Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

GẶP MẶT NHÂN DỊP 25 NĂM NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ TÌM HIỂU PHẢ HỌ NGUYỄN CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN THÀNH

GẶP MẶT NHÂN DỊP 25 NĂM NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ TÌM HIỂU PHẢ HỌ NGUYỄN CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN THÀNH
Phan Duy Kha
P1080530
Mùa Xuân thật lắm tơ vương… Ngay trong một buổi  sáng ngày 8.3.2015 (tức 18 tháng Giêng âm lịch)  Duy Kha tôi có đến  3 cuộc “gặp mặt” đầu năm mà cuộc gặp nào với tôi cũng quan trọng cả:
– Gặp mặt Hội đồng hương Song Lộc tại Hà Nội.
– Gặp mặt Hội hưu trí ngành Vật tư Khu vực Hà Nội.
– Gặp mặt nhân dịp 25 năm nghiên cứu Lịch sử và tìm hiểu Phả họ Nguyễn của ông Nguyễn Văn Thành.
Ông Nguyễn Văn Thành là nhà Nghiên cứu lịch sử có nhiều cống hiến. Năm nay ông đã 86 tuổi, cái tuổi Thượng thượng thọ. Tổ chức cuộc gặp mặt hôm nay vừa là mừng thọ, vừa là mừng công , một sự kiện quan trọng đối với ông và con cháu ông. Ông đã lọc cọc đạp xe đạp đến đưa giấy mời cho tôi ngay từ hôm mùng 3 Tết. Vì vậy, tôi đành nuối tiếc mà gác lại hai cuộc gặp mặt trên để tham gia cuộc gặp mặt thứ 3, tổ chức tại Khách sạn EASTIN EASY, số 27, Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Những ngày đầu năm, Hà Nội trời đầy mây, mưa phùn rả rích, độ ẩm  trên  90%, ướt át cả tuần lễ, có việc phải ra đường, rất ái ngại. Thậm chí có bài báo còn giật một cái tít rất giật gân: “Người Hà Nội phát điên vì mưa phùn kéo dài nhiều ngày, độ ẩm tới gần 100%” . Bài báo viết: “Đường sá lầy lội, bẩn thỉu, nền nhà thì nồm, quần áo phơi cả tuần vẫn ẩm và hôi rình, đồ điện tử “chập mạch”…là những điều ám ảnh người dân Hà Nội suốt những ngày mưa phùn kéo dài”, (theo kenh14.vn) . Mà có lẽ còn kéo dài hàng tuần lễ nữa ! Rằm tháng Giêng vừa rồi, Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu, tôi đã phải bỏ không đi. Đó là tình hình thời tiết bất tiện trong những ngày này.
Có lẽ cũng vì lý do trên mà hôm nay, số người tham dự Tọa đàm không nhiều. Tuy nhiên, những nhân vật chủ chốt, những cây đa, cây đề trong giới Sử học mà ông Thành mời, tôi đều thấy có mặt gần như đầy đủ. Đó là các nhà nghiên cứu, các Giáo sư  cao niên: GS Phan Văn Các, GS Chương Thâu, TS Đinh Công Vĩ, TS Nguyễn Cát Điền, các nhà nghiên cứu, cùng  bạn bè, con cháu ông Nguyễn Văn Thành.
Buổi gặp mặt bắt đầu vào lúc 8 giờ. Từ 8h00 đến 8h30 là các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do Đội văn nghệ của CLB Di sản thơ văn truyền thống & Hán Nôm trình diễn.
Đọc tham luận tại buổi tọa đàm có:
– GS Phan Văn Các với bài: Ông Nguyễn Văn Thành, một người say mê nghiên cứu Lịch sử
– GS Nguyễn Đình Chú (Vắng, ủy nhiệm TS Đinh Công Vĩ đọc thay): Có một nhà khoa học bình dân như thế.
– GS Chương Thâu: Tại cuộc họp Mừng công, mừng thọ bác Nguyễn Văn Thành.
– TS Nguyễn Cát Điền: KS Nguyễn Văn Thành trên con đường cội nguồn – dòng họ.
– Lý Văn Thăng: Nhà phả học Nguyễn Văn Thành với tác phẩm Sự tích Chử Đồng Tử
– Phan Duy Kha: Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành như tôi biết (có đăng kèm dưới đây).
– Dương Đình Nhàn: Cụ Nguyễn Văn Thành – Một con người của công việc.
– Nguyễn Hải Trừng: Những cuốn sách bổ ích về cội nguồn.
….
Các bản tham luận đã nêu bật lên được những đóng góp quý báu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành đối với việc nghiên cứu Lịch sử Việt Nam và đặc biệt là đối với việc tìm hiểu về Phả họ Nguyễn.
Sau đây là toàn văn bài Tham luận của Phan Duy Kha viết vào tháng 5.2014 đọc tại buổi Gặp mặt.
*
NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VĂN THÀNH NHƯ TÔI BIẾT
Phan Duy Kha
P1080536
.
Tôi vốn là kỹ sư Trắc địa- Bản đồ nhưng đam mê Lịch sử. Vào những năm 2000-2003, tôi cùng TS Đinh Công Vĩ và TS Lã Duy Lan gom góp các bài vở từng in trên các báo chí, của 3 người, in chung một cuốn sách nhan đề “Nhìn lại lịch sử” (Nxb Văn hóa – Thông tin, 2003). Từ quen biết TS Đinh Công Vĩ mà tôi quen biết Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành. Bác Nguyễn Văn Thành vốn là một kỹ sư hóa chất. Cũng như tôi, nghiên cứu lịch sử đối với ông chỉ là nghề “tay ngang” sau khi đã về hưu. Là nghề “tay ngang”, chúng tôi không được học tập , nghiên cứu một cách bài bản. Không được trang bị một “kiến thức nền” thật chắc chắn. Bù lại, chúng tôi có lòng đam mê sâu sắc với lịch sử.
Từ ngày quen biết, mỗi lần in được cuốn sách nào tôi lại mang đến tặng ông. Ngược lại, những tác phẩm mới của ông, kể cả những cuốn sách nhiều tác giả mà trong đó có đăng bài của ông, ông đều đem tặng tôi. Vừa để mừng cho nhau, vừa cũng là sẻ chia , cung cấp tư liệu cho nhau. Từ những cuốn sách, những bài viết của ông đã bổ sung cho tôi nhiều tư liệu lịch sử, nhiều chi tiết thú vị. Với vốn hiểu biết về Hán- Nôm, khi nghiên cứu di tích lịch sử nào ông đều đến tận nơi xem xét, đọc văn bia, thần tích, thần phả, bổ sung nhiều chi tiết thú vị. Xin lấy một vài thí dụ cụ thể.
Là người Việt Nam, chúng ta ai cũng biết truyền thuyết Chử Đồng Tử- Tiên Dung. Nhưng có lẽ ít ai để ý rằng, tại sao quê Chử Đồng Tử ở bên kia sông Hồng mà bãi Tự Nhiên, nơi hai người gặp nhau lại ở bên này sông Hồng? Là người nghiên cứu, bỏ công tìm hiểu nhiều về thời đại Hùng Vương, thế nhưng tôi vẫn thắc mắc, không lý giải được, là: Tại sao quê hương Chử Đồng Tử là làng Chử Xá, bên kia bờ sông Hồng (Tả ngạn). Thế mà bãi Tự Nhiên, nơi Tiên Dung quây màn tắm rồi tình cờ gặp Chử Đồng Tử vùi mình trong cát, lại ở bên này sông Hồng (Hữu ngạn). Chả lẽ Chử Đồng Tử lại bơi vượt sồng Hồng để gặp Tiên Dung? Thì đây, để trả lời câu hỏi này, tác phẩm “Sự tích Chử Đồng Tử” của Nguyễn Văn Thành (Nxb VH- TT, 2003) đã trả lời thấu đáo. Trước kia, bãi Tự Nhiên ở bên kia sông Hồng, thuộc huyện Khoái Châu. Việc bãi Tự Nhiên nhập vào Hữu ngạn là do sự đổi dòng của sông Hồng, mà sự việc ấy xẩy ra cách đây cũng chưa lâu : “Vì dòng sông thường xuyên đổi dòng nên nhiều cánh bãi xưa kia dính liền với đất Khoái Châu thì nay lại dính liền với đất Thường Tín. Bãi Tự Nhiên là một ví dụ điển hình nhất. Vào cuối Lê đầu Nguyễn, bãi Tự Nhiên là đất của tổng Vĩnh Hưng, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam Thượng. Điều này đã được ghi rõ trong sách “Các Trấn, Tổng, Xã danh bị lãm” là sách viết đầu thế kỷ 19. Ngay trong đền Thượng của xã Tự Nhiên còn lưu nhiều bia công đức thời Lê. Các bia này đều nói bãi Tự Nhiên thuộc huyện Đông An, phủ Khoái Châu” (trang 12, sđd). Như vậy là, trước thời Nguyễn, bãi Tự Nhiên vẫn còn nối liền với đất Khoái Châu. Dòng sông đổi dòng, bãi Tự Nhiên liền mạch với phủ Thường Tín như ngày nay mới bắt đầu từ thời Nguyễn. Tôi đã về tham quan thực địa bãi Tự Nhiên và thấy dấu vết dòng chảy xưa kia ngay gần sát bờ đê phía Thường Tín, minh chứng cho điều đó.
Hay như sự tích về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên ghi về ông rất sơ lược : “Theo sách Giao Châu ký thì Vương họ Phùng tên Hưng. Đời đời cha truyền con nối làm tù trưởng Biên khố ở châu Đường Lâm, gọi là Quan Lang, gia tư giàu có, sức rất là khỏe mạnh, có thể bắt hổ, vật trâu. Em là Hãi cũng có sức khỏe, có thể vác mười nghìn cân đá hoặc chiếc thuyền nhỏ nặng một nghìn hộc đi hơn 10 dặm. Những dân Di, Lạo đều sợ tiếng tăm” (Trích truyện Bố Cái đại vương, trong Việt điện u linh). Đại Việt sử ký toàn thư ghi còn sơ lược hơn: “Tân Mùi (791), mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú , có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ.Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766- 780) đời Đường Đại Tông có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh , Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn , đem quân vây phủ . Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị , chưa được bao lâu thì chết. Con là An tôn xưng làm Bố Cái đại vương” (Trích ĐVSKTT).P1080554

Tuy nhiên, khi đọc Thần tích đình Thịnh Hào , bản dịch của Nguyễn Văn Thành (Nxb Văn hóa- Thông tin, 2013) thì ta mới thấy, nguồn gốc, thân thế của Phùng Hưng được đề cập chi tiết hơn nhiều. Tổ tiên 7 đời của Phùng Hưng là Phùng Trí Cái đã từng vào triều cận vua Đường Cao Tông (618-626) từ năm Vũ Đức. Trí Cái sinh Gia Cát. Gia Cát sinh Dương Năng. Dương Năng sinh Kiệu Năng. Kiệu Năng sinh Kiến Khởi. Kiến Khởi sinh Hạp Khanh. Phùng Hạp Khanh chính là thân sinh của Phùng Hưng. Đặc biệt, Thần tích còn cho ta biết, Phùng Hạp Khanh đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan vào năm 722. Qua đây ta lại thấy sự liên quan thú vị giữa Mai Hắc Đế và Phùng Hưng.
Về chiến công của Phùng Hưng, các tài liệu sử sách của ta ghi rất sơ sài. Việt điện u linh ghi: Khi đó quan đô hộ là Cao Chính Bình đem quân dưới trướng đến đánh họ Phùng không nổi, tức giận thành bệnh mà chết.Phùng Hưng vào phủ Đô hộ coi việc được 7 năm thì mất. Đại Việt sử ký toàn thư thì ghi: Phùng Hưng dấy binh vây phủ (tức phủ Đô hộ) Chính Bình lo sợ mà chết. Tuy nhiên, Thần tích đình Thịnh Hào lại ghi rất chi tiết: “Vương (tức Phùng Hưng) thống lĩnh đại binh một vạn người, chỉ huy Chử Viêm, Bốc Chiêm, Điền Phương, Đoàn Viêm…gồm 28 tướng tiến thẳng về châu trừng phạt. Chính Bình cũng chỉ huy hơn 4 vạn tướng sĩ dưới trướng giằng co với quân của Vương, đại chiến suốt bảy ngày , thúc trống trông sang nhau. Sĩ tốt của Đường chết không đếm xuể, thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông. Nước 2 sông Nhĩ Hà, Lô Giang vì vậy mà biến thành màu đỏ. Chính Bình thấy quân ta thế mạnh, không dám đánh, rút vào thành cố thủ. Vương bèn chia quân làm 8 mặt , họp các chư tướng lại, hợp binh vây chúng. Chính Bình lo lắng uất ức, thành bệnh mà chết. Rõ ràng là Thần tích đình Thịnh Hào ghi chi tiết hơn nhiều.
Nhưng có lẽ cồng hiến của Nguyễn Văn Thành, theo tôi, có ý nghĩa nhất là 6 tập “Cội nguồn” :
– Cội nguồn 1- in năm 1996
– Cội nguồn 2- 1997
– Cội nguồn 3- 1999
– Cội nguồn 4- 2001
– Cội nguồn 5- 2002
– Cội nguồn 6- 2004
Đây là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả về dòng họ do Nguyễn Văn Thành và Đinh Công Vĩ đồng chủ biên, giới thiệu về Danh nhân và gốc tích các dòng họ Việt Nam. Để ra được những tập sách này, chính ông, Nguyễn Văn Thành đã tập hợp các tư liệu bài viết của nhiều tác giả, rồi cũng chính ông xuất tiền ra in, và tự phát hành. Ông thường nói đùa với tôi: “Mình tự bỏ tiền ra in ấn, phát hành, tiêu thụ được hết, không lỗ là may rồi”. Cũng có nhiều người ủng hộ ông. Có những dòng họ, khi bài giới thiệu về dòng họ mình đươc in trên “Cội nguồn” đã lấy một lúc vài ba trăm cuốn về phát cho con em trong họ, hoặc đặt trên các bàn thờ, coi như tư liệu quý truyền đời của dòng họ mình.
Xin lấy thí dụ một số bài viết ngay trong tập “Cội nguồn” 6, có nhiều bài viết cung cấp cho bạn đọc rất nhiều tư liệu phong phú về các dòng họ : Bình Ngô khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn và họ Nguyễn Gia Diên (của Nguyễn Văn Thành); Tùng Ảnh – Một địa chỉ văn hóa (của GS Phan Văn Các); Về gia phả họ Phan của Hoàng giáp Phan Chính Nghị (của Phan Duy Kha); Gia phong xứ Nghệ được thể hiện từ một số cự tộc ở huyện Can Lộc (của GS Chương Thâu); Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ và dòng họ từ vùng quê Tân Lễ (của TS Đinh Công Vĩ) v.v…
Đóng góp của Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành còn một mảng quan trọng nữa: Đó là tham gia viết bài cho các cuộc Hội thảo khoa học. Ông tham gia nhiều cuộc Hội thảo:
P1080556

– Hội thảo về dòng họ với truyền thống văn hóa dân tộc
– Hội thảo về dòng họ Bình Ngô khai quốc công thần Lê Sao
– Hội thảo về Định Quốc công Nguyễn Bặc và vai trò lịch sử của ông
– Hội thảo về Trạng nguyên Lê Ích Mộc và quần thể di tích cảnh quan du lịch xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên, Hải Phòng
– Hội thảo về Họ Tô và Phòng tuyến sông Cầu.
– Hội thảo về Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn
– Hội thảo về Thượng tướng Đại vương Lê Trung Giang ở Hoằng Ngọc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
– Hội thảo về Đặng Huy Trứ và họ Đặng tại Thừa Thiên- Huế  v.v…
Hội thảo về danh nhân nào, địa phương nào ông đều đều về tận nơi, xem xét, đọc văn bia, thần tích, thần phả, gia phả, hoành phi, câu đối… và có những tìm tòi, phát hiện mới.
Ở tuổi 86 nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành vẫn khỏe mạnh. Ông vẫn thường tham gia điền dã cùng TS Đinh Công Vĩ về các làng quê, đọc gia phả của các dòng họ, đọc văn bia, thần phả, thần tích của các đình, đền, miếu để tìm tòi, phát hiện nhiều tư liệu quý cho sử học nước nhà. Hàng ngày, ông vẫn thường đến bể bơi Ba Đình (ông có thẻ sinh hoạt CLB Ba Đình) để bơi lội, một môn thể thao mà ông rất thích. Và cũng là để rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ cho công việc nghiên cứu.
Chúc ông có nhiều thành tựu mới và chờ đọc tác phẩm mới của ông.
Hà Nội, những ngày tháng 5 .2014
PDK
Ảnh trong bài: 1. Ông Nguyễn Văn Thành (phải) và tác giả bài viết tại buổi gặp mặt.
2. Các bản tham luận đã được con cháu ông Nguyễn Văn Thành cẩn thận tập hợp đóng thành sách đặt trước mặt mỗi vị khách mời.
3. Tranh thủ buổi gặp mặt, tác giả Nguyễn Khoa Linh (tức Cát Điền)  tặng tập thơ Nghiệm 7 , thơ hai câu (Nxb Hội nhà văn, 2014)
*
Dưới đây là những hình ảnh ghi tại buổi gặp mặt, thứ tự từ trên xuống:
– Tiết mục văn nghệ chào mừng của Đội văn nghệ  CLB Di sản TVTT và Hán Nôm biểu diễn trước giờ khai mạc.
– Chủ tịch đoàn
– Thư ký đoàn
– GS Chương Thâu đọc tham luận
– CLB Di sản thơ văn Truyền thống và Hán Nôm tặng hoa ông Nguyễn Văn Thành.
– Con trai ông Nguyễn Văn Thành, đại diện gia đình,  phát biểu  cảm ơn
– Chụp ảnh lưu niệm với các nhà nghiên cứu tham gia Tọa đàm.P1080517P1080530P1080525P1080532P1080545P1080547P1080553













































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét