Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

ĐỌC "TUỔI THƠ HÀ NỘI NGÀY XƯA" TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN LÊ BẦU

ĐỌC “TUỔI THƠ HÀ NỘI NGÀY XƯA” TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN LÊ BẦU.
Phan Duy Kha

 e7f72ac99415d47cccc564d7330702fb

1. Tôi quen biết nhà  văn Lê Bầu từ dạo ông còn ở số nhà 105 phố Phùng Hưng. Đó là một căn phòng rộng chừng 12 mét vuông, được ngăn đôi bằng cót ép. Ông một nửa, nhà thơ Huyền Tâm tác giả “Lúa tháng năm kén tằm vàng óng” một nửa. Nhà không có  buồng tắm cũng chẳng có khu vệ sinh. Ngoài chiếc giường đơn kê sát vách và cái bàn làm việc chất đầy sách báo kê cạnh cửa sổ thì không gian trong nhà chỉ còn đủ để giải một chiếc chiếu đôi. Bạn bè khách khứa đến chơi, ông đều tiếp trên chiếc chiếu đôi này. Nghe nói có lần cơ quan nọ tặng ông một chiếc quạt cây, nhưng nhà chật, để trong nhà thì quạt thốc hết gió ra ngoài, ông phải để ngoài hè phố Phùng Hưng cho thổi thốc vào.Thấy bất tiện quá, một thời gian sau lại phải gửi về quê.
Ít lâu sau, khu nhà 105 Phùng Hưng được nhà nước lấy lại để làm bảo tàng hay di tích cách mạng gì đấy (Nhà 105 nguyên trước đây là Trụ sở báo Tin tức, cơ quan ngôn luận của Đảng thời kỳ trước cách mạng), ông được phân một căn hộ ở tầng 2, khu tập thể phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Căn hộ rộng đến 50 mét vuông, đối với một hộ độc thân như ông thì quả là rộng. Từ khi ông về khu tập thể phố Thanh Nhàn, tôi hay đến thăm ông hơn. Ông vẫn cứ  lọ mọ một mình, nấu một bữa, ăn cả ngày. Tự đi chợ mua lấy rau, dưa, gạo thịt …cho mình. Có một lần tôi hỏi:
– Trước ở Phùng Hưng chật chội đành  phải chịu, sao bây giờ  nhà rộng thế này mà anh không đón một hai cháu đến đây ở với cho vui, nó phục vụ cơm nước cho?
Ông trả lời:
– Nó phục vụ mình, hay rồi mình lại phải phục vụ lại nó. Rách việc lắm. Tôi quen sống một mình từ xưa rồi, tự mình phục vụ lấy mình thôi.
Biết rằng, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng ai giống ai, tôi không hỏi gì thêm.

P1080303

Nhà văn Lê Bầu là người của công việc. Lần nào đến chơi, tôi cũng thấy ông ngồi bên chiếc máy chữ cổ lỗ. Sau này, khi về KTT Thanh Nhàn ông được bạn bè tặng cho một chiếc máy vi tính, ông bắt đầu làm quen với vi tính, nhưng máy cũng trục trặc hỏng hóc luôn. Dù rất bận công việc, nhưng mỗi khi có bạn bè đến chơi, ông đều xếp công việc lại, “làm chén nước đã” . Bao nhiêu lần đến chơi, tôi đều thấy ông tỷ mẩn súc rửa ấm chén rồi pha lượt trà mới, chứ chưa bao giờ thấy ông đổ thêm nước vào ấm chè uống dở bao giờ. Ông có thói quen uống trà  đặc,  pha trong chiếc ấm da lươn bé tí, còn chén thì bằng cỡ “hạt mít” . Cứ thế, anh em ngồi đối ẩm hàng tiếng đồng hồ. Ông thường bảo, cứ thong thả, công việc thì hàng ngày, lúc nào mà chẳng được. Ông có giọng nói sôi nổi, trẻ trung như của tuổi thanh niên, với cái cười rất sảng khoái . Có một lần, tôi đang ngồi đối ẩm với ông thì có chuông điện thoại. Ông xin lỗi, rồi bắt máy, trả lời. Chỉ thấy ông thoải mái “Không sao, không sao!”, chả hiểu chuyện gì. Nói chuyện xong, ông mới nói lại với tôi. Chả là, có một tờ báo trong Nam đăng một bài viết của ông. Họ muốn đăng ảnh ông kèm với vài dòng “Lý lịch trích ngang”, mới hỏi ông về năm sinh. Ông nói ông sinh năm 1930, nghe xong cô biên tập viên, là một nhà báo trẻ mới ồ lên sửng sốt: Thế thì bác ngang tuổi ông nội cháu, thế mà cháu không biết lại gọi bằng anh. Cháu xin lỗi bác nhé. Cái câu “Không sao, không sao” là ông trả lời cho lời xin lỗi này. Ngồi nói chuyện với nhà văn Lê Bầu, ai cũng lây cái thoải mái, vui vẻ, cởi mở, sảng khoái của ông. Cứ tưởng chừng như mọi khó khăn, rắc rối, phức tạp trong cuộc sống đời thường không mảy may ảnh hưởng đến ông.
Một lần, chúng tôi được Tòa soạn Tạp chí TGTT bố trí cho đi du lịch Sa Pa, Lào Cai rồi sang  Hà Khẩu (Trung Quốc). Chúng tôi đi chơi là chính. Riêng tôi mua được một chiếc đài Tàu, to bằng cái bật lửa ga, dùng pin, giá đâu 10 tệ (Khoảng 20 ngàn tiền Việt), về cắm vào tai nghe được mấy ngày thì vất. Các anh giỏi tiếng Trung như Lê Bầu, Dương Danh Di, Nguyễn Hải Hoành, Thái Hư thì đi lùng mua sách. Lê Bầu cõng về một ba lô đầy sách, mua hết đâu 600 tệ (khoảng một triệu hai trăm ngàn đồng tiền Việt, một khoản tiền lớn lúc ấy). Ông bảo đây là lương khô, dùng để “bán ăn dần”. Tất nhiên,  không phải là về đem sách ra chợ  trời bán, mà là đem về đọc, tìm nhặt trong đó những truyện ngắn hay, những bài viết lý thú  thì dịch gửi cho các báo, tạp chí mà ông cộng tác. Văn hóa văn nghệ thì không bao giờ cũ. Với số sách đó, ông có thể để dành, dịch trong hàng chục năm. “Bán ăn dần” là như thế (trong bài Thay lời giới thiệu của nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết cho cuốn Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa, Bùi Ngọc Tấn có nhắc đến một chuyến đi Trung Quốc của Lê Bầu, thì chính là chuyến đi này)
.P1040329

Cuộc đời Lê Bầu có nhiều long đong, trắc trở. Bạn bè  của ông “cùng một kiếp bên trời lận đận”, những Lê Mạc Lân, Hứa Văn Định, Nguyên Bình, Vũ Bão, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Châu Diên… một lớp nhà văn, nhà báo tài hoa, nhưng chẳng ai được suôn sẻ. Thậm chí có người như Bùi Ngọc Tấn còn bị ngồi tù đến năm năm trời, tù không án, bản thân người trong cuộc cũng  chẳng biết vì tội tình gì mà bị tù giam cả. Có người phải bán máu để duy trì cuốc sống như Mạc Lân, Dương Tường  (bán máu theo đúng nghĩa đen của từ này). Lê Bầu thì có lần bị người ta bí mật khám xét chỗ ở (lúc ông tá túc ở đền Ngọc Sơn), vì tình nghi ông dính líu chính trị chính em gì đấy. Ở một đất nước mà nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ở đâu cũng có thế lực thù địch thì những nhà văn, nhà báo không chịu nịnh hót, quỵ lụy cấp trên, những người dám nói thẳng, nói thật như các ông, thường bị  vu khống, chụp mũ này nọ là điều không tránh khỏi. Trong những chuyến đi tập thể, những lúc rảnh rỗi, trà dư (chứ không có “tửu hậu”) Lê Bầu thường kể chuyện mình, chuyện bạn, những câu chuyện về nhân tình thế thái, lắm khi cười ra nước mắt. Chúng tôi thường khuyên ông: Cuộc đời anh có nhiều câu chuyện lý thú lắm, ý nghĩa lắm, anh phải viết Hồi ký đi. Ông bảo, mình cũng có ý định đó. Đang chuẩn bị. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi. Hồi ký của Lê Bầu, đọc sẽ thú vị lắm đây.
Chờ mãi mà không thấy Hồi ký Lê Bầu trình làng. Không phải ông lười viết mà vì ông quá bận. Bận dịch sách, viết báo trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Ông nặng gánh lắm. Bạn bè  thân thiết ví ông như một cái đầu tàu, ì ạch kéo đến 11 toa tàu. Tôi là thế hệ sau, nên không dám hỏi ông những điều có tính chất tò mò đời tư  ấy. Nhưng chỉ biết rằng, ông làm việc, viết lách là để đảm bảo cuộc sống, cho sự tồn tại của  11  con người, gồm vợ con ông và các cháu nội ngoại, hiện đang sinh sống ở vùng quê ven thị xã Bắc Giang. Ông làm cật lực, làm không kể giờ giấc, vì 11 con người ấy. Viết hồi ký đối với ông như là chơi bời, khi nào rảnh mới làm. Thế rồi ông bất ngờ bị bạo bệnh (bệnh ung thư máu) không kịp hoàn thành hồi ký. Cuốn Hồi ký cuộc đời của ông, mới chỉ viết được phần đầu. Đó là phần viết về tuổi thơ ấu của ông, có nhan đề là “Dân dưới bãi” mà năm năm sau khi  Lê Bầu mất,  Nhà xuất bản Kim Đồng in ấn mới đặt tên là “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa”.(1)


*


chỉ mục

2. “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa” đưa ta về những năm 30 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ bãi Phúc Xá hãy còn là một mảnh đất hoang vu không người sinh sống. Bọn “đế quốc phong kiến độc ác” đã đem đất ấy “phân lô” rồi biếu không cho những bố cu, mẹ đĩ, những người dân phiêu bạt tứ tán từ các miền quê đói khát về Hà Nội lang thang, tá túc trên các vỉa hè, ngõ hẻm , mỗi người được một suất đất như thế mà không hề phải nộp một đồng một cắc nào. Nếu viết lịch sử về phường Phúc Xá thì họ chính lớp cư dân đầu tiên đến sinh sống ở đây. Gia đình Lê Bầu cũng được một lô đất như thế. Lô đất đủ rộng để gia đình ông dựng ba gian nhà, một gian để ở, còn lại hai gian cho hai gia đình thuê.
Vì là nơi gom góp tập hợp những người tứ tán, vô gia cư nên ở đây ai nấy đều nghèo, phải làm đủ các nghề nặng nhọc để kiếm sống. Người lớn bận làm việc cả ngày, trẻ con không có ai quản lý, chơi bời lêu lổng. Ngoan có, hư có. Cuộc sống các em lớn lên như cây hoang phát triển tự nhiên,không người uốn nắn. Đã là trẻ con thì phải có các trò chơi. Đó là các trò chơi dân dã mang từ các miền quê lên như đánh đáo, trốn tìm, đánh khăng, chơi bi… Trò chơi lành mạnh có, trò chơi xấu cũng có. Trò chơi lành mạnh như trò “nhảy cừu”, thực chất là “chơi mà học, học mà chơi”, một cách sinh động để ôn tập, để ghi nhớ các từ tiếng Pháp, có lẽ là trò chơi mới được du nhập từ ngoài vào. Trò chơi xấu như trò “dán đuôi” vào sau lưng người đi đường. Thực ra  thì cũng là chơi cho vui thôi, chứ cũng chẳng hại ai.
Bên cạnh những trang kể về cuộc sống, trò  chơi của thiếu nhi hết sức sinh động, Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa còn kể về cuộc sống thiếu thốn khổ cực của những người lao động nghèo khổ dưới đáy xã hội. Đó là những người buôn thúng bán bưng, nhưng anh cu ly bat tê (khuân vác) ở các bến xe, những những người bán hàng rong. Có những người thật thà, làm ăn chân chất như vợ chồng Bính Kem  nhưng cũng không thiếu những kẻ lưu manh, đầu gấu như Tí Bủng. Có những kẻ chuyên sống bằng lừa đảo như chị em Bính Lớn, Bính Con. Chúng ta lấy làm thú vị rằng, những trò lừa đảo như một người đi trước giả vờ đánh rơi ví rồi người đi sau nhặt được ngay trước mặt “con mồi”  để bày trò chia chác. Hay trò “sản xuất”  mật gấu giả bằng mật lợn trộn với xà phòng… rất thịnh hành trong thời gian gần đây thì ra đã có từ hàng thế kỷ trước, đã “xưa như trái đất”. Bên cạnh những cuộc đời lừa lọc, xấu xa đó lại nổi lên những tấm lòng chân chất, những con người lương thiện. Như bà Cau bán nước . Bà luôn luôn dặn cậu bé Bầu: “Đứng xa chúng nó ra. Hỏng việc của chúng nó, chúng nó đánh chết” Chúng nó ở đây là chị em Bính Lớn, Bính Con chuyên sống lừa lọc. Qua lời dặn của bà Cau, ta còn thấy được nỗi lo lắng của bà, không chỉ sợ “hỏng việc của chúng nó, chúng nó đánh chết” mà bà còn lo một mối lo sâu xa hơn: Lo cậu bé Bầu đi theo sẽ có nguy cơ tiêm nhiễm phải lối sống gian manh lừa lọc của bọn xấu.Hay như ông Cấn, hàng ngày cục cằn gắt gỏng nhưng lại rất quan tâm đến cậu bé Bầu. Hôm cậu bé đi thi, ông còn đón đường cho cậu tiền ăn quà và còn động viên :Cố gắng thi cho đỗ. Mà  một cậu bé hàng xóm thì đỗ hay không thì có liên quan gì tới ông
.P1080318

 Còn cô Bính Kem thì rất sòng phẳng, mỗi ngày trả cậu bé Bầu môt chinh để được uống một bát nước tiểu để … chữa bệnh.
Lê Bầu lớn lên trong một xã hội như thế. Ông bố Lê Bầu là một người lao động nghèo khổ, dưới đáy xã hội . Ban đầu ông làm cu li bát tê, tức là mang vác, sắp xếp hành lý cho các hành khách đi xe ô tô ở bến tàu, bến xe. Nhưng ông là người có chí phấn đấu vươn lên, không cam chịu số phận. Từ cu li bát tê, ông chuyển sang chung vốn buôn bè. Thất bại. Ông lại chung vốn mở một cửa hàng xay bột làm bánh. Chí hướng của ông là làm sao cho vợ con được mát mày, mát mặt. Đối với con cái, ông cũng là người nghiêm khắc. Ông luôn dạy con:” Nhà mình nghèo thì nghèo thật , nhưng cấm không được xin xỏ bất cứ ai tiền nong quà cáp, cấm không được thấy người ta ăn mà đứng chầu mồm. Cho cũng không được lấy.” Đó chính là triết lý sống của người xưa, “Đói cho sạch rách cho thơm” mà ông truyền cho con trai một cách rất cụ thể, của một người không được học hành. Tuy không có thời gian kèm cặp con, nhưng ông đã cho con trai theo học đến nơi đến chốn với quan niệm lúc bấy giờ là “không có chữ thì khổ lắm.” Cho đến  những năm 40 của thế kỷ trước,  ông đã có một cửa hàng làm bánh ở Bắc Giang, lại mở thêm một cửa hàng (tạm gọi là chi nhánh) ở Lạng Sơn nữa. Như vậy cũng tạm gọi là có bát ăn, bát để. Rồi gia đình ông dọn lên Bắc Giang, cậu bé Lê Bầu xa bãi Phúc Xá từ đấy.
Có một điều thú vị đối với tôi là 30 năm sau, vào những năm 70 của thế kỷ trước, tôi lại được sống ở bãi Phúc Xá trong khoảng thời gian  7,8 năm trời. Lúc bấy giờ bãi Phúc Xá đã đông vui, tấp nập lắm rồi. Có nhiều  cơ quan, trường học, khu tập thể ở đấy. Tôi nhớ, nhà văn Nguyễn Khải cũng ở khu tập thể ngoài bãi Phúc Xá, gọi là khu tập thể K95 của quân đội. Tôi cũng đã được chứng kiến cảnh lụt lội hàng năm ở Phúc Xá. Đặc biệt trận lụt thế kỷ vào năm 1971 nhà ngập đến mái, phải khoét lỗ trên mái để chui ra, chui vào. Những năm ấy, hồ Phúc Xá vẫn còn. Đường từ bãi Phúc Xá vào phố hay từ phố ra bãi, vẫn chỉ có hai con đường, một ở đầu bãi là đường Tân Ấp, một ở cuối bãi là từ dốc Bến Nứa đi xuống, không có tên (nay là ngõ 187 đường Hồng Hà).  Giữa hai con đường ấy chính là hồ Phúc Xá. Dân từ bãi lên phố hay từ phố xuống bãi có thể đi theo hai con đường trên, cũng có thể đi đò qua hồ. Có một bà già chở đò, gọi là bà Giao. Bà có một ngôi nhà bè, đúng như nhà văn Lê Bầu đã kể , có lẽ đó là di tích cuối cùng của những ngôi nhà bè có từ thời Lê Bầu. Ngôi nhà bè này đóng ở chính giữa hồ, chúng tôi quen gọi là “Hạm đội bà Giao”. Thuyền của bà buộc vào bè, từ bên bãi hay từ bờ đê, có ai gọi đò là bà lại từ “hạm đội” xuất phát đi chở. Ở Phúc Xá nhiều nhà có thuyền nhỏ,  ngày thường nép sát vào vách nhà, đến ngày ngập lụt mới lấy ra, để chủ động đi lại, và cả chở khách kiếm tiền. Từ ngày khánh thành công trình thủy điện Hòa Bình thì bãi Phúc Xá hầu như không còn cảnh lụt lội hàng năm nữa.
Vật đổi sao dời, hồ Phúc xá nay không còn. Hồ đã bị lấp vào đầu những năm 2000, do một dự án giãn dân của Thành phố Hà Nội. Các con ngõ 41, 75, 91, 105, 115, 131, 151, 163, 175 nối từ đường Hồng Hà ra bãi Phúc Xá, chính là đi qua lòng hồ ngày xưa. Đường 20 ngày xưa, nay là đường An Xá. Các con đường 5, đường 10 ngày xưa, nay là các con ngõ nhỏ, ngang dọc kẻ ô vuông giữa đường An Xá và đường Phúc Xá. Nhà văn Lê Bầu ra đi đã được 5 năm, nhưng những trang văn ông để lại vẫn cuốn hút chúng ta, với những chi tiết lạ lùng, hấp dẫn. Gấp tập sách lại, tôi vẫn như thấy ông đâu đó, với bộ quần áo màu gụ, chan hòa, xuề xòa, giản dị giữa bạn bè , và như đang kể chuyện với chúng ta, bắt đầu với câu khẩu ngữ quen thuộc :
– Rằng thì là…
.
Hà Nội những ngày chớm đông 2014
PDK

(1) : Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa (Lê Bầu, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2014)
*
Ảnh trong bài:
1 . Nhà văn Lê Bầu (bên phải) chụp ảnh cùng tác giả tại nhà riêng, khu tập thể Thanh Nhàn, tháng 3.2007
2 . Chụp tại cửa Hà Khẩu, Lào Cai. Tháng 6.2004. Từ phải sang: Phan Duy Kha (thứ 2), Lê Bầu (3), Dương Danh Di (6), Nguyễn Hải Hoành (10) và Thái Hư (người ngồi), mỗi người một ba lô nặng sách Tàu.
3.  Bút tích của Cố nhà văn Lê Bầu.











































1 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh Phan Duy Kha. Mới đây em mới biết có hồi ký này. nghe anh giới thiệu thấy rất đáng đọc. Em đang tìm mua.

    Trả lờiXóa