong cuốn Trải nghiệm đời người, Tạp văn của Phan Duy Kha, Nxb Lao động, 2009)
Ảnh trên:  Lớp Trắc địa K9. (ảnh chụp ở nơi sơ tán Đại Trạch, Thuận Thành, Bắc Ninh, mùa hè năm 1967, tác giả ngồi hàng sau, thứ 2 từ trái sang)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét