Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

TRÒ CHUYỆN VỚI NGUYÊN TỔNG BIÊN TẬP ĐINH KHẮC VƯỢNG

TRÒ CHUYỆN VỚI NGUYÊN TỔNG BIÊN TẬP ĐINH KHẮC VƯỢNG
Phan Duy Kha
Ủy viên HĐKH tạp chí TGTT
.
P1050586 
Nhà báo Đinh Khắc Vượng là Phó TBT Thường trực tạp chí TGTT từ năm 1994 -2007, là Tổng biên tập từ năm 2007 đến nay. Ngoài TGTT là tờ tạp chí “ruột”, anh còn là Phóng viên- Biên tập viên báo Người giáo viên nhân dân, (báo Giáo dục và Thời đại), tạp chí Thế Giới Mới, Giáo viên và nhà trường, Giáo dục thể chất, Một cửa sổ nhìn ra thế giới, và Phó Tổng biên tập báo Dân Trí (giai đoạn 1998- 2001). Đầu năm nay, vì căn bệnh hiểm nghèo, anh đã viết đơn xin từ chức và trân trọng giới thiệu anh Đào Nam Sơn, Phó Tổng biên tập với Thường vụ Trung ương Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục làm người kế nhiệm..

*
Anh Đào Nam Sơn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí TGTT, có nhã ý giao cho tôi một nhiệm vụ “đặc biệt” và rất khó khăn là viết một bài về nguyên Tổng biên tập Đinh Khắc Vượng, người đã gắn bó gần nửa đời mình với những niềm vui, nỗi buồn, những thăng trầm của Tạp chí TGTT. Biết viết thế nào đây về hơn 20 năm đóng góp cho nền báo chí nói chung và cho tờ tạp chí TGTT thân thiết của anh? Biết viết thế nào đây về căn bệnh hiểm nghèo của anh, khiến anh phải “giữa đường đứt gánh” đành phải trao lại trọng trách, đồng thời cũng là một gánh nặng , cho người kế nhiệm.
Anh Đào Nam Sơn dẫn tôi sang nhà riêng của anh ở gần Trụ sở Tòa soạn. Anh nằm trên giường tiếp tôi. Lần đầu tiên anh tiếp tôi ở tư thế này. Anh không dậy được nữa rồi. Cũng biết là anh bị mắc căn bệnh hiểm nghèo từ trước (bệnh ung thư gan) nhưng không ngờ sức khỏe của anh từ sau Tết Con Dê này lại “tụt dốc” nhanh đến thế. Lâu lâu tôi không có bài cộng tác cho TGTT nên ít đến. Dạo trước Tết Ất Mùi, tôi có đến Tòa soạn gặp anh, anh vẫn đi lại, nói cười bình thường. Cố quên đi bệnh tật, cố vượt lên bệnh tật để mà sống, để mà làm việc. Ngày mồng 6 Tết , ngày làm việc đầu tiên của năm mới, chị Thuần vợ anh còn dìu anh sang Tòa soạn để chúc Tết anh chị em. Nhưng từ ngày 8 tháng Giêng (âm lịch – tức 26.2.2015) trở đi thì anh đã phải nằm một chỗ, không đi lại được nữa . Tôi cầm theo cuốn sổ tay, có ý định để anh ghi vào đó mấy dòng thủ bút, để làm lưu niệm, nhưng anh đã không còn viết được nữa. Người nhiều năm “tả xung hữu đột” , tất nhiên là trên mặt trận báo chí, bây giờ nằm đây, da mặt trắng bợt bạt, tay chân tong teo. Được cái, trí tuệ của anh vẫn minh mẫn, giọng nói của anh vẫn khỏe, vẫn âm vang khúc chiết như ngày nào.
Còn nhớ, cách đây trên 20 năm, vào đầu những năm 1990, lúc ấy anh đang là Phóng viên thường trú của tạp chí Thế Giới Mới tại Hà Nội, còn tôi thì bắt đầu tham gia viết bài, cộng tác cho tờ tạp chí này. Tôi quen anh từ đó. Tháng 6.1994, anh cùng một số nhà giáo và những người làm công tác giáo dục có uy tín như GS Phạm Tất Dong, Ngô Hào Hiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, … đứng ra chủ trương thành lập tờ Tạp chí TGTT, một tờ tạp chí riêng, là cơ quan ngôn luận của Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Chính anh là người đã đề nghị đặt tên tờ tạp chí là THẾ GIỚI TRONG TA. Lúc đó, nhiều người không đồng tình, cho rằng cái tên nghe vô lý, khó hiểu. Thế giới thì bên ngoài, chứ sao lại là trong ta? Nhưng càng dùng quen thì càng thấy đơn giản, dễ hiểu. Thế giới trong ta chính là thế giới nội tâm của con người. Người xưa nói “con người là một tiểu vũ trụ” . Thế giới bên trong con người chẳng bao la, phong phú lắm sao. Ngay cái Măng sét của tạp chí cũng do anh đề xuất, và từ khi ra đời đến nay, đã trên 20 năm, cái măng sét đó chưa hề một lần thay đổi. Nó mềm mại, lung linh, uyển chuyển và huyền ảo như thế giới nội tâm của con người vậy!
Đến nay tạp chí đã gần tròn 21 tuổi, 13 năm đầu GS Phạm Tất Dong làm Tổng biên tập tạp chí. GS Phạm Tất Dong tại thời điểm ấy đang là Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KHTL- GD Việt Nam, mặc dù bận quá nhiều việc nhưng GS Phạm Tất Dong vẫn giữ phần hồn của TGTT, nghĩa là tất cả các bài lớn nhỏ, ảnh bìa, ảnh trang trong … GS đều đích thân đọc kỹ. Chỉ những bài được TBT ký duyệt thì các anh Vượng, Ngọc Sơn mới được đưa lên mặt báo. GS thường xuyên chỉ đạo: “TGTT phải giữ vững tôn chỉ, mục đích nhưng phải hấp dẫn; chỉ có hấp dẫn mới mời gọi được bạn đọc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những tờ báo giấy, báo in chất đầy ở ngoài sạp báo”P1050565
Theo những chỉ đạo đầy sắc sảo ấy, các anh Đinh Khắc Vượng, Nguyễn Ngọc Sơn, Đào Nam Sơn, Khắc Vinh ra sức suy nghĩ, tìm tòi để cho ra những chuyên mục, những cuộc thi, những cuộc trao đổi khoa học nhẹ nhàng, hấp dẫn. Không chỉ có nội dung, hình thức của một tờ Tạp chí, anh Vượng còn có một trách nhiệm hết sức nặng nề của người quản lý: Đó là vấn đề tài chính. Hay nói một cách nôm na là nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Nói tốt nói đẹp gì chẳng biết, nhưng nếu tạp chí không bán được, tia ra ít dần đi , lương lậu cho cán bộ, nhân viên tòa soạn sẽ ít và nhuận bút cho các cộng tác viên cũng ít đi, số người viết bài cộng tác sẽ giảm, thì tạp chí sẽ chết dần chết mòn. Cơ chế thị trường khắc nghiệt lắm. Thế nhưng, từ ngày ra đời, Tạp chí TGTT phát triển liên tục và đi lên không ngừng. Đỉnh cao là vào những năm 2004- 2005, số lượng phát hành đạt được 13 vạn cuốn /1 kỳ. Đó là số lượng phát hành đáng mơ ước của các tạp chí phát hành trên cả nước ta..
Ăn nên làm ra, lương lậu của cán bộ công nhân viên, bien tập viên cũng kha khá. Nhuận bút cho cộng tác viên cũng vào loại trung bình khá trong mặt bằng chung của làng báo chí. Đặc biệt, anh Vượng còn hay tổ chức các đợt tham quan nghỉ dưỡng mỗi năm một lần cho cán bộ công nhân viên và các cộng tác viên thân thiết. Có năm đi Vân Nam, có năm đi Quảng Tây (Trung Quốc), còn đa số các năm đi tham quan, nghỉ dưỡng trong nước. Có thể kể một số nơi mà chúng tôi đã từng đến: Khu du lịch Tam Đảo, Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu du lịch suối nước khoáng Thanh Thủy, Vườn Quốc gia Cúc Phương, rồi Sa Pa “thành phố trong sương”, rồi Tam Cốc- Bích Động “ Hạ Long trên cạn” , rồi tua Du lịch đường thủy đến các di tích danh thắng ven sông Hồng…. Trong cuộc đời mấy chục năm viết báo của mình, tôi cũng đã cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí, nhưng tôi chưa thấy tờ báo, tạp chí nào đối xử nồng hậu đối với đội ngũ cộng tác viên như thế. Cùng lắm thì mỗi năm, vào những ngày cận Tết, người ta mời các anh em cộng tác viên “ruột” đến gặp mặt, chúc Tết rồi biếu cho mỗi người một cái phong bì ăn tết. Như thế cũng đã là quý lắm rồi. Viết như thế để thấy được tình cảm thân thiết, gắn bó và sự trân trọng giữa Tòa soạn TGTT mà cụ thể là anh Vượng đối với các cộng tác viên. Trong các chuyến đi như thế, các cộng tác viên có dịp giao lưu, làm quen, đàm đạo, trao đổi với nhau. Tôi đã có dịp giao lưu, làm quen với Nhà Yô ga- nhà báo kỳ cựu Thế Trường , người nổi danh từ những năm tôi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông trung học; Nhà ngoại giao- Dịch giả Dương Danh Di, người đã có 17 năm làm Tổng lãnh sự quán của ta bên Quảng Châu, Trung Quốc; nhà văn Lê Bầu, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, các nhà giáo duc- GS Phong Lê, GS Nguyễn Khắc Phi, các anh Nguyễn Hải Hoành, Thái Hư… trong những dịp như thế.
Để câu khách, nhiều tờ báo, tạp chí thường hay đăng tải những tin giật gân, những câu chuyện ly kỳ như những vụ án mạng: cướp của, giết người, hiếp dâm …mà anh Đinh Khắc Vượng và các anh trong Ban Biên tập không bằng lòng và xem đây là một kiểu câu khách không nên làm. TGTT chinh phục bạn đọc bằng những bài viết nghiêm túc nhưng không khô cứng, chuyên sâu mà không khó hiểu, phong phú mà không tạp nham… Chính Tổng biên tập Đinh Khắc Vượng đã đề xuất và cho mở rất nhiều chuyên mục đặc biệt, nhiều cuộc thi độc đáo như thi Viết thư cho người yêu, Thi Vịnh đôi đũa, thi viết Những mẩu chuyện sâu sắc tuổi thơ, thi Những mẩu chuyện về ứng xử… Lần lượt được tổ chức, thu hút hàng chục vạn người tham gia. TGTT đã biến độc giả thành tác giả, thành cộng tác viên của tạp chí một cách tự nhiên như thế.
Cuộc thi viết “Thư và nhật ký viết cho người yêu” có lẽ là đề tài độc đáo nhất trong văn học Việt Nam. Sáng tác mà không như sáng tác. Ngày nay, những người xa nhau có nhiều cách liên lạc với nhau : Điện thoại di đông, lên mạng Chát Oline, những người cách xa nhau nửa vòng trái đất cũng có thể liên lạc với nhau như ngồi ngay trước mặt. Nhưng thử tưởng tượng, chỉ vài ba chục năm về trước thôi, phương tiện liên lạc duy nhất với nhau chỉ là thư từ. Những người yêu nhau vì hoàn cảnh chiến đấu, công tác phải xa nhau, muốn trao gửi tình cảm cho nhau chỉ nhờ có lá thư. Lá thư là tình cảm trao gửi, là dồn nén tâm tư, càng xa nhau thì càng nồng nàn, cháy bỏng. Mà trong cuộc đời này, không ai là không trải qua một thời tuổi trẻ say mê, một thời yêu đương nồng thắm. Chính vì vậy, cuộc thi đã thu hút được hàng chục vạn bạn đọc tham gia. Cuộc thi “Thư viết cho người yêu” kéo dài đến 7 năm, qua 7 đợt thi mà bài vở gửi về không lúc nào ngớt. Qua 7 đợt thi, 7 lần trao giải, tòa soạn đã chọn lọc được một số tác phẩm tiêu biểu, in thành hai tập sách “51 bức thư tình hay nhất” và “Sợi tơ trời”,  với lượng phát hành hàng vạn cuốn. Đã có một số nhà xuất bản “ăn theo” rồi ấn hành những tác phẩm như “Thư tình chọn loc”, “100 bức thư tình nổi tiếng” …mà đa phần các bức thư được cóp nhặt từ hai cuốn sách này.
Rồi cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc tuổi thơ. Tuổi thơ là bình minh của một đời người. Cái “ miền thơ ấu” đó qua đi nhưng còn để lại dư vị, để lại những hồi ức đẹp trong mỗi chúng ta. Cuộc thi viết những kỷ nệm sâu sắc tuổi thơ thu hút hàng ngàn người tham gia. Những người đã đi qua tuổi thơ đều có những kỷ niệm hay, kỷ niệm đẹp về lứa tuổi thần tiên đầy trong sáng này.
Một vật hết sức bình thường như đôi đũa ta ăn cơm hàng ngày cũng trở thành nội dung cuộc thi: “ Thơ vịnh đôi đũa”. Trên thế giới có nhiều cách và “ dụng cụ” để đưa cơm và thức ăn vào miệng. Một số nước Nam Á và Đông nam Á ăn cơm bằng tay, tức là dùng tay “ bốc” cơm mà ăn. Các nước Châu Âu ăn bằng dao , bằng dĩa. Còn dân tộc ta và một số nước Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan ăn cơm bằng đũa. Đôi đũa, trong văn hoá đời sống người Việt trở thành một hình tượng văn học. Đũa là phải ngay thẳng “ vợ dại không hại bằng đũa vênh” , đũa trong quan hệ vợ chồng: “ Làm người như đũa có đôi”. Với TGTT, đũa trở thành một đối tượng để ngâm vịnh. Nói về đôi đũa bình thường, nhưng là nói về đời sống văn hóa của con người. Hàng ngày độc giả đã gửi thơ về “ vịnh đôi đũa” rất nhiều. Toà soạn đã tập hợp lại, in thành tập thơ “ Vịnh đôi đũa” phát hành đến 5.000 bản, bán hết veo. Đó chính là TGTT đã biết lấy một vật tầm thường, nâng lên thành hình tượng văn học.
Các cuộc thi khác mà TGTT phát động đều được bạn đọc hưởng ứng nhiệt tình, và đều đạt được kết quả hơn mong đợi. Chính những cuộc thi như thế đã khai thác được tiềm năng vô tận trong mỗi con người. Có nhiều người nhờ tham gia những cuộc thi như thế mà trở thành cộng tác viên của TGTT. Anh Vượng tâm sự: “TGTT đã tự làm nổi mình bằng các cuộc thi, đố vui, thảo luận như vậy mà đi vào lòng bạn đọc một cách nhẹ nhàng. Có người nói TGTT là tờ báo dễ đọc, giản dị, gần gũi, không lên gân, lên cốt, đấy chính là khoa học tâm lý, khoa học đi vào lòng người.”
TGTT còn một mảng quan trọng nữa, đó là đi vào phục vụ đội ngũ giáo viên. Công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông là một công việc thường xuyên và quan trọng. Hàng năm, mỗi giáo viên có 2 tháng học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ. Còn trong 9 tháng giảng dạy vẫn phải không ngừng tự học, tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ bản thân mình. TGTT số chuyên đề, mỗi tháng ra một kỳ, đã thỏa mãn nhu cầu này của đội ngũ giáo viên. TGTT đặt ra những vấn đề cụ thể, chuyên sâu của từng môn học, từng phân môn. Bài viết thường do các giáo sư, các giáo viên dạy giỏi, lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trực tiếp viết về công việc của mình, về kinh nghiệm đứng lớp của mình, nên rất sinh động, rất thiết thực. TGTT đã “biến” các giáo viên thành những nhà báo, viết về công việc hàng ngày của chính họ. Nó chính là diễn đàn để các thầy cô giáo trao đổi, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy cho nhau. Đã có nhiều công trình cho thấy, những giáo viên ham mê học hỏi tìm tòi trong sách báo thì bài giảng hay hơn nhiều, phong phú hơn nhiều so với những giáo viên lười đọc sách báo.TGTT số Chuyên đề với số lượng phát hành hàng chục ngàn bản mỗi kỳ, phổ cập đến các trường phổ thông cấp 1 và 2 trên toàn quốc trở thành tờ báo nghề duy nhất chuyên đi sâu vào chuyên môn nghiệp vụ của người giáo viên đứng lớp, góp thêm một kênh quan trọng trong việc đào tạo bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên phục vụ đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông.
Trải qua hơn 20 năm tồn tại và phát triển, tuy có lúc thăng lúc trầm, cả các số chính trương và phụ trương đều có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước, rồi theo chân người Việt Nam ra nước ngoài, sang cả Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Ca na đa, Đức, Thuỵ Điển, đến tận Li bi xa xôi. Đó là công lao, là dấu ấn của người Tổng biên tập tài năng và tâm huyết bây giờ đang nằm trước mặt tôi đây…
P1080632
Tôi hỏi:
– Anh có điều gì gửi gắm cho bạn đọc TGTT không ?
– Từ trước đến nay, bạn đoc và các cộng tác viên đã nhiệt tình ủng hộ TGTT. TGTT sống được, tồn tại và phát triển được là nhờ sự ủng hộ của các bạn. Điều đó làm tôi rất xúc động. Mong rằng bạn đọc và các cộng tác viên tiếp tục ủng hộ TGTT như trước đây.
– Còn đối với người kế nhiệm ?
– Cho đến lúc này, trước khi bàn giao cho anh Đào Nam Sơn, TGTT có con số phát hành là 2 vạn số /mỗi tháng, kể cả chính trương và phụ trương (tức số chuyên đề) , đứng đầu bảng trong các số tạp chí có cùng khuôn khổ. Mong rằng, anh chị em đoàn kết, cố gắng, phấn đấu để tự khẳng định mình. Tôi biết, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, các loại báo nói, báo hình, báo mạng phát triển như vũ bão, thì báo viết tồn tại được, phát triển được là vô cùng khó khăn.
Nói câu này, anh rơm rớm nước mắt. Tôi biết, anh đang ray rứt , trăn trở lo cho tờ tạp chí “ruột” của mình, lo cho người kế nhiệm và các cộng sự. Trọng trách đang đè nặng trên vai họ. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ…
*
Thấy “quấy rầy” anh đã lâu, gần hai tiếng đồng hồ rồi, anh cũng đã mệt. Nhân có mấy người khách đến thăm , tôi xin phép ra về. Nắm tay anh mà lòng bâng khuâng, mà dâng trào cảm xúc. Biết nói gì với anh. Một lời động viên ư, một lời an ủi ư ? Chỉ là khách sáo, chỉ là giả tạo. Hơn ai hết, anh biết rõ căn bệnh của mình. Tôi ra về mà lòng mang mang xúc cảm. Về nhà, tôi mở máy tính, ngồi một mạch đến 2 giờ sáng để viết vội những dòng này, kịp gửi đến bạn đọc thân thiết của TGTT…
.
Hà Nội, Đêm 10 rạng ngày 11.4.2015
PDK
*
Ảnh :
1. TBT Đinh Khắc Vượng trong giờ giải lao tại Hội thảo về Khoa học tâm lý giáo dục, thời điểm trước khi anh Vượng phát hiện ra căn bệnh quái ác của mình.
2. Chụp ảnh chung với một số đại biểu dự Hội thảo về Khoa học Tâm lý giáo duc ngày 16.12.2011, (Từ phải sang trái: 1. Nguyên TBT Phạm Tất Dong; 2. Nguyên TBT Đinh Khắc Vượng).
(Hai bức ảnh này tôi chụp trong buổi Hội thảo diễn ra tại Hội trường tầng 10, Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngày 16.12.2011)
3. Thủ bút của nguyên TBT Đinh Khắc Vượng.
*
Bài đã đăng trên Tạp chí TGTT số 444, ra Tháng 5.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét