Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

ANH HÙNG LIỆT SĨ- - ĐẠI TÁ NGUYỄN XUÂN LỰC

 

ANH HÙNG LIỆT SĨ –

ĐẠI TÁ NGUYỄN XUÂN LỰC

.

Phan Duy Kha

1. TỪ NGƯỜI NÔNG DÂN TRỞ THÀNH ANH HÙNG.

Các bạn Fb khuyến khích tôi nên có một bài viết về Anh hùng Nguyễn Xuân Lực, một người con tiêu biểu của quê ta. Tôi cứ chần chừ mãi. Không phaỉ ngại viết mà vì tôi có rất ít tư liệu về ông. Chỉ có mấy dòng trên Từ điển Hà Tĩnh của Bùi Thiết. Trong Lịch sử Song Lộc, ông chỉ được ghi một dòng như biết bao Liệt sĩ khác. Truy cập vào trang mạng google bổ sung thêm được một ít nữa. Thôi thì biết đến đâu viết đến đó vậy. Mọi người xem rồi bổ sung thêm.

Còn nhớ năm ấy là năm 1956, CCRĐ đã hoàn thành . Ngừơi dân nghèo vui mừng vì đã có ruộng cày. Nhưng cũng không ít gia đình đau thương vì bị oan sai và đang tiến hành sửa sai. Một hôm cha tôi đi làm việc trên Uỷ ban hành chinh (UBHC) xã về cầm theo một tờ báo Nhân Dân. Cha tôi thường hay mượn báo về như thế cho các con xem, hôm sau lại mang giả. Hồi đó báo hiếm lắm. Chỉ ở UBHC xã mới có. Đó là một tờ báo ra số đặc biệt, mà các đề mục in chữ đỏ còn tươi màu mực, đưa tin về việc nhà nước vừa phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trên báo, ngay đầu trang một có in một tấm ảnh to, chụp cảnh Bác Hồ đang gắn Huân chương cho các anh hùng vừa được phong tặng (Trong bài báo Trong cõi bất diệt của người anh hùng, Nhà báo Nguyễn Quốc Trung trên báo Quân đội nhân dân qdnd.vn ngày 26/8/2014 cũng có nhắc đến bức ảnh này ). Ảnh chụp cận cảnh nên nhìn rõ mặt từng người . Mọi người trầm trồ nhận ra ngay người anh hùng đứng gần Bác nhất chinh là Anh hùng Nguyễn Xuân Lực quê ta! Khỏi phải nói, mọi người vui mừng phấn khởi như thế nào. Bởi vì ngày ấy việc phong anh hùng còn rất ít, Người được phong đã vinh dự lắm, lại được đứng cạnh Bác, được in hình lên báo, thật không còn vinh dự nào bằng ! Vì vậy, Nguyễn Xuân Lực nổi tiếng ở quê ta ngay từ ngày ấy. Đó là ngày 7/5/1956, đợt phong Danh hiệu anh hùng thứ 2 ( Đợt 1 phong tặng năm 1952, chỉ có 4 Anh hùng quân đội được phong là La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên và Cù Chính Lan). Sau này, tôi có ý tìm lại bức ảnh này nhưng không thấy (kể cả trên mạng)

Nguyễn Xuân Lực sinh năm 1927 tại thôn Tam Đình xã Song Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Thôn Tam Đình là một thôn đặc biệt. Nó vốn là một nửa làng Nguyễn Xá xưa (Làng Nguộn gọi theo cách dân gian). Một nửa được tách về Trường Lộc từ năm 1953, nửa còn lại thành thôn Tam Đình . Một thôn nhỏ mà có đến hai người nổi tiếng của thời đại chúng ta. Một là GS. Nguyễn Đình Tứ, nhà khoa học Vật lý hạt nhân hàng đầu, mà tôi đã có một bài viết giới thiệu ) và người thứ hai,đó chính là Anh hùng Nguyễn Xuân Lực,người cũng làm rạng danh cho quê hương ta.

Thuở nhỏ,gia đình Nguyễn Xuân Lực thuộc diện nghèo. Vì vậy mà anh không được cắp sách đến trường. Thực ra thì hồi trước cách mạng, chỉ trừ một ít con em nhà giàu, còn đa phần con em nông dân đều không được đi học. Năm 1945, cách mạng như một luồng gió mới thổi về. Lúc này Nguyễn Xuân Lức đã 18 tuổi, anh tích cực tham gia sinh hoạt thanh niên ở nông thôn, sôi nổi nhất là tham gia dân quân tự vệ, suốt ngày say sưa tập "một hai , hai môt". Mấy lần anh xung phong đi khám tuyển nghĩa vụ để nhập ngũ, nhưng không lần nào đạt tiêu chuẩn về sức khỏe. Cũng chẳng phải đòi hỏi cao xa gì đâu, mà chỉ vì anh không đủ cân lạng (khi khám tuyển, người ta quan tâm nhất đến chiều cao và cân nặng). Mãi đến lần cuối cùng, vào tháng 1/1947, anh phải lén bỏ đá vào túi mới đủ cân và trúng tuyển vào quân đội. Vào bộ đội, NXL được biên chế vào bộ binh thuộc Trung đoàn 101, Đại đoàn 325, chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên. Trong kháng chiến chống Pháp, cuộc chiến ở nơi đây diễn ra vô cùng ác liệt, đuợc mệnh danh là Bình Trị Thiên khói lửa. Trải qua 36 trận đánh, đa số là các trận chống càn, bảo vệ các chiến khu của ta, anh đã trưởng thành qua từng tận đánh:

-Trận chống càn ở Thanh Hương (1951), anh đang là một chiến sĩ

- Trận chống càn bảo vẹ chiến khu Dương Hòa (1952)

- Trận Sơn Trung (1953)

- Trận đánh giao thông trên đường 13 (1954)

- Đặc biệt là trận chống càn ngày 29/5/1954, anh chỉ huy một tiểu đội 7 người chiến đấu chống lại cả một tiểu đoàn địch,có máy bay, pháo binh yểm trợ. Lợi dụng địa hình địa vật, anh chỉ huy tiểu đội, lúc ẩn, lúc hiện, lúc tập trung đánh chính diện, lúc lại vòng đằng sau, khi thì đánh tạt sườn, làm cho giặc hoang mang không biết quân ta nhiều hay it, không biết hướng nào mà chống đỡ. Giằng co từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, ta diệt được 20 tên, phá vỡ trận càn của chúng.

Trải qua 36 trận đánh, từ một chiến sĩ bộ binh anh chiến đấu gan dạ, kiên cường, mưu trí, dũng cảm dần dần lên đến cán bộ cấp tiểu đoàn, khi được tặng danh hiệu Anh hùng vào năm 1956 !

*

2. CHIẾN ĐẤU TRÊN VÙNG ĐẤT TRẮNG

Tháng 8/1964,Nguyễn Xuân Lực được nghỉ phép về quê thăm gia đinh. Lần này ông về là để từ giã gia đình,quê hương vào Nam chiến đấu, gọi là đi B. Thuở ấy những người được cử đi B còn phải bí mật, không được thổ lộ với ai công việc của mình, kể cả cha mẹ, vợ con. Lúc này ông đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101. Để đảm bảo bí mật, ông lấy mật danh là Nguyễn Xuân Kiên. Đồng bào miền Nam thân thương gọi ông là Ba Kiên.

Lúc mới vào Nam, trung đoàn của ông đứng chân ở bắc Tây Nguyên ( Kon tum), tham gia chiến cuộc đông xuân 1964_ 1965 và đã làm nên những chiến công vang dội ở Đắc Tô, Tân Cảnh, Đắc Sut, Tu mơ rông, Măng đen.... Một năm sau, trung đoàn được lệnh vào chiên đấu tại vùng ven Sài Gòn, Gia Định, và được mang phiên hiệu là Q16. Vùng ven Sài Gòn lúc ấy giặc tạo thành một vùng vành đai trắng, trắng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Những sư đoàn thiện chiến của chúng luôn chà đi xát lại quyết không cho một đơn vị nhỏ nào lực lượng vũ trang của ta có thể đứng chân. Đó là cách duy nhất để bảo vệ an ninh an toàn cho TP.Sài Gòn, đầu não của chúng. Đơn vị Q16 đóng quân tại khu vực Củ Chi, cơ sở cách mạng của ta đã được hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Củ Chi cách thành phố Sài Gòn 30 cây số về phía Bắc. Lúc đầu là những đường hầm ngắn để liên lạc và những hầm trú ẩn để cất dấu tài liệu. Chiều dài những đường hầm, những giao thông hào đó cộng lại chỉ khoảng 17 cây số. .Đến Kháng chiến chống Mỹ ta đã phát triển thành một hệ thống đường hầm dài 200 cây số, gồm một tuyến chính rộng 0,6-0,7 mét và cao 0,8- 0,9 mét có thể khom lưng đi bộ được trong đường hầm. Từ đỉnh hầm lên tới mặt đất, chiều dày lớp đất phủ lên tới 3-4 mét, có thể chịu được sức nặng của xe tăng 40 tấn và sức công phá của bom 100 cân. Trong địa đạo có nhiều đường nhánh tới các hầm bí mật, phòng làm việc, hội trường, bệnh viện. Có nhiều cống thoát nước, lỗ thông hơi, lỗ chiếu sáng.

Đế quốc Mỹ đã dùng đủ các biện pháp để phá địa đạo: Như bơm nước, phun hóa chất độc vào địa đạo Nhưng do có nhiều ngóc ngách, nhiều đường nhánh nên không ảnh hưởng gì đến những người ẩn nấp trong đó. Đầu năm 1967 chúng mở cuộc hành quân Xeda Fon sử dụng 600 lính công binh, dùng súng phun lửa, vũ khí hóa học, xe tăng hạng nặng , 500 xe ủi đất cỡ lơn hòng "bóc vỏ trái đất" nhưng cũng chỉ phá hủy được 9 cây số đường hầm Củ Chi. Q16 và bộ chỉ huy của ông Ba Kiên, được nhân dân bao bọc, che chở, được hệ thống địa đạo Củ Chi bảo vệ vẫn đứng vững vẫn kiên cường, làm "cái đinh" thọc vào sườn chúng. Q16 đã bám trụ, bám dân, bám đất sử dụng các tuyến địa đạo để ẩn mình chống giặc. Năm 1968, trong đợt Tổng tấn công Tết Mậu Thân, Q16 của Ba Kiên đã từ Củ Chi, bất ngờ đột nhập vào sân bay Tân Sơn Nhất, phá huỷ nhiều máy bay của giặc . Có anh chiến sĩ bị thương nhưng anh vẫn hiên ngang đứng thẳng, nhả đạn vào quân thù. Cho đến khi anh chết vẫn «tựa súng vào xác trực thăng trong tư thế đang đúng bắn». Hình ảnh của anh như tạc vào không gian, tạc vào thời gian, đã trở thành hình tượng bất tử, thành "Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ" trong thơ Lê Anh Xuân. Trong thời gian này Nhà văn Quân đội Nguyễn Trọng Oánh đã đi theo đơn vị Q16 của ông Ba Kiên và đã viết nên tác phẩm văn học nổi tiếng: Tiểu thuyết ĐẤT TRẮNG.

«Bối cảnh của tiểu thuyết là vùng ven đô Sai Gòn sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Trung đòan 16 (tức Q16) do Ba Kiên chỉ huy được lệnh áp sát ven đô Sài Gòn, thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trong chủ trương chiến lược quân sự của ta. Những cán bộ chiến sĩ đã vô cùng anh dũng và thông minh, được nhân dân ủng hộ, đã bám trụ ở đây như một cái đinh đóng vào hệ thống bảo vệ Sai Gòn của Mỹ - Ngụy . Địch đã dùng cả không quân, lính dù,quân địa phương để đối phó. Trung đoàn đã chịu sự hi sinh tổn thất rất lớn, nhưng vẫn đứng vững. Ba Kiên chính là linh hồn của toàn Trung đoàn». Trích nhận xét về tiểu thuyết Đất trắng. Bạn nào có điều kiện xin hãy tìm đọc ĐẤT TRẮNG, Nguyễn Trọng Oánh, Nxb Quân đội nhân dân, ( Tập 1 : 1978, Tập 2, 1983) để hiểu thêm về ông.

Trong một lần từ phòng làm việc đến phòng điện đài để nhận lệnh (đều ở trong địa đạo Củ Chi) ông Ba Kiên không may dẫm phải mìn (có khả năng là do nội gián cài đặt) bị thương nặng. Anh em chiến sĩ đưa ông đến Viện Quân y C5 Tiền phương, Bến Dược, Củ Chi nhưng ông không qua khỏi. Ông mất ngày 1/5 Âm lịch tức ngày 4/6/1970 và được an táng tại đất thép Củ Chi.

Sau ngày thống nhất đất nước, con cháu và chính quyền địa phương đã đưa hài cốt của ông về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Can Lộc (ở xã Thiên Lôc). Bia mộ ghi: « Liệt sĩ Nguyễn Xuân Lực, bí danh Ba Kiên. Sinh năm 1927, quê quán xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Ha Tĩnh. Nhập ngũ : 1/1947, hi sinh :6/1970. Đại tá Phó tư lệnh quân khu Sai Gòn - Gia Định, hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang"

Chú thích: Năm sinh và năm nhập ngũ ghi theo tư liệu do gia đình liệt sĩ cung cấp, đúng như ghi trên bia mộ và có khác với công bố trước đây.

.

Hà Nội ngày 22/12/2022

Viết nhân ngày thành lập QĐND Việt Nam.

.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét