Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

TẾT NĂM ẤY CHÚNG TÔI MỪNG THỌ CHA 80 TUỔI



Tết năm ấy chúng tôi mừng thọ cha 80 tuổi

 

 

Tết Mậu Thìn ( 1988) anh chị em chúng tôi tổ chức mừng thọ cha 80 tuổi. Cha mẹ tôi sinh được 5 anh chị em chúng tôi. Hai chị đầu lấy chồng ở quê, đã con đàn cháu đống. Anh tôi là con thứ 3 nhưng kể con trai thì là con cả. Tôi là con thứ 4. Sau tôi còn một chú em là liệt sỹ. Em tôi nhập ngũ năm 1969, đến năm 1972 thì hy sinh. Giấy báo tử chỉ ghi vẻn vẹn: “ Hy sinh tại mặt trận phía Nam”.

    Quê tôi là một vùng quê giàu truyền thống học hành, thi cử. Các bậc túc nho xưa cho rằng đó là do được chung đúc khí tốt của non sông :
          Trà, Sạc thiên thu chung tú khí
           Lam ,Hồng vạn cổ tráng long cơ
  ( Trà Sơn, Sạc lĩnh chung đúc khí tốt nghìn năm
     Sông Lam, núi Hồng vạn cổ cơ đồ hưng thịnh).
    Các bậc tiền nhân xưa như Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh , hai vị đỗ Đình nguyên Thám hoa hai khoa thi liên tiếp nhau vào thời Lê, hiện tên còn đứng đầu trong văn bia ở Văn Miếu, Hà Nội. Rồi La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, bậc thầy của vua Quang Trung. Rồi nhà thơ Nguyễn Huy Tự với truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Hổ với Mai Đình mộng ký… Một vùng quê giàu truyền thống văn học với bản sắc riêng mà nhiều người gọi là Hồng Sơn văn phái. Noi gương các bậc tiền bối, ngày nay con cháu cũng rất yêu văn chương. Quê tôi có câu lạc bộ thơ Lam Kiều lấy tên một nhà hoạt động cách mạng thời kỳ 1930-1931, tập hợp những trí thức, những nhà giáo về hưu yêu thơ. Vì vậy mà có những sự kiện gì đặc biệt ở quê, đều có thơ. Lần này cũng thế. Biết chúng tôi tổ chức mừng thọ cha, từ 27-28 tết, các “ nhà thơ” địa phương đã tìm tòi ý tứ,  gọt giũa ngôn từ , làm thơ mừng thọ cha tôi. Hai ngày mồng 1, mồng 2 tết, từ sáng đến khuya lúc nào khách cũng đầy nhà. Mồng 3 tết, rải rác còn khách ở xa, biết tin sau đến muộn. Chị dâu tôi tất bật suốt ngày. Còn anh em tôi thì chỉ việc ngồi tiếp khách cùng cha.
    Cha tôi sinh năm 1908. Theo lời kể của các bậc già cả trong làng thì năm 1930, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, cha tôi đã tham gia một cuộc biểu tình rầm rộ vào huyện lỵ Can Lộc. Cuộc biểu tình đó, sau này đọc sử tôi được biết, diễn ra vào ngày 22-12-1930 và bị giặc xả súng đàn áp dã man, 42 người đã hy sinh. ( Ngày nay ở thị trấn Can Lộc đã xây dựng tượng đài  kỷ niệm những người hy sinh trong cuộc biểu tình này). Năm 1945, cha tôi vào Đảng rồi tham gia cướp chính quyền ở địa phương. Trong cải cách ruộng đất, gia đình tôi thuộc thành phần trung nông, không được chia thêm ruộng nhưng cũng không bị bớt đi. Năm 1956, sau sửa sai, cha tôi được bầu vào huyện uỷ Can Lộc, phụ trách công tác Mặt trận cho đến lúc về hưu ( 1968). Về quê, ông tham gia công tác và sinh hoạt tại chi bộ địa phương. Vì vậy mà trong thơ mừng thọ của chi bộ có câu:
               Công tư vẹn cả tình non nước
               Sự nghiệp hoàn thành, nghĩa Đảng- dân.
    Hội hưu trí thì mừng thọ bằng câu đối , cũng có ý mừng cha tôi đã hoàn thành nghĩa vụ với Đảng , với dân, để lại một tấm gương cho lớp con cháu hậu sinh :
    Tám chục mùa xuân rạng rỡ, nghĩa Đảng lo tròn, guốc xuân trở lại vườn Chu tử
    Trăm năm trong cõi vẻ vang, tình dân giữ vẹn , nhân quả lưu truyền lớp hậu sinh.
    Trong dòng họ, cha tôi là tộc trưởng của một chi họ Phan. Dòng họ cũng mừng thọ một đôi câu đối , ca ngợi sự sum vầy đoàn tụ, hạnh phúc của tuổi già:
     Xã hội buổi thừa hoan, ông đến 80, lan quế sum vầy vui cảnh Tết
     Họ hàng ta phấn khởi, bà vừa 77, lý hoè đoàn tụ một nhà Xuân .
    Dượng Thắng, chồng của dì tôi (dì là em ruột mẹ tôi) , gọi cha mẹ tôi bằng anh, chị thì mừng một bài thơ:
      Xuân đến mừng Anh , tuổi tám mươi
      Mừng chung song thọ cả hai người
      Trai quý gái hiền không mấy kẻ
      Dâu hiền rể thảo được như lời
      Cháu chắt hân hoan mừng thọ cố
      Phúc nhà ơn Đảng ,hưởng lộc trời
    Bài thơ kết bằng câu :
      Mừng Anh tuổi thọ, càng thêm thọ
      Chúc Chị mười mươi , vẹn cả mười
    Ông Phan Mạnh, giáo viên cấp 3, một người họ xa, gọi cha tôi bằng bác, đọc một bài thơ :
       Bát tuần song thọ thế gian hy
       Mừng bác xuân nay đã tới kỳ
       Tóc bạc, da hồng, khôn kẻ sánh
       Mắt tinh, tai tỏ, ít ai bì
      Vừa nghe đến câu ấy, cha tôi nói :
    –  Cháu sửa lại cho bác đi, chứ ai lại 80 tuổi rồi mà còn “ Mắt tinh tai tỏ ít ai bì” . Mắt bác còn thấy, tai còn nghe được là quý lắm rồi, chứ còn dám so sánh với ai .
    Ông Mạnh lễ phép thưa:
    –  Thưa bác, bác năm nay đã 80 tuổi rồi mà hàng ngày còn đọc sách và làm các việc khác , như thế cũng là hiếm. Cháu nói “ít ai bì” là ý nói đến tuổi 80 mà còn minh mẫn được như bác, hỏi có mấy ai được như thế, chứ không có ý so sánh với lớp trẻ. Rồi ông đọc tiếp :
       Hiếu trung hai chữ, lời vàng để
       Cần kiệm đôi đường tiểu sử ghi
       Nâng chén quỳnh tương mừng thọ khánh
       Lòng thành con tặng khúc Đường thi
    Năm ấy, quê tôi mới mắc điện. Điện lưới quốc gia đã về đến từng gia đình. Ánh điện sáng trưng, từ nhà hắt ra ngõ, bà con rất phấn khởi. Ông Trần Hữu Du, một cựu chiến binh, đã kịp thời “phản ánh” sự kiện này trong thơ mừng thọ cha tôi:
       Tám chục xuân thu đang vận hội
       Trăm năm trong cõi, vẫn đương thời
       Nhà cao , điện sáng, nhờ ơn Đảng
       Quạt gió, đèn trăng, cậy của trời
     Rồi ông kết bài thơ bằng câu :
        Lộc nước , phúc trời, vui tuế nguyệt
        Cháu con thành đạt, cũng ngang người
     Vừa đọc đến đây, anh tôi vội góp ý :
      –  Câu kết nghe cứ ngang ngang. Vả lại , có vẻ vỗ ngực tự cao, thiếu khiêm tốn. Mong nhà thơ sửa lại cho, chứ nếu không thì sợ mang tiếng.
     Ông Du nói :
      – Anh em các ông học hành , đỗ đạt cũng thuộc vào loại sớm ở quê ta, kể từ sau ngày hoà bình lập lại (1954) . Các cháu nội ngoại cũng học hành nên người cả. Tôi nói “ngang người” chứ có nói “hơn người” đâu mà ông sợ là tự cao, tự đại.  Tranh luận mãi, cuối cùng “ nhà thơ” chỉ đồng ý sửa từ “ngang người” thành “bằng người” mà thôi.
     Ông Nguyễn Huy Năm, một giáo viên về hưu, là hậu duệ đời thứ 4 của Nguyễn Huy Tự, cháu trực hệ  3 đời của Nguyễn Huy Hổ. Ông  đến mừng thọ cha tôi , nhấp một chén rượu, xong mượn giấy bút viết ngay một mạch :
        Xuân về mừng cố 80 Xuân
        Hưởng lộc trời cho đủ mọi phần
        Hai cố hãy còn bền  sức lực
        Cháu con rạng rỡ, đẹp tinh thần
        Công dân muôn vẻ tròn như một
        Nghĩa Đảng trăm bề vẹn cả trăm
    Tôi rất thích câu kết của ông :
        Vững bước trường sinh, cần hai cố
        Đài gương bóng toả, thọ thêm tuần.

    Cố Phước ( quê tôi gọi người già cả bằng cố, tương đương như “cụ” ở miền Bắc) một hậu duệ đời thứ 7 của Đình nguyên Thám hoa Phan Kính. Tuổi cố cùng lớp tuổi cha tôi, tóc bạc phơ như cước. Cũng như cha tôi, cố là một trong số ít người hiếm hoi ở quê tôi còn thông hiểu chữ Hán. Cố mừng cha tôi bằng một bài thơ theo lối cổ thi, dùng nhiều ngôn ngữ, điển tích xưa như “tam dương khai thái” , “áng xuân đài” , “đài thọ vực”. . . mà bây giờ không ai dùng nữa, lớp hậu sinh như chúng tôi cảm thấy rất lạ lẫm :
 
        
        Vừa gặp hội tam dương khai thái
        Ánh thiều quang phơi phới khắp sơn hà
        Muôn cỏ cây đều nở lộc khai hoa
        Dân trăm họ ơn nước nhà giàu mạnh
        Mừng hai cố bát tuần thọ khánh
        Hội thăng bình dốc chen thừa hoan
        Trước thềm lai lấp lánh vẻ y ban
        Trên bầu lý quế non yên hiến thọ
        Sách có chữ “hữu phụ từ tất hữu hiếu tử”
        Có dâu hiền lại có rể thảo song song
        Lúc đương niên gánh vác việc non sông
        Trung với Đảng, hiếu với dân tròn hai chữ
        Về hưu trí nghỉ ngơi nhàn hạ
         Áng xuân đài thượng thọ bước lên
         Cuộc khánh diên đốt pháo kéo đèn
         Trời ban tuổi, nước ban thêm hưu bổng
         Đài thọ vực dần dà thủng thẳng
         Tám chin mười vô hạn biết bao la
         Gồm hai phúc lộc một nhà .
     Ông anh vợ tôi , anh Đôn Văn Biên ,từ Vĩnh Phúc xa xôi cũng gửi thơ vào mừng thọ theo đường bưu điện, làm cha tôi rất cảm động . Thơ anh có những câu :
          Đón Xuân mừng thọ ấm tuổi già
          Nghe lòng rộn rã tiếng chim ca
          Riêng chung vành vạnh tròn mơ ước
          Một gốc bao cành đỏ thắm hoa
.
          Vĩnh Phúc đường vào Hà -Tĩnh xa
           Tứ thơ xin kết một nhành hoa
           Chúc mừng hai cụ dư trăm tuổi
           Ngũ phúc lâm môn rạng vẻ nhà .
    Và còn nhiều nữa, không thể kể hết. Riêng thơ của con cháu nội ngoại mừng thọ ông bà cha mẹ, tôi không dám ghi ra đây , sợ mang tiếng “ cha hát con khen”
     Mấy ngày Tết, nhà tôi treo đầy thơ và câu đối. Câu đối viết trên vải đỏ và giấy đỏ. Thơ viết trên giấy trắng, giấy hồng. Ai đến mừng thọ cũng đọc rồi bình thơ, hoặc góp ý sửa chữa một vài từ chưa chuẩn, hoặc lấy giấy bút làm thơ, làm câu đối. Ba ngày Tết, nhà tôi như một câu lạc bộ, không khi nào vắng khách. Tưởng chừng như được sống lại không khí văn chương thời Tú Xương, Nguyễn Khuyến. Chúng tôi đều mệt nhưng rất vui. Niềm vui pha lẫn chút tự hào. Bởi không mấy ai mừng thọ cha mà được nhiều người tặng thơ đến thế. Quý lắm. Quý ở tình làng nghĩa xóm đối với cha tôi, đối với đại gia đình chúng tôi. Tình cảm đó không thể lấy tiền bạc mà mua được.
     Tối mồng ba Tết, khi đã vãn khách, tôi thức khuya đến 12 giờ đêm, ngồi chép lại toàn bộ thơ và câu đối vào một cuốn sổ, cất đi để làm kỷ niệm. Sáng hôm sau, mồng 4 Tết, bố con tôi đã phải dậy sớm , ra đường 1 để bắt xe về Hà Nội. Sáng mồng 5, tôi đã phải đến cơ quan, còn con trai đã phải đến trường. . . .
                                                                                                Phan Duy Kha
  (Trích trong cuốn Trải nghiệm đời người , Nxb Lao động, Hà Nội , 2009)
Ảnh trên : Hai ông cháu: Cha tôi và con trai tôi, ảnh chụp tại công viên Thống Nhất, mùa hè 1985.
Ảnh trong bài: Từ phải sang: Hàng ngồi: Cháu Quân, Cha, cháu Thống, Mẹ. Hàng đứng : Anh Kỳ, chị Tỉu, chị Thủy bế Trường Giang (chắt  ngoại) và cháu Hà (Ảnh chụp năm 1990)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét