Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

NHÂN NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG: THÁNG BA LỄ HỘI ĐỀN HÙNG


Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
( Ca dao)
Có lẽ trên thế giới này hiếm có dân tộc nào cả nước cùng có chung một ngày giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam ta: Ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Không ở đâu như ở nơi đây, ý thức về cội nguồn, ý thức về độc lập tự chủ của dân tộc, về Nam quốc Sơn hà lại trào dâng mãnh liệt trong ta như thế!
Thiên địa trường tồn, ức vạn niên do truyền quốc Tổ
Tinh thần bất hủ, thập bát thế giai hiệu Hùng Vương
(Trời đất còn dài, ứC  muôn năm vẫn truyền là Quốc Tổ
Tinh thần bất diệt, 18 đời đều mang hiệu Hùng Vương)
Vừa xanh lại tốt, có miếu có lăng ,hồn thiêng cha mẹ Rồng Tiên giúp đời sau không thiếu sót
Từ xưa đến nay, này non này nước, công lao tổ tông thần thánh nhớ vua trước chẳng hề quên.
Lễ hội Đền Hùng với ngày lễ chính vào 10/3 âm lịch.
nhưng hằng năm từ sau Tết Nguyên đán, rải rác từng đoàn khách đã hành hương về đất Tổ, trong đó có không ít  bà con Việt kiều ta ở nước ngoài trở về. Dân tộc ta là một dân tộc có ý thức sâu xa về cội nguồn, dù ở đâu, đi đâu cũng không quên nguồn gốc tiên tổ của mình. Càng ăn nên làm ra thì tấm lòng hướng về cội nguồn càng thiết tha và trở thành nhu cầu của tình cảm, của tâm linh. Đã có nhiều đoàn Việt kiều ta từ Mỹ, Úc, Ca na đa hành hương về đền Hùng thắp hương tưởng niệm tổ tiên, và sau đó xin một nắm đất bên mộ Tổ, một chai nước ở Giêngs Ngọc đem ra nước ngoài để thờ. Có đoàn lại về đền Hùng chỉ để xin một  ít chân nhang nơi bàn thờ Tổ để mang sang thờ phụng. Có đên đây ta mới hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng Tổ Quốc, đồng bào
Lễ hội đền Hùng  là một  ngày lễ hội mang tầm vóc quốc gia. Xưa, các triều đại phong kiến đưa vào “Điển lễ nhà nước”, hằng năm cử người về làm lễ, gọi là quốc tế.
Lễ Hội Đền Hùng trước hết là ngày giỗ Tổ. Lễ rước của các làng về đền có cả voi nan, ngựa gỗ, với ý nghĩa không chỉ muôn dân mà các loài muông thú đều quy phục vua Hùng, cùng góp công khai phá đất đai, dựng lên cõi bờ Văn Lang một thuở. Trên mâm cỗ bày cúng vua Hùng không thể thiếu bánh chưng, bánh dày là hai vật phẩm mà Lang Liêu xưa đã dâng lên vua cha bày tỏ tấm lòng hiếu kính.
Các trò chơi ngày hội đặc biệt có đu tiên và ném còn. Đu tiên làm như hình cái cọn nước của bà con vùng cao. Trên vòng đu, người ta lắp đặt 4 hoặc 6 hoặc 8 ghế ngồi đối xứng qua trục, gọi là bàn đu.
Mỗi bàn đu ngồi được hai người. Bàn đu nào xuống gần sát đất thì người ngồi lại đạp vào đất cho đu quay. Tương truyền đây là trò chơi của các nàng Mỵ Nương (công chúa) con gái của các vua Hùng xưa thường thích chơi.
Ném còn cũng là một trò chơi độc đáo. Giữa một bãi rộng, người ta dựng một cột cao khoảng 10m. Trên đỉnh cột là một vòng tròn đường kính khoảng 30 phân, được dán kín bằng giấy hồng, gọi là vòng còn. Quả còn to bằng quả cam, trong nhồi bông, ngoài tết những tua ngũ sắc.
Người chơi chia thành hai bên nam nữ, cầm quả còn tung lên vòng còn. Ai tung được quả còn trúng vào vòng còn, xuyên thủng tờ giấy là người thắng cuộc, được nhận giải thưởng. Ném còn là một trò chơi nam nữ giao duyên.
Nhiều khi, trong lúc chơi người ta không ném vào vòng còn mà lại ném cho một cô gái ở phía bên kia. Nếu cô gái cũng đồng tình với chàng trai thì bắt còn ném lại. Ném còn là một trò chơi phổ biến vào mùa xuân của các dân tộc Tày, Thái, Mường ở phía Bắc. Còn đối với người Kinh, trò chơi này duy nhất còn lại ở vùng đất Tổ, trong ngày lễ hội.
Người ta kể rằng, trước kia đồng bào Mường ở vùng xa còn đem trống đồng về dự hội. Trống được đặt lên miệng một cái hố đào sẵn, hai người đứng hai bên, dùng chày đánh thẳng vào mặt trống, gọi là Chàm thau, tiếng trống âm vang, trầm lắng. Việc đánh trống đồng, trò chơi tung còn và đu tiên, phản ánh mối liên hệ rất hữu cơ, rất khăng khít giữa đồng bào miền núi và đồng bào miền xuôi mà ở ngay đất Tổ thiêng liêng còn lưu giữ được.
Về lễ Hội Đền Hùng, ta không thể quên ghé thăm Bảo tàng Hùng Vương. Bảo tàng được xây dựng trên một quả đồi đối diện với Đền Hùng và được khánh thành vào năm 1993.Đến đây, ta sẽ gặp các di vật của thời đại các vua Hùng: Các vòng tay, xuyến đá, khuyên tai, vật trang sức… các bình, vò, bát gốm, những vật dụng trong đời sống hằng ngày; Các loại rìu, cuốc, lưỡi cày, lao, giáo, mũi tên đồng mà các quan lang cùng các trai làng đã sử dụng trong việc dựng nước và giữ nước.
Tiêu biểu nhất trong các di vật đó là trống đồng, với những nét khắc họa tinh xảo, chứng tỏ một trình độ kỹ thuật cao của ông cha ta xưa. Những hiện vật khảo cổ thuộc bốn giai đoạn văn hoá tiếp nối từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, thể hiện một tiến trình phát triển liên tục của dân tộc ta trong buổi bình minh của lịch sử .
Trẩy hội Đền Hùng, nếu có điều kiện, bạn có thể đi thăm một số vùng đất xung quanh mang đậm màu sắc truyền thuyết. Đó là làng Thậm Thình, nơi dân làng giã gạo làm bánh dâng vua; Làng Minh Nông, nơi vua Hùng dạy dân cấy lúa; Làng Cẩm Đội, nơi vua Hùng luyện quân đánh giặc; Trang Lỗ Trì, nơi vua Hùng dạy dân cách săn thú bằng lưới; Làng Lâu Thượng, nơi ở của vợ con vua. Và đặc biệt là làng Tiên Cát, tương truyền là nơi vua Hùng dựng lầu kén rể cho công chúa Ngọc Hoa.
Điều lý thú là ở đây có di chỉ khảo cổ Làng Cả nổi tiếng, được các nhà nghiên cứu cho rằng dấu tích của kinh đô Văn Lang xưa. Và một điều đặc biệt lý thú hơn, người dựng lầu kén rể cho công chúa Ngọc Hoa, hiện nay vẫn còn được nhân dân thờ phụng, không phải ở nơi đây, mà là ở một địa phương khác. Ông tên là Trương Định Xá, nay còn đền thờ ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) bên kia sông Lô. Phải chăng, sự kiện dựng lầu kén rể là có thật, và Trương Định Xá là vị kiến trúc sư đầu tiên của người Việt mà ký ức của cộng đồng còn lưu giữ được?
Trên đất Tổ Hùng Vương, mỗi bước đi ta đều gặp những địa danh gợi nhớ về một thời dựng nước, thuở vua tôi cùng săn bắn, cày cấy, cùng tắm chung một nguồn nước, cùng ngồi chung một mâm cỗ, được trải bằng lá giữa rừng.
Đất tổ Đền Hùng, nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, là điểm tựa tâm linh, là bệ phóng tinh thần cho mỗi chúng ta vươn lên, để con Rồng Việt Nam bay cao, bay xa. . .
(Trích từ cuốn NHÌN VỀ THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG của Phan Duy Kha, Nxb Lao động, 2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét