Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

THƯ VIỆN HÀ NỘI



Tôi mê sách từ bé. Thuở cấp 1, cấp 2, mẹ cho đồng nào ăn quà thì đều để giành mua sách. Lên cấp 3, đi trọ học xa nhà, có đồng nào lại giành mua sách,nhiều khi nhịn cả ăn sáng. Vài tuần một lần, tôi lại đến Hiệu sách nhân dân thị trấn Đức Thọ tìm mua sách. Tôi đến thường xuyên đến mức chị bán sách quen mặt, quen cả loại sách tôi cần mua, thường chọn để giành cho tôi. Thuở ấy tôi chỉ mê những loại sách tìm hiểu khoa học như Vật lý vui, Thiên văn học giải trí (đều dịch từ tiếng Nga). Nếu có đọc sách truyện thì cũng là loại truyện tìm hiểu khoa học như Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Ca rích và Va li a ( truyện viễn tưởng, đi sâu vào tìm hiểu đời sống loài côn trùng, trong đó các nhân vật được uống một loại thuốc đặc biệt làm cho bé lại hàng nghìn lần, còn nhỏ hơn cả con ong cái kiến)

Lên đại học thì tôi lại bắt đầu say mê lịch sử. Học chuyên môn về ngành Trắc địa – Bản đồ nhưng lại chỉ tìm đọc các sách viết về Lịch sử. Không yêu vợ mà lại mê người tình, thế có chết không !
Ra trường, được công tác tại Hà Nội, việc đầu tiên của tôi là làm thủ tục xin cấp thẻ Thư viện Quốc gia. Ở Thư viện Quốc gia, những bạn đọc bình thường như tôi chỉ được cấp thẻ đọc, phải đọc tại chỗ. Vì vậy nhiều khi theo đuổi một đề tài gì, phải mang theo cả bánh mỳ vào thư viện để đọc cả ngày.  (Thư viện có phục vụ nước uống). Khi biết tại Thư viện Hà Nội (TVHN) , bạn đọc được làm thẻ mượn, được mang sách về nhà thì tôi phấn khởi vô cùng. Thủ tục xin cấp thẻ cũng rất đơn giản, chỉ cần có Hộ khẩu và CMND của công an Hà Nội cấp là được.  Mỗi lần đến Thư viện được mượn 2 cuốn, sau 15 ngày đến trả lại mượn 2 cuốn tiếp. Nếu đọc chưa xong có thể đến gia hạn. Sau này tôi còn xin cấp thẻ đọc của Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội trên đường Lý Thường Kiệt. Thư viện này cũng phải đọc tại chỗ, không được mang sách về. Vì vậy tôi gắn bó với TVHN hơn cả.
Đến TVHN, tôi mượn sách Lịch sử là chủ yếu. Đọc sách của nhiều tác giả. Cùng một sự kiện lịch sử nhưng không phải mọi người đều nhìn nhận như nhau. Qua đọc sách của nhiều tác giả, tôi mới nhận ra một điều rằng, không phải các vị Giáo sư, Tiến sĩ nói điều gì cũng đúng. Nhiều quan điểm về lịch sử, nhiều luận điểm về lịch sử cần phải được xem xét lại. Thời kỳ này, trên tạp chí Thế giới mới có chuyên mục Nhìn lại lịch sử rất hợp với cách viết, cách suy nghĩ, đánh giá của tôi. Thế là tôi mạnh dạn gửi bài cho tạp chí. Điều may mắn cho tôi là trong buổi ban đầu ấy, bài nào của tôi gửi đến đều được đăng, làm cho tôi càng thêm mạnh dạn. Tôi liền gửi bài đến một số báo, tạp chí khác. Các bài báo đó sau này tôi đã tập hợp lại in thành sách, lần lượt là các cuốn :
- Nhìn lại lịch sử (In chung 3 tác giả, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2003)
- Lịch sử và sự ngộ nhận (Nxb Từ điển Bách khoa, 2008)
- Nhìn về thời đại Hùng Vương (Nxb Lao động, 2009)
- Từ điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng hành dinh thời đại Hồ Chí Minh (NXB Dân trí, 2010)
Sở dĩ tôi viết được một số bài báo, xuất bản được một số sách như trên có một phần là do khai thác tư liệu từ kho sách của TVHN. Từ đáy lòng, tôi cảm ơn TVHN nhiều. Những sách của tôi được in, tôi đều đem đến tặng TVHN như một sự tri ân.
TVHN đó là kho tàng kiến thức đồ sộ mà mỗi chúng ta đều được tự do khai thác. Chỉ có điều chúng ta có đủ sức khai thác hay không. Kiến thức thì vô cùng, hiểu biết của chúng ta thì có hạn. Vì vậy tôi khuyên bạn, chúng ta chỉ nên chuyên sâu vào một lĩnh vực nào đó mà thôi. Còn, nếu bạn không có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, chỉ có nhu cầu giải trí không thôi thì TVHN cũng đủ sách cho bạn đọc đến . .  mấy đời
Ảnh: 1. Cuốn Lịch sử và sự ngộ nhận của Phan Duy Kha tại giá sách của Thư viện  
2. Phòng đọc báo và Tạp chí Thư viện Hà Nội














































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét