Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

KÝ ỨC TUỔI THƠ

 

1.LÀNG PHÚC LỘC QUÊ TÔI

Gọi là làng cũng được mà gọi là thôn cũng được. Bởi vì có thời kỳ gọi là làng, nhưng có thời kỳ lại gọi là thôn. Làng Phúc Lộc là một trong 6 làng của xã Lai Thạch xưa. Sáu làng đó là: Phúc Lộc, Yên Thọ,Vĩnh Gia, Nguyễn Xá, Trường Lưu, Đông Tây. Sau cách mạng tháng 8/1945, xã Lai Thạch được đổi tên thành xã Lam Kiều, bí danh của một nhà cách mạng hi sinh thời kỳ 1930-1931. Khỏang thời gian từ 1949-1953 xã Lam Kiều lại sáp nhập với xã Liên Nga (bao gồm Thượng Hà, Thường Nga, Thông Lưu) thành xã Trà Linh. Đến năm 1953, xã Trà Linh lại tách thành 4 xã Song Lộc , Trường Lộc, Nga Lộc , Phú Lộc. Các làng Phúc Lộc, Yên Thọ, Vĩnh Gia, và một nửa Nguyễn  Xá thành Song Lộc. Một nửa Nguyễn Xá và Trường Lưu thành Trường Lộc. Đông Tây tách riêng thành Phú Lộc. Thượng Hà, Thường Nga, Thông Lưu thành Nga Lộc. Cơ cấu này tồn tại cho đến năm 2019 thì lại thay đổi. Kim Lộc, Song Lộc, Trường Lộc sáp nhạp lại thành xã Kim Song Trường. Kim Lộc trước cách mạng gọi là xã Nguyệt Ao gồm các làng Yên Tràng, Phúc Hội, Mật Thiết, Nguyễn Xá cùng trong một tổng Lai Thạch. Nói về việc tách nhập địa lý hành chính thì phức tạp lắm, đây chỉ nêu lên những nét đại thể thôi. Như vậy trong phạm vi xã Song Lộc tồn tại thừ năm 1953 cho đến năm 2019  có 4 làng chủ yếu: Vĩnh Gia, Phúc Lộc, Yên Thọ và Nguyễn Xá.

Vĩnh Gia có thời kỳ gọi là Vĩnh Long, Phúc Lộc gọi là Sào Nam, Yên Thọ gọi là Tam Đồng, Nguyễn Xá gọi là Tam Đình. Còn làng Cồn Cải là một làng nhỏ có lẽ mới thành lập sau này nên không thấy được nhắc đến (hay Cồn Cải là một xóm thuộc làng Yên Thọ?). Từ năm 1953 theo hệ thống hành chính, để tiện cho việc quản lý, các làng lại được chia thành nhiều xóm nhỏ. Vĩnh Gia chia thành 4 xóm 1, 2, 3, 4. Phúc Lộc chia thành 4 xóm 7, 8, 9, 10. Yên Thọ là xóm 5, Cồn Cải là xóm 6. Nguyễn Xá thành 3 xóm 11, 12, 13. Mặc dù giữa chừng có những thay đổi nhỏ, nhưng các đơn vị xóm này được dùng nhiều nhất, quen thuộc nhất và lâu dài nhất. Từ năm 2014 các xóm này lại được giải thể để thành lập đơn vị thôn. Thôn tương đương như làng ngày xưa (trước cách mạng) và cũng dùng lại các tên ngày xưa, có thay đổi chút ít. Đó là các xóm 1, 2,  thành thôn Vĩnh Gia, các xóm 3, 4 thành làng Đông Vĩnh, các xóm 7, 8, 9 thành thôn Phúc Lộc, các xóm 5, 6, 10 thành thôn Phúc Yên, các xóm 11, 12, 13 thành thôn Nguyễn Xá. Đó là các đơn vị hành chính cấp thôn thuộc xa Song Lộc. Ở đây chỉ đề cập đến làng Phúc Lộc xưa, gồm các xóm 7, 8, 9, 10. (thôn Phúc Lộc mới không có xóm 10)

Cũng như các làng khác, làng Phúc Lộc cũng có đền.Đó là đền Trưa Làng. Phần lớn đền của các làng thường được xây dựng ở trung tâm làng để tiện cho việc thờ cúng và các sinh hoạt tâm linh. Nó là trung tâm văn hóa của một làng. Nhưng riêng đền Phúc Lộc lại được xây dựng tại đồng Trưa Làng, một cánh đồng nằm ở cực bắc của làng, sát với phạm vi giới hạn đất đai của làng Mật Thiết, cách xa trung tâm của làng. Thuở bé, Kha tôi có đem thắc mắc này hỏi các bậc cao niên, thì được các cụ cho biết: Đồng Trưa Làng trướcđây là nơi sinh sống của làng Giáo Phường, cũng thuộc tổng Lai Thạch. Cái tên Giáo Phường cũng nói rằng làng này trước đây sinh sống bằng nghề hát xướng, ca  kỹ. Không hiểu vì lý do gì mà sau này dân làng bỏ đi hết, để lại một khu đất cao hơn xung quanh, người ta thường dùng để gieo mạ, trồng khoai nên gọi là đồng trưa làng. Cánh đồng đó dân làng Phúc Lộc giành được.Để khẳng định chủ quyền lâu dài của mình, không ai có thể xâm phạm tranh chấp được làng mới dựng đền ở nơi đây.Vì vậy, vị trí của đền hoàn toàn không thích hợp cho các cụ già và em nhỏ khi đi tế lễ ở đền, nhất là những ngày mưa gió. Có lẽ vì lý do này mà đền không được tu sửa gì nên hoang phế dần. Mặt khác, từ khi ta giành được chính quyền, đền chùa được coi là tàn dư của chế độ phong kiến, là thành trì của mê tín dị đoan, vì vậy không có lý do gì để tồn tại. Đền bị hủy hoại dần. Cho đến năm 1953 thì không còn tồn tại nữa (đền Cồn Trạng cũng bị phá trong thời gian này. Từ năm 1954, Kha tôi đi chăn trâu ở đồng Trưa Làng chỉ nhìn thấy một nền cao khoảng 70-80 phân và một gò đất còn dấu vết tường lở lói, người ta bảo đấy là cổng đền. Xem cái nền và hướng cổng đền thì thấy, cổng đền hướng về phương Nam, nhìn  về hướng xóm 10! Còn khi cày cuốc gieo trồng trên đất đồng Trưa Làng thì gặp rất nhiều mảnh vỡ bát đĩa, trông còn rất đẹp.

Như vậy là bốn làng có bốn đền thờ. Làng Vĩnh Gia là đền Voi Mẹp, làng Yên Thọ là đền Cồn Trạng, làng Phúc Lộc là đền Trưa Làng, còn đên làng Nguyễn Xá ở xóm Quỳnh Côi.  Xem sắc phong các vị thần được thờ trong cá đền thì thấy cũng gần giống nhau. Các vị thần được thờ là  Cao Sơn thượng đẳng thần (thần núi), Song Đồng Ngọc nữ tôn thần (thiên thần, đạo giáo gọi là Tiên đồng, Ngọc nữ). Mỗi đền thờ có thờ một vị nhân thần khác nhau. Đền Voi Mẹp thờ Đình nguyên Thám Hoa Phan Kính. Đền Phúc Lộc thờ  Thượng tướng quân Mai Quận công, đền Nguyễn Xá thờ vị Thái bảo Mai Quận công họ Trần. Trong 3 vị nhân thần này , ngoài Thám hoa Phan Kính có hành tích rõ ràng thì 2 vị quận công họ Mai, họ Trần tôi chưa tìm ra một chi tiết nào về cuộc đời của các vị cả. Riêng đền Yên Thọ không thấy thờ vị nhân thần nào. Trong 4 ngôi đền trên thì đền Voi Mẹp tồn tại lâu dài nhất. Cho đến những năm 1960 thời kỳ Hợp tác hóa nông nghiệp mới bị phá. Và cũng đền này sau đó được trùng tu và trở thành Di tích lịch sử Quốc gia. Còn lại 3 ngôi đền kia đều bị phá từ trước năm 1953 và có lẽ không bao giờ được khôi phục lại.

Trở lại đền Phúc Lộc. Đền thờ các vị Cao Sơn tôn thần, Song Đồng Ngọc Nữ thượng đẳng thần và Thượng tướng quân Mai Quận công. Xem sắc phong cho các vị thần thì cũng mới gần đây thôi.Đó là các sắc phong vào các năm: Năm thứ 6 niên hiệu Thành Thái (1894) ; năm thứ 10 Thành Thái (1898); năm thứ 3 Duy Tân (1908); năm thứ 9 Khải Định (1924). Như vậy đền mới được xây dựng vào đời Nguyễn mà thôi. Đền Cồn Trạng cũng thế.

Về các danh nhân thôn Phúc Lộc có các vị :

Thám hoa Phan Kính. Trong tất cả các tài liệu đều ghi ông là người thôn Vĩnh Gia. Đền thờ và lăng mộ ông cũng ở thôn Vĩnh Gia. Tuy nhiên, ông sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở thôn Phúc Lộc. Nhà thờ ông ở thôn Phúc Lộc. Trong văn bia hiện còn ở nhà thờ có ghi : Cha mẹ ông chuyển cư về vùng bình địa Nhà Láng rồi sinh ông ở đây. Khi ông thi đỗ thì triều đình đã cắt đất ở đây để ông lập dinh cơ và từ đó hình thành Xóm Dinh (tức xóm 9 ngày nay)

Phan Thúy, Phan Hợp em ruột Phan Kính, hai ông đỗ Hương Cống năm 1750

Phan Chu con trai Phan Kính, đỗ Hương Cống năm 1759.

Thời Nguyễn có ông Phan Dũ, tự là Bá Đôn (tên thường gọi là Cố Hàn). Ông được phong Hàn Lâm viện đãi chế do có công soạn sách dâng vua, nhưng nay không còn tìm lại được.

Về võ có các ông Nguyễn Hữu Thông thuộc dòng họ Nguyễn Huy. Ông giữ chức Phó thiên hộ ở đội Ưu binh. Năm Nhâm Dần (1782)có công phò giúp vua được phong Trì uy tướng quân Thủ ngự, Tổng tri ty Phi kỵ úy kiêm Tổng tri, Trung chế (sắc phong năm 1783). Nhà thờ ông ở xóm 10,đã được cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Phan Thế Dị ở đội Ưu binh cơ Tiền Ninh có công giúp rập được ban chức Bá hộ, đội trưởng, được phong là Phấn Lực tướng quân hiệu lệnh ty Tráng sĩ (sắc phong năm 1783,cùng năm với nguyễn Hữu Thông).

Ông Phan Thưởng: Được phong vào năm Quang Trung năm thứ 5 (1792). Đây là sắc phong đặc biệt hiếm hoi thời vua Quang Trung. Ông theo hầu (vua) ít ngày nhưng có công lao, đặc ban chức Vũ úy, tước nam, được phong Tráng tiết tướng quân Hoài thưởng tài nam. Có thể ông là người đã theo vua Quang Trung  ra Bắc diệt quân Thanh vào năm 1789. Phan Thế Dị và Phan Thưởng thuộc họ Phan, chi Ất, nhà thờ nay ở xóm 7, Phúc Lộc.

 

 

2. NHỜ ĐẶT TÊN CHO CON

Tôi sinh tại làng quê Phúc Lộc, ngày 15/1/1945. Đây là năm sinh chính xác do mẹ tôi kể lại. Tại sao mẹ lại nhớ được ngày này? Chả là ngày ấy, gia đình tôi vừa dựng xong một căn nhà gỗ lim  ba gian, đây là căn nhà thứ 2 của gia đình tôi. Kíp thợ làm xong , phải có tý thịt cá đưa cay để mừng hoàn công,  mẹ tôi đã phải đi chợ Tổng để mua sắm các loại thực phẩm. Đó là phiên chợ đầu tháng Chạp  (ngày 2 tháng Chạp)  Giáp Thân,  1 tháng  nữa thì Tết Ất Dậu. Tối hôm đó thì mẹ sinh ra tôi. Mở Lịch Thế kỷ ra tra thì ngày 2 tháng Chạp ứng với ngày 15/1/1945 dương lịch.

Để đặt tên cho tôi, cha tôi đã sắm một be rượu, một cơi trầu  đến nhà ông Tổng  Thuyên ở Xóm Dinh để nhờ ông đặt tên cho. Ở quê tôi có 2 người được gọi là Tổng trước tên riêng. Đó là ông Tổng Mại ở Nguyễn Xá và ông Tổng Thuyên ở xóm Dinh (sau năm 1953 gọi là xóm 9) . Sở dĩ gọi là ông Tổng Mại vì ông làm chánh tổng.Nhà ông rất giàu, vườn rất rộng, tre pheo tốt bạt ngàn,ken dày kín mít.Trên ngọn tre cò vạc làm tổ, chiều cò vạc bay về rợp trời, cứ như tràm chim ở trong nam mà tôi xem tivi sau này. Sở dĩ vườn nhà ông thành thành vườn cò vì ông cấm bắn chim, cấmđánh bẫy, nên chúng mới tập trung nhiều như thế. Còn những khu vườn khác xung quanh thì chẳng có con nào. Mới hay rằng, chim khôn đậu nóc nhà quan.Về ông Tổng Mại, sau này tôi mới biết tên thật của ông là Nguyễn Mạnh Viện, một cán bộ Lão thành cách mạng.Ông là anh ruột của ông Nguyễn Đình Mai (Học Mai) , bí danh hoạt động là Lam Kiều. Ông bị giặc Pháp xử bắn tại trường bắn Trường Đình (Yên Lộc) vào năm 1933).

 Còn ông Tổng  Thuyên nhà không giàu.  Nhưng ông có một vị thế khác mà mọi người không có được. Ông Tổng là cháu trực hệ đời thứ 7 của Đình nguyên Thám hoa Phan Kính.  Tên ông là Phan Doãn Thăng, là người nhiều chữ nhất quê tôi. Tổng ở đây không phải là chánh tổng, mà là Tổng văn, là người lo việc lễ nghi tế tự ở Văn Miếu hàng Tổng, quê tôi gọi là nhà Thánh, là nơi thờ tự các bậc khoa bảng đỗ đạt từ Cử nhân trở lên  ngày xưa. Văn Miếu đó ngày nay vẫn còn, hiện ở cạnh Trụ sở UBND xã Kim Song Trường, tại Chợ Tổng.

Vậy là cha tôi mang một be rượu, một cơi trầu (lễ vật có tính tượng trưng) đến nhà ông để nhờ ông đặt tên cho tôi. Ông Tổng hỏi ngày giờ sinh (âm lịch) rồi ông bấm đốt ngón tay, chắc là để tính tương sinh, tương khắc gì đấy, rồi  Ông đặt tên cho tôi là Kha. Trong chữ Hán có nhiều chữ Kha, đây là chữ Kha trong tên ông Mạnh Tử  (Mạnh Tử vốn tên là Mạnh Kha) một nhà triết học Cổ đại Trung Hoa. Không hiểu khi ông đặt tên cho tôi, ông có kỳ vọng sau này tôi sẽ trở thành nhà triết học như  ông Mạnh Kha hay không? Chỉ biết rằng sau này tôi rất kém môn triết học và các loại triết thuyết, triết lý.  Ông Tổng mất và khoảng năm 1948- 1949,  vì vậy, khi tôi hiểu biết và nhận thức được thì tôi đã không còn nhìn thấy ông trên đời, không còn được gặp ông để cảm ơn ông, người đã cho tôi cái tên đi suốt cuộc đời mình.

Trong dòng họ không ai đặt tên lót. Tên tôi ghi trong giấy khai sinh, trong sổ họ chỉ là Phan Kha. Suốt thời kỳ học cấp 1 cấp 2 ở quê, tên tôi chỉ có 2 chữ như vậy. Mãi đến khi lên cấp 3, tự nhiên tôi thích đệm thêm tên lót là Duy vào giữa. Thế là thành tên cho đến mãi sau này. Mà không hiểu vì sao việc thay đổi thêm bớt tên ngày ấy lại dễ thế. Cả 3 năm cấp 3, tôi đều khai tên là Phan Duy Kha, và  khi nhận bằng Tốt nghiệp Phổ thông Trung học  cũng  ghi tên này. Sau này đi học Đại học rồi ra trường về cơ quan cũng đều dùng tên này mà không cần phải  một thủ tục đính chính gì cả, cũng chẳng phải sửa giấy tờ khai sinh gì . Bây giờ cũng chẳng biết vì sao lúc ấy lại dễ thế?

Sau khi đã có tên  thì cha tôi đi khai sinh cho  tôi. Theo lệ thường ở quê ngày ấy, khi đi khai sinh cho con, cha mẹ đều khai sụt đi  1-2 tuổi , đề phòng trường hợp sau này có học đúp (học lại ở một lớp nào đó) thì cũng không bị quá tuổi. Thế là tôi

được khai sút đi 1 tuổi, thành năm 1946. Còn ngày sinh? Đó là ông lấy ngày Phật đản (8/4) làm ngày sinh cho tôi, cho dễ nhớ. Thế là tôi có ngày sinh là 8/4/1946. Ngày tháng này đi theo suốt cả cuộc đời tôi. Bởi vì việc thay đổi ngày tháng năm sinh là vô cùng phức tạp, không phải tự nhiên mà thay đổi được. Mà thực ra cũng chẳng cần thay đổi mà làm gì. Trước sao sau thế. Miễn sao ngày tháng năm sinh trong tất cả hồ sơ giấy tờ không vênh nhau là được rồi.  Tôi thấy có người chỉ vì ngày tháng năm sinh trong chứng minh thư, trong sổ hộ khẩu, trong hồ sơ lý lịch mỗi nơi một khác, mà gây ra  những rắc rối, phiền phức sau này, mỗi khi đụng đến hồ sơ, giấy tờ. Có người đã từng phải quay lại nơi chôn nhau cắt rốn ngày xưa, cách đây đến 60- 70 năm để xin làm lại giấy khai sinh!

 

 

3. NHỚ LẠI  MỘT THỜI  CẢI CÁCH  RUỘNG ĐẤT  (CCRĐ)

Năm 1955, Đội CCRĐ về quê tôi. Lúc này tôi đng học lớp 3 và đang sinh hoạt trong Đội thiếu  nhi. Là học sinh lớp 3 nhưng cũng hoạt động ra phết. Nào là biểu tình, diễu hành rước “quả thực”, nào là viết khẩu hiệu cổ động phong trào. Không phải chỉ viết khẩu hiệu treo trước cửa nhà mình đâu nhé, mà là viết cho cả xóm. Hòa vôi vào một bát  nước to làm “mực trắng” để viết. Chặt một cành tre bánh tẻ to bằng ngón tay, đập dập một đầu để làm bút, cứ thế đi khắp xóm. Đến nhà nào cũng nói:  “Ông bà, chú bác cho con mượn cái nống để viết khẩu hiệu” . Thế là nhà nào cũng sẵn sàng đem cho mượn. Hoặc là nống (nong), hoặc mẹt (nia).Khẩu hiệu  có những  câu: Nhiệt liệt chào mừng đội cải cách về xóm ta;  Đả đảo địa chủ cường hào đại gian đại ác; Có khổ nói khổ nông dân vùng lên, rồi còn mấy cái “muôn năm” nữa. .. Nong, nia của nhà nào thì treo trước cửa nhà ấy. Viết như thế nào đó để cho ngõ 2 nhà liền nhau thì khẩu hiệu không trùng lặp nhau. Thế là đi đến đâu cũng thấy khẩu hiệu. Tất cả đều là do thiếu nhi viết. Khí thế lắm. Sau này tôi đi về nhiều làng nhưng không ở đâu có kiểu khẩu hiệu viết trên nong nia như  ở quê  tôi hồi ấy.

Còn rước “quả thực”  là sau khi đã tiến hành đấu tố, địa chủ đã cúi đầu nhận tội thì đội cải cách quyết định một ngày nào  đó, tổ chức cho dân quân đến nhà tịch thu của cải của địa chủ đem về cất vào kho, sau đó thì chia cho dân ngèo. Việc chuyển của cải tịch thu được đó đựơc gọi là rước quả thực. Hôm rước quả thực, Đội thiếu nhi đi trước, cờ trống rợp trời, hô vang khẩu hiệu  (để lấy khí thế), dân quân đi sau. Khi đến nơi, thiếu nhi đứng ngoài, dân quân vào tịch thu của cải, gồng gánh, khiêng vác mang về. Thiếu nhi lại đi trước, đoàn khiêng vác lại đi sau. “Quả thực” nói nôm na là thành quả do đấu tranh mà thu được.

Người ta bảo ông đội to lắm, thét ra lửa, “nhất đội nhì giời” cơ mà. Nhưng riêng ông đội về xóm tôi thì bình thường. Nói năng nhỏ nhẹ, ông mặc bộ áo quần nâu, suốt ngày nhai trầu bỏm bẻm, trông như một lão nông. Ông ở nhà chú Cháu Em, một bần nông ở cạnh nhà tôi. Vì vậy thỉnh thoảng ông cũng lên nhà tôi chơi, nói chuyện với cha tôi. Không hiểu vì ông hiền lành, thật thà hay vì xóm tôi ai cũng nghèo  mà không tìm ra một ông địa chủ nào cả. Có chăng chỉ vài ông phú nông, nhưng các ông rất hiền, nên chẳng bị đấu đá gì.

Hồi ấy cả làng Phúc Lộc chỉ tìm ra được 2 địa chủ. Một  là gia đình  Bà Tổng. Bà cũng chẳng giàu có gì, ba người con trai đầu của bà đều đi theo cách mạng, thoát li gia đình, làm việc cho nhà nước. Có lẽ người ta cho rằng, ông Tổng là dòng dõi của một vị Thám hoa nên gia đình ông phải là địa chủ phong kiến chăng. Một gia đình địa chủ nữa là gia đình ông Lan. Nhà ông cũng chỉ có dăm ba mẫu ruộng là cùng, bản thân ông cũng hàng ngày đầu tắt mặt tối ngoài đồng, chứ có bóc lột ai, có chỉ tay năm ngón, có “ngồi mát ăn bát vàng” bao giờ đâu.  Sau sửa sai, cả hai gia đình đều được quy lại thành phần cả. Mà hình như họ cũng chẳng bị đấu tố gì. Hoặc cũng có bị đấu mà tôi không biết.

Người bị đấu tố nhiều nhất trong thôn lại là ông Phan Xuân Quế, nguyên Chủ tịch xã. Ông Quế  ở quê thường gọi là ông Dục (gọi theo tên con) cùng “làm việc xã” với cha tôi nên thỉnh thoảng ông có đến nhà tôi trao đổi công việc, vì vậy mà tôi thường gặp. Ông người xương xương, da ngăm ngăm, có giọng nói trầm ấm, lôi cuốn người nghe.  Có một hôm tự nhiên ông chỉ vào tôi  rồi bảo cha tôi: “Anh à, thằng ni rồi còn tiến xa”. Tôi ngồi nghe cứ ngớ  người ra, không hiểu vì sao lại tiến xa, và tiến xa là tiến đi đâu?

Trước khi đội cải cách về thì ông đang làm chủ tịch xã. Nhà ông cũng nghèo, mức sống chỉ bần nông, hay trung nông là cùng. Thế nhưng ông lại bị quy là hoạt đông Quốc dân đảng. Trong một cuộc hội nghị đấu tố ở nhà thờ ông Nuôi Văn (hồi ấy hội họp toàn nhờ vào nhà dân, chứ không có nhà sinh hoạt cộng đồng) . Không hiểu sao hôm ấy tôi cũng có mặt. Ông bị điệu lên trước mọi người. Rồi người này, người kia lên đấu tố. Những người đấu tố ông là những người không hề hoạt động gì, mà toàn là nững người ở đâu, xa lạ, tôi không biết. Họ thấy ông hoạt động đi sớm về hôm thì cho rằng ông hoạt động cho địch, là Quốc dân đảng. Ai lên đấu cũng dúi vào trán ông một cái thật mạnh rồi kể tội ông. Ông đứng yên cho người ta đấu, mà không được nói gì, mồ hôi vã ra, người run run. Trông rất thương.

 Khi đã đấu gục ông chủ tịch, giải tán các cơ quan đoàn thể hoạt động trong kháng chiến, người ta tiến hành bầu lại ban lãnh đạo mới. Không hiểu sao cuộc họp bầu lại chủ tịch xã mới tôi cũng có mặt . Cuộc họp này diễn ra tại nhà thờ ông Cu Tam hay Đồ Huề gì đấy. Có khoảng vài chục người tham gia. Cuộc họp toàn bần cố nông là rễ chuỗi cùng các ông đội. Người ta giới thiệu ông Lê Tứ một cố nông suốt đời đi ở làm chủ tịch xã. Cũng bỏ phiếu kín hẳn hoi. Người ta phát phiếu bầu cho từng người. Một ông trong ban tổ chức, hình như là một ông đội, cầm cái mũ, ngửa ra, đi đến từng người, mọi người cứ thế bỏ phiếu bầu vào mũ. Kiểm phiếu ngay tại trận. Kết quả ông Lê Tứ đạt 100%  số  phiếu bầu. Thế là ông trở thành chủ tịch xã. Làm chủ tịch xã nhưng hình như ông chẳng làm được gì, vì không có trình độ. Ngay cái chữ ký ông cũng mới được học để ký vào các văn bản. Mấy tháng sau, cuối năm 1955, đội sửa sai về, ông Tứ mất chức. Ông Phan Xuân Quế, người lãnh đạo có trình độ lại  trở lại vị trí Chủ tịch xã.

Còn có một chuyện đáng nhớ nữa trong CCRĐ. Đó là người ta mở một cuộc  triển lãm tuyên truyền về thắng lợi của CCRĐ. Địa điểm mở triển lãm là Nhà Thánh tức Văn miếu hàng tổng ở quê tôi, nơi thờ các vị khoa bảng của cả tổng. Nhà Thánh bây giờ hãy còn, nằm cạnh trụ sở UBND xã . Nhưng không hiểu sao Nhà Thánh ngày ấy quay mặt về hướng đông, nhìn ra Núi Cài, còn bây giờ thì lại ngoảnh mặt về hướng Tây. Hồi ấy cha tôi đang là Thường vụ Xã ủy, phụ trách Nông hội, tương đương như Chủ tịch Hội nông dân bây giờ .(Viết đến đây, tôi xin được tỏ lòng cảm ơn anh Đào Hùng, nguyên bí thư Đảng ủy xã Song Lộc, đã tìm hiểu hồ sơ, tư liệu lưu trữ tại UBND Huyện Can Lộc,  về quá trình hoạt động của cha tôi và đã cung cấp cho tôi  một tư liệu rất có giá trị đối với gia đình tôi). Vì là phụ trách nông hội nên  cha tôi được phân công trông coi cái nhà triển lãm ấynên tôi cũng có dịp đến xem. Ở đó trưng bày những của cải, đồ dùng tịch thu được của địa chủ mà lúc ấy gọi là “quả thực”. Bây giờ cũng chẳng nhớ được những thứ gì nữa, chỉ nhớ có cái ống nhòm, được cho là của địa chủ để đi trông coi ruộng đất. Người ta giải thích rằng, vì địa chủ nhiều ruộng nên phải có ống nhòm mới bao quát hết ruộng đất của mình. Không hiểu ruộng đất của địa chủ ở nơi khác thì thế nào, chứ ở quê  tôi thì ruộng của địa chủ xen kẽ với ruộng của nông dân, nếu muốn đi xem ruộng thì phải đến tận ruộng của mình, chứ đâu có thẳng cánh cò bay mà nhìn ống nhòm! Cái ống nhòm của địa chủ đó, mọi người đến xem triển lãm ai cũng  được xem. Nó kéo người gần lại, phóng to lên, nhìn ngọn núi Cài ở xa cứ lừng lững trước mắt. Nhìn ra cánh đồng thấy mọi người dang làm đồng , trâu bò đang gặm cỏ, rất vui mắt. Đó là lần đầu tiên tôi được biết đến cái ống nhòm!

À, còn một bức ảnh mà tôi nhớ mãi. Đó là bức ảnh phóng to,  tố cáo tội ác dã man của địa chủ Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên. Mụ địa chủ này đã cho chẻ nứa bó thành  bó rồi bắt nông dân ôm bó nứa tụt từ trên cao xuống  cho cứa rách cả thịt da. Xem ảnh cứ ghê cả người, ai xem cũng căm thù tội ác của địa chủ.  (Thực ra, sau này đọc sách mới biết bà Nguyễn Thị Năm là ân nhân của cách mạng, Bà đã nuôi hàng trung đoàn quân vệ quốc trong suốt cả thời kỳ Kháng chiến chống Pháp. Nhà bà là địa chỉ đi về tin cậy của các cán bộ cao cấp của Đảng và nhà  nước như các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt... Nhưng khi tiến hành CCRĐ, bà bị quy là địa chủ và bị bắn vào năm 1953. Đây là người đầu tiên bị bắn trong CCRĐ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét