Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

KỶ NIỆM VỚI TRUNG TÂM VĂN HÓA TRÀNG AN



Tôi tham gia viết báo cách đây gần 20 năm. Những đề tài mà tôi tâm đắc là nghiên cứu lịch sử và văn hoá. Bài viết của tôi thường xuất hiện trên các tờ báo và tạp chí : Thế giới mới, Thế giới trong ta, Khoa học và Đời sống, Xưa và Nay, An ninh thế giới,. . . Lúc ấy tôi chỉ biết viết và viết,  mà không có một khái niệm nào về việc in sách cả. Cứ nghĩ: Mình cứ viết cho nhiều đã, rồi sau hãy hay. Tôi phôtô các bài viết lại thành từng tập để dành làm. . . kỷ niệm.

Thế rồi vào khoảng năm 2001  anh bạn Lã Duy Lan (lúc đó chưa hề quen biết) cũng quan tâm đến đề tài lịch sử và cũng hay viết về sử như tôi. Anh gọi điện cho tôi, nói: “Tôi rất tâm đắc với các bài viết về lịch sử của anh. Tôi muốn tập hợp các bài viết lại để in một cuốn sách thật dày dặn. Nếu anh đồng ý tham gia thì sưu tập các bài viết, gửi đến cho tôi”. Sẵn có các bài được sắp xếp theo đề tài, tôi bèn phôtô 30 bài viết về lịch sử, gửi đến cho anh theo địa chỉ anh dặn. Thế rồi chúng tôi tập hợp bài của ba tác giả lại , mỗi người trên dưới ba mươi bài, in chung thành một cuốn sách dày đến 1.200 trang in có tên “Nhìn lại lịch sử” (Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ – Nxb Văn hoá Thông tin, 2003) (1)  do Trung tâm Văn hóa Tràng An tổ chức in và phát hành.
     Cuốn sách được in tốt, bìa cứng, trình bày trang trọng, nhìn rất thích mắt. Đó là cuốn sách đầu tiên mà cũng là cuốn sách đẹp nhất mà tôi có. Tuy nhiên tôi vẫn chưa nghĩ đến việc in riêng một cuốn sách cho bản thân  mình, mặc dầu rất nhiều bài viết của tôi đã được một số người sưu tầm in vào sách của họ. Mấy năm sau, vào mùa hè 2006, ông bạn tôi, TS. Sử học Đinh Công Vỹ rủ tôi : “Chúng mình đến thăm ông Hải đi”. Tôi hỏi: “ Hải nào?” – “ Hải in sách cho anh em mình ấy”. Thế là chúng tôi đến thăm Trung tâm Văn hoá Tràng An do luật gia Bùi Phúc Hải làm Giám đốc. Anh Hải biết tên tôi từ trước, do làm sách“Nhìn lại lịch sử”, nhưng bây giờ mới gặp tôi . Ngược lại, đến bây giờ tôi mới được biết mặt, biết tên người đã đứng ra tổ chức và bỏ tiền in sách cho mình. Kết quả của việc “đi chơi”  hôm ấy là tôi về tập hợp lại các bài viết chưa được in, được trên 50 bài thành một tập bản thảo để gửi anh xuất bản. Đó là tập bản thảo cuốn “Lịch sử và sự ngộ nhận” ( Nxb Tđiển Bách khoa, 2008)). Cuốn sách này hiện có trong các thư viện lớn ở trong nước và một số thư viện nước ngoài như: Thư viện Quốc gia Úc, Thư viện Quốc hội Mỹ và Thư viện mở (Open Library).
    Năm 2010, Trung tâm văn hóa Tràng An lại in cho tôi cuốn “Từ điện Kính Thiên triều Lê  đến Tổng Hành dinh thời đại Hồ Chí Minh”. Cuốn sách ra đời đã được bạn đọc gần xa hoan nghênh đón nhận. Tôi có vào mạng và thấy sách xuất hiện ở hầu hết các thư viện lớn trong nước.
    Qua quá trình cộng tác với Giám đốc Trung tâm Văn hóa Tràng An, tôi thấy anh là một người làm việc rất nghiêm cẩn, có trách nhiệm rất cao đối với tác giả và bạn đọc. Bản thảo của tôi được anh cho đánh máy lại, dàn trang vi tính, rồi in ra để anh sửa chữa, sau đó anh giao cho tôi soát xét lại. Có bài, có chỗ anh và tôi trao đổi sửa chữa đến hai lần . Thú thật, sau này tôi còn làm việc với một số nhà sách khác, nhưng tôi chưa thấy ai cẩn thận, chăm chút sửa từng chữ, từng câu cho bản thảo trước khi đưa in như anh đã làm. Bìa sách anh cũng “đặt hàng” ở những hoạ sỹ có tên tuổi . Sách in xong, tác giả cảm thấy thật là mãn nguyện. Vì sách in đẹp, trình bày trang trọng. Và điều quan trọng là sách rất ít lỗi. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, vì chạy theo lợi nhuận, nhiều nhà sách thường vội vàng, cẩu thả, bất cẩn, lỗi in ấn tràn lan, thì phong cách làm sách của Giám đốc Bùi Phúc Hải thật đáng trân trọng, nêu gương. Trong một lần tặng sách cho anh (Cuốn sách này tôi in ở một nhà sách khác) tôi đã trân trọng ghi “Thân mến tặng anh Bùi Phúc Hải – một người làm sách rất nghiêm cẩn, người đỡ đầu cho nhiều tác phẩm có giá trị trong nền học thuật nước nhà”. Đó là những lời ghi rất thực tâm từ đáy lòng mình. Tôi thường tự hỏi: “Anh làm việc cẩn trọng như thế, tỷ mỷ như thế, công phu như thế đối với từng cuốn sách thì làm sao mà lãi được? Tuy nhiên, nhìn cơ ngơi của Trung tâm Văn hóa Tràng An, mới thấy công việc làm ăn của đơn vị anh rất phát triển. Không thế thì làm sao anh đủ tiền trả lương cho hơn chục nhân viên, trả lãi suất cho các cổ đông, trả tiền nhuận bút, tiền mua đứt bản quyền cho hơn 100 đầu sách mỗi năm? Lại còn  đầu tư đến 1,5 tỷ đồng để xây nhà năm tầng làm nhà sách và kho chứa sách?
     Xin chúc mừng thành tựu của Trung tâm văn hoá Tràng An mà GĐ – luật gia Bùi Phúc Hải là người chèo lái.
*                                                                                  
Chú thích  (1) : Cuốn Nhìn lại lịch sử  đã được Từ điển mạng Vikipedia nhắc tới 10 lần khi đề cập đến các sự kiện và nhân vật lịch sử như:  Dương Vân Nga, Lê Đại Hành, Ngô Nhật Khánh, Vụ án Lệ Chi Viên, Lê Tư Tề, Lê Nghi Dân, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim . Tra trên mạng thấy cuốn sách này có trong Thư viện Quốc hội Mỹ, thư viện mở ( Open Library).
Ảnh trên: Gặp gỡ cuối năm tại Trung tâm Văn hóa Tràng An, ngày 25 Tết (28.01.2011) .Trong ảnh, từ trái sang: Phan Duy Kha, TS Đinh Công Vĩ và Giám đốc Trung tâm Văn hóa Tràng An -Luật gia Bùi Phúc Hải.














































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét