Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

THƠ TỪ QUÊ TA: " NON NƯỚC LAM KIỀU"

THƠ TỪ QUÊ TA : “NON NƯỚC LAM KIỀU”
 P1040211

Đầu Xuân, ông bạn thơ  ở quê gửi ra cho tập thơ “Non nước Lam Kiều” của Câu lạc bộ Văn hóa Lam Kiều. Sách tự in. Lam Kiều là tên xã ngày xưa, thời Kháng chiến chống Pháp. Đến Hòa bình lập lại (1954) thì tách ra thành hai xã là Trường Lộc và Song Lộc. Trường Lộc xưa gọi là làng Trường Lưu, quê hương của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, nhà thơ Nguyễn Huy Tự tác giả Truyện Hoa Tiên. Song Lộc là quê hương của Thám hoa Phan Kính thời Lê và nhà khoa học hạt nhân lừng danh Nguyễn Đình Tứ thời đại chúng ta. Tuy là hai xã khác nhau nhưng có rất nhiều gắn bó, nhất là về mặt văn hóa. Câu lạc bộ văn hóa Lam Kiều thành lập, lấy theo tên xã hồi còn chung nhau, các hội viên là những người yêu thơ văn của cả hai xã, không phân biệt xã nào.

Các cụ, các bác, các anh chị em ở quê làm thơ đa số theo Luật Đường và Lục bát. Sau đây xin trích đăng một số bài , các bạn ở xa quê, nhân ngày Xuân nỗi lòng nhớ quê da diết đọc những bài thơ này có thể vợi đi phần nào nỗi nhớ. Đó là chủ ý của tôi khi đăng bài này.
Phan Duy Kha chọn và giới thiệu
*
ĐỊA CHÍ CAN LỘC
Can Lộc ba hai xã nhớ không
Trà Sơn , Hồng Lĩnh chí Tây,  Đông
Nam Già, Bắc Vọt giang sơn đó
Thịnh, Đại, Tùng, Minh, Kim , Thịnh , Song,
Trường, Phú, Thanh, Yên, Nga, Khánh , Vĩnh,
Tân, An, Bình, Thụ, Hậu , Thiên, Hồng,
Xuân, Quang , Phúc, Thượng, Sơn , Đồng , Tiến,
Nhân, Vượng, Mỹ, Trung một giải thông.
Hồng Sơn
Chú Thích: Can Lộc có 32 xã, Núi Trà Sơn ở phía Tây, Hồng Lĩnh ở phía Đông, Nam là sông Già, Bắc là Bãi Vọt. Từ câu thứ 3 trở đi là tên các xã , chỉ cần lấy các tên này, thêm chữ Lộc vào đằng sau là có tên đầy đủ của xã.
*
NON NƯỚC LAM KIỀU
P1070489
Lam Kiều non nước đất quê ta
Một giải sông Linh tiếp núi Trà
Nghĩa cử bao đời luôn quảng đại
Dân tình muôn thuở sống hài hòa
Trường Lưu văn vật tam khoa bảng
Song Lộc lam sinh Lưỡng Thám hoa
Nhân kiệt địa linh đây có phải
Lam Kiều non  nước đất quê ta.
Hữu Du
*
LAI THẠCH QUÊ TA
P1070476
Đất lành Lai Thạch ấy quê ta
Dư chí Sạc Sơn chiếu Bút, Trà
Chung một tình đời, chung lễ giáo
Mặc hai tập tục vẫn điều hòa
Tổng xưa thờ thánh còn in dấu
Trường cũ luyện người rợp bóng hoa
Dư thiết thiên thành do tạo hóa
Đất lành Lai Thạch ấy quê ta.
Nguyệt Lương.
Chú thích: Lai Thạch là tên xã trước cách mạng , xã Lai Thạch thuộc tổng Lai Thạch là trung tâm của tổng. Sau cách mạng mới đổi tên là Lam Kiều. Sạc Sơn là tên chữ của Núi Cài , ở phía đông của xã, Bút Sơn là Núi Bụt, Trà Sơn là núi Xanh, ở phía Tây.
*
NHỚ TRÀNG LƯU
Nước non ngàn dặm nhớ Tràng Lưu
Nhớ đất văn chương nhớ đủ điều
Thai trúc bút hoa còn nét chữ
Mai đình mộng điệp dệt đường thêu
Sông đào kỷ niệm chia đôi ngả
Bán nguyệt nên thơ gợn sóng chiều
Chung thủy trọn đời vì nghĩa cả
Nước non ngàn dặm nhớ Tràng Lưu.
Nguyễn Đức Niểu.
*
TRƯỜNG LỘC BƯỚC VÀO XUÂN
Trường Lộc vào Xuân sáng mọi miền
Nhân tình hòa quyện với thiên nhiên
Phúc Giang thư viện dòng lưu thủy
Hoa Mỹ đồ thư thắm vạn niên
Lúa đã chen chân chờ nắng mới
Lạc vừa bén rễ đợi mưa liền
Ai qua Trường Lộc dừng chân lại
Ngắm cảnh quê tôi tựa cảnh tiên.
Huy Lâm
Chú thích: Phúc Giang thư viện là thư viện của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, có hàng ngàn cuốn sách.
*
ĐẤT NHÀ
P1070479
Lai Thạch vùng quê thuộc đất ta
Địa dư màu mỡ tận Sơn Trà
Tứ thời bát ngát đều thơ mộng
Bát tiết tưng bừng mọi cỏ hoa
Khoa bảng xứng danh vùng Nghệ Tĩnh
Hoa khôi rạng rỡ chốn Thường Nga
Khôi nguyên phát tiết từ xưa lại
Lừng lẫy non sông với đất nhà.
Trọng Thuận
*
THẮM TÌNH TA
P1070458
Trường Lưu, Song Lộc có đâu xa
Hai xã xưa nay tựa một nhà
Phong cảnh quê tôi giàu điệu  nhạc
Tình người xứ bạn đẹp lời ca
Yêu thơ mưa gió không ngần ngại
Mến bạn bão giông chẳng quản hà
Chúc hội thơ già ngày một trẻ
Song- Trường mãi mãi thắm tình ta.
Xuân Đức
*
CẢNH LÀNG QUÊ
P1070488
Mời bạn yêu thơ đến chốn này
Trăng thanh gió mát thật vui vầy
Câu thơ tức cảnh ngâm không hạn
Chén rượu chung tình uống miễn say
Ngắm cảnh làng quê đang đổi mới
Nhìn đàn con cháu hướng tương lai
Tình quê lai láng hồn thơ cảm
Xướng họa mấy vần gửi lại đây.
Phan Cảnh
*
VẪN NẶNG TÌNH
P1070471
Quê mẹ từ xưa vẫn nặng tình
Với người vì nước đã hi sinh
Nêu cao khí tiết không hàng giặc
Giữ vững đức tin phải hiến mình
Sẻ ngọt chia bùi tròn đạo lý
Đền ơn đáp nghĩa thỏa tâm linh
Vui nhà, vui nước, vui thời đại
Người hãy về chung cảnh thái bình.
Huy Luận
*
LÊN CHÙA HƯƠNG
Bước tới am mây cõi động đào
Mây mù che khuất đỉnh non cao
Chim kêu vượn hót hồn thơ mộng
Suối hát hoa cười dạ xốn xao
Cõi Phật ân tình dây hội ngộ
Non Hồng chứng kiến buổi sơ giao
Du Xuân vãn cảnh lòng thư thái
Gửi lại sư huynh khúc tự trào
Phan Mạnh
*
XUÂN CẢM
(Thuận nghịch độc)
Hoài cảm tứ thơ với nắng xuân
Ngược xuôi thi họa xướng chung vần
Đài hoa hé nở bông xòe cánh
Lộc nõn non xanh bóng rợp sân
Mai điểm nhụy hồng hương lẫn sắc
Trúc lồng trăng tỏa sáng trong ngần
Hài văn nhẹ bước lần sương sớm
Hoài cảm tứ thơ với nắng xuân
Nguyệt Lương
*
MỪNG CÂU LẠC BỘ THƠ LAM KIỀU
Vốn dĩ năm xưa cũng một nhà
Bây giờ bạn lại đến cùng ta
Nghĩa tình ngày trước thêm đằm thắm
Hội nhập năm sau chắc đậm đà
Sự nghiệp văn chương thêm kết trái
Phong trào thể mỹ tiếp đơm hoa
Lam Kiều hai tiếng sao thương mến
Nắm chắc tay nhau tiến bước xa.
Phan Kỳ
*
CHỢ TỔNG
P1070484
Chợ Tổng ngày nay đã khác xưa
Chẳng lo chi nắng ngại chi mưa
Trong đình ngoài chợ người qua lại
Sau trước quán hàng khách bán mua
Dịch vụ thời trang bao nét đẹp
Lưu thông văn hóa quả nên thơ
Môi trường quang cảnh thêm trù phú
Chợ Tổng ngày nay đã khác xưa.
Phan Tuấn Minh
*
TỰ VỊNH TUỔI CAO
Ơn trời tuổi thọ đã dành cho
Chẳng phải mất tiền, chẳng phải lo
Bảy bảy mùa xuân đâu phải dễ
Mấy ngàn lương bổng cũng là to
Không hồn Lý Bạch, không thi tửu
Chẳng rượu Lưu Linh, chẳng rượu vò
Chỉ tiếc tình riêng còn chút bận
Ở đời hoàn mỹ có ai mô.
Nguyễn Mỹ Tài
Chú thích: Cụ Nguyễn Mỹ Tài là thân sinh Nhà khoa học Cố GS Nguyễn Đình Tứ. Bài này cụ làm năm 1997 (sửa lại: 1979), năm ấy cụ 77 tuổi.
*
TÁM CHỤC MÙA XUÂN
(Tặng anh Nguyễn Ngọc Thành (1)
Tám chục mùa xuân đến với anh
Giữa lòng quê mẹ chứa chan tình
Bạn bầu làng xóm đều yêu quý
Con cháu anh em thảy trưởng thành
Theo Đảng cần lao không biết mỏi
Giúp người bệnh tật chẳng cầu danh
Ơn trời tuổi thọ còn chung hưởng
Ngó trước nhìn sau khỏi thẹn mình.
Nguyễn Mỹ Tài
(1): Cụ Nguyễn Ngọc Thành, ở quê thường gọi là cụ Hường Ba, thầy thuốc Đông y có tiếng, là anh ruột cụ Nguyễn Mỹ Tài.
*
HOÀI NIỆM VỀ TRƯỜNG LAM KIỀU
Qua đây lại nhớ trường xưa
Lâu rồi mà ngỡ như vừa hôm qua
Vẫn trường, vẫn lớp, vẫn ta
Vẫn cây phượng vĩ nở hoa đỏ trời
Thầy cô xa cách lâu rồi
Bạn bè cùng lứa mỗi nơi một người
Bao gương mặt bấy nụ cười
Dắt ta tới chỗ tuổi ngời bảy mươi
Nhớ em gái nhỏ xinh tươi
Em là ta cả một thời say mê
Cái thời  khờ khạo vụng về
Bài thơ viết chẳng dám đề tặng nhau
Mắt anh chẳng hiểu vì sao
Giận hờn ngày ấy còn đau đến giờ
Đêm thương nhớ gửi vào thơ
Gió mạng thả giữa vu vơ sân trường.
Nguyễn Xuân Phước.
*
Ảnh trong bài:
1: Trụ sở UBND xã Song Lộc
2: Thắp hương trước phần mộ cụ Nguyễn Tâm Hoằng, Tiến sĩ khai khoa tổng Lai Thạch
3: Di tích đền Voi Mẹp, thế kỷ 18
4: Tọa đàm về cụ Nguyễn Tâm Hoằng tại Trụ sở UBND xã
5: Trụ sở UBND xã Song Lộc
6: Di tích miếu Văn Thánh (tức Nhà Thánh)
Ảnh dưới cùng: Tại nhà thờ cụ Nguyễn Tâm Hoằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét