Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

TIẾP CÁC NHÀ BÁO ĐẾN PHỎNG VẤN VIẾT BÀI VỀ PHAN DUY KHA



Tiếp các nhà báo đến phỏng vấn viết bài về PHAN DUY KHA
     

 Tôi viết báo kể cũng đã lâu, sách thì cũng đã in được dăm cuốn. So với các bậc “trưởng lão” thì chưa là gì nhưng so với bản thân thì đó cũng là một cố gắng lớn. Có một điều là, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nhờ người này, người nọ lăng xê tên tuổi của mình. Tôi hiểu, chất lượng bài viết mới là vấn đề mấu chốt. Người ta bốc anh lên tận mây xanh mà tác phẩm của anh chẳng ra gì thì chỉ gây phản tác dụng. Ngược lại, nếu bài viết tốt thì chẳng cần lăng xê gì người ta cũng tìm đọc. Hữu xạ tự nhiên hương mà. Nghĩ thế nên lòng tự nhủ lòng , hãy lặng lẽ đọc, lặng lẽ viết, chỉ mong sao ông Trời cho sức khoẻ và sự minh mẫn để mà viết là hạnh phúc rồi.

    Bỗng nhiên có một lần, trong hòm thư điện tử của con trai tôi có một tin nhắn lạ, làm cả nhà bất ngờ và ngạc nhiên: “Tôi là Nhật Minh ở báo Khoa học & Đời sống. Xin anh vui lòng cho xin số điện thoại của chú Phan Duy Kha, tôi muốn viết một bài Trò chuyện với chú. Xin chân thành cảm ơn.” (Tin nhắn xuất hiện vào ngày 10- 8- 2009) . Con trai tôi đọc tin nhắn rồi hỏi ý kiến bố. Tất nhiên là tôi đồng ý, nhưng vẫn cứ thắc mắc trong lòng. Không hiểu Nhật Minh là ai, và làm sao lại biết hòm thư điện tử của con trai tôi. Trước đây, vào khoảng các năm 2002- 2005, tôi có cộng tác với báo Khoa học & Đời sống ở trang Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhưng từ khi tờ báo bỏ trang chuyên mục này thì tôi không cộng tác nữa. Từ đó đến nay cũng đã 5 năm rồi. Hồi đó người trực tiếp nhận và biên tập bài vở của tôi là Phóng viên Tú Anh, và người phụ trách bộ phận này là nhà báo Nguyễn Như Mai. Bây giờ, Tú Anh đã chuyển sang báo Phụ nữ Thủ đô, còn nhà báo Như Mai thì đã nghỉ hưu rồi. Còn Nhật Minh thì chưa từng tiếp xúc. Con trai tôi đã cho số điện thoại qua hòm thư điện tử (mail) . Hôm sau, Nhật Minh gọi điện thoại cho tôi. Tôi thắc mắc hỏi, sao cháu lại có Mail của con trai chú để hỏi số điện thoại. Nhật Minh trả lời : Trước đây chú đã từng gửi bài từ hòm thư này mà. Thì ra thế. Lâu quá rồi tôi quên mất .Vào khoảng 2004- 2005, tôi chưa lập hòm thư riêng. Vì vậy, các bài viết của tôi đều gửi qua hòm thư của con trai. Bây giờ, Nhật Minh muốn lien lạc nên đã lục tìm lại hòm thư cũ. Tôi hẹn Nhật Minh chiều 13- 8 thì đến làm việc.
     15 giờ ngày 13- 8 ,Nhật Minh đến. Sau khi phỏng vấn lấy tài liệu xong, tôi bảo: Nội dung mà các bài viết, các cuốn sách của chú đề cập đến thì nhiều. Một buổi làm việc thì không thể kể hết được. Tốt nhất là chú sẽ tặng cháu một số cuốn sách của chú để cháu đem về đọc thêm. Những vấn đề tâm huyết của chú đều gửi gắm trong ấy cả. Bèn đem tặng Nhật Minh cuốn Lịch sử và sự ngộ nhân in năm 2008 và cuốn Nhìn về thời đại Hùng Vương vừa kịp lấy về lúc sáng.
    Nhật Minh là một nhà báo làm việc rất bài bản, chuyên nghiệp. Một tuần sau, bản thảo viết xong, Nhật Minh đem đến cho tôi đọc để bổ sung ý kiến và sửa chữa. Cùng đi với Minh là Thu Hằng, phóng viên ảnh. Trong khi Nhật Minh làm việc với tôi thì Thu Hằng tìm các góc độ để chụp ảnh. Vì vậy mà ảnh chụp rất tự nhiên. Hầu như các bức ảnh tôi dùng sau này đều lấy từ những bức hình này. Nhân có cuốn Trải nghiệm đời người vừa mới in (cuốn này in sau cuốn Nhìn về thời đại Hùng Vương đúng một tuần) tôi liền tặng Minh và Hằng mỗi người một cuốn. Mấy ngày sau, Nhật Minh gửi bài viết đã sửa chữa cho tôi qua hòm thư điện tử để tôi xem lại một lần nữa. Xem xong, tôi sửa chữa đôi chút rồi gửi giả lại cho Minh. Ngày 15- 9- 2009, bài viết được đăng trên báo Khoa học & Đời sống ở trang 14, trong mục Trò chuyện với nhan đề Tôi mê lịch sử. Ngày 16- 9 bài này được lên mạng Bee. net .vn( Khoa học & Đời sống Online) với nhan đề Hiểu sử xưa mới ngẫm được những việc thời nay .
    Bẵng đi một năm sau, vào ngày 5- 10- 2010, tự nhiên tôi lại nhận được điện thoại của một người không quen biết : “ Cho cháu hỏi, đây có phải là nhà chú Kha không ạ , cho cháu gặp chú Kha” . Hỏi cụ thể thì được trả lời: “ Cháu là Hoàng Trung Hiếu, phóng viên báo Việt Nam News, cháu muốn viết một bài về chú, vậy có thể gặp chú được không ạ ?”. Tôi hẹn Hiếu vào chiều ngày hôm sau, ngày 6- 10.
    Sáng ngày 6- 10, may mắn làm sao, cuốn sách Từ điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng Hành dinh thời đại Hồ Chí Minh do Trung tâm văn hoá Tràng An ấn hành đã in xong. Giám đốc Bùi Phúc Hải gọi điện mời đến lấy sách.
    15 giờ, phóng viên Trung Hiếu đến. Hỏi Hiếu sao biết số điện thoại của chú ? Hiếu cho biết hỏi qua Toà soạn báo Khoa học & Đời sống . Ở đấy, người ta giới thiệu gặp Nhật Minh (qua điện thoại) . Hỏi có quen biết Nhật Minh không, Hiếu trả lời là không. Cũng như Nhật Minh, Hiếu đặt một số câu hỏi rồi ghi chép các câu trả lời vào sổ . Sau khi làm việc xong, cũng như Nhật Minh, tôi đem tặng Hiếu một số sách để Hiếu tham khảo thêm. Đó là các cuốn: Lịch sử và sự ngộ nhân, Nhìn về thời đại Hùng Vương, Trải nghiệm đời người và cuốn sách mới lấy về là : Từ điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng Hành dinh thời đại Hồ Chí Minh. Hiếu nói : Hay quá. Cháu đi tìm cuốn Lịch sử và sự ngộ nhận mãi mà không thấy. Sao chú không cho tái bản đi? Tôi trả lời: Cái đó thuộc quyền của Trung tâm văn hoá Tràng An và Nxb Từ điển Bách khoa chứ chú có muốn cũng chẳng được.
    Làm việc xong, Hiếu rút máy ảnh Kỹ thuật số ra chụp một số kiểu ảnh . Chụp xong, Hiếu hiển thị cho xem, có nhiều ảnh được. Không hiểu sao sau này khi chọn in lên báo, Hiếu lại chọn ngay bức ảnh mà tôi không thích một tý nào cả. Đó là bức ảnh chụp rất gần nên mặt tròn, trông quá béo, không thật. Nhưng việc đã rồi, biết sửa sao được.
    Bài báo của Trung Hiếu được đăng trên báo Việt Nam News  số Chủ nhật ngày 24- 10- 2010, ở trang 5. Việt Nam News  là tờ báo của Thông tấn xã Việt Nam bằng tiếng Anh phát hành ra nước ngoài. Đem nhờ cháu Hà hàng xóm dịch ra , đầu đề là: Người vẽ bản đồ giúp kết nối các mảng lịch sử.  Điều buồn cười là, hôm sau vào mạng (vietnamnews.vnanet.vn) , thấy bài viết này đã lên mạng, nhưng khi bấm vào chỗ dịch ra tiếng Việt, thấy cái tít đọc rất ngô nghê: Bản đồ giúp nhà chế tạo phần cùng lịch sử (!) Thật là kỳ quặc, chẳng có ý nghĩa gì. Máy dịch tự động mà.
    Xin cảm ơn Nhật Minh, cảm ơn Thu Hằng, cảm ơn Trung Hiếu, những nhà báo trẻ, đã tâm huyết với lịch sử dân tộc, tâm huyết với những tác phẩm của tôi. Các bạn đã tặng tôi những món quà quý giá và sự động viên lớn lao.

 
                                                                                                     Phan Duy Kha


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét