Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

THỬ VÉN MÀN HUYỀN THOẠI AN DƯƠNG VƯƠNG

Cổ Loa thành Ốc khác thường
Ngàn năm dấu tích chiến trường còn đây.
(Ca dao)
Cũng như thời đại các vua Hùng, triều đại An Dương Vương được Lịch sử ghi lại chủ yếu dựa vào truyền thuyết.Khác với thời các vua Hùng, các truyền thuyết về An Dương Vương xoay quanh một “thực thể” có thật : thành Cổ Loa. Người ta có thể thêu dệt nên huyền thoại nhưng không thể bịa ra cả một tòa thành. Thành Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) là chứng tích vật chất hùng hồn của triều đại An Dương Vương. Tương truyền Cổ Loa có 9 vòng thành, nay còn lại dấu tích 3 vòng. Thành Nội có chu vi 1,6 km, cao 5 m, mặt thành rộng 10 m, chân thành từ 20-30m . Thành giữa hình đa giác, có chu vi 8km, cao trung bình 4-5m. Trải hơn 2.200 năm bị nắng mưa bào mòn và con người tàn phá mà thành còn như thế, chắc rằng khi mới xây dựng thành phải hùng vĩ lắm ! Nơi đây, Thục An Dương Vương và triều đình của ông trị vì quốc gia được 50 năm (257- 208 Tcn)

An Dương Vương đoạt ngôi của vua Hùng
An Dương Vương Thục Phán là thủ lĩnh một liên minh bộ lạc hùng mạnh ở về phía tây bắc nước Văn Lang của Hùng Vương. Về đời Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18), triều đình suy yếu, vua lại không có con trai nối ngôi. Chính điều đó đã kích thích Thục Phán nhòm ngó ngôi báu của vua Hùng. Theo Ngọc phả Hùng Vương thì chính Hùng Duệ Vương đã nhường ngôi cho Thục Phán. Sau khi được nhường ngôi, An Dương Vương đã lập cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh mà thề rằng : “ Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời gìn giữ non sông bền vững và miếu vũ họ Hùng. Nếu sai lời thề sẽ bị trăng vùi gió dập” ( Trích Ngọc phả Hùng Vương). Ngày nay còn dấu tích cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh tại đền Thượng.
Lần tìm trong truyền thuyết, chúng ta thấy một điều hiển nhiên rằng, không phải Hùng Vương nhường ngôi cho An Dương Vương mà chính An Dương Vương đã dùng vũ lực đoạt ngôi của vua Hùng. Không phải ngẫu nhiên mà có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh cuộc chiến tranh Hùng –  Thục. Các truyền thuyết đó xuất hiện và được lưu truyền trên một diện rất rộng. Sự tích Bảo Công ở núi Sài ( Sài Sơn, Hà Tây, nay là Hà Nội) kể : Khi Thục Phán đem quân đánh vua Hùng, Bảo Công đã đem quân theo Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) đánh quân Thục. Quân Thục thua to phải chạy lên Lạng Châu. Hai tướng Trần Giới, Trần Hà theo Tản Viên lên tận Châu Mộc đánh quân Thục dọc sông Mã, quân Thục thua to đành phải rút về. Đại Hải, tướng của vua Hùng, vào chỗ quân Thục ở núi Quỳnh Nhai, đánh trống hò reo, nhử cho quân Thục đuổi theo lọt vào chỗ phục binh của Tản Viên. Quân Tản Viên bắn ra như mưa, quân Thục chết nhiều, đành phải lui binh.Ông Phan Tây Nhạc, quê ở châu Hoan (nay là Nghệ An) được Hùng Duệ Vương phong làm tướng. Khi Thục Phán nổi lên cướp ngôi vua Hùng, ông theo Tản Viên mang quân đánh Thục, lập được công to. Ngày nay, tại Thị Cấm còn đền thờ ông, mà những người họ Phan nhận là bậc viễn tổ của dòng họ mình. Còn ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng lại có đền Bảo An, thờ hai anh em là Cương Nghị, Bảo An là tướng dưới thời Hùng Duệ Vương. Hai ông đã cầm quân đánh Thục và thắng nhiều trận lớnvà được vua Hùng phong tước. Ở Bổng Điền (Vũ Thư, Thái Bình) cũng có hai anh em được Hùng Duệ Vương phong là Tĩnh Bộ tướng quân và Tạp Bộ tướng quân, đã mang quân đánh Thục và thắng nhiều trận lớn. . . Những sự tích xung quanh cuộc chiến tranh Hùng – Thục rất nhiều, trên một diện rất rộng, phản ánh một sự thực lịch sử là An Dương Vương đã đoạt ngôi của vua Hùng bằng vũ lực. Còn chuyện ông lập cột đá thề như ghi trong Ngọc phả Hùng Vương chỉ là hình thức, nhằm trấn an dư luận, vỗ yên dân chúng mà thôi. Đây là biện pháp cần thiết của một triều đại mới.
Truyền thuyết còn kể rằng An Dương Vương đã đem họ hàng tông tộc của vua Hùng về giết hết ở một địa điểm gần Cổ Loa. Theo Ngọc phả An Dương Vương và Sự tích thành Cổ Loa thì khi vua Thục xây thành, cứ xây được bao nhiêu, hôm sau lại bị phá sạch. Thần Kim Quy hiện lên cho biết: “Các vua đời trước (ở đây là vua Hùng) cùng bọn nhạc công (nhạc công của triều đình vua Hùng) bị chết đều chôn ở núi Thất Diệu, những hồn ấy từ lâu không tan, cứ lẩn khuất trong khe đá, trong hang sâu. Những linh hồn ấy có thù với nhà vua, đem thanh vắng thường họp thành từng đoàn, từng lũ đi phá thành của nhà vua”. Núi Thất Diệu gồm bảy ngọn núi nhỏ ở gần Cổ Loa. Phải chăng đây là nơi An Dương Vương đã đem hành quyết  họ hàng tông tộc của vua Hùng như truyền thuyết ở Phú Thọ đã kể lại ( có bị giết thì những linh hồn ấy mới thù vua Thục như thế, còn nếu một cuộc nhường ngôi bình thường thì sao lại bị giết, sao lại thù? ). Từ những truyền thuyết trên, ta có thể thấy rằng, An Dương Vương đã dùng vũ lực đoạt ngôi của vua Hùng. Đại Việt sử lược, cuốn sử xưa nhất của ta cũng viết: “Cuối đời nhàChu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay” . Còn Đại Việt sử ký toàn thư thì ghi cụ thể hơn: “Trước kia vua (tức vua Thục) nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương, nhưng Hùng Vương binh hùng tướng mạnh, vua bị thua mãi. Hùng Vương bảo vua rằng: “Ta có sức thần, nước Thục không sợ sao?” .Rồi Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương”.
Tất nhiên lúc này triều đình vua Hùng đã suy thoái, và sự thay thế của An Dương Vương là một tất yếu của lịch sử. Sau khi lên làm vua, An Dương Vương đã có công lớn tập hợp lực lượng kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.
An Dương Vương và bi kịch mất nước.
Truyền thuyết kể rằng, An Dương Vương nhờ có nỏ thần mà Triệu Đà mấy lần phát binh sang đánh Âu Lạc đều bị thất bại. Đà bèn giảng hòa với An Dương Vương và đồng thời cho Trong Thủy là con trai mình lấy Mỵ Châu là con gái An Dương Vương và xin được ở rể. Trọng Thủy nhờ đó mà đánh tráo được nỏ thần mang về cho cha. Khi viết về sự kiện này, các nhà viết sử đều cho rằng Trọng Thủy đã ăn cắp bí mật sản xuất vũ khí, hoặc là ăn cắp kỹ thuật quân sự của Âu Lạc (được thần thoại hóa bằng chiếc lẫy nỏ). Thật ra, không hẳn như thế. Truyền thuyết Cổ Loa và Ngọc phả An Dương Vương đều kể rằng trong thời gian ở Loa Thành, Trọng Thủy đã lợi dụng để đi xem xét mọi bí mật ngõ ngách tòa thành. Chính y đã làm một công việc đơn giản hơn nhiều mà lại rất hợp với vai trò của một tên gián điệp: Tìm hiểu sơ đồ bố phòng của ta và vị trí kho mũi tên đồng để đánh chiếm đầu tiên vì đây là vũ khí lợi hại nhất của An Dương Vương (Tức là làm mất khả năng tự vệ của quân ta.  Gần cửa nam thành Cổ Loa, tại khu Cầu Vực, vào năm 1959, chúng ta đã đào được một kho vũ khi có hàng vạn mũi tên đồng hai, ba ngạnh. Phải chăng đây chính là kho mũi tên đồng của An Dương Vương xưa bị lấp vùi?) . Trọng Thủy là một tên gián điệp lợi hại được cài vào triều đình vua Thục. Y còn dùng của cải đút lót cho các quan lại để chia rẽ nội bộ quan lại trong triều đình vua Thục. Chính An Dương Vương đã nuôi ong tay áo và bi kịch mất nước không phải nguyên nhân chính từ Mỵ Châu ! Ngày nay, một số nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ của ta thường lên án Mỵ Châu “Trái tim lầm chỗ để trên dầu, Nỏ thần vô ý trao tay tay giặc” (thơ Tố Hữu). Thật ra, Mỵ Châu đáng thương nhiều hơn đáng trách. Người chịu trách nhiệm chính trong bi kịch mất nước phải là An Dương Vương, bởi sự chủ quan, sơ suất của ông: Đã để con trai của kẻ thù vào ở ngay cạnh mình, mặc dù triều đình rất nhiều người can ngăn. Thậm chí một số đại thần vì chuyện này mà mâu thuẫn với vua Thục , phải từ quan về quê, như trường hợp tướng quân Cao Lỗ, cánh tay phải của vua Thục.
Còn về chuyện Mỵ Châu rắc lông ngỗng dọc đường thì chỉ là huyền thoại mà thôi. Nếu có như thế thật thì gió bụi mù trời (do ngựa của đoàn quân hai bên tạo nên) cũng đủ cuốn lông ngỗng bay tứ tung, làm sao mà để dấulại được !
Sự thật là sau khi mất Loa Thành, An Dương Vương cùng triều đình đã chạy vào Nghệ An lập căn cứ kháng chiến. Và khi quân Đà tấn công vào đây, thế cùng, An Dương Vương đành nhảy xuống biển tự vẫn (Truyền thuyết thần thoại hóa bằng chi tiết cho ông cầm sừng tê rẽ nước đi xuống biển) . Trước khi chết, không để con gái rơi vào tay giặc, ông đã giết Mỵ Châu. Còn Trọng Thủy, sau này do ân hận mà chết. Về sự kiện Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc, Sử ký Tư Mã Thiên ghi rất sơ sài: “Đà nhân đó dùng vũ lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình”. Phải chăng chi tiết “đem đồ đạc, của cải đút lót” trong Sử ký là để chỉ sự việc Trọng Thủy mua chuộc, chia rẽ nội bộ triều đình vua Thục ?
Triệu Đà sau khi thu phục được Âu Lạc, lên làm vua đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu, Trung Quốc), đặt tên nước là Nam Việt. Lịch sử không ghi Đà có mấy con trai, nhưng khi Đà chết (137 Tcn) thì truyền ngôi cho Triệu Hồ (tức Triệu Văn Vương) là cháu nội của mình. Đại Việt sử ký toàn thư ghi Triệu Hồ chính là con trai của Trong Thủy (tất nhiên không phải với Mỵ Châu). Phải chăng Triệu Đà cũng chỉ có một con trai và Trọng Thủy đã có vợ con ? Y lấy Mỵ Châu đơn thuần chỉ vì nhiệm vụ gián điệp mà cha mình giao cho? Và y đã đóng kịch rất giỏi. Còn Mỵ Châu vì quá ngây thơ, cả tin nên đã yêu y hết lòng! Dù sao đây cũng là bi kịch lịch sử đầu tiên và lớn nhất của dân tộc ta. Chính nó đã dìm dân tộc ta vào suốt hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Bài học đầu tiên và cũng là lớn nhất rút ra từ bi kịch  An Dương Vương đó là, sống cạnh một anh láng giềng  khổng lồ và luôn có dã tâm thôn tính thì phải hết sức cảnh giác. Môi răng đấy nhưng cũng có thể cừu thù ngay! Mặt khác phải cố kết lòng người. Tại sao giặc có thể đuổi dài An Dương Vương từ Cổ Loa vào tận đến Nghệ An, mà không bị quân và dân ta tập kích giết chết? Chính vì An Dương Vương đã để mất lòng người, nên bị người dân quay lưng lại. Không có tòa thành nào bằng sự cố kết lòng dân. Sau này, vào đầu thế kỷ 15, cha con Hồ Quý Ly bị giặc đuổi dài trên đất ta, để rồi cuối cùng bị bắt ở Thiên Cầm (Hà Tĩnh) cũng chính là phạm phải sai lầm của An Dương Vương là để mất lòng dân đấy thôi. / .
( Trích từ cuốn Nhìn lại lịch sử, Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vỹ, Nxb Văn hoa- Thông tin, 2003)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét