Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

NHỮNG CUỐN SÁCH CỦA TÔI

P1040243    

 Tôi chưa bao giờ có ý định viết sách. Cho đến nay, tất cả các cuốn sách của tôi đều do tập hợp các bài báo mà thành. Tôi tham gia viết báo từ đầu những năm 1990. Thuở đầu tiên ấy, tôi thường viết bài cộng tác với tạp chí Thế giới mới ở mục Nhìn lại lịch sử và tạp chí Thế giới trong ta ở mục Tâm lý xã hội. Mỗi tháng cũng viết được đôi ba bài, nếu tập hợp trong mấy năm lại thì cũng tương đối nhiều.
Một lần vào hiệu sách Tràng Tiền, thấy có cuốn sách mới in, giở ra xem thì thấy trong đó có mấy bài của mình được chọn in vào sách. Chợt nghĩ,người ta sưu tầm bài của mình để in thành sách, vậy tại sao mình không tập hợp lại để in sách của chính mình. Nghĩ thế nhưng không biết muốn in sách thì phải bắt đầu như thế nào, gặp gỡ, làm việc với ai.

Cho đến năm 2002, Tiến sĩ Lã Duy Lan qua đọc báo gặp rất nhiều bài viếtcủa tôi, thấy cũng có cách viết “Nhìn lại lịch sử” giống như phong cách viết của ông ấy. Thế là ông rủ tôi cùng Tiến sĩ Đinh Công Vĩ tập hợp các bài viết lại để in một cuốn sách chung. Đó là cuốn Nhìn lại lịch sử (Nxb Văn hoá – Thông tin, 2003) . Sách đóng bìa cứng trang trọng, dày đến gần 1.200 trang in khổ lớn 14,5 x20,5 . Thật ra, với độ dày như trên ,mỗi tác giả có thể in được một cuốn sách riêng, nhưng các ông ấy bảo rằng phải in chung thành một cuốn sách dày cho có bề thế mới gây ấn tượng. Đây là cuốn sách mở đầu cho “phong trào” làm sách dày, sách khủng sau này. Trong cuốn sách trên, mỗi người đóng góp khoảng 30 bài viết. Riêng phần tôi , đó chính là những bài mà tôi tâm đắc nhất trong hàng chục năm cộng tác với tạp chí Thế giới mới ở mục Nhìn lại lịch sử.
Cuốn sách thứ 2 của tôi có tên là Lịch sử và sự ngộ nhận (Nxb Từ điển Bách khoa, 2008) sách dày 390 trang mà trọng tâm là những bài phản biện của tôi trước những hiện tượng ngộ nhận và cả mạo nhận trong Lịch sử. Đây là tập hợp những bài viết của tôi đã in trên các báo, tạp chí: Thế giới mới, Thế giới trong ta, An ninh thế giới, Khoa học và đời sống, Xưa và Nay từ khoảng năm 2003 cho đến lúc ấy. Cuốn sách ra đời được bạn đọc gần xa đón nhận. Các thư viện lớn trong nước đều có. Truy cập vào mạng thấy sách còn xuất hiện trong Thư viện Quốc gia Australia, Thư viện Quốc hội Mỹ và Thư viện Mở ( Open Library ) . Đang đà thuận lợi, tôi gửi một lúc hai bản thảo đến Nxb Lao động. Cả hai bản thảo đều được dùng, đó là cuốn Nhìn về thời đại Hùng Vương dày 254 trang tập hợp toàn bộ các bài viết của tôi về thời đại Hùng Vương từ trước đến nay . Và cuốn thứ 2, Trải nghiệm đờì người dày 224 trang, tập hợp toàn bộ các bài viết của tôi về đề tài Tâm lý xã hội. Cả hai cuốn đều được Nxb Lao động in đồng thời và phát hành trước sau có một tuần
.P1040244
Năm 2010, Trung tâm văn hoá Tràng An lại in cho tôi cuốn Từ điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng Hành dinh thời đại Hồ Chí Minh (Nxb Dân trí) , dày 280 trang, tập hợp tất cả các bài viết đã in trên các báo, tạp chí về đề tài Thăng Long- Hà Nội. Cuốn sách này được Tiến sĩ Đinh Công Vĩ viết lời bạt.
Còn nhớ, trước đây tôi chỉ mong in được một cuốn sách để lại cho đời. Nay gia tài đã có được 5 cuốn . Thật là ngoài sự mong đợi. Nếu chúng ta biết rằng, sách  nghiên cứu rất khó in, khó bán, nhiều người phải tự bỏ tiền ra in, rồi tự phát hành (tức là phải tự tìm đầu ra) hoặc phải chạy vạy tìm nhà tài trợ (của các cá nhân hoặc đơn vị ), đằng này bản thân không mất đồng nào, không phải tính toán gì, lại còn được hưởng nhuận bút và sách biếu, hỏi không mừng sao được.
Mỗi một cuốn sách ra đời sẽ có một đời sống riêng, ngoài ý muốn của tác giả. Số phận các cuốn sách của tôi sau này sẽ như thế nào, tôi không thể biết được .Người viết không mong gì tiền tài, địa vị, danh vọng, chỉ mong mỏi một điều là truyền được những điều mình tâm huyết đến với bạn đọc. Trong hàng ngàn người đọc, chỉ cần đôi ba người hiểu được điều mình muốn gửi gắm, tâm huyết với điều tác giả từng tâm huyết, như thế cũng đã hạnh phúc lắm rồi.
Đó là đôi điều tác giả muốn bộc bạch khi viết những dòng tâm sự này.
Hà Nội những ngày cuối năm 2010
                                                                            Phan Duy Kha
Đóng góp một số bài trong:
- Hội thảo về Danh nhân Phan Kính,
- Hội thảo về Nữ sĩ Ngân Giang,
- Hội thảo về Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ,
- Hội thảo về Họ Phùng Việt Nam,
Và nhiều bài được chọn in trong các tập sưu tầm, nghiên cứu về Lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét