Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

HAI BÀI THƠ VỀ SỰ KIỆN ĐỂ MẤT HOÀNG SA VÀ GẠC MA


Hai bài thơ về sự kiện để mất Hoàng Sa (1974) 
                                           và Gạc Ma (1988), 
Đất đai Tổ quốc mất dần trước mắt chúng ta,
Đọc để căm thù, 
                           để xót xa, 
                                             chia sẻ !
*
SẼ CÓ NGÀY LẤY LẠI HOÀNG SA
                                Phan Duy Kha
(Tưởng nhớ 74 Liệt sĩ hi sinh trong trận
 Hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974)
 .
Người ta gọi các anh là “quân ngụy”
Bởi các anh là lính Việt Nam Cộng Hòa
Nhưng tôi gọi các anh là Liệt sĩ
Bởi các anh ngã xuống vì Hoàng Sa

Bọn giặc dữ mang dã tâm cướp đảo
Chúng hung hăng dùng chiến thuật “biển người”
Tàu chiến, máy bay…rung trời đạn nổ
Duy Mộng, Quang Hòa, Hữu Nhật (1)… Hỡi ôi !

Tổ quốc ghi tên các anh:
                  Nguyễn Thành Trí, Ngụy Văn Thà,
Lễ,Nghĩa, Hùng,Cường, Quý,Danh, Đức,Dũng (2)…
Bảy mươi tư anh hùng xả thân nơi đầu súng
Máu  thịt các anh hòa sóng biển bao la.

Bốn mươi năm rồi, trái tim ta ứa máu
Giặc ngang nhiên cướp biển đảo ông cha
Bốn mươi năm rồi, lòng ta luôn nung nấu:
Sẽ có một ngày lấy lại Hoàng Sa !

PDK
Hà Nội, 14.1.2014
.
Chú thích:
(1): Tên một số hòn đảo bị giặc chiếm trong trận hải chiến ngày 19.1.1974
(2): Tên một số Liệt sĩ hi sinh trong trận hải chiến này. 
*

KỂ TỪ ĐÓ CHÚNG TA MẤT GẠC MA
                                       Phan Duy Kha
Kỷ niệm ngày mất  đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa), Tưởng nhớ 64 Liệt sĩ hi sinh ở  Gạc Ma
.
images 

Trong lịch sử đông tây kim cổ
Có một trận đánh lạ kỳ
Một bên tay không, ôm  cờ giữ đảo,
Một bên xông tới, đạn tóe đỏ nòng!

.
Có trận đánh nào như thế này không :
Một bên bắn, bên không được bắn,
Chỉ biết cắn răng, giơ ngực chịu đòn,
Lấy hàng rào thịt da mà chống đạn bom! (1) .
Lệnh truyền :
- “Phải quyết tâm giữ đảo
Nhưng vì tình hữu nghị anh em
Không được bắn
Dù giá nào cũng không được bắn !”
Và các chiến sĩ ta
                         ngực trần
                                       hứng đạn…
Các anh chết như Từ Hải chết đứng
Máu trào lồng ngực, nhuộm đỏ Gạc Ma!
.
Hôm ấy nhằm ngày 14 tháng Ba (2)
Kể từ đó chúng ta mất Gạc Ma !
PDK
Hà Nội ngày 20-1-2014
.

Chú thích: (1): Các chiến sĩ ta đứng thành một vòng tròn làm hàng rào bảo vệ người cầm cờ đứng giữa, sau này báo chí gọi là Vòng tròn bất tử. Thực ra, phải gọi cho chính xác, đây là một cuộc thảm sát, thằng giặc thảm sát các chiến sĩ ta, chứ không phải là một trận đánh.
 (2) : Đảo Gạc Ma là một đảo đá ngầm nằm trong cụm đảo Cô Lin, Len Đao thuộc Quần đảo Trường Sa. Kể từ  năm 1988  trở về trước, Trung Quốc không chiếm được một hòn đảo nào trong Quần đảo Trường Sa (Chỉ có đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm từ trước). Ngày 14-3-1988, Trung Quốc xua quân đánh chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta. Và trận đánh đã diễn ra như trên.

Ảnh trên: Tranh minh họa trận Hải chiến Gạc Ma, 1988 (Được treo tại Phòng truyền thống Vùng 4 Hải quân)
*
Phụ chép: Diễn biến trận đánh chiếm đảo Gạc Ma của Hải quân Trung Quốc:
6h30 ngày 14/3, tàu Trung Quốc thả xuồng máy chuyển từng tốp lính lên Gạc Ma. “Tôi đếm có 49 lính Trung Quốc mang AK và một tên chỉ huy dáng người cao to mang súng ngắn. Chúng bao vây theo thế vòng cung men theo bãi san hô, những chỗ vòng vây gần nhất, hai bên cách nhau chỉ chừng một mét. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc”, trung sĩ Lê Hữu Thảo nhớ lại.
Sau một hồi giằng cờ và uy hiếp tinh thần, tên sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi chĩa thẳng vào bụng trung úy Phương, bóp cò. Anh Phương ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ tổ quốc. Một tên khác xông lên chĩa thẳng súng vào đầu trung úy Phương nhả đạn.
3 tàu chiến Trung Quốc tăng tốc áp sát đảo, cách tàu HQ 604 chừng 300 mét. Giữa vòng vây quân thù, binh nhất Nguyễn Văn Lanh vừa đỡ lá cờ trên tay trung úy Phương vừa đá văng khẩu súng trên tay tên sĩ quan Trung Quốc. Một tên lính gần đó đâm lưỡi lê vào binh nhất Lanh. Anh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ. Liền sau đó, tiếng đạn nổ chát chúa, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo (Theo Vnexpress.net )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét