Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

LẦN ĐẦU TIÊN TÔI THAM GIA ĐÓNG PHIM - MỘT TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ

LẦN ĐẦU TIÊN TÔI THAM GIA ĐÓNG PHIM, MỘT TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ 
 IMG_0548
Gọi là “đóng phim” có vẻ  to tát quá. Thực chất đây là tham gia thực hiện một chương trình truyền hình. Sự việc bắt đầu từ ngày 18.2. 2016 (tức ngày 11 tháng Giêng âl). Hôm đó tôi nhận được một cú điện thoại từ một số máy lạ.
– Cháu là Hoài An, Biên tập viên kênh truyền hình đối ngoại  VTV 4 của Đài Truyền hình Việt Nam. Cháu có đọc bài viết của bác là bài “Lời ru của mẹ”, cháu muốn xây dựng một chương trình tuyền hình,tìm về nguồn cội, lấy ý tưởng từ bài viết này. Cháu muốn mời bác tham gia với chúng cháu.
Không cần suy nghĩ, tôi từ chối ngay:

– Bác không tham gia được  đâu cháu ạ. Xuất hiện trên truyền hình là phải nói, mà bác thì kém nhất là cái khoản này. Cháu tìm người khác đi.
Nhưng Hoài An bảo, chỉ tác giả “vào vai”  thì mới được. Cháu thiết tha mời bác đấy.
Trao đi đổi lại mãi, cuối cùng tôi đành nhận lời.Hoài An hẹn tôi 2 giờ chiều hôm sau đến để trao đổi cụ thể.
2 giờ chiều hôm sau (19.2), đúng hẹn, Hoài An đến nhà. Hình ảnh về cuộc gặp này, tôi đã đưa lên mạng, trong bài ĐẦU NĂM TIẾP BIÊN TẬP VIÊN HOÀI AN
Sau một lúc trao đổi, phỏng vấn, Hoài An bảo tôi:
– Cháu thấy bác nói cũng được đấy chứ, có kém cỏi gì như bác tự nhận đâu. Bây giờ cháu phải về tìm địa điểm thích hợp để làm bối cảnh. Hôm nào đi, cháu sẽ báo trước cho bác một ngày.
Thực ra thì tôi cũng không khoái cái vụ đóng phim này lắm, nên cũng chẳng thiết tha gì. Điều lo nhất của tôi là, nhỡ mình làm không đạt lại làm hỏng mất kế hoạch, tiến độ của người ta. Tôi chỉ mong Hoài An đổi ý, tìm người khác thay thế.
Nhưng rồi, 6 ngày sau, Hoài An điện thoại báo tin, hẹn : 8 giờ sáng hôm sau, bác ở nhà, cháu sẽ đến đón nhé. Địa điểm cháu chọn là Việt phủ Thành Chương. Nếu cả bác gái cùng đi nữa thì càng tốt.
Thế là động viên thêm bà xã cùng đi. Bà này có chứng say xe, nên từ trước đến giờ, tôi đi đâu cũng không dám đi theo. Lần này nghe nói đi với đoàn làm phim thì phấn khởi lắm, đồng ý ngay. Lại phải vội ra cửa hàng dược phẩm mua thuốc chống say.
8 giờ sáng ngày 26.2, Hoài An đưa xe đến đón. Cả đoàn đi một chiếc xe 7 chỗ của nhà đài, nhưng ba ghế phía sau được tháo đi để giành cho máy móc. Cả ê kíp  làm phim chỉ có 3 người. Hoài An, biên tập. Tuấn Anh, vừa đạo diễn vừa quay phim. Và một lái xe tên Phương. Tất cả đều còn rất trẻ, 24, 25 tuổi. Ba người nhà đài và 2 ông bà nhà này. Bỗng nhiên, tôi lại trở thành nhân vật trung tâm của đoàn, mà ngay khi lên xe, tôi vẫn chưa biết vai trò của mình là gì.
Lên xe, Hoài An hỏi ngay:
– Bác có cầm theo cuốn “Trải nghiệm đời người”  đi không?
– Có chứ. Không những cầm đi mà còn cầm thêm một cuốn nữa để tặng cháu.
Số là hôm trước đến nhà, tôi hỏi Hoài An cháu đọc bài “Lời ru của mẹ” ở đâu, Hoài An trả lời là đọc trên mạng. Tôi bảo là, nếu thế thì tôi sẽ cố tìm thêm một cuốn nữa để đem đi. Vì vậy, trong suốt tuần qua, tôi đã đi lùng khắp Hà Nội, cuối cùng mới tìm được cuốn sách  này, tại nơi phát hành, bị bỏ sót dưới đáy kệ sách. Cũng phải nói thêm là, cuốn Trải nghiệm đời người của tôi xuất bản từ 2009, đến nay đã 7 năm, làm gì còn trên các hiệu sách.
9 giờ 30, xe tới cổng Việt phủ.
Mua vé vào cửa mất 130 ngàn đồng / người. Vé vào cửa kèm theo cuốn sách giới thiệu Việt Phủ Thành Chương và bản sơ đồ vị trí các công trình trong Việt Phủ. Từ 9 giờ 30 đến 10 giờ, mọi người giở sơ đồ, tỏa ra đi tìm địa điểm thích hợp để làm bối cảnh cho câu chuyện. Cuối cùng, tìm đến một ngôi nhà tranh vách đất, trước sân có rất nhiều chum vại, đầu hồi treo và dựng rất nhiều dụng cụ nhà nông như cày , bừa, gàu giai, gàu sòng, nơm, hom giỏ v.v…
10 giờ thì bắt đầu vào cảnh. Tôi phải vào vai một nhà học giả, một trí thức, tìm về chốn xưa nơi nhà tranh vách đất, ngồi đưa võng và tưởng tượng lại cảnh xưa để viết bài văn trên. Lúc đầu tôi cầm bút, giả vờ ngoáy ngoáy. Nhưng không được. Tuấn Anh bảo, bác phải viết thật. Bác cứ tưởng tượng như mình về quê, bên cánh võng ru, tưởng tượng lại thời trẻ, nằm nghe mẹ ru mà viết.
Hoài An đưa cho tôi một cuốn sổ tay, bảo bác cứ viết vào đây. Phải viết như thật. Và thế là tôi ngồi viết. Cứ thế mà viết lia lịa. Nội dung bài viết chính là bài “Lời ru của mẹ”, tuy nhiên không thể hoàn toàn đúng như bài viết đã in. Để quay cảnh này, tôi đã viết đầy 5 trang giấy trong sổ tay của Hoài An. Máy quay có lia cận cảnh những hàng chữ tôi viết. Rồi bạn sẽ thấy trên màn hình. Phải nói là trên 10 năm nay, từ khi dùng máy tính tôi không còn viết tay nữa mà gõ bàn phím, nên tay rất run. Trời lại đang rất rét, nên lại càng run tợn. Bạn sẽ thấy, chữ tôi rất ngoằn ngoèo và run rẩy.
Xong cảnh ngồi bên võng viết sách lại đến cảnh ngồi bên bàn đọc sách. Bàn để ngoài sân. Lúc này là hơn 11 giờ. Trời bỗng nhiên có mấy hạt mưa. Tôi cứ ngồi giữa mưa mà đọc. Tuấn Anh đã phải mấy lần lau kính máy quay. Sau đó đến cảnh về quê, nhìn lại những đồ vật quen thuộc cũ, lòng bồi hồi, xúc động như thế nào. Đi đến đâu thì dừng lại, nhìn, hồi tưởng. Cầm cái gì, nhấc cái gì lên…Nhất nhất đều làm theo yêu cầu của đạo diễn. Cứ mỗi cảnh phải đóng đi đóng lại 3, 4 lần, toát cả mồ hôi., mặc dù trời rất rét, mà tôi chỉ mặc phong phanh một chiếc áo sơ mi, một áo len cộc tay và khoác hờ bên ngoài cái áo vét (trong lúc bà xã mặc áo bông mà vẫn kêu rét). Làm được một cảnh thì lại nghỉ tay một tý.
Cuối cùng là cảnh phỏng vấn. Tôi ngán cảnh này nhất, vì tôi thường nói không lưu loát, ngắc ngứ, hay vấp. Nhưng rồi cũng qua. Hoài An bảo, bác trả lời cũng tốt đấy chứ. Không biết khen thật hay khen động viên.
Đến 2 giờ chiều rồi mà vẫn chưa xong. Mọi người vừa đói, vừa mệt. Vất vả nhất là Tuấn Anh. Vừa đạo diễn, vừa quay phim. Vác cả cái máy quay nặng, chạy hết chỗ này đến chỗ khác, vừa phải giải thích ý đồ với tôi, để tôi thể hiện. Cũng may, bà xã nhà tôi vốn cẩn thận, trước khi đi có mang theo một hộp bánh, một hộp kẹo. Mở hộp bánh ra, mời mọi người vừa làm, vừa tranh thủ ăn cho đỡ đói. Hơn 2 giờ chiều mới xong. Như vậy vừa dàn cảnh, vừa quay phim, mất hết 5 tiếng đồng hồ liền. Tôi hỏi:
– Chương trình này của mình lên phim có được 20 phút không cháu?
Hoài An trả lời:
– Không được đâu bác ạ, chỉ được 5-7 phút là cùng. Chúng cháu vác máy đi hết nơi này đến nơi khác quay hàng tuần liền mà cũng chỉ phát được 20-30 phút thôi. Vất vả lắm.
Thế mới biết, mỗi một phút phát sóng trên truyền hình, công phu, quý giá đến thế nào !
Hơn 2 giờ 30 thì đoàn làm phim ra khỏi cổng Việt Phủ. Trên đường về, để ý nhìn sang hai bên đường xem có hàng cơm phở nào còn mở cửa thì sà vào. Tuy nhiên, từ Sóc Sơn về Hà Nội tuyệt nhiên không còn một hàng cơm, hàng phở nào còn mở cửa cả. Người ta đã bán hết và đóng cửa cả rồi. Đi các ngõ ngách của Hà Nội cũng không thấy. Mãi đến khi về đến gần nhà tôi mới thấy có một hàng cơm phở đang mở cửa. Thế là tất cả sà vào làm mỗi người một bát. 3giờ 30 chiều mới về đến nhà, kết thúc một ngày đi đóng phim, rất vất vả nhưng cũng thật thú vị.
Từ trước đến nay tôi cũng có mấy lần được lên truyền hình nhưng chỉ là phỏng vấn tại chỗ, nói dăm câu ba điều mà thôi. Đây là lần đầu tiên được theo đoàn làm phim, sản xuất một chương trình phim dựa  theo tác phẩm của mình, có dàn dựng công phu mà mình trở thành nhân vật chính. Thật là một trải nghiệm thú vị ngọt ngào trong đời.
(Chương trình này  được phát sóng vào 20h30 ngày 4.3.2016, trên kênh VTV4: Gặp gỡ khán giả VTV4. Bấm xem chương trình tại đây, phần thể hiện của Phan Duy Kha từ phút thứ 22 cho đến hết):
*
Ảnh:Từ trên xuống: 1. Tiếp BTV Hoài An
2. Đoàn làm phim tiến vào Việt phủ
3, 4, 5 :Đi tìm bối cảnh quay
6, 7, 8 : Tiến hành quay phim
IMG_0453IMG_0504IMG_0512IMG_0516IMG_0517IMG_0535IMG_0555IMG_0546


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét