Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

NGÀY RẰM THÁNG 7 VỀ QUÊ TẾ TỔ GIỖ HỌ

NGÀY RẰM THÁNG 7 VỀ QUÊ TẾ TỔ GIỖ HỌ
P1080687

Ngày Rằm tháng 7 ở Miền Bắc là ngày “xá tội vong nhân”, ngày cúng cô hồn. Cúng cô hồn nghĩa  là không cúng một ai  cụ thể. Đó là những kẻ ăn mày ăn xin, chết chợ, chết đường, hằng năm không có ai cúng tế . Trong giáo lý Đạo Phật, ngày Rằm tháng 7 lại là ngày lễ Vu Lan  báo hiếu cha mẹ. Còn ở Miền Trung quê tôi thì lại khác. Ngày Rằm tháng 7 là ngày Tế Tổ giỗ họ, ngày tri ân Tổ tiên, gắn kết nguồn cội. Ngày ấy, dù con cháu làm ăn ở đâu cũng cố thu xếp mà về Tế Tổ.Lệ ấy đã có từ lâu lắm rồi.

Họ Phan của tôi là một Tiểu chi  trong họ Phan Đại tôn xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Theo Gia Phả ghi lại thì cụ Tổ dòng họ  từ làng Phan Xá huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh chuyển cư lên đây từ thế kỷ 17  mà tôi đã đề cập trong một bài viết và đã post lên mạng trước đây, bài “Họ Phan của tôi” (Bấm vào đường Link dưới đây) :
https://phanduykha.wordpress.com/2010/12/13/h%E1%BB%8D-phan-c%E1%BB%A7a-toi/#more-439
Hàng năm, họ Đại tôn tổ chức tế lễ vào ngày Rằm tháng Giêng (nhưng lệ này đã bị bỏ từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nay không khôi phục lại) . Còn các Tiểu chi hàng năm tổ chức tế Tổ  giỗ họ vào ngày Rằm tháng 7, và duy trì cho đến ngày nay, chưa năm nào bỏ. Lễ giỗ họ có ghi cụ thể trong Gia phả ” Để tưởng niệm đến Tổ tiên, nên hàng năm đầu Xuân cả họ Đại Tôn con cháu tập trung tế lễ. Còn bốn chi, theo từng chi một để lệ vào 15 -7 âm lịch hàng năm” .
Năm nay, tôi về quê từ ngày 14 tháng 7 (tức 27.8.2015). Trước đó, ngày 13, điện hỏi Bảo:
– Cháu hay về quê thì đi xe nào tốt nhất?
Bảo trả lời :
– Cậu cứ đi xe Văn Minh là tốt nhất. Xe này đảm bảo mỗi người một giường, dọc đường chạy một mạch, không dừng đón khách . Nhưng cậu phải đi mua vé sớm, chứ không là hết vé đấy.
Thế là đi mua vé xe của Văn Minh ở đại lý 242 Xã Đàn. Giá vé là 220 ngàn, cao hơn các nhà xe khác 20 ngàn đồng.
9h30 sáng ngày 14 xe chạy . Mua vé ăn từ người “Nhà xe”, ngay từ lúc mới lên xe, 50 ngàn /một suất. 12 h trưa, dừng nghỉ  ăn cơm ở Thanh Hóa. Nhà xe canh ty với  Nhà hàng, có hẳn một phòng ăn riêng, bên ngoài phòng ăn có đề tên phòng ăn của nhà xe Văn Minh, chứng tỏ rằng phòng ăn này chỉ chuyên phục vụ cho khách của nhà xe này mà thôi. Phòng ăn  rộng rãi, mát mẻ, 4 bề che bằng kính, có chạy điều hòa, cứ 6 người ghép lại thành một mâm, kể cũng văn minh, lịch sự, sạch sẽ, mát mẻ, chứ không xô bồ như nhà ăn chung.
4 giờ chiều về đến Bãi Vọt. Thống ra đón.
Tối 14, tham gia cúng thỉnh mời các vị tiên tổ về dự lễ. Cúng xong, nhiều  người còn ở lại Nhà thờ , thức suốt đêm, thắp hương, đốt đèn nến, đánh cờ, chơi tu lơ khơ  đến sáng
Sáng ngày Rằm diễn ra lễ cúng chính .
Năm nay, con cháu trong họ về tương đối đông. Có những người ở xa nhất, người từ Thành phố Hồ Chí Minh, người từ Lâm Đồng Đà Lạt cũng về dự. Ngày giỗ họ là một ngày thiêng liêng đối với mỗi thành viên trong dòng tộc , là ngày tri ân Tổ tiên, ngày con cháu tìm về cội nguồn trong niềm vui sum họp. Sau khi lễ tế hoàn tất là thời gian dành cho sinh hoạt dòng họ. Có báo cáo của Ban đại diện về hoạt động của họ trong năm qua, có báo cáo tài chính công khai, có tặng quà cho các cháu học sinh đạt loại giỏi và tiên tiến trong năm . Đến mục bàn bạc, trao đổi ý kiến, tôi có đứng lên phát biểu nguyện vọng của những người ở xa, không phải năm nào cũng bố trí về giỗ họ được, lần người này về  thì người khác lại không về , vì vây,việc ngẫu nhiên gặp nhau là rất khó. Tôi đề nghị cứ năm năm một lần, họ ta tổ chức Đại tế, thông báo cho tất cả con em trong họ, cố gắng thu xếp công việc để về giỗ họ trong những dịp Đại tế đó. Cứ 5 năm một lần, tính từ năm nay là năm 2015, lần sau là năm  2020, 2025, 2030…Cứ đến những dịp đó, con cháu ở xa bất kỳ đâu, kể cả ở nước ngoài cũng cố gắng thu xếp thời gian để về giỗ họ. Nếu làm được như vậy, thì con cháu dù ở đâu cũng có dịp về gặp mặt nhau. Ngày Đại tế sẽ trở thành ngày Đại lễ cho con cháu trở về sum họp.  Đó lại là những năm chẵn kỷ niệm năm sinh của Cụ Tổ  (1780-1821)), vì vậy lại càng có ý nghĩa.
Ý kiến của tôi được tất cả họ đồng tình. Từ nay, những năm thường sẽ  Tế thường, những người ở xa thu xếp về được thì cũng quý, nếu không có điều kiện thì cũng châm chước. Còn đến ngày Đại tế thì cố gắng mà về. Đó là một dịp rất quý, cứ 5 năm mới có một lần để gặp nhau. Mỗi thành viên trong họ có trách nhiệm thông tin cho người thân của mình ở những nơi xa được biết.
Ngay sau khi họp họ xong, nhiều người ở những vùng đất xa nhau ở hai đầu đất nước, đã bắt tay nhau, hẹn 5 năm sau gặp lại, đó là biểu lộ sự đồng tình tuyệt đối.…
Tối ngày Rằm, Thống đèo ra Bãi Vọt. Đến đại lý của nhà xe Văn Minh nhưng đã hết vé. Đành bắt  xe Cẩm Xuyên, 21h30 lên xe,ban đêm, không ai đón dọc đường, nên xe chạy liền một mạch. Ngủ một giấc thì đến Thanh Hóa. Ngủ giấc thứ hai thì đã đến Pháp Vân. Lúc này là 4 h sáng ngay 16.
4h30 về đến nhà. Mở máy tính, đưa ảnh từ máy ảnh KTS vào máy tính. Sau đó,  ngồi viết cho đến sáng để hoàn thành bài viết này.
Quê nhà, Rằm tháng 7, Ất Mùi
Hà Nội 16.7 (tức 29.8.2015)

PDK
*
Sau đây là một số hình ảnh trong ngày giỗ họ
  1. Buổi sáng 15, dậy sớm, đi dạo một vòng quanh làng, chụp cảnh bình minh ở quê hương.
  2. Phụ tế
  3.  Ông Kỳ (tộc trưởng, người mặc áo xanh) đọc Văn tế (2 ảnh)
  4. Cố Sơn, 91 tuổi, người cao tuổi nhất họ, đánh trống tế
  5. Hai ảnh cuối cùng là buổi họp họ
    (Theo thứ tự từ trên xuống, click vào từng ảnh để phóng to) : P1080671P1080677P1080689P1080699P1080676P1080690P1080696

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét