Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

GIÁO SƯ NGUYỄN ĐÌNH TỨ: KHOA HỌC VÀ ĐỜI THƯỜNG

                                                                                                                   
P1060602 

Tuổi trẻ thông minh và sáng tạo.
Ngày 1.10.2012, tại hội trường Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của cố Giáo sư Nguyễn Đình Tứ (1932 – 1996), nhà hoạt động chính trị xuất sắc, nhà khoa học lỗi lạc của thời đại chúng ta.
Giáo sư Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1.10.1932 trong một gia đình trí thức yêu nước, giàu truyền thống cách mạng. Ông quê ở làng Nguyễn Xá, xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.  Như tên làng đã chỉ rõ, làng Nguyễn Xá có nghĩa là làng của những người họ Nguyễn. Hầu hết dân cư ở đây mang họ Nguyễn. Cùng là họ Nguyễn, nhưng có ba họ lớn: Họ Nguyễn Huy, họ Nguyễn Xuân và họ Nguyễn Văn. Ông thuộc dòng họ Nguyễn Xuân, dòng họ lớn và đông nhất trong làng


.P1060896
Nguyễn Đình Tứ lớn lên vào buổi giao thời của đất nước, khi cách mạng mới thành công, chính thể Dân chủ cộng hòa mới ra đời, nhưng rồi thực dân Pháp trở lại gây hấn, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vì thế mà tuổi học sinh của anh đã phải theo cha (là một nhà giáo), theo trường, đi hết nơi này đến nơi khác. Trước năm 1944, anh theo học Trường Tiểu học An Lương, Bình Định, nơi người cha đang làm hiệu trưởng trường này. Năm 1945, anh học trường Quốc học Quy Nhơn, sau đổi thành Trường Trung học Võ Tánh; năm 1946, anh trở về Hà Tĩnh; Năm 1946- 1947 học trường Quốc học Vinh, đệ tam niên; Năm 1947- 1948 học đệ tứ niên trường Phan Đình Phùng, Đức Thọ; Năm 1948- 1949 trường Trung học chuyên khoa năm thứ nhất trường Huỳnh Thúc Kháng (tiền thân là Trường Quốc học Huế), Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh . Như vậy là trong mấy năm trời, anh đi hết từ Bình Định, rồi lại về Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngay tại Nghệ An, Hà Tĩnh, nhà trường cũng phải sơ tán, chuyển địa điểm nhiều nơi. Tuy phải di chuyển nhiều nơi, nhưng đến đâu, anh cũng học rất giỏi, thường đứng đầu lớp. Vừa học năm thứ nhất chuyên khoa, anh đã tự tìm hiểu, tự học chương trình năm thứ hai, và cuối năm, anh xin thi vượt lớp, lên năm thứ ba, và đã đỗ đầu. Có thể nói, ở trong lớp, anh không hề có đối thủ. Thầy dạy toán mỗi khi chữa bài tập trên bảng rồi, lúc nào cũng hỏi anh, còn cách giải nào khác không. Lúc đó anh thường lên bảng trình bày cách giải khác của anh, thường là độc đáo hơn, dễ hiểu hơn. Chỉ khi anh không có cách giải nào khác thầy mới cho qua.
Khi chúng tôi lớn lên được ngồi trên ghế nhà trường, thì tên tuổi của anh đã lẫy lừng, ít nhất là trong phạm vi 12 nước Xã hội chủ nghĩa hồi đó. Những câu chuyện về anh được những người đi trước kể lại với tấm lòng thán phục pha chút tự hào. Chúng tôi coi anh là thần tượng. Chúng tôi nghe kể về tấm gương học tập của anh. Chuyện anh sáng chế ra chiếc kính Thiên văn như thế nào, chuyện anh dùng sợi dây mà làm sao tính được hàm số lượng giác.
Các bạn học lớp 12 bây giờ (trước đây là lớp 10) đều đã học qua về Quang học, đã biết thế nào là thấu kính lồi, lõm, thế nào là sự hội tụ, phân kỳ của tia sáng. Kính thiên văn hay kính hiển vi chẳng qua là sự bố trí sắp xếp các hệ thống thấu kính lồi, lõm sao cho góc kẹp của vật thể đến mắt là lớn nhất. Bây giờ bạn có thể ra thị trường mua đủ các loại thấu kính nhưng ngày xưa không hề có. Chính Nguyễn Đình Tứ đã xin các loại kính cận, kính viễn, thấu kính máy ảnh bị hỏng mà người ta thải ra để về lắp kính Thiên văn. Không đủ kính, anh tìm cách cưa đáy các chai rượu, để làm kính. Chúng ta biết, các chai rượu có đáy chai hình thấu kính lồi, hoặc lõm. Tuy nhiên, không phải đáy chai nào cũng dùng được. Chọn hàng chục chai, may ra được một chiếc là cùng. Lại phải cưa, rồi mài thế nào cho khéo mới dùng được. Ống kính thì anh dùng ống nứa. Rồi chiếc kính Thiên văn của anh cũng hoàn thành. Anh đem ra ngoài sân cho mọi người ngắm trăng, ngắm sao. Các bạn ai cũng trầm trồ, chưa ai từng thấy mặt trăng to và gồ ghề như thế. Chuyện dùng ống kính ngắm sao đồn ra xa, công an địa phương đã đến nhắc nhở và yêu cầu anh không được sử dụng kính Thiên văn nữa vì cho rằng đó là “khí cụ quân sự” ! Không được dùng kính thiên văn, anh lại cải tạo thành chiếc kính hiển vi để quan sát các con vi trùng trong nước.
Còn chuyện anh lập biểu đồ để tính hàm số lượng giác cũng đặc biệt. Chúng ta ai đã học qua cũng biết, vòng tròn lượng giác là vòng tròn có bán kính bằng 1 đơn vị. Giá trị của hình chiếu của bán kính này lên trục ngang (x) và trục đứng (y) chính là hàm số lượng giác sin và cos của góc mà bán kính quay đó tạo thành. Để biết giá trị này, ta phải có bảng tra (bây giờ thì trong máy tính có đủ cả). Nhưng hồi xưa, trong kháng chiến làm gì có sẵn bảng tra. Nguyễn Đình Tứ dùng một sợi dây, quy thành 1 đơn vị (ví dụ 1 mét chẳng hạn). Anh quay sợi dây quanh một tâm điểm, rồi đo hình chiếu của sợi dây lên trục ngang, trục dọc mà biết được hàm số lượng giác của một góc. Sau đó từ một số số liệu cơ bản mà anh lập thành biểu đồ. Tất nhiên, độ chính xác hoàn toàn dựa vào việc đo độ của góc quay và xác định hình chiếu lên các trục.
Là những người đồng hương ở thế hệ sau, những câu chuyện trên, chúng tôi được nghe các thầy kể lại cuối mỗi tiết học hay trong các giờ ngoại khóa. Bằng các câu chuyện này,các thầy không chỉ truyền đạt kiến thức cho chúng tôi mà còn qua đó giáo dục lòng đam mê khoa học, khơi gợi tính sáng tạo, cũng như những tấm gương vượt khó khăn, phấn đấu học tập vươn lên của các thế hệ đi trước. Mà tấm gương sáng chói nhất đó chính là Nguyễn Đình Tứ.
Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân

.P1060577
Năm 1957, sau khi tốt ngiệp Trường Đại học Thủy lợi  Vũ Hán, Nguyễn Đình Tứ được nhà nước ta chọn sang Liên Xô, làm cộng tác viên khoa học tại Trung tâm Liên hiệp nguyên tử Đupna. Lúc này, anh mới 25 tuổi. Trung tâm Liên hiệp nguyên tử Đupna nằm tại thị trấn Đupna, trên bờ sông Vôn ga, ngoại ô thủ đô Mat cơ va. Đây là trung tâm nghiên cứu hiện đại nhất, tập trung các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực nguyên tử hạt nhân của cả 12 nước Xã hội chủ nghĩa anh em thời bấy giờ trong sứ mệnh nghiên cứu các hạt cơ bản. Việt Nam ta lúc đó cử tới ba nhà khoa học hàng đầu là Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Đình Công (tức Nguyễn Hoàng Phương) và Dương Trọng Bái. Cũng phải nói thêm rằng, trước khi sang Đupna thì Nguyễn Đình Tứ đang là kỹ sư Thủy lợi, ngành Thủy công, mới tốt nghiệp. Từ chuyên môn về tính toán thủy điện, đê đập, Nguyễn Đình Tứ chuyển hẳn sang một lĩnh vực khác hoàn toàn, không liên quan gì đến ngành học của mình, thế nhưng anh vẫn bắt nhịp được với công việc của mình trên một lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ. Đó là nhờ trí thông minh siêu việt của anh, nhờ cái “nền” kiến thức khoa học đại cương mà anh nắm rất vững, nhờ trình độ tiếng Nga mà anh đã mày mò tự học thêm từ khi còn học đại học. Sau 4 năm làm việc ở Trung tâm nghiên cứu Đupna, nhóm công tác của Nguyễn Đình Tứ hoàn thành một số công trình khoa học trong lĩnh vực vật lý hạt nhân năng lượng cao, hay còn gọi là vật lý hạt cơ bản.
Trong hàng loạt công trình nêu trên, công trình phát hiện ra phản hạt sigma âm hyperôn là công trình có ý nghĩa quan trọng nhất. Trong các hạt cơ bản được phát hiện trước năm 1959, có một loại hạt mang tên sigma âm (hạt sigma mang điện âm). Đến năm 1960, nhóm công tác của Nguyễn Đình Tứ phát hiện ra phản hạt sigma âm. Thông báo của Trung tâm Đupna cho biết: “Đã phát hiện bằng thực nghiệm hiện tượng chưa biết trước đây, sự tạo thành phản hạt của hạt sigma âm với khối lượng 2.340 lần lớn hơn khối lương electron; tích điện dương; thời gian sống bằng một phần mười tỷ giây. Hạt mới này rất giống hạt sigma âm đã biết, chỉ khác là điện tích trái dấu, nó được gọi là phản hạt  của hạt  sigma âm hay gọi tắt là phản hạt sigma âm. Phát minh phản hạt sigma âm một lần nữa khẳng định luận thuyết về phản hạt đã được nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc Dirac đề xuất năm 1928 và cùng với những phản hạt tìm thấy trước đó minh chứng thêm cho sự tồn tại phản vật chất. Phát minh về phản hạt sigma âm là một thành quả đặc sắc, một giai điệu đẹp nhất trong bản giao hưởng “tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao” của Giáo sư Nguyễn Đình Tứ và tập thể khoa học mà anh đã gắn bó mật thiết” (Trích Nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ, tài năng và phẩm cách, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012) . Năm 1961, ngay sau khi công bố công trình, Nguyễn Đình Tứ đã nhận được giải thưởng của Hội đồng khoa học của Viện Liên hợp nghiên cứu nguyên tử Đupna. Năm 1968  chính phủ Liên Xô cấp bằng phát minh cho nhóm tác giả quốc tế, trong đó có “công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa- Nguyễn Đình Tứ”.  Vào năm 2000, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cố GS Nguyễn Đình Tứ đã được nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình phát hiện này.
Nguyễn Đình Tứ công tác tại Viện  Liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Đupna trong hai nhiêm kỳ từ tháng 8.1957 đến tháng 6.1963 và nhiệm kỳ hai từ tháng 6.1966 đến tháng 6.1971. Cả hai nhiệm kỳ đó ông đều đảm nhận trọng trách phụ trách đoàn cán bộ Việt Nam công tác tại Đupna.
Vị Bộ trưởng ở nhà . . . chung cư
P1060585

Năm 1971, về Việt Nam, đầu tiên, ông được giao làm Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đầu năm 1976 làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (tức Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày nay). Từ tháng 7.1976, ông là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông là vị Bộ trưởng đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất. Ông giữ trọng trách này  cho đến năm 1986. “ Dưới cương vị lãnh đạo của mình, GS và các cộng sự đã đưa ngành giáo dục đào tạo đi những bước táo bạo như sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên ngiệp miền Nam theo mô hình nhà trường xã hội chủ nghĩa thống nhất cả nước; mở ba trường dự bị đại học để tạo nguồn cán bộ có trình độ cao cho các đối tượng chính sách, dân tộc miền núi; thành lập tại các tỉnh trong cả nước năm trường trung học chuyên ngiệp (nông nghiệp, công nghiệp, sư phạm, văn hóa) để đào tạo lực lượng lao động tại chỗ cho địa phương; hệ thống đào tạo tại chức – tiền thân của các trung tâm giáo dục thường xuyên ra đời” (Trích Nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ, tài năng và phẩm cách).
Tháng 2.1987, GS Nguyễn Đình Tứ được cử làm Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Chủ nhiệm công nghệ sản xuất nguyên nhiên vật liệu hạt nhân. Từ tháng 9.1993 GS Nguyễn Đình Tứ được giao đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ông được coi là người “tìm đường mở lối” cho ngành năng lượng nguyên tử ở Việt Nam.
GS Nguyễn Đình Tứ dù ở cương vị công tác nào cũng luôn là người giản dị, chân thành, khiêm nhường, nói năng nhỏ nhẹ , điềm đạm. Đặc biệt, ông luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của cấp dưới. Dù cấp dưới nói những điều trái với suy nghĩ của mình, ông vẫn không ngắt lời, mà cố gắng lắng nghe hết ý kiến của họ, sau đó mới ôn tồn đáp lại. Thời kỳ bao cấp tình hình kinh tế rất khó khăn. Cán bộ công nhân viên đi làm thường mang theo cặp lồng cơm để ăn trưa. Bộ trưởng đi làm hằng ngày cũng mang theo cặp lồng cơm, với thức ăn là rau dưa như mọi người. Là bộ trưởng nhưng ông  vẫn ở nhà tập thể. Hồi bấy giờ, ông được phân căn hộ hai buồng trên tầng 4, nhà B18, khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa).Thỉnh thoảng có khách ở xa đến, hay khách ở quê ra, lại phải trải chiếu nằm giữa sàn nhà. Năm 1978 có người thân của ông từ miền Nam ra chơi, đã vô cùng ngạc nhiên, không ngờ một vị bộ trưởng mà lại ở nhà chung cư như thế. Nhà nước phân nhà cho ông để xứng với cương vị bộ trưởng của ông, ông từ chối, cho rằng mình chưa cống hiến được gì cho đất nước. Theo ông, còn có những vị lão thành cách mạng, cống hiến nhiều mà vẫn phải ở nhà chật chội. Những người ấy còn cần hơn ông. Mãi 5 năm sau, ông mới nhận căn biệt thự A2 Trung Tự và ở đấy cho đến khi mất. Người ta xét nâng lương cho ông, ông xin để lại năm sau, vì một bậc lương của ông bằng hai ba bậc lương của nhân viên khác. Để “suất” nâng lương đó cho nhân viên dưới quyền thì được hai ,ba người, như thế là tốt hơn. GS Nguyễn Đình Tứ là con người như thế. Chừng như trong tâm khảm của ông, ông luôn luôn tâm niệm một điều: Mình đã làm gì cho Tổ quốc mà đòi hỏi Tổ quốc phải đãi ngộ này nọ. Ông là  mẫu mực một con người chân chính, với lối sống chân thành, giản dị, đức độ, khiêm nhường, hết mình vì công việc; một nhà khoa học say mê nghiên cứu tìm tòi, khám phá, sáng tạo không ngừng.
Ông từng là Bộ trưởng, là Ủy viên Trung ương, rồi Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Những chức vụ đó, chức trách đó, có thể nhiều người làm được. Nhưng, một nhà khoa học như Nguyễn Đình Tứ thì rất hiếm. Có khi vài ba thế hệ, thậm chí hàng trăm năm mới có một người !
GS Nguyễn Đình Tứ mất đột ngột vào ngày 28.6.1996 khi đang diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8. Giá như, ông chỉ chuyên tâm làm công tác khoa học mà không lấn sân sang địa hạt chính trị. Tiếc thay !
PDK

  1. Bài đã đăng trên Tạp chí Thế giới mới, số 40 ra ngày 15 – 10 –  2012.
Ảnh đầu bài:  Chân dung GS Nguyễn Đình Tứ (chụp lại ảnh tư liệu)
Ảnh trong bài:
  1. Bộ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh cố GS Nguyễn Đình Tứ.
  2. Bà Nguyễn Thu Nhạn, Phu nhân Cố GS Nguyễn Đình Tứ  phát biểu tại buổi lễ.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét