Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

HỌA SĨ NAM SƠN, NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG ĐẦU TIÊN CHO NỀN MỸ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM

HỌA SĨ NAM SƠN, NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG ĐẦU TIÊN CHO NỀN MỸ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM


1. Trọn đời cho nghệ thuật hội họa
Họa sĩ Nam Sơn tên thật là Nguyễn Vạn Thọ (1890 – 1973) . Trong truyền thống tên đệm Việt Nam thường phổ biến tên đệm là Văn, vì vậy nhiều tài liệu ghi tên ông là Nguyễn Văn Thọ là không chính xác. Ông quê gốc ở huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc (nay là thị trấn Thanh Lãng huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) nhưng sinh ra trong một gia đình dòng dõi gia thế ở Hà Nội. Cha ông nguyên là Thư ký Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, mất sớm khi ông mới lên 4 tuổi. Mẹ ông một mình ở vậy tảo tần nuôi con, được vua Bảo Đại ngự ban kim khánh khắc 4 chữ “Tiết hạnh khả phong” để biểu dương. Thuở ấy được vua ngự ban kim khánh như thế là một vinh dự tột bậc, rất hiếm người có được.

Họa sĩ Nam Sơn có năng khiếu hội họa bẩm sinh và ham mê hội họa từ nhỏ. Ông được các nhà nho Phạm Như Bình và Nguyễn Sĩ Đức dạy chữ Nho và dạy vẽ. Ông sớm tiếp xúc với nền nghệ thuật hội họa cổ Phương Đông: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. . . Sau khi tốt nghiệp Trường Bưởi (trường Bảo hộ), ông vào làm việc cho Sở Tài chính Đông Dương. Tuy làm công tác tài chính bận rộn nhưng ông vẫn tranh thủ ngoài giờ (nay ta gọi là nghề tay trái) vẽ tranh minh họa cho các báo và sách giáo khoa. Ngày nay, những người ở độ tuổi 70- 80 trở lên không thể không nhớ đến những bức tranh minh họa nho nhỏ nhưng rất sinh động, rất có hồn trong bộ sách Quốc văn giáo khoa thư. Năm 1923, ông tham gia đấu xảo (nay ta gọi là triển lãm) đầu tiên tại Hà Nội với 4 bức tranh: Nhà nho xứ Bắc, Ông già Kim Liên, Cô gái Bắc Kỳ và Tĩnh vật là những bức tranh sơn dầu đầu tiên của Việt Nam (tranh sơn dầu là kỹ thuật vẽ tranh của phương Tây, cho đến lúc đó  ở ta chưa hề có ai vẽ tranh sơn dầu). Năm 1925, ông cùng Họa sĩ tên tuổi người Pháp V. Tac đi ơ ( V. Tardieu) đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương . Năm 1930, ông tham gia Triển lãm Hội họa Pa ri với bức tranh “ Chợ gạo bên sông Hồng”, là tác phẩm Việt Nam đầu tiên (và duy nhất) được Nhà nước Pháp mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp.Năm 1946, Bộ Quốc gia giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mời ông làm cố vấn của Viện Phương Đông Bác cổ.  Năm 1957, thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông được bầu vào Ban chấp hành, va giữ chức danh này cho đến khi mất .
2. Đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Về việc ông là người đồng sáng lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có lẽ còn nhiều người chưa biết. Ngay từ năm 1923 ông đã có bản thảo Đề cương Mỹ thuật Việt Nam, trong đó lần đầu tiên ông đề cập đến việc xây dựng một nền mỹ thuật Việt Nam vừa dân tộc vừa hiện đai. Ông viết: “Lập nên một trường Đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng Mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền Mỹ thuật Đông Phương có cá tính Việt Nam” . Cách nói của ông cách đây gần 80 năm nhưng cũng rất gần với cách nói của chúng ta ngày nay là “hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc” đó sao?
Về nội dung giảng dạy hay là cơ cấu của Trường Mỹ thuật, ông đã hình dung rất cụ thể. Trường gồm có 7 Ban (như ngày nay ta gọi là Khoa hay Bộ môn) : Ban Hội họa, ban Kiến trúc, ban Điêu khắc, ban Sơn Việt Nam, ban Trang hoàng, ban Khắc, ban Bồi tranh lụa tranh giấy. Trong từng ban đó, ông cũng mô tả rất cụ thể. Ví dụ, Ban Hội họa có ba tiểu ban : 1.Họa theo lối Châu Âu, tả thực bằng than, chì, mực tàu, thuốc nước, sơn dầu.
2.a/Họa theo lối Đông Phương, tả thực và tưởng tượng, vẽ dùng trí nhớ bằng bút nho, mực ta, sơn, thuốc nước, vẽ vào giấy , lụa.
b/ Viết chữ, học đủ các lối chân phương, triện, lệ, thảo, học đủ các nét, các cách cầm bút, dùng mực, thuốc ( ngày nay ta gọi là thư họa)
c/Thuộc giấy, lụa phỏng theo cổ nhân v.v. . .
Các Ban kia ( như Kiến trúc, Điêu khắc. . .) ông cũng chỉ dẫn cụ thể, tỷ mỉ như thế.
Cũng từ Bản đề cương này mà ông thuyết phục được Họa sĩ danh tiếng người Pháp V. Tac đi ơ để ông này đề nghị lên nhà nước Bảo hộ đi đến thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925. Về sự kiện thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, nhiều người ngay cả những sinh viên trường Đại học Mỹ Thuật ngày nay cũng không hề biết rằng, họa sĩ Nam Sơn là người đồng sáng lập. Ngay sách báo của ta trước đây cũng không hề đề cập đến vấn đề này. Chính những người Pháp là những người đầu tiên ghi nhận công lao đóng góp của Họa sĩ Nam Sơn: Ông là một trong hai người đồng sáng lập và là Giáo sư chuyên ngành bậc 2, phụ trách môn Đồ họa và trang trí. Cuốn sách “Pa ri- Hà Nội- Sài gòn cuộc phiêu lưu của hội họa hiện đại Việt Nam” do các nhà bảo tàng Pa ri xuất bản năm 1998 xác nhận: “” Qua những cuộc trao đổi giữa họ (tức V.Tac đi ơ và Nam Sơn) nảy ra ý kiến thành lập một trường Mỹ thuật ở Hà Nội. Nam Sơn thuyết phục V. Tac đi ơ tiến hành vận động cần thiết để có thể tiến hành khai giảng và điều hành nhà trường. Chính thức được thành lập do một nghị định của Toàn quyền Merlin, trường này nói cho đúng là kết quả tình bạn kỳ lạ giữa hai người. Vị trí và vai trò của Nam Sơn được Toàn quyền Đông Dương xác nhận rất rõ ràng trong cuốn “ Các trường Mỹ thuật Đông Dương” xuất bản ở Hà Nội năm 1937: Ông Nam Sơn, Giáo sư chuyên ngành bậc 2 là một trong hai người sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương, dạy Hình họa và trang trí” ( sách đã dẫn).
3. Người thầy của những bậc danh họa
Là Giáo sư giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong vòng 20 năm (1925 – 1945), Họa sĩ Nam Sơn đã góp phần đào tạo được một thế hệ họa sĩ nổi tiếng của nền hội họa đương đại Việt Nam. Chúng ta có thể kể đến những tên tuổi những họa sĩ danh tiếng như : Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Hoàng Lập Ngôn, Sĩ Ngọc, Trần Đình Thọ, Diệp Minh Châu, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Tạ Thúc Bình, Phan Kế An. . . Và nhiều người nữa mà tên tuổi của họ đã làm rạng danh nền hội họa đương đại Việt Nam. Thật là vinh dự cho Giáo sư – Họa sĩ Nam Sơn khi ông đã góp phần đào tạo nên những họa sĩ danh tiếng như thế.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, những người Pháp hoặc bị bắt, hoặc bỏ về nước, Họa sĩ Nam Sơn trở thành Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương cho đến tháng 8-1945.
Sau ngày ta giành được chính quyền (9- 1945), trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bị giải thể, Họa sĩ Nam Sơn được chính quyền cách mạng mời tham gia làm Cố vấn cho Viện Phương Đông Bác cổ. Danh sách Ban cố vấn do Bộ trưởng Vũ Đình Hòe ký bổ nhiệm, ta thấy có các tên tuổi sau: Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại), Đào Duy Anh, Ngô Đình Nhu, và Nguyễn Vạn Thọ tức Nam Sơn.
Năm 1957, Hội Mỹ thuật Việt Nam được thành lập, họa sĩ Nam Sơn được  bầu vào Ban chấp hành, và ông giữ chức danh đó cho đến khi qua đời, vào năm 1973.
Có thể nói, họa sĩ Nam Sơn là người đặt nền móng đầu tiên cho nền Mỹ thuật đương đại Việt Nam.
                                                                                   P D K
  1. Chân dung họa sĩ Nam Sơn
  2. Bút tích Đề cương Mỹ thuật ViệtNamdo họa sĩ Nam Sơn soạn thảo năm 1923.
  3. Trên xe ô tô về quê (2.7.2011), ông Nguyễn An Kiều đang tranh thủ giới thiệu với các nhà nghiên cứu về người cha của mình: Họa sĩ Nam Sơn (Ảnh dưới cùng)
  4. 1. Nguyễn An Kiều  |  Tháng Tám 4, 2011 lúc 2:38 chiều
    4 / 8 / 2011
    Kính gửi nhà nghiên cứu Phan Duy Kha ,
    Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Kha đã có bài viết về họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ ( 1890-1973), người cha chúng tôi, với
    bức ảnh chân dung do nhà nhiếp ảnh Nguyệt Diệu thực hiện,cùng rất nhiều chi tiết lịch sử chính xác về cuộc đời, tác phẩm của họa sĩ ,đặc biệt việc cùng họa sĩ Victor Tardieu ( 1870-1937) thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương năm1925 ,mà các sách báo ở Việt Nam và nước ngoài đã nói nhiều từ hơn 80 năm nay ,nhưng có họa sĩ đã học ,làm việc ở trường đó vẫn chưa biết !
    Bài viết của ông ,trình bày các tư liệu lịch sử hội họa theo bố cục riêng, phương pháp luận chặt chẽ ,sẽ đem lại nhiều kiến thức lịch sử hội họa cho lớp họa sĩ trẻ , để sau này họ không phải mất công đi hỏi người nước ngoài về lịch sử hội họa hiện đại Việt Nam của ông cha từ đầu thế kỷ XX ,và biết tự hào thêm về một nền hội họa vừa hiện đại vừa có tính chất dân tộc ,đã có truyền thống lâu đời từ bao thế kỷ nay ,từ khi nhiều nơi trên thế giới còn có những vua chúa chưa biết … chữ viết !
    Đây không phải ý kiến mới của chúng tôi ! Từ 80 năm nay, một nhà nghiên cứu người Pháp ,đến Việt Nam , cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác ,đã có suy nghĩ như vậy năm 1930 ,khi nói về sự khó khăn trong việc thực thi giáo dục ở Việt Nam., “nơi đã tiếp xúc từ xa xưa với các nền văn minh lâu đời ” !.
    ( Xin tham khảo tư liệu : Tạp chí ” Les collections de l’histoire ” ,số 23 ,tháng 4 năm 2004 , đã xuất bản tại Paris , mà chúng tôi đã có
    dịp trao đổi cùng nhiều giáo sư lịch sử Việt nam và ngoại quốc ).
    Chúng tôi cũng xin trân trọng cảm ơn ông đã có bài viết rất đặc biệt ,rất chính xác về cụ Tổ chúng tôi, Hoàng giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu ( 1602- 1639) , người trưởng nam của Thái Tể Nguyễn Duy Thì ( 1572-1651), trả lại những trang lịch sử oai hùng đầy tự hào của dân tộc ta từ hơn 3 thế kỷ nay !
    Một lần nữa ,xin cảm ơn nhà nghiên cứu Phan Duy Kha và hy vọng được đọc thêm nhiều bài viết giá trị của ông trên các sách báo.
    Trân trọng.
    Nguyễn An Kiều
    Đại diện gia đình họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ.
    68 Nguyễn Du Hà Nội .
    *
     Trả lời: 
    Kính gửi ông Nguyễn An Kiều đại diện cho gia đình Họa sĩ Nam Sơn
    Tôi rất cảm kích trước những lời cảm ơn và khích lệ của ông. Về mặt học thuật, tôi còn phải phấn đấu nhiều. Nhưng tôi sẽ hết sức cố gắng để không phụ lòng tín nhiệm của ông cũng như sự yêu mế của bạn đọc gần xa.
    Xin gửi tới ông và toàn thể gia đình lời chào kính trọng
    Ngày 5.8.2011
    Phan Duy Kha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét